Thấy người bị tai nạn trên đường, có nên làm người tốt hay không?
VOV.VN - Giờ đây, khi một vụ tai nạn xảy ra, người đi đường tốt bụng đưa nạn nhân đi cấp cứu thường hay gặp phải nhiều chuyện rắc rối
Câu chuyện về em Thiện tuần qua xuất hiện trên nhiều tờ báo: Tháng 9/2012, Thiện đi xe máy về nhà sau giờ học. Đến ngã tư, một xe máy khác (do ông Lê Phước Thọ -70 tuổi, điều khiển) chạy sát gần xe em. Hai xe va vào nhau, ngã. Thiện khẳng định, em không hề đâm vào xe ông Thọ, mà ông tự ngã nhào vào xe của em. Thiện đưa ông Thọ vào bệnh viện.
Sau đó ông Thọ bị liệt nửa người. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk kết luận rằng ông bị đột quỵ liệt nửa người trái do xuất huyết não (không liên quan đến tai nạn giao thông).
Ngày 20/5/2014, TAND TP. Buôn Ma Thuột đã tiến hành xét xử sơ thẩm và tuyên em Thiện 6 tháng tù treo. Nhưng ngày 8/8/2014, TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên xét xử phúc thẩm và tuyên em Thiện 9 tháng tù giam vì tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Ngày 2/4/2015, công an đến trường học, áp giải Thiện đi thi hành án, mặc dù trước đó, gia đình Thiện đã có đơn kêu oan và xin tạm hoãn để Thiện được thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Ngày 20/5/2015, TAND Tối cao đã có quyết định Kháng nghị đối với bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Đắk Lắk, hủy bản án phúc thẩm. Theo đó, việc Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo, tăng hình phạt và không cho bị cáo hưởng án treo là không chính xác.
Em Thiện được tạm ra tù, về trường lo học hành thi cử. Phóng viên báo Tiền Phong có hỏi, sau này khi chạy xe trên đường, nếu thấy người không may đột quy, liệu có đưa họ đi cấp cứu không, Thiện vẫn khẳng định: “… nghĩ mãi cháu vẫn thấy, vì trách nhiệm và lương tâm, lỡ rơi vào trường hợp như vậy nữa, cháu không thể nào hành xử khác đi".
Trong vụ việc này, nếu em Thiện chỉ vô tình đi qua đúng lúc ông Thọ ngã, rồi vì em có lòng tốt đưa ông Thọ đi cấp cứu, để cuối cùng mang họa vào thân, thì quả là quá thiệt thòi, oan ức cho em. Nhưng nếu ngay cả khi hai bên có va chạm, thì việc em đưa ông vào bệnh viện, cũng chứng tỏ em là người tử tế, có trách nhiệm.
Diễn biến vụ việc khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi: vì sao chứng cứ y khoa của BV đa khoa tỉnh Đắc Lắc không được xem xét để chứng minh Thiện không có tội? Em ngồi tù có phải đã bị oan? Lý do gì khiến công an phải tới tận trường bắt em đi thi hành án? Mong rằng những uẩn khúc trong câu chuyện sẽ được làm rõ ở phiên tòa giám đốc thẩm. Nhưng nếu sự thật đúng như tình huống thứ nhất: Thiện đi trên đường, thấy người bị ngã ngất, đưa vào viện, và hành động làm phúc này khiến em phải mang họa vào thân: phải mấy lượt hầu tòa, ngồi tù, suýt lỡ dở chuyện học hành năm cuối cấp…; thì thật đáng buồn cho tất cả chúng ta!.
2. Người hào hiệp giúp đưa nạn nhân bị tai nạn giao thông đến bệnh viện thường gặp rất nhiều rắc rối. Họ thường bị người của bệnh viện giữ lại cho đến khi có ai đó thanh toán các chi phí cấp cứu người bị nạn. Họ sẽ “được” công an giữ, hỏi, làm rõ có phải là người gây ra tai nạn hay không. Bên cạnh đó là nguy cơ bị hành hung từ chính người nhà người bị nạn.
Không phải chỉ câu chuyện về em Thiện mà nhiều câu chuyện khác từng xảy ra khiến cho nhiều người ngày càng e ngại không dám… làm người tốt. Có thể kể ra đây vài ví dụ mà báo chí từng phản ánh.
Ngày 28/2/2013, vợ chồng anh Nguyễn Trung (TP. HCM) đi ăn đêm, thấy tai nạn giao thông xảy ra trước mặt. Một thanh niên chạy xe máy ẩu tông từ phía sau xe cô gái đi phía trước. Hậu quả là cô ngã không ngồi dậy được. Nam thanh niên không ngã và chạy mất. Thấy vậy hai vợ chồng anh Trung đỡ cô gái dậy, đưa đi viện. Trên đường đi anh kêu cô gái gọi điện cho gia đình báo bị tai nạn và đang vào bệnh viện. Khoảng 10 phút sau người nhà cô tới, gồm ba, mẹ và cậu em trai. Thấy anh đang đứng giữ xe ngay cổng, không nói lời nào cậu em trai túm cổ áo định đánh. Sau đó, vì cô gái còn tỉnh táo, nói cho mọi người rõ, gia đình nạn nhân mới hay rằng suýt hành hung ân nhân.
Khuya 3/10/2014 một vụ tai nạn giao thông xảy ra tại giao lộ Lê Lai - Nguyễn Thị Nghĩa (Q.1, TP.HCM): ô tô 7 chỗ đâm xe máy làm 2 người trên xe bất tỉnh. Một nam thanh niên đi đường thấy nạn nhân nên dừng lại cấp cứu thì bị nhiều người dân xung quanh chạy đến đánh tới tấp vì tưởng là tài xế xe “điên” gây tai nạn. Lực lượng công an phường nhanh chóng có mặt nên can thiệp kịp thời, nam thanh niên rời khỏi hiện trường, hai người bị thương nặng được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Tháng 12/2014, một vận động viên từng đoạt giải vô địch thế giới taekwondo nhiều năm đang đi trên đường đê Long Biên (Hà Nội), thấy một người đàn ông đi xe máy tự ngã xe bất tỉnh. Anh lấy điện thoại của người đàn ông này tìm danh bạ gia đình, gọi báo cho vợ nạn nhân. Lát sau vợ và con trai người này đến nơi, không cần biết chuyện gì anh con trai của người bị nạn đã lao vào tấn công anh và còn hô “cướp” để người qua đường giúp bắt giữ anh!.
Trường hợp khủng khiếp nhất từng xảy ra là vụ việc xảy ra tháng 7/2013, anh N.H.D. đưa một cháu bé tại phường Tân Tạo (quận Bình Tân, TPHCM) bị tai nạn giao thông xây xát nhẹ vào bệnh viện cấp cứu. Sau đó, anh bị 6 người nhà của em bé nhào vào đấm đá dã man khiến anh gãy cổ, tử vong. Sự việc diễn ra ngay tại bệnh viện, có nhiều người chứng kiến, trong đó có cả các nhân viên bảo vệ bệnh viện.
Thấy người bị nạn thì phải ra tay cứu giúp. Đó là đạo lý làm người. Nhưng, thử hỏi các bậc cha mẹ bây giờ có dám chắc mình sẽ dạy con, khuyên con rằng thấy người bị tai nạn trên đường thì phải đưa họ đi cấp cứu hay không? Hay chúng ta sẽ dạy con tránh xa rắc rối, tránh chuốc họa vào thân, đồng nghĩa với cách ứng xử vô cảm, “thấy chết không cứu”? Cha mẹ nào cũng muốn tránh cho con khỏi những tổn thương khi trong xã hội đang có rất nhiều điều lệch chuẩn như hiện nay.
3. Tháng trước, tại BV Saint Paul Hà Nội, tôi gặp một người đàn ông trung niên (tên là N.) bị gãy chân do tai nạn giao thông. N. kể, anh đi xe máy, rồi do cố tránh một ông già lơ đễnh, và bị ngã, không ngờ gãy luôn chân. Khi tai nạn mới xảy ra, vài người đi đường vẫy xe taxi, nhưng không xe nào chịu dừng lại chở người bị nạn đến bệnh viện. Chuyện đó giờ đây là rất phổ biến, người bị nạn đau đớn quằn quại trên đường, người đứng xem rất đông nhưng không giúp.
Ít phút sau, một thanh niên tốt bụng – người đi đường, đã quyết định dùng xe máy chở N. với chiếc chân gãy lủng liểng, vào bệnh viện gần nhất (BV Saint Paul) để cấp cứu. Việc được cứu chữa kịp thời giúp N. không bị mất chân, dù bị hoại tử phần thịt ở nơi ống chân bị gãy, các bác sĩ phải dùng phần da trên đùi vá xuống phần ống chân cho anh. Người thanh niên tốt bụng nọ sau đó đã “biến mất”, N. cũng không kịp hỏi tên tuổi và địa chỉ liên hệ để cám ơn.
Những người nghe kể chuyện về người thanh niên ấy, thảy đều khen anh ta tốt bụng và… “khôn ngoan”, vì đã bỏ đi rất nhanh, tránh được mọi chuyện rắc rối liên quan đến vụ tai nạn! (Dường như chẳng ai nghĩ anh bỏ đi có thể vì lý do khác: vì có việc vội, vì người tốt là thế- họ làm ơn không phải để được người khác cảm ơn.v.v…)
N. cứ áy náy mãi vì không sao tìm được ân nhân để tạ ơn. Vì giả sử người bị nạn cứ ngồi đó chờ, chờ mãi cho đến khi bằng một cách nào đó được đưa đến bệnh viện… thì có thể anh sẽ trở nên tàn phế, vì không được cứu chữa kịp thời.
Tôi không hỏi N. có con không, và cũng không có dịp hỏi, anh dạy con thế nào: ra đường thấy người bị nạn phải giúp, hay hãy tránh đừng “ôm rơm rặm bụng”? Nhưng tôi tin rằng sau vụ tai nạn, nếu có con, hẳn anh sẽ dạy con phải biết quan tâm đến tính mạng của người khác, bởi tai nạn có thể xảy ra với bất cứ ai (có nghĩa là với cả những người thân của những người-vô-cảm).
4. Được sống trong một môi trường tốt, đáng tin cậy là điều cần thiết cho mọi con người, nhất là những đứa trẻ. Chúng cần phải tin rằng, bất cứ khi nào, ở đâu, nếu gặp hoạn nạn, chúng sẽ được người khác giúp đỡ. Điều này có thể không, khi cha mẹ không dạy con thấy người bị nạn thì phải giúp đỡ?
Mọi người đều cần phải được biết rằng, thái độ bỏ mặc người bị nạn trên đường không chỉ là vô nhân đạo mà còn phạm pháp. Điều 102 Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
Do vậy, để không còn chuyện ứng xử vô cảm, cần phải kiên quyết đưa ra xử lý pháp luật đối với những người từ chối cứu người bị nạn. Bên cạnh đó cần tăng cường giáo dục ở nhà trường và tuyên truyền trong cộng đồng về trách nhiệm giúp đỡ người bị nạn, về cách sơ cấp cứu người bị nạn (Hội chữ thập đỏ cấp Phường xã có thể đảm nhiệm tốt việc này).
Cần tuyên dương những người đã giúp đỡ nạn nhân bị tai nạn giao thông, không làm khó dễ cho họ, và phải bảo vệ họ, xử phạt nặng những kẻ hành hung “nhầm” họ… Có như vậy chúng ta mới dần tạo dựng được môi trường sống an toàn, nhân ái./.