“Toàn quốc kháng chiến” chống Covid-19: Cuộc chiến chưa từng có tiền lệ
VOV.VN - Nếu Covid-19 là một cuộc chiến thì người Việt quả thực có ít lí do để phải lo ngại.
Tổng Bí thư hôm qua phát lệnh "toàn quốc kháng chiến".
Có lẽ đây là lần đầu tiên phần lớn dân số Việt Nam, với các thế hệ 7X đổ về sau, được nếm trải một không khí gần như thời chiến - là một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Thực ra, hầu hết chúng ta có lẽ chưa hình dung nổi viễn cảnh của những gì mình đang sống.
Đây quả thật là những ngày tháng lịch sử của nhân loại.
Covid-19 không phải là kẻ thù hữu hình nhưng tất cả các nước đều phải chiến đấu với nó. Gần 4 tỷ người, tức một nửa nhân loại không được bước ra đường vì nó.
Covid-19 không phải là kẻ thù hữu hình nhưng tất cả các nước đều phải chiến đấu với nó. Ảnh: Getty. |
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm tuyên bố phong toả nước Pháp không một lần nhắc đến từ “phong toả - confinement” nhưng 6 lần nhắc đến từ “chiến tranh – guerre”.
Thủ tướng Italy, Giuseppe Conte khi phát biểu trước Quốc hội Italy cách đây vài ngày cũng nghẹn ngào là không hình dung nổi trong thời bình lại phải nhìn các đoàn xe quân sự chở xác công dân Italy đi chôn cất vì các nhà xác không còn chỗ.
Dù ai có nói gì, đây vẫn là một bi kịch.
Thế nhưng, không ai chiến đấu với bi kịch bằng một tâm trạng u ám.
Người Italy vẫn vui vẻ hát ca để động viên nhau. Biến cố này, như nhiều người chỉ ra, lại cho thấy sức mạnh của truyền thống gia đình tại Italy, là nơi bao bọc nhau trong cơn hoạn nạn. Pasta (mì ống) và hoa quả vẫn được cho đi không tính toán trên nhiều đường phố Italy.
Người Tây Ban Nha vốn tranh cãi bao năm nay nhưng vẫn không có lời quốc ca chính thức cho “La Marcha Real” (Hành khúc Hoàng gia) thì có lẽ sau những ngày giông bão này sẽ chọn “Resistiré” (Tôi sẽ phản kháng) làm quốc ca không chính thức.
Vì đây là một trong những bài hát vang lên nhiều nhất trên các ban công ở Madrid hay Andalucia những ngày qua.
Việt Nam, sau nhiều ngày tương đối bình yên, giờ có lẽ sắp phải đối mặt cơn bão.
Nhưng chúng ta được chuẩn bị tốt hơn.
Đường phố Hà Nội vắng vẻ sau lệnh "đóng cửa" phòng chống dịch Covid-19. |
Dalia Research, một công ty truyền thông có trụ sở tại Berlin mà theo như quảng cáo là có khả năng xử lý 1 tỷ câu hỏi trên hơn 150 nước trong một tháng, ngày hôm qua tung ra kết quả khảo sát chắc là quy mô nhất từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Câu hỏi đặt ra là: Người dân đánh giá phản ứng của chính phủ nước mình với Covid-19 ra sao?
32.631 người tại 45 quốc gia đã đưa ra ý kiến.
Nhìn vào graphic, Việt Nam xếp cuối cùng.
Nhưng là về việc không hài lòng với chính quyền.
25% nói chính phủ Việt Nam đã phản ứng “too little” (quá ít). 13% nói “don’t know” (không biết), còn 62% người Việt Nam được Dalia hỏi nói rằng chính phủ Việt Nam đã hành động “đúng mức – right amount”.
Con số này cao nhất thế giới.
Nói cách khác, là người dân Việt Nam đang tin chính quyền của mình nhất trong việc xử lý cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay.
Người láng giềng nhiều duyên nợ của chúng ta – Thái Lan, chễm chệ đứng đầu.
79% người Thái nghĩ rằng chính phủ Thái đã làm quá ít.
Người Thái có lẽ có lí do để không hài lòng, vì lúc nước sôi lửa bỏng thì vị Vua của họ đang tự cách ly trong một resort 5 sao ở Bavaria bên Đức cùng 20 cung tần, mỹ nữ.
Với các nước châu Âu thì không có gì ngạc nhiên. 66% dân Tây Ban Nha và 64% dân Pháp cho rằng chính phủ nước mình đã làm quá ít.
Với Mỹ thì có lẽ cần phải tìm hiểu rõ hơn một chút để biết tại sao gần 20% dân Mỹ lại cho rằng Tổng thống Donald Trump đang làm quá đà.
Nhiều người chia sẻ suy nghĩ rằng đại dịch này là dịp để nhân loại nhìn lại chính mình và thay đổi cách mà chúng ta ứng xử với nhau.
Nhưng đó là khi nó đã đi qua.
Còn khi nó đang tàn phá khắp nơi thì hợp lý hơn có lẽ là tìm hiểu về cách thức mà mỗi quốc gia và công dân của mình liên kết với nhau để vượt qua đại nạn.
Dĩ nhiên bất cứ chính trị gia nào cũng nói rằng, sức mạnh đoàn kết của dân tộc mình sẽ chiến thắng.
Có điều là sức mạnh đó không đột nhiên sinh ra. Trong đa số trường hợp, nó được rèn đúc bởi những khổ nạn trong quá khứ.
Một độc giả Le Monde cách đây vài ngày đặt ra một câu hỏi với Frédéric Keck như sau “Ông có phân tích các nguyên nhân dẫn đến việc tôn trọng các lệnh phong toả ở các nước không? Do dân ý thức được rủi ro hay chỉ đơn thuần là tuân lệnh? Là chuyện lợi ích tập thể đối kháng với lợi ích cá nhân, do sợ virus, sợ cho bản thân, cho người thân, hay sợ cho tập thể?"
Người được hỏi, là Giáo sư lịch sử triết học, nhân chủng học, chuyên gia về châu Á và dịch bệnh tại châu Á, người có profile hoàn hảo cho bối cảnh hiện nay và cũng được truyền thông Pháp săn đón bậc nhất hiện nay, trả lời rằng lần cuối nước Pháp biết đến chuyện phong toả là từ năm 1720 khi chặn một phần cảng Marseille để ngăn bệnh dịch hạch.
Còn thời hiện đại, những người đầu tiên phong toả nhanh chóng và hiệu quả dân chúng của mình là Việt Nam năm 2003 để ngăn SARS. Theo Keck, dựa vào chính kinh nghiệm này mà các chuyên gia Trung Quốc đã cố vấn cho Chủ tịch Tập Cận Bình phong toả Vũ Hán.
Keck cũng nói thêm, rằng chẳng ai biết các ảnh hưởng tâm lý của việc phong toả sẽ như thế nào nếu không nhìn vào cách mà người Việt Nam đã sống hồi 2003, nhưng có lẽ là người Việt Nam đã trải qua nhiều thứ khác đáng để nói hơn trong gần nửa thế kỷ trước đó.
Người Việt dĩ nhiên không cần nhận xét của một học giả phương Tây để hiểu rằng cái "đáng để nói hơn" đó là gì, và mình có sức mạnh gì để vượt qua nó.
Nếu Covid-19 là một cuộc chiến thì người Việt quả thực có ít lí do để phải lo ngại.
Nhưng đây là một cuộc chiến chưa từng có tiền lệ.
Chỉ hy vọng người Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh không nghĩ rằng những gì mình đang và sắp phải phải thực hiện lại là “too much” (quá nhiều)./.