Trần Đăng Khoa: Bàn với Bộ trưởng Thăng

Tham khảo bạn bè để điều hành giao thông và đưa sự hỗn loạn xã hội vào kỷ cương. Nếu lấy ý dân, tôi tin, rất tin rằng, nhân dân sẽ ủng hộ…

Thực tình, tôi không muốn lạm bàn thêm về chuyện giao thông nữa. Bởi đó là một việc rất phức tạp. Càng bàn càng rối. Sau bao nhiêu sáng kiến, giải pháp, chúng ta vẫn chưa tìm ra một lối thoát nào thực sự hữu hiệu.

Những vấn nạn giao thông thì ai cũng đã biết rồi. Biết thuần thục đến mức, dường như tất cả những sáng kiến mới đưa ra nhằm khắc phục cũng không còn mới nữa. Chính Bộ trưởng Bộ Giao thông Đinh La Thăng, người được nhân dân đặc biệt yêu mến, vì dám đương đầu với Quốc nạn này, đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, khá mới mẻ, nhưng rồi chính ông cũng thấy việc làm của mình “không có gì mới cả”.

Trước ông, qua hệ thống truyền thông, ta biết cũng đã có khá nhiều người loay hoay tìm cách tháo gỡ. Nhưng những “sáng kiến” ấy đều dẫn đến các ngõ cụt. “Sáng kiến” thành “tối kiến”. Ví như: Cấm xe địa phương vào Hà Nội. Xe số chẵn đi ngày chẵn. Xe số lẻ đi ngày lẻ. Xe tắc xi phải bốn người mới được khởi hành… Thật kỳ quái. Nghe tếu như chuyện ở bàn nhậu. Nếu cấm xe các tỉnh vào Hà Nội, thì vô tỉnh biến Thủ đô thành ốc đảo. Và rồi các tỉnh họ cũng có quyền cấm xe Thủ đô đi qua “lãnh thổ” của họ để… “giải quyết ách tắc giao thông” thì sao?.

Nếu vận hành xe theo số chẵn lẻ, mà cán bộ công nhân viên chức ngày nào cũng phải đến cơ quan, thì chả lẽ tầng lớp viên chức nghèo ấy lại phải nhịn ăn, nhịn mặc mua thêm xe nữa, rồi lại phải tìm cách “xoay xỏa” sao cho có số biển lệch với số đã có. Còn nếu xe tắc xi chỉ được khởi hành khi có bốn người, thì trường hợp đưa người đi cấp cứu sẽ ra sao? Tìm được đủ bốn người thì không khéo bệnh nhân đã tắt thở trước khi tới được cổng bệnh viện. Chuyện thật mà cứ như đùa. Và đùa ác.

Liệt kê lại những sáng kiến “tâm thần” ấy, mới thấy đề xuất “đổi giờ làm” của Bộ trưởng Đinh La Thăng là hay hơn cả, thông minh hơn cả. Nhưng hay hơn là hay hơn những “tối kiến” kỳ quái trước đó thôi, chứ vẫn chưa phải là đề xuất tối ưu. Bởi đổi giờ làm giờ học sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Chí ít cũng đảo lộn đời sống quen thuộc của người dân. Cán bộ công nhân viên chức làm theo giờ hành chính đã đành. Nhưng những anh chị em làm công tác dịch vụ, nghỉ sau 19 giờ hoặc muộn hơn nữa mà con cái họ 17 giờ tan trường, thì ai đón các cháu? Và rồi các cháu sẽ ra sao trước bao nhiêu cạm bẫy mà không có bố mẹ. Đồng lương èo uột, nhiều người còn sống không nổi, có phải ai cũng thuê được người giúp việc đâu. Vả lại nhiều gia đình, chỉ còn bữa cơm chiều là vợ chồng, con cái được đoàn tụ. Bây giờ lại xé ra “ăn theo ca kíp” thì rồi sẽ ra sao? Gia đình Việt Nam trong đời sống hiện đại vốn đã lỏng lẻo, giờ lại thêm xuệch xoạc nữa. “Giời đánh còn tránh miếng ăn”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng hình như cũng đã nhìn thấy hết những hệ lụy ấy, và ông đã lên tiếng kêu gọi “Phải hi sinh những lợi ích nhỏ vì mục đích lớn”. Tuy nhiên thế, khi nhìn cụ thể vào từng gia đình, từng số phận người dân, mới hay sự “hi sinh” của họ cũng chẳng “nhỏ” chút nào. Bởi thế, những chuyện giao thông, càng bàn càng rối. Vì vậy, trong thâm tâm, tôi không muốn bạn đọc, các “Thượng đế” của tôi phải bận tâm thêm. Tuy nhiên, dư luận xã hội một lần nữa lại “nóng lên” bởi rất nhiều tai nạn vẫn xảy ra.

Trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội của Bộ trưởng Thăng, có người trách ông vòng vo. Có người thất vọng, muốn ông có một lời hứa cụ thể, đến bao giờ thì giải quyết được ách tắc và chấm dứt tai nạn. Thật khổ cho Đinh La Thăng khi ông chỉ được trả lời theo từng cụm vấn đề, mà không đi vào câu hỏi cụ thể. Với thời gian eo hẹp, cũng chỉ có thể đi vào từng cụm vấn đề thôi, và như thế sẽ rất dễ bị hiểu lầm là vòng vo lảng tránh. Mặc dù Đinh La Thăng là con người cụ thể. Ông nắm rất chắc những vấn đề mình quan tâm.

Ngay khi ông trả lời chất vấn cũng đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm ở Bình Thuận. Ông đưa ra những thông số rất ấn tượng: "Mỗi năm cả nước có gần 12.000 người chết và 9.300 người bị thương do tai nạn giao thông. Nếu so sánh với thảm họa kép sóng thần và động đất xảy ra tại Nhật Bản chấn động thế giới hồi đầu năm 2011, thì số người chết vì tai nạn giao thông một năm bằng 75%, số người bị thương bằng 156% số nạn nhân do thảm họa sóng thần. Thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông gây ra đang là một thảm họa, có thể coi là quốc nạn mà chúng ta cần kiên quyết giảm thiểu”.

Ông cũng đã chỉ ra: “Về nguyên nhân tai nạn, chủ yếu do công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông của các cấp còn nhiều thiếu sót; ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia rất kém; cơ sở hạ tầng được đầu tư không đáp ứng kịp với tốc độ phát triển của xã hội”.

Giải quyết vấn nạn giao thông là việc của mỗi người mỗi nhà và toàn xã hội. Vì thế, không thể bắt một mình ông Thăng hứa cụ thể, đến bao giờ thì giảm ách tắc và chấm dứt triệt để tai nạn giao thông. Sẽ không bao giờ giải quyết được vấn nạn này, nếu không có một hệ thống đồng bộ để giải tỏa, bao gồm hệ thống đường trên cao, hệ thống tầu điện ngầm hiện đại dưới lòng đất như các nước và đặc biệt là nâng cao dân trí, nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông.

Những gì cần làm trong cương vị của mình thì ông Thăng cũng đã làm rồi và làm rất hiệu quả, như cách chức cán bộ và sa thải nhân viên vi phạm quy định và làm việc không hiệu quả, đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ và giải quyết từng bước tình hình. Chúng ta cũng không thể đòi hỏi cao hơn, nhất là đối với người vừa mới nhậm chức được đôi ba tháng. Không phải ngẫu nhiên mà dư luận xã hội cũng như đông đảo nhân dân đều ủng hộ, tin tưởng và chờ đợi ở Đinh La Thăng. Nếu cán bộ nào cũng dám làm, dám chịu trách nhiệm và quyết liệt đặt cược cả số phận mình vào công việc như Đinh La Thăng, chắc chắn diện mạo đất nước và ý thức công việc ý thức xã hội của cán bộ công viên chức cũng sẽ khác. Chí ít ở trong ngành Giao thông cũng sẽ giảm thiểu những cung đường nhanh chóng xuống cấp thảm hại vì lối làm ăn điêu chác, trò rút ruột công trình, hay lớn hơn là những vụ án nghiêm trọng làm mất thể diện quốc gia, xói mòn niềm tin của dân với Đảng, với các cấp quản lý, lãnh đạo từ vi mô đến vĩ mô, như vụ PMU18.

Tôi cũng muốn bàn thêm với Bộ trưởng Đinh La Thăng về một giải pháp của ông. Đó là việc phân luồng đường. Việc này, đúng như ông nói, không mới. Chúng ta cũng đã từng phân luồng đường bằng những giải phân cách bằng sắt, bằng xi măng hay những cọc nhựa mềm. Xây rồi lại phá. Phá rồi lại xây. Rất tốn kém tiền bạc của dân mà hiệu quả lại không cao. Lần này, chúng ta phân luồng khá cụ thể cho ô tô, xe máy và các phương tiện thô sơ. Cách làm khoa học hơn, nhưng vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Có lẽ cũng một phần vì đường của ta quá hẹp, lại còn hẹp thêm nữa, vì phải dành diện tích cho giải phân cách. Thêm nữa, mật độ phương tiện giao thông mỗi ngày một tăng, vì sự phát triển của kinh tế. Đường hẹp lại, xe cộ tăng, giải phân cách lại thấp, nhiều khi bị khuất lấp, người tham gia giao thông không nhìn thấy, thì làm sao giảm được ách tắc và tránh được tai nạn? Tại sao ta không đưa lên cao, vừa đỡ tốn kém, vừa giải phóng đường, vừa thông thoáng mà người tham gia giao thông lại có thể nhìn thấy được từ xa.

Cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông, Tướng Đồng Sĩ Nguyên, một vị tướng lừng danh của cung đường Trường Sơn khói lửa, người đã có công dựng cầu Chương Dương từ đói nghèo rơm rạ, bằng nguyên liệu tằn tiện và tự chế. Đến nay cây cầu ấy vẫn vững chãi, vẫn lực lưỡng “gánh vác” mạng lưới giao thông ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, dù bên cạnh, chúng ta đã có hai cây cầu mới rất hoành tráng và hiện đại. Tướng Nguyên cho rằng, Bộ trưởng Thăng “vẫn chưa bắt được bệnh”. Tôi thành kính chia sẻ với ông. Nhưng theo tôi, Bộ trưởng Thăng không phải không bắt trúng bệnh mà ông đã nhìn thấy bệnh rồi. Căn bệnh lưu cữu từ rất nhiều đời, không chỉ ở vi mô mà còn ở cả tầm vĩ mô. Tuy nhiên sẽ không bao giờ giải quyết được nếu chúng ta vẫn quen tư duy theo theo lối nhiệm kỳ. Với cách hành xử có tính vụ lợi ấy, thường chỉ giải quyết được ổn thỏa những việc trước mắt có lợi cho một người hoặc một nhóm người, rồi “hạ cánh an toàn”, còn hậu quả thì con cháu những thế hệ sau sẽ phải gánh chịu.

Đã đến lúc chúng ta cần những người có tầm nhìn xa, không phải tầm nhìn vượt nhiệm kỳ, mà tầm nhìn của 50 năm, 100 năm, hoặc một vài thế kỷ để giải quyết những việc trước mắt. Nếu có tầm nhìn xa, thì từ lâu rồi, chúng ta đã “giải tỏa” cho Hà Nội bằng việc đưa các trường đại học về các tỉnh địa phương. Không nhất thiết cứ phải dồn hết về Hà Nội. Chúng ta có 64 tỉnh thành. Nếu tỉnh nào cũng có trường Đại học, hoặc trường dạy nghề, hay các Viện nghiên cứu khoa học, công nghệ, thì vừa giải tỏa nạn quá tải cho Hà Nội lại vừa nâng cao dân trí cho các địa phương để cả nước cùng phát triển đồng đều. Nếu có tầm nhìn xa, trong các trường học, thay cho việc học những bài học chung chung, chúng ta cần phải dạy các cháu những việc rất cụ thể, trong đó có luật giao thông và cách đi đường. Những kẻ ngông cuồng gây tai nạn giao thông kinh hoàng cũng cần trừng phạt nghiêm khắc hơn nữa. Bởi những hung thần đường phố ấy thường ỷ thế bố mẹ hoặc đồng tiền. Theo kiểu “những gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng số tiền lớn hơn”. Vậy thì không thể chỉ đơn giản tịch thu phương tiện giao thông. Cùng với việc tịch thu phương tiện giao thông là lượng tiền phạt cực lớn, rồi lấy tiền đó chi phí cho nâng cấp các công trình giao thông hoặc giúp đỡ những gia đình bị nạn. Nếu những kẻ ngông cuồng coi thường pháp luật ấy, có bố mẹ ở các cấp cao, và ỷ thế bố mẹ làm càn, thì các bậc quan chức đó có nên ngồi ở vị trí đó không? Đối với con mình còn không dậy nổi thì làm sao chúng ta có thể tin các vị ấy có thể điều hành, lãnh đạo được cả một xã hội rộng lớn.

Anh bạn tôi nửa đời sống bên Đức kể rằng, khi gây nên tai nạn giao thông, dù không chết người, chỉ làm gẫy một cây non thôi, người gây tai nạn cũng bị phạt 20.000 EURO (tương đương gần 300.000.000 đồng tiền Việt Nam) và trồng trả một cây tương tự vào vị trí cũ và phải bảo đảm cho cây đó sống được. Tại sao chúng ta không tham khảo bạn bè để điều hành giao thông và đưa sự hỗn loạn xã hội vào kỷ cương. Đã đến lúc không thể chậm hơn được nữa. Nếu tham khảo ý dân, tôi tin, rất tin rằng, nhân dân sẽ ủng hộ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên