Tết nhớ về tấm gương mẫu mực của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
VOV.VN -Tấm gương mẫu mực của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là yêu nước, thương dân
Mùa mưa bão Miền Trung năm con Rắn đến quá bất ngờ khi cơn siêu bão thế kỷ Haiyan ngấp nghé ngoài Biển Đông. Bất ngờ đến hoảng loạn vì mới trước đó cơn bão mạnh số 10 vò nát mảnh đất chạy dài mà mỏng tang này. Dải đất cằn: “đây cồn đó biển, kia non” từ mép nước đến rừng xanh nơi hẹp nhất, mỏng nhất chỉ non 50 cây số. Có nghĩa là nếu Haiyan ập tới thì chỉ trong vài giờ cây cối, nhà cửa ở đây thành bình địa.
Nguy cấp là vậy nên Thủ tướng Chính phủ phải họp trực tuyến khẩn cấp với các ngành, các địa phương với chỉ thị nóng là huy động toàn lực để phòng tránh và hạn chế thiệt hại về người và của. Hai phó thủ tướng cùng Bộ trưởng, Trưởng ban phòng chống lụt bão Trung ương, các tướng lĩnh được phái gấp tới Miền Trung, lập Sở chỉ huy tiền phương. Người dân Quảng Ngãi, Bình Định gấp rút đào hầm chống bão như trước đây chống bom đạn.
Linh xa đưa linh cữu Đại tướng về Vũng Chùa, Quảng Bình |
Lão nông chi điền Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế bình tĩnh dỡ nhà, xếp gọn, chằng néo cẩn thận để khi bão đi qua, dựng lại mái nhà che mưa che nắng. Miền Trung xương xẩu gồng mình, chuẩn bị đối mặt với siêu bão. Cả nước hướng về Miền Trung. Trên mặt báo, trên làn sóng phát thanh, truyền hình, trên trang mạng xã hội ngập tràn hàng tít chạy dài: “lo cho Miền Trung quá”, hay “thương lắm Miền Trung ơi!”.
Thế nhưng, thật bất ngờ, siêu bão thế kỷ Haiyan khi cách đất Miền Trung vài trăm cây số liền đổi hướng, chạy dọc theo bở miển ra phía Bắc, xuống cấp thành bão mạnh đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng. Người Miền Trung thở phào, hú vía. Người ta cắt nghĩa cho sự bất ngờ này là do biến đổi khí hậu “khôn lường”. Các “mệ”, các “mạ”, các “O” đi chợ sau bão thì thầm “may mà trời còn thương” Còn người dân Quảng Bình thì nói như đinh đóng cột rằng: “May nhờ Bác Giáp che chắn!”
Lời nói của tình dân thật đạt lý. Mảnh đất bác Giáp yên nghỉ ngàn thu nằm giữa hai miền Bắc Nam của non sông liền một dải. Lưng tựa vào núi Rồng, mặt ngoảnh ra đảo Yến là mảnh đất mà theo người dân Quảng Sơn từ xưa đến nay là linh thiêng, thích hợp với huyệt mộ của những bậc khai quốc công thần, uy trấn thiên hạ. Sự lựa chọn cuối cùng của Bác Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng của mình giữa lòng đất Mẹ quê nhà không chỉ hợp với ý nguyện của muôn dân mà còn thuận theo ý Trời.
Khi Nhà nước đang chuẩn bị Quốc tang cho Đại tướng thì hàng ngàn, rồi hàng vạn người xếp hàng ngay ngắn đến ngôi nhà thân yêu 30 Hoàng Diệu để viếng người con kiệt xuất của Dân tộc, người anh hùng của mọi thời đại. Ấy là những ngày Dân tang trước Quốc tang.
Tôi chầm chậm bước đi trong đội ngũ hàng vạn, hàng chục vạn, ngót cả triệu con dân Việt. Theo bước những thanh niên áo xanh tình nguyện, tôi được ngắm nhìn những gương mặt trang nghiêm và xúc động, những bước đi từ tốn, khiêm nhường đến cõi thiêng.
Những cựu chiến binh ngực lấp lánh huân chương về đây viếng người anh Cả của đội quân bách chiến bách thắng, những người Mẹ, những người chị mãi tận Đất mũi Cà mâu. Đồng Tháp, Tây Đô, Sài Gòn Gia Định đi cùng những Mẹ Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên… Những chàng trai, cô gái mười tám, đôi mươi, những cháu nhỏ cổ quàng khăn đỏ chỉ biết Đại tướng trong trang sách, hay được người lớn kể lại. “Cả Dân tộc đang nắm tay nhau” trong ngày đau thương như nhà sử học Dương Trung Quốc ghi nhận.
Người lính già Thái Bá Dũng, từng chinh chiến trên mặt trận Điện Biên phủ, từng hăm hở kéo pháo vào rồi kiên nhẫn kéo pháo ra theo lệnh Đại tướng, từng “khoét núi ngủ hầm” đào hào chia cắt sân bay Mường Thanh, từng hả hê khi đứng trên chiến lũy chứng kiến cảnh viên tướng Đờ Cát lừng danh phương Tây một thời kéo cờ trắng đầu hàng tướng Giáp, cúi đầu trước đạo quân bất khả chiến bại, lớn lên từ 34 chiến sỹ Giải phóng quân ban đầu dựng nghiệp giữa khu rừng Trần Hưng Đạo năm nào.
Người lính già nói trong nước mắt: “Đã 40 năm, kể từ ngày nghỉ hưu, tôi chưa gặp đại tướng, nhưng vẫn thường xuyên dõi theo Người, cả việc Nước và sức khỏe. Tôi đến đây để được nhìn thấy mặt Anh Cả. Dù không được nhìn thấy Anh, nhưng cũng được tiễn Anh đi nốt chặng đường cuối cùng.”
Cụ Tô Đình Cắm, người lính già cuối cùng của 34 chiến sỹ đầu xanh tuổi trẻ năm ấy, nay đã 91 tuổi, theo con cái rời đất rừng Trần Hưng Đạo vào Đạ Terh, Lâm Đồng tư năm 1992. Hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, cụ thương nhớ khôn nguôi, khóc nhiều lắm. Giữa những ngày tiếc thương Đại tướng, phóng viên thường trú Đài TNVN tại Tây Nguyên đã ghi được tiếng nói của cụ Tô Đình Cắm: “Thương nhớ quá Anh Văn ơi!”
Edward Young, nhà thơ người Anh, cách đây gần 400 năm đã viết: “Chỉ đức hạnh vẫn giữ vẻ uy nghi trong cái chết.” Đức hạnh của Đại tướng là yêu nước, thương dân. Có chàng thanh niên người Ý, tuổi ngoài 30 đã lùi ngày về nước để được đi viếng đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh bộc bạch: “Đến đây tôi mới hiểu vì sao dân Việt quý trọng và thương yêu đại tướng đến thế. Vì ông là người vì nước, vì dân thật sự, không như ai quyền cao chức trọng mà xa dân, chỉ biết đục khoét của dân.”
Đại tướng đã nói: “Tôi sống ngày nào cũng là vì đất nước ngày đó”.
Và khi Người nằm xuống, yên giấc ngàn thu, như cây đại thụ ngã xuống, đất trời chao đảo và để lại khoảng trống không thể khỏa lấp. Rồi năm tháng sẽ qua đi, mươi năm sau, trăm năm sau lịch sử càng thấy rõ khoảng trống không gì bù đắp ấy. Lời điếu của Dân trước anh linh Đại tướng thật ngắn gọn mà hàm súc: Đại tướng của nhân dân. Nhiều người muốn đặt tên con đường đẹp nhất là đại lộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Dân.
Sự ra đi của Đại tướng được nhiều nhà báo, nhà văn gọi là chiến công đẹp cuối cùng, và cũng là sự khởi đầu. Trong lời cảm tạ của gia đình có đoạn: “Sức khỏe của Đại tướng và tuổi thọ của Đại tướng đến những ngày qua là nhờ tấm lòng của tất cả mọi người, hàng trăm, hàng triệu người dân Việt Nam, từ các thế hệ đã qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt nhất của Dân tộc đến thế hệ thanh niên, thiếu nhi chưa bao giờ biết đến tiếng bom… Đại tướng cả đời đã vì Nước vì Dân và lúc mất đi chắc chắn tinh thần của Đại tướng sẽ hòa vào hàng trăm, hàng chục triệu người dân nước Việt biến thành sức mạnh vì một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.”
Có thấu hiểu hết điều này mới thấy hết vì sao trước và sau mỗi cơn bão người dân khắp cả nước dồn về Vũng Chùa – Đảo Yến đến bên mộ phần thắp nén hương thơm cho Đại Tướng. Và trong những ngày Tết đến Xuân về, ai vào Nam, ra Bắc đều dừng chân bên Núi Rồng để tưởng nhớ vị Đại tướng của lòng Dân./.
Hà Nội – Làng Mai – Những ngày giáp Tết Giáp Ngọ