Tết để trở về, Tết là nguồn cội
VOV.VN - Tết cổ truyền Việt Nam sẽ không thể mất đi, không bao giờ mai một dù xã hội ngày càng phát triển trong xu thế toàn cầu hóa.
Những ngày cận Tết này, lướt báo điện tử và mạng xã hội, tôi không khỏi cám cảnh khi thấy hàng nghìn người vật vạ ở bến xe, nhà ga, sân bay…chờ về quê đón Tết. Nhiều gương mặt bơ phờ vì chờ đợi quá lâu, đói và mệt. Trên những chuyến tàu, chuyến xe thì là cảnh chen chúc, chật chội đến kinh hoàng. Có người phải trải chiếu dưới chân ghế trên sàn tàu hỏa để ngủ, có người ngồi thu lu không thể nhúc nhích suốt cả hành trình dài…Rồi đã có cả tai nạn thương tâm xảy ra với một số chuyến xe chở người dân về quê đón Tết.
Người dân hối hả lên tàu về quê trên sân ga Ga Hà Nội chiều 28 Tết Mậu Tuất. Ảnh: Phi Long
Thế nhưng bỏ qua những khổ sở, phiền hà đó, mỗi người đều lấy lại tinh thần phấn khởi khi đặt chân xuống mảnh đất quê hương, trở về đoàn tụ bên người thân trong ngôi nhà của mình.
Tôi đã rất đồng cảm và xúc động khi đọc dòng status của thủ môn U23 Việt Nam Bùi Tiến Dũng trên trang Facebook của anh: "Cả năm vắng nhà, đời cầu thủ là thế và bố mẹ vẫn nói với anh em mình là bữa cơm ngon nhất là bữa cơm có đông đủ tất cả các thành viên trong nhà. Giờ, Tết rồi, được ở bên bố mẹ là điều mong đợi nhất”. Dũng tâm sự trong video clip: “Tết thực sự chỉ có khi ở bên gia đình - nơi ấm cúng nhất mà mình có thể tận hưởng được một cái Tết trọn vẹn nhất”.
Video clip "Về nhà đón Tết" của thủ môn Bùi Tiến Dũng
Không chỉ là cầu thủ cả năm vắng nhà như Dũng, hàng triệu người Việt phải rời quê hương đi làm ăn xa hay dù đã lập nghiệp ở thành phố, định cư ở nước ngoài; từ những lãnh đạo cấp cao đến người dân bình thường nhất, Tết luôn là thời khắc thôi thúc họ trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, trở về bên gia đình và quê hương.
Những ngày cận Tết này, lướt mạng xã hội, trên news feed tràn ngập cảnh nhà nhà, người người khắp trong nam ngoài bắc, cả trong nước và người Việt ở nước ngoài cùng gói bánh chưng, bánh tét...Chẳng chỉ ở những ngôi nhà nông thôn không gian rộng rãi mà ngay cả trong những căn biệt thự “triệu đô” sang trọng hay những khu chung cư cao cấp ở thành phố, người ta cũng cố gắng thu xếp một góc sân, góc sảnh để kê gạch, bắc bếp, chất củi luộc bánh chưng. Những chiếc nồi quân dụng to đùng chỉ dùng duy nhất một lần trong năm vào dịp Tết cổ truyền.
Bây giờ, lúc nào muốn ăn bánh chưng ra chợ, siêu thị đều có, vậy tại sao mỗi người chúng ta vẫn háo hức khi một năm duy nhất được một lần gói bánh chưng? Tự tay vo gạo, đãi đỗ, thái thịt, lau rửa lá dong…, tỉ mỉ gói từng chiếc bánh rồi thức đêm, chờ đợi cả chục tiếng đồng hồ nấu bánh. Mất cả ngày trời vất vả để có những cặp bánh chưng thơm ngon nhân dâng lên bàn thờ tổ tiên và dành tặng cho họ hàng, bạn bè…Niềm vui, niềm hạnh phúc có được rất giản dị bởi “đó mới là vui như Tết”.
Người Việt ở Washington, Mỹ gói bánh chưng đón Tết xa xứ. Ảnh: Phạm Huân |
Tôi lớn lên “sau đổi mới” cách đây 30 năm, hồi đó trẻ con chỉ mong Tết để có quần áo mới, để được ăn bánh chưng, thịt gà, giò chả, bánh kẹo, được tiền mừng tuổi…Bây giờ cuộc sống vật chất đủ đầy, trẻ con thời nay chẳng màng những thứ đó, nhưng, nếu được quân quần cùng ông bà, bố mẹ gói bánh chưng thì nhiều đứa trẻ rất thích thú. Nhiều gia đình vì thế không nề hà vất vả vẫn tổ chức gói bánh chưng để giữ gìn và trao truyền cho con cháu mình những phong tục Tết cổ truyền.
Có người đã từng đề xuất gộp Tết âm lịch với Tết dương lịch để hợp với xu thế phát triển của thế giới hiện đại, có người từng kêu mệt mỏi chỉ mong “vài ba năm hãy Tết một lần”…Song với hầu hết người dân Việt, Tết cổ truyền sẽ không thể mất đi, không bao giờ mai một bởi khi xã hội càng phát triển trong xu thế toàn cầu hóa, Tết cổ truyền lại càng khẳng định mạnh mẽ hơn bản sắc văn hóa của một dân tộc. Và với tôi, Tết để trở về nguồn cội, Tết là đất nước, là quê hương…!./.
Tết đầu tiên bên mẹ của người đàn ông gốc Việt sau 43 năm thất lạc
Người Việt ở Mỹ đón Tết xa xứ, bồi hồi nhớ quê hương
Hình ảnh đầy cảm xúc ở ga Hà Nội chiều cuối năm