Thận trọng với ý tưởng giao Vịnh Hạ Long cho tư nhân

VOV.VN - UBND tỉnh Quảng Ninh cần hết sức thận trọng và công minh trước khi đặt lên di sản Vịnh Hạ Long cái vương miện mang tên "nhượng quyền".

1. Tôi còn nhớ rất rõ, vào năm 2004 – khi đó tôi là một cán bộ của Ban quản lý Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tổ chức kỉ niệm 10 năm Vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh, có một chuyên gia du lịch nói với tôi rằng: đã đến lúc phải tìm hình thức liên kết, cho thuê quản lí, dịch vụ Vịnh Hạ Long. Có như thế, nàng công chúa này mới thực sự trở mình thức giấc. Còn không, cứ giữ nguyên mô hình quản lí này, doanh thu từ phí tham quan và dịch vụ trên Vịnh cứ nhúc nhắc, tàng tàng, không thể phát huy hết được tiềm năng to lớn của một di sản.

Tôi trao đổi ý nghĩ này với một vài đồng nghiệp và nhận được những phản hồi không mấy lạc quan, đồng thuận. Tuy nhiên, với quan điểm của người đã làm và sinh sống trong vùng di sản, tôi thích suy nghĩ này - một cách thức cần áp dụng đối với một di sản như Vịnh Hạ Long. Tiếc rằng, tôi không phải là lãnh đạo.

Vịnh Hạ Long

Vào cuối năm 2014, tỉnh Quảng Ninh sẽ long trọng tổ chức kỉ niệm 20 năm Vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh. Tập đoàn Bitexco vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh để trình bày Đề án nhượng quyền thu phí, quản lí Vịnh Hạ Long trong 50 năm.

Đề án của tập đoàn này đưa ra làm thiên hạ giật mình. Báo chí giật mình. Người dân cũng giật mình. Nhưng tôi thì lại thấy đó là hướng đi tất yếu đối với một Di sản thế giới. Vậy là sau 10 năm, kể từ 1994, những suy nghĩ, ý tưởng tưởng là kì cục, điên rồ khi xưa, nay cũng đã khiến người ta phải suy nghĩ nghiêm túc. Nó cũng phản ánh xu thế xã hội hóa Di sản – Nhà nước và Doanh nghiệp cùng hợp tác quản lí, bảo tồn di sản - điều mà nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện. Họ gặt hái không ít thành công.

2. Vịnh Hạ Long không phải là tài sản riêng của cá nhân, tổ chức nào. Nó là tài sản của quốc gia, dân tộc và toàn thể người dân Việt Nam. Chính cung cách không công bố rộng rãi thông tin và công bố bất ngờ đó khiến người dân, dư luận nghi ngờ và có nhiều phản ứng trái chiều với Đề án này, chứ chưa chắc họ phản ứng vì chuyện một doanh nghiệp tư nhân tham gia cùng Nhà nước Bảo tồn, phát huy một di sản thế giới.

Một cách sòng phẳng, trong một xã hội dân chủ và phát triển theo nền kinh tế thị trường hiện nay, tất cả các thông tin về Đề án nhượng quyền thu phí, quản lí Vịnh Hạ Long phải được công khai và phải có ý kiến tham khảo từ người dân đang làm ăn, sinh sống và hưởng lợi trong và xung quanh vùng Di sản cùng các cơ quan, ban ngành có liên quan.

Từ đây, dư luận đặt ra những câu hỏi thiết thực: Doanh nghiệp sẽ làm gì với Vịnh Hạ Long khi được nhượng quyền quản lí, thu phí Vịnh Hạ Long? Di sản Vịnh Hạ Long và người dân, doanh nghiệp, các cơ quan ban ngành có liên quan được hưởng lợi gì khi Đề án này được kí kết?

Có nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp e ngại rằng, nếu việc nhượng quyền xảy ra thì có thể phí tham quan Vịnh sẽ tăng lên rất cao, giá dịch vụ cũng cao theo và e ngại hơn đó là sự độc quyền của doanh nghiệp được nhượng quyền quản lí Vịnh. Không cẩn thận, chúng ta sẽ biến Vịnh Hạ Long trở thành tài sản riêng của doanh nghiệp nếu như không có cách quản lí phù hợp nhất. Đây cũng là vấn đề mà UBND tỉnh Quảng Ninh cần lưu ý trước khi Kí hợp đồng Nhượng quyền quản lí và thu phí Vịnh Hạ Long với Bitexco.

Từ đây, thêm một câu hỏi về một tình huống giả định đặt ra là: Trong trường hợp doanh nghiệp được nhượng quyền làm sai, gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, uy tín, thương hiệu và cả danh dự (với trường hợp bị UNESCO thu Bằng công nhận là di sản thế giới) thì cá nhân, tổ chức nào chịu trách nhiệm? Hậu quả sẽ ra sao? Thời gian 50 năm để Nhượng quyền không phải là ngắn. Sợ rằng, khi có sự việc xấu xảy ra thì những người có quyền quyết định đối với sinh mệnh Vịnh Hạ Long đều đã về cõi vĩnh hằng.

Với tất cả những lí do đó, có thể nói rằng, việc một Doanh nghiệp tham gia cùng Nhà nước để quản lí, phát huy giá trị di sản là một hướng đi đúng đắn và cần khuyến khích, ủng hộ. Có điều, Doanh nghiệp đó sẽ làm gì, làm như thế nào, mức độ hiệu quả khai thác, bảo tồn di sản đến đâu? Di sản và người dân sẽ được hưởng lợi như thế nào… là những vấn đề cần đặt ra và trả lời một cách nghiêm túc, thấu đáo. Để trả lời được điều này, cần công khai những thông tin về Đề án nhượng quyền thu phí quản lí Vịnh Hạ Long; cần có sự tham gia, góp ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan.

Tỉnh Quảng Ninh đang đứng trước một quyết định quan trọng. Nàng công chúa xinh đẹp Vịnh Hạ Long vốn đã mang trên mình quá nhiều vương miện, lần này, UBND tỉnh Quảng Ninh cần hết sức thận trọng và công minh trước khi đặt lên đầu nàng công chúa ấy một vương miện nữa – vương miện chưa từng có tiền lệ đối với một di sản Việt Nam có tên: Nhượng quyền./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên