Sắc màu hai câu chuyện thời sự
(VOV)-Không biết là ngu. Nhưng biết mà không tránh là tăm tối. Người ta có thể tăm tối vì nhiều lý do. Tối mắt vì tiền, tối dạ vì nhẫn tâm...
Câu chuyện thứ nhất, Lễ khai ấn Đền Trần (thành phố Nam Định) diễn ra vào đêm 23, rạng ngày 24/2/2013 với cảnh hàng nghìn con người giẫm đạp lên nhau nơi chốn linh thiêng. Và ngay trong đêm 24/2, là câu chuyện thứ hai xảy ra ở TP HCM, vụ nổ khiến 11 người thiệt mạng. Hai câu chuyện thời sự bi kịch này có chung một sắc màu.
Điều gì đã xảy ra khi hàng nghìn con người giẫm đạp lên nhau để ném tiền, cướp những lá ấn của nhà đền? Nếu như cho rằng, cái sự thụ lộc ấn nhà đền là một nét văn hóa thì người ta sẽ không thể có những hành vi phi văn hóa như vậy.
Nếu như cái sự ham ấn được dẫn dắt bởi ý thức tâm linh thì người ta không thể đạp đổ cả hàng rào bảo vệ đền, chửi thề trong ngày lễ phát ấn. Bởi những hành vi đó đi ngược lại ý thức tâm linh, chẳng tiền nhân nào chấp nhận được. Người ta từ chối nhân cách, lòng tự trọng, văn hóa của mình chỉ vì hy vọng vào vận may đó đều là những người đã, đang và sẽ bước đi trên con đường quan lộ, tức là sẽ dẫn dắt mọi người.
Cảnh chen lấn, giẫm đạp lên nhau tại Lễ khai ấn Đền Trần rạng sáng ngày 24/2 |
Điều gì sẽ xảy ra khi từng tập thể, cơ quan, doanh nghiệp được dẫn dắt bởi rất nhiều những con người như vậy? Có thể câu trả lời tồi tệ nhất sẽ chưa đến ngay. Nhưng, người dân đã bắt đầu phải trả giá cho sự tăm tối đó qua những nỗi đau dường như không thể nào xảy ra.
Đó là vụ nổ xảy ra trong đêm 24/2, tại TP HCM. Tính đến chiều ngày 26/2/2013, đã có thêm 1 người thiệt mạng, nâng tổng số nạn nhân vụ nổ ở TP HCM lên con số 11. Con số nạn nhân có thể khiến nhiều người bàng hoàng vì đây là vụ nổ tệ hại nhất xảy ra trong một khu dân cư. Song, điều đau đớn hơn là ở chỗ vụ nổ này đáng lẽ không thể xảy ra, và không có ai phải mất mạng vì một tai nạn vô lý đến như thế.
Ông Lê Minh Phương, Giám đốc Công ty Lạc Việt, chủ nhân của khối thuốc nổ không định gây ra vụ nổ này. Đã đành! Bởi chính ông, cùng với vợ con mình cũng là nạn nhân. Nhưng đây cũng không phải một câu chuyện sơ ý, không may. Bởi việc tàng trữ thuốc nổ như thế là trái phép. Và bởi ông Phương là một chuyên gia về khói lửa nên không thể không biết hậu quả của việc trữ thuốc nổ trong nhà. Vậy Và nguyên nhân là sự tăm tối!
Chỉ có sự tăm tối mới khiến người đàn ông đó để cả gia đình mình ngủ trong căn nhà chứa thuốc nổ cùng với niềm tin rằng tai họa có thể xảy ra ở đâu đó chứ không phải trong ngôi nhà của mình. Và tai họa được dẫn lối không phải chỉ riêng bởi sự tăm tối của một mình ông Phương.
Điều gì sẽ xảy ra khi một trong số hàng nghìn cây xăng nằm lọt giữ khu dân cư đông đúc trong các thành phố của chúng ta cháy, nổ? Chắc chắn, thảm họa sẽ lớn hơn nhiều so với vụ nổ nhà ông Phương! Các nhà quản lý, các cơ quan cấp phép cho những cây xăng đó tồn tại có biết điều đó không? Họ biết chứ, bởi tất cả những quy định để đảm bảo sự an toàn đã được ban hành.
Không biết là ngu. Nhưng biết mà không tránh là tăm tối. Người ta có thể tăm tối vì nhiều lý do. Tối mắt vì tiền, tối dạ vì nhẫn tâm. Và tối tăm là vì thiếu ánh sáng.
Không có ánh sáng lương tri trong tư duy của những nhà quản lý khi để thuốc nổ, cây xăng, để những cơ sở sang chiết gas, những nhà máy xả khí độc trong khu dân cư. Và chắc chắn cũng không có thứ ánh sáng tâm linh nào tỏa ra trong Lễ khai ấn Đền Trần khi người ta giẫm đạp lên nhau nhân danh niềm hy vọng.
Đó cũng là điểm chung giữa hai câu chuyện thời sự đầu năm nay./.