Tác phẩm VHNT Việt Nam: Chưa có “đỉnh” nhưng rất lạc quan

VOV.VN -Khi “đỉnh cao” còn mơ hồ và có thể là cái đích rất xa, chưa biết khi nào đạt tới, thì “chất lượng cao” là tầm nhìn gần và rất khả thi. 

Hơn 15 năm nhìn lại, một trong những hạn chế của lĩnh vực phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam (VHNT VN) là chưa có nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao, còn vươn tới “đỉnh cao”, một phạm trù còn gây nhiều tranh cãi về học thuật và lý luận phê bình tác phẩm VHNT thì chưa có. Ít có tác phẩm tương xứng với thành tựu của công cuộc đổi mới. Còn thiếu vắng những tác phẩm sáng tạo mới mẻ, có giá trị cách tân đích thực phản ánh sâu sắc những thay đổi to lớn của xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây đó vẫn còn những tác phẩm có nội dung tư tưởng lệch lạc, chưa phản ánh đúng bản chất của cuộc sống, nhìn cuộc sống ở mặt đen tối, tiêu cực, thậm chí một số tác phẩm phủ nhận quá khứ, xuyên tạc sự thật lịch sử, cách mạng của dân tộc…

Nhưng không có nghĩa là thời gian qua, đời sống VHNT VN chỉ có những tác phẩm “trung bình”, không có những tác phẩm mang dấu ấn cuộc sống đương đại. Không thể phủ nhận hơn 15 năm qua, nền VHNT VN đã có rất nhiều tác phẩm mới mang hơi thở thời đại với những sáng tạo không ngừng, và đó chính là cơ sở  lạc quan khi tác phẩm mới đạt mức độ “chất lượng cao”, dù chưa thể đạt “đỉnh cao” để ngang tầm hay vượt trội so với những tác phẩm “vượt thời gian” đã thành “di sản” của nền văn học nghệ thuật quốc gia.

Tại Hội thảo khoa học “Văn học, nghệ thuật với xây dựng nhân cách con người Việt Nam” nhằm góp phần thiết thực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (Khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” vào tháng 10/2015 tại TP.HCM đã thêm một lần đặt vấn đề có những tác phẩm nào để đời, tác phẩm nào chói sáng, đạt tới mốc “đỉnh cao” mà nhìn vào đó ta cảm thấy niềm tự hào về nền  nghệ thuật nước nhà? Tưởng chừng khá bi quan, nhưng nhìn lại, dù “đỉnh” chưa đạt song những tác phẩm “chất lượng cao” mang niềm lạc quan không nhỏ.

Tác phẩm “chất lượng cao” mang sức sống thời đại

Năm 2015, như một cuộc hẹn tổng lực, tiếp nối các Đại hội nhiệm kỳ mới 2015-2020 của các Hội VHNT VN là các cuộc Liên hoan, Hội diễn, các cuộc thi mang tính chuyên nghiệp toàn quốc, cùng với những giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn các tỉnh thành và giải thưởng VHNT của một số cơ quan truyền thông Trung ương… Nhìn chung, tuy chưa có tác phẩm nào đạt “đỉnh cao” mang ấn tượng hay ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa nghệ thuật Việt Nam đương đại, nhưng “chất lượng cao” thì không hề thiếu vắng. Thông qua các cuộc thi, các cuộc xét trao giải trong năm hay 5 năm/lần, hay các cuộc Liên hoan Sân khấu, Mỹ thuật, Múa, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Điện ảnh, rất nhiều tác phẩm VHNT có chất lượng cao, thậm chí nhiều tác phẩm còn vượt ra khỏi biên giới VN để cùng sánh vai đọ sức với các quốc gia khác, đạt một số thành tích để thấy nghệ thuật Việt Nam không hề lạc hậu, đang dần hội nhập một cách toàn diện, không chỉ tiến tới “đỉnh cao” ở trong nước mà còn là “đỉnh cao” đối với VHNT quốc tế.

Nhìn lại những giải thưởng văn học hàng năm của Hội Nhà văn VN, Hội Nhà văn các tỉnh thành, các cơ quan truyền thông như Báo Văn Nghệ- Hội Nhà văn Việt Nam, Tạp chí VNQĐ, Bộ CA "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, Giải Văn học Tuổi 20 của báo Tuổi Trẻ, Giải thưởng Bùi Xuân Phái…, các giải thưởng văn học chuyên đề khác, đã cho ra đời một loạt các tác phẩm “chất lượng cao”, cho dù cách đánh giá khác nhau, cho dù có thể có vài ý kiến, thậm chí có nhiều ý kiến mâu thuẫn về chất lượng nội dung- nghệ thuật bút pháp, thì đây cũng là một cái nền khá vững chắc để có thể tạo nên những tác phẩm văn học “đỉnh cao” trong tương lai.

Rất nhiều tác phẩm văn học đoạt giải đã tạo “sóng”, thậm chí như sự kiện nóng khắp cả ba miền, nhiều hội thảo, nhiều tranh luận mang tính học thuật xung quanh tác phẩm được tổ chức. Nhiều tác giả sáng tác như tác phẩm cuối cùng "tử vì đạo”, để cho ra tác phẩm ưng ý nhất của mình, cũng là để dành tặng cho bạn đọc một sản phẩm “chất lượng cao”. Điều đó là một dấu hiệu để chứng tỏ, nền văn học VN đương đại vẫn đang âm thầm sáng tạo để có được những tác phẩm để đời, vươn tới “đỉnh cao” của môn nghệ thuật ngôn ngữ này. Đặc biệt, rất nhiều tác phẩm đoạt giải trong thời gian này đều có dấu ấn sáng tạo, mới mẻ, thể nghiệm phong phú, và có cuộc sống khá bền chặt trong lòng độc giả, những tiêu chí cần có của một tác phẩm đạt tới “đỉnh cao”.

Ở các ngành nghệ thuật khác cũng vậy. Dù có lúc rất vất vả và nhiều khó khăn để tồn tại, để ‘sống” và để tỏa sáng, thậm chí phải làm nhiều công việc phụ ngoài nghệ thuật để nuôi tình yêu nghệ thuật, để cống hiến những tác phẩm “chất lượng cao” đến công chúng, người nghệ sĩ miệt mài sáng tạo như con tằm nhả tơ, nhả cho đến sợi cuối cùng, để  không thành dàn đồng ca, nhưng thi thoảng vẫn có những tác phẩm ở vị trí lĩnh xướng. Tuy tác phẩm chưa đủ sức vươn tầm thời đại, ngang tầm thời đại, đạt tới ‘đỉnh cao”, nhưng đều là những thành tựu sáng giá. Điều này có thể chứng minh ở các tác phẩm điện ảnh đoạt giải qua các kỳ Liên hoan phim quốc gia.

Đặc biệt ngành Sân khấu Việt Nam, cho dù rất bấp bênh bởi nhiều cạnh tranh của các môn nghệ thuật khác, nhưng vẫn tìm cách tỏa sáng bằng những tác phẩm gây được tiếng vang trong lòng công chúng khán giả. Một loạt các cuộc Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra như: “Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015” ở Thanh Hóa, “Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015” ở Bạc Liêu, Liên hoan sân khầu chuyên nghiệp toàn quốc “Hình tượng người chiến sĩ Công an Nhân dân” lần thứ 3/2015 ở Hà Nội…

Với Múa và Âm nhạc cũng vậy, loại hình nghệ thuật đòi hỏi rất cao ở người nghệ sĩ sáng tác, giống như người bơi biển, không chỉ vượt qua những khảng cách mênh mông mà còn phải vượt qua những cơn sóng, để tác phẩm của mình vươn lên, vượt trội, như một vị trí “lĩnh xướng” ở dàn đồng ca. 15 năm qua, so với các ngành nghệ thuật khác, đúng là rất ít tác phẩm múa, âm nhạc tạo tiếng vang hay gây tầm ảnh hưởng lớn đến công chúng, nhưng cũng đã có nhiều tác phẩm có ý nghĩa và “sống” bền vững trong đời sống văn hóa nghệ thuật quốc gia. Đặc biệt qua 2 đợt Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra trong năm 2015, thấy rõ những sáng tạo đổi mới  nghệ thuật  Ca- Múa trong các tác phẩm.


Mỹ thuật và Nhiếp ảnh năm 2015 cũng mang lại nhiều lạc quan tạo đà cho bước phát triển môn nghệ thuật này trong một tầm thế mới. Đây là loại hình nghệ thuật có tính cộng đồng rất cao, và tính sáng tạo cũng không có ranh giới. Đây cũng là hai ngành  nghệ thuật có tính hội nhập cao nhất so với các ngành khác. Nhiếp ảnh Việt Nam, qua các cuộc thi chuyên nghiệp hàng năm trong nước, hay cho dù chỉ “chơi” trong một sân chơi nghiệp dư của nhiếp ảnh quốc tế như FIAP, PSA, ISF, cũng gặt hái nhiều thành công với hàng trăm giải vàng- bạc- đồng, và xem như có nhiều tác phẩm “chất lượng cao” nhất, dù tác phẩm chưa có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống văn hóa nghệ thuật cộng đồng hay xã hội, nhưng cũng là một điểm sáng. Mỹ thuật cũng tương tự, nhiều tác phẩm “chất lượng cao” đã được đánh giá như một sáng tạo mới mẻ và có thể làm nên một xu hướng sáng tác mới cho nền mỹ thuật Việt Nam đương đại. Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2015, là cuộc khoe tài khoe tác phẩm của giới nghệ thuật tạo hình sau 5 năm sáng tác, cũng là nơi phản ánh một giai đoạn phát triển mỹ thuật nước nhà, để so sánh, để điều chỉnh hay cổ vũ, động viên. Với công chúng, đây là dịp để thưởng lãm, sống trong bầu không khí nghệ thuật đậm đặc, và còn là sự công nhận của trong chính giới mỹ thuật, thúc đẩy phát triển thị trường mỹ thuật, hay vĩ mô hơn, đó là đem nghệ thuật tác động vào xã hội.

 “Đỉnh” còn xa và nên nhìn gần “chất lượng cao”

Trong Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa VIII, có ý kiến nếu ra : “Nếu có tác phẩm đỉnh cao, chúng ta có nhận ra không ?” Làm sao nhận ra, vì không thể lấy cái “chuẩn” của các tác phẩm “đỉnh cao” trước, và cũng không có gì làm chuẩn ở thì hiện tại. Vậy thì việc định giá trị “đỉnh cao” chỉ là một phạm trù tương đối và có thể bất khả thi ở thời này. Cũng như một số ý kiến khác cũng đã nêu ra: “Một tác phẩm cần có sự đồng hành qua nhiều thời đại mới có thể được coi là tác phẩm mang giá trị đỉnh cao”…. “Một tác phẩm đỉnh cao đầu tiên phải là một tác phẩm hay, được dư luận đón nhận. Còn việc tác phẩm đó có thể trở thành đỉnh cao hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như thời đại, sự tiếp nhận của công chúng… Những vấn đề này nằm ngoài khả năng của bản thân tác giả cũng như các nhà quản lý”

Khi “đỉnh cao” còn mơ hồ và có thể là cái đích rất xa, chưa biết khi nào đạt tới, thì “chất lượng cao” là tầm nhìn gần và rất khả thi. Những điều kiện để có tác phẩm VHNT “chất lượng cao” cũng là những mục tiêu mà trong các dự án kế hoạch chiến lược của các ngành VHNT VN từ 2015-2020 và tầm nhìn 2030 đặt ra, hướng tới.

Và mục tiêu tác phẩm “chất lượng cao”, trước hết là việc phải “chinh phục” được công chúng trong nước. Tác phẩm ngoài sự sáng tạo về nghệ thuật thể hiện, sáng tạo như một cách phát minh một xu hướng sáng tác mới không phải là copy hay bắt chước kiểu “cũ người mới ta”, thì phải là một tác phẩm có nội dung mang “quốc tịch” Việt Nam, chứ không phải là một tác phẩm “lai” xa lạ. Cũng như khi sáng tác tác phẩm là nghĩ đến tác phẩm dành cho công chúng Việt Nam, có tầm ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, ảnh hưởng đến xã hội Việt Nam như một thông điệp làm cho xã hội tốt đẹp hơn, góp phần vào việc nâng cao đời sống văn hóa, trình độ thẩm mỹ của công chúng Việt Nam. Tác phẩm có sức sống bền lâu, có độ lan tỏa rộng rãi, chứ không phải như sao băng, lóe sáng phút chốc rồi tắt.

“Chất lượng cao” còn là phải mang ý nghĩa phục vụ cộng đồng quốc gia, chứ không phải là sáng tác ra một tác phẩm, cho dù có thể có được những giải thưởng cao ở quốc tế, nhưng với trong nước lại như vô hình. Ngoài ra, cũng đã tới lúc phải xác định các tác phẩm VHNT VN “chất lượng cao” không phải đo bằng những tiêu chuẩn “thị trường”, mang tính phong trào hạ thấp trình độ thẩm mỹ của công chúng…

“Chất lượng cao” ở góc độ nào đó là tầm nhìn gần, có thể đạt được trong thời gian không dài. Phải chăng giới văn nghệ sĩ Việt Nam hãy vì một nền VHNT VN mà “dấn thân” bằng cả “Tâm” và “Tầm”, sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có thể xem như nền móng của những tác phẩm “đỉnh cao” trong tương lai… Tin rằng trong năm 2016, năm khởi đầu cho nhiệm kỳ mới hoạt động VHNT VN tạo đà cho những tác phẩm “đỉnh cao”, như một dấu ấn diện mạo VHNT VN thời đại để sống mãi đến các thế hệ kế tiếp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên