Sau sự cố, bệnh viện trở nên tốt hơn?
VOV.VN - Lâu nay những tiêu cực trong ngành y khiến mọi người có cái nhìn khắt khe, thiếu thông cảm với nhân viên y tế
1. Sự việc cô điều dưỡng ở bệnh viện Phụ sản Hà Nội làm rơi 5 cháu bé khi đưa đi tắm đã khép lại sau khi các cháu bé ra viện và hội đồng kỷ luật của bệnh viện họp, quyết định hình thức kỷ luật đối với điều dưỡng Vân Anh là chuyển công tác sang làm công việc không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, kèm theo cắt một số quyền lợi thi đua, thưởng.
Mức kỷ luật này được Hội đồng đưa ra, có xét đến quá trình hơn 1 năm qua điều dưỡng trẻ này có thái độ làm việc tốt.
2. Bạn học hồi phổ thông của tôi, khá thân, là bác sĩ phẫu thuật. Đôi khi tôi hẹn bạn cùng đi ăn trưa để chuyện trò, hàn huyên. Cô bác sĩ ấy thường giao hẹn: tớ sẽ đến, nhưng muộn nhé, phải mổ xong đã.
Cô ấy luôn đến muộn. Có lần tôi hỏi thăm, thì cô ấy mô tả về ca mổ vừa thực hiện, cho một người bị trâu húc gần đứt cổ, phải nối các mạch máu, tuyến nước bọt... (Và tôi lập tức không nuốt nổi chút thức ăn nào nữa !)
Nhưng vì thế tôi thán phục cô ấy lắm. Có phải ai cũng làm được như vậy đâu, cứu cuộc sống người khác không phải là công việc dễ dàng gì.
Nhưng cũng có lần thì cô ấy nhắn là không đến được. Ca mổ kéo dài đến tận chiều.
Tôi hình dung công việc của cô ấy vất vả và căng thẳng. Giờ ăn trưa và nghỉ ngơi của tôi, của mọi người, cô ấy vẫn phải trong phòng mổ.
Ngày nọ, cô ấy gọi cho tôi vào buổi tối, không khóc nhưng giọng rất buồn. Bệnh nhân hôm đó đã tử vong dù cô ấy và các y bác sĩ tham gia ca mổ đã cố hết sức.
Cả nhà cô ấy là bác sĩ, gồm cha mẹ và 3 anh em. Bố cô ấy là giáo sư. 3 anh em đều đã bảo vệ luận án tiến sĩ y khoa. Gia đình họ vốn khá giả, những cô con gái (bạn tôi và em gái bạn ấy) rất đẹp… Tôi đoán họ làm ngành y không phải chỉ để kiếm sống mà có lẽ còn vì truyền thống gia đình, chứ chắc họ đều biết, làm nghề này vất vả ra sao.
Khi các bậc cha mẹ bàn về việc hướng nghiệp cho con em mình, không ít người đã muốn hướng cho con vào ngành y, vì “không lo thất nghiệp, thu nhập lại cao”. Như năm nay, muốn vào trường ĐH Y thì mỗi môn thi cũng phải hơn 9 điểm.
Thế nhưng, trên một diễn đàn mạng, cũng có bậc cha mẹ đổi ý: “Thôi, không cho con học ngành y nữa. Vào bệnh viện thấy làm bác sĩ… chán, suốt ngày phải nhìn những khuôn mặt nhăn nhó đau khổ, nghe tiếng kêu than của bệnh nhân, ngửi những mùi… bệnh viện. Đời người có được bao lăm, chọn nghề chỗ nào trong môi trường… tươi đẹp thơm tho, cho đỡ khổ!”.
Ngay cô em họ của tôi, vốn học trung cấp Y, đã không trở thành nhân viên y tế sau một lần đi thực tập ở bệnh viện. Lần đó, có bệnh nhân tử vong, người nhà bệnh nhân đau buồn quá, quy trách nhiệm cho y bác sĩ không tận tình cứu chữa; mà người nhà ấy không may lại là “tay anh chị”, liền vác dao đến tìm y bác sĩ để “hỏi tội”.
Ấn tượng dữ dội, huyên náo của ngày hôm ấy khiến em tôi sợ. Nhưng có lẽ lý do căn bản, khi chọn nghề, cô ấy chỉ đơn giản là có cơ hội thì học, chứ không tìm hiểu kỹ, và vì thế không thực sự yêu công việc, tâm huyêt với nghề y.
3. Một cô bạn khác của tôi, được tiếng là bác sĩ giỏi ở một bệnh viện lớn. Có hôm tôi vào bệnh viện chứng kiến cô ấy làm việc. Cô ấy điều trị cho một bệnh nhân lớn tuổi, cho ông làm các xét nghiệm và chuẩn bị phẫu thuật. Cô bác sĩ mời người nhà bệnh nhân vào để giải thích bệnh tình, hướng điều trị và các rủi ro có thể gặp.
Anh con trai bệnh nhân vào, gật gù hiểu ý, rồi đi ra.
5 phút sau, anh ta quay lại, kéo theo ông chú, em của bệnh nhân, và... nhờ bác sĩ giải thích, vì anh ta không nhớ để nói cho ông chú hiểu.
Cô bác sĩ liền bảo: thôi được, nhà ta xem còn ai cần nghe bác sĩ giải thích thì vào tất cả đây, để cháu nói một lần thôi nhé. (mà một bác sĩ điều trị cho bao nhiêu bệnh nhân, chẳng lẽ để tất cả đều chờ trường hợp bệnh nhân này).
Cô ấy còn ca cẩm: bệnh nhân nhiều lúc cũng tệ ghê. Có người khi ốm thì không chịu đi khám, để bệnh nặng mới vào viện. Có người thì ngược lại, chỉ ốm sơ sơ thì đòi làm đủ thứ xét nghiệm, rồi yêu cầu đủ thứ thuốc, không thì lại trách bác sĩ thờ ơ.
Lại nữa, khi đi khám, không mang đủ hồ sơ bệnh án của những lần khám, điều trị trước, nhiều khi làm khó cho bác sĩ điều trị tiếp theo.
"Nói thật là, có những bệnh nhân làm mình nhiều lúc khó mà bình tĩnh nổi !" - Cô ấy thốt lên như vậy.
4. "Bác sĩ cũng là người mà, cũng có những lúc bực tức, thất vọng, cáu kỉnh, sai lầm...". - Đó là chia sẻ của một nữ bác sĩ khác.
Nhưng sự nóng giận, thiếu kiềm chế chẳng bao giờ mang lại điều gì tốt đẹp. Nữ bác sĩ ấy tâm sự với tôi một kỷ niệm cay đắng trong nghề: Cô ấy bị bệnh nhân viết đơn tố là nhũng nhiễu, đòi hỏi. Biểu hiện là khi khám cho bệnh nhân, cô ấy nói năng không nhẹ nhàng. Rồi cô ấy lật từng tờ y bạ, xem đi xem lại, để... tìm xem có tờ tiền kẹp trong đó không !
"Kỳ thực tôi chỉ lật đi lật lại để xem cho kỹ từng bước điều trị trước đó, để kê đơn cho lần này, chứ không phải tìm tiền. Tôi cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm vì lời buộc tội của bệnh nhân. Nhưng sai lầm của tôi hôm ấy là đã nói sẵng với bệnh nhân, dù quả thật bệnh nhân đó thật "chảnh", đanh đá và đòi hỏi".
Làm thày thuốc cũng là làm dâu trăm họ. Người bệnh phải vào viện khi đau ốm, họ đặt mọi niềm tin, hy vọng vào bác sĩ. Lúc ấy họ rất cần được đối xử tốt, ân cần, nhẹ nhàng. Kiềm chế cảm xúc cũng là điều cần thiết, để tránh dẫn đến sai lầm. Người làm ngành y đều hiểu, phải hết sức tránh sai lầm vì có khi phải trả giá cho sai sót của mình bằng tính mạng của người khác.
5. Mặc dù thực tế y đức xuống cấp, nhưng trong ngành y vẫn còn những tấm gương sáng, những bác sĩ và nhân viên y tế có tâm, yêu nghề, hết lòng vì người bệnh. Chỉ tiếc rằng, lâu nay, vì những tiêu cực gây bức xúc mà xã hội nhìn vào nhân viên ngành y cũng khắt khe, thiếu thiện cảm hơn. Ví dụ như bác sĩ lật giở xem sổ y bạ, thì bị hiểu là "tìm tiền", cô điều dưỡng sẩy chân ngã thì bị cho là vùng vằng vì "không có tiền bồi dưỡng"...
Điều đáng nói là, những ngày sau vụ việc điều dưỡng viên làm ngã trẻ sơ sinh được dư luận quan tâm, đã có chuyển biến ở bệnh viện, như một số tờ báo (những tờ báo theo dõi vụ việc từ đầu, phản ánh những ý kiến gay gắt về thái độ làm việc của nhiều nhân viên y tế), ghi nhận. Đó là giờ đây, nhân viên y tế có thái độ phục vụ tốt hơn, tử tế hơn; và từ chối không lấy khoản tiền "bồi dưỡng" thêm từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Vụ việc xảy ra thật đáng buồn, không ai mong muốn cả, đã đem lại một khoảng thời gian dài lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi cho cả 2 phía, bệnh viện và bệnh nhân. Tuy nhiên, rõ ràng đó là bài học để những lãnh đạo, quản lý các cơ sở y tế chấn chỉnh lại hoạt động phục vụ bệnh nhân; làm được những điều thiết thực mà trước đó chỉ kêu gọi, hô hào một cách hình thức.
Ý kiến từ phía người bệnh cũng cho rằng, việc đưa phong bì, dúi tiền bồi dưỡng đã làm hư các nhân viên y tế, đó là cái sai từ phía người bệnh. Người ta hối lộ vì muốn được khám trước, không xếp hàng, muốn được ưu đãi hơn; lâu dần, tạo thành tiền lệ, đẩy tiêu cực lên thành vấn nạn.
Khi nhân viên y tế nhũng nhiễu, làm phiền người bệnh, thì tốt nhất nên phản ánh điều đó với lãnh đạo khoa, lãnh đạo bệnh viện. Thực tế không ít người đã phản ứng tích cực như vậy, và đạt được kết quả công bằng./.