Trần Đăng Khoa: Bố và các con

VOV online xin giới thiệu tiểu phẩm sân khấu thiếu nhi của Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Nhân vật: Em bé (dẫn chuyện), Nhà văn Tô Hoài, Dế mèn, Mèo mũi đỏ.

Sân khấu vẫn buông màn. Trước sân khấu là các khán giả nhỏ tuổi.

Em bé: (Đứng giữa các khán giả) Các bạn thân mến! Hôm nay, ngày Mồng Một, Tháng Sáu, ngày Tết của Thiếu nhi. Chúng mình sẽ làm quen với một nhà văn rất nổi tiếng. Ông là tác giả lớn. Tên tuổi ông đã quen thuộc với độc giả cả nước cách đây hơn nửa thế kỷ. Ông có tới trên hai trăm cuốn sách. Nghĩa là số đầu sách còn nhiều hơn gấp hai lần tuổi đời của ông. Ngay từ những tác phẩm đầu tiên, nghĩa là cách chúng ta đã hơn nửa thế kỷ, ông đã có những cuốn sách viết cho các bạn nhỏ chúng mình. Các bạn thử đoán xem ai nào?

Màn mở. Phòng làm việc của nhà văn Tô Hoài. Bàn viết. Trên mặt bàn, ngổn ngang những sách. Tô Hoài do một em bé 7, 8 tuổi đóng. Em bé loắt choắt, nhưng lại đội mũ nồi, đeo mục kỉnh, là cái gọng kính to cộ nên trông rất ngộ nghĩnh. "Nhà văn"một tay chống can, một tay nâng chòm râu cho khỏi quét đất

Nhân vật Dế mèn trong tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài (Ảnh minh hoạ)

Em bé: (Đi từ dưới sân khấu lên. Với khán giả) Đây chính là nhà văn mà chúng ta sẽ gặp (Với nhà văn ) Dạ thưa bác, bác là...
"Nhà văn" Tô Hoài: (Ho sù sụ) Tôi là, là... Tô Hoài. Năm nay tôi vừa tròn tuổi.... chín mươi ba. Tên thật là... là...( Với cuốn sách trên bàn, lần xem mục tiểu sử nhà văn ) là... là... Nguyễn... Nguyễn… Sen. Tôi sinh năm 1920 ở Hà Nội...

Em bé: (Ngạc nhiên ) Ô, sao bác lại không nhớ tên thật của mình?
"Nhà văn" Tô Hoài: Tôi chỉ biết Tô Hoài. Còn tên thật của nhà văn thì lại phải nhờ cuốn sách này nó mách hộ, vì tôi chưa kịp nhớ. (Em bé cười rũ rượi) Có cái gì mà cười?

Em bé: Cháu đã được gặp nhà văn Tô Hoài ở cung Văn hoá Thiếu nhi Hà Nội. Bác Tô Hoài làm gì có râu dài đến thế kia!
"Nhà văn" Tô Hoài: Đúng! Này, nói nhỏ thôi nhé (Em bé lại gần ). Ngoài đời, nhà văn Tô Hoài còn hơn tuổi ông nội tôi cơ đấy. Bác ấy không để râu. Bây giờ "làm" bác Tô Hoài, tôi phải đeo bộ râu rõ dài này, để làm gì bạn biết không?
Em bé: Để bác thành ông già...

"Nhà văn" Tô Hoài: Không phải. Tôi đeo râu, để phòng chị Cốc, chị Cò nào có bay qua đây, chị ấy lại tưởng tôi là thằng Dế Trũi, chị ấy phang cho một mỏ thì chỉ có gẫy xương sống, ở đây lại chẳng có cái hang cái hốc nào để chui...
Tiếng gõ cửa: Cộc! Cộc! Cộc!
Em bé: Bác có khách đấy!

Nhà văn" Tô Hoài: Bạn ra mời khách vào.
(Em bé ra khuất. Lại có tiếng gõ cửa)
"Nhà văn" Tô Hoài: Vào đi! Xin mời vào! Ô, xin chào anh bạn trẻ!
(Xuất hiện chàng Dế Mèn. Đai nịt lỉnh kỉnh như một võ sĩ. Một bên vai đeo kiếm, cung nỏ, một bên đeo cái túi thổ cẩm, tay kéo cái mo cau, như con trẻ kéo cái xe đồ chơi, trên " xe " mo cau là chú Mèo Lười ngồi chồm hỗm)

Dế mèn (Cúi đầu kính cẩn): Con xin chào bố ạ! ("Nhà văn" lùi lại, vẻ kinh ngạc) Sao? Bố không nhận ra con à?
"Nhà văn" Tô Hoài: (Gườm gườm nhìn khách qua mục kỉnh) Anh là... anh là... (Vỗ vỗ vào trán) Ồ, mà cái anh này cứ hay đùa dai. Ta làm gì có thằng con nào xù xì cổ quái như anh. Này, ta hỏi thật. Anh là Thuỷ Thủ Mặt Trăng? Là Tép Pi hay là Ma cà rồng?

Dế mèn: Chết thật! Bố không nhận ra con nữa sao? Bố đẻ hàng trăm hàng nghìn con. Võ sĩ bọ ngựa, Chim chích lạc rừng, Chim gáy, Chim cu, Bồ nông, Cò, Vạc, Ngan, Ngỗng, Dê, Bò, Bướm rồng, Bướm ma, Bìm bịp, Cành cạch, Khỉ, Vượn, rồi Chuồn chuồn, Xiến tóc, rồi anh Bò Ka- pin, lại cả chị Bồ nông ở mãi cái xứ Xa- ma -can xa lắc xa lơ nào đó nữa. Con bố đàn đàn lũ lũ rải khắp bưng biền, rừng núi, rồi cả ở bên Tây, bên Tầu. Thế thì bố làm sao nhớ được con cơ chứ. Trông thấy con lại tưởng thằng Ma cà rồng. Ối giời đất ơi!
"Nhà văn" Tô Hoài: Thế anh là cái thằng nào trong lũ nhân vật của ta?
Dế mèn: Con là Dế Mèn! Dế Mèn chứ không phải Ma Cà rồng...

"Nhà văn" Tô Hoài: À, Dế Mèn! Thế ra anh là cái thằng Dế Mèn à? (Có vẻ ngờ ngợ, không tin) Múa võ cho ta coi!
(Dế Mèn rút kiếm ra múa)
"Nhà văn" Tô Hoài: (Ngăn lại) Được rồi. Đường kiếm ngang tàng lắm. Đúng anh là Dế Mèn rồi! (Chỉ chú Mèo Lười ngồi trên mo cau) Thế, thế còn cái gì kia, cái gì xù xù một đống kia?

Dế mèn: Dạ, đây là thằng Mèo Lười bố ạ! Con thấy nó ngủ khoèo dưới gốc cây bên đường. Biết con về thăm bố, thế là nó cứ gạ con cho nó quá giang.
Mèo lười: (Với “nhà văn” Tô Hoài) Con chào bố!

Dế mèn: (Với Mèo Lười) Bố con gì. Ai người ta bố con với anh. Đưa đây?
Mèo lười: Cái gì?
Dế mèn: Tiền!

Mèo lười: Sao lại tiền? Tiền gì mới được chứ?
Dế mèn: Ơ hay, cái chú này buồn cười nhỉ. Tiền xe chứ còn tiền gì! Giống như đi xe ôm ấy. Anh kéo chú mày suốt từ đấy vào đến đây. Giờ chú định xù à? Định chạy làng à?.

Mèo lười: Ai chạy làng? Cái cậu này nói hay thật! Chính ta đây là anh cậu chứ không phải cậu là anh ta. Đừng thấy ta nhỏ người mà tưởng ta là em cậu nhé. Ta vốn ngại vận động, cứ ngủ suốt ngày. Ta ngủ nên cơ thể tứ chi cũng ngủ, chúng ngủ đến quên cả lớn. Nhưng ta mới là con chính hiệu của bố Tô Hoài, là anh ruột của chú cơ đấy. Có thằng em nào chở ông anh ruột về thăm bố lại bắt trả tiền như trả tiền một lão xe ôm không hở giời?

Dế mèn: Ô hay ! Sao lại có chuyện lạ đời thế này? Võ sĩ Dế Mèn lại là em ruột của cái lão Mèo Lười thối thây. Làm gì có chuyện cổ tích ấy!
“Nhà văn” Tô Hoài: Đúng đấy. Không phải chuyện cổ tích đâu. Nó là thằng Mèo Lười. Trong giấy khai sinh, nó còn có tên là Mèo Mũi Đỏ.

Mèo lười: Đúng! (Hát bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý phổ kịch Con mèo lười của Tô Hoài)
Mèo mũi đỏ
Chính là tôi
Nhưng ai cũng bảo tôi là Mèo lười
Không!
Tôi không lười!
Tôi không lười,
Tôi chỉ muốn ăn
Không muốn làm
Tôi chỉ muốn ăn
Muốn lên nương cao thăm nhà ông Ké
Ông Ké cho ăn
Nhưng đường lên nương sao xa thế
Đi lại ngại đau chân
(Với nhà văn Tô Hoài )Vâng, cái chân con bị tê thấp nên đau lắm bố ạ. Quanh năm, con cứ phải diện tất xù. Mùa đông, không đi cũng đau. Nên con chỉ loanh quanh, từ nhà lên nương, rồi lại từ nương đến nhà ông Ké, trong khi đó, Dế Mèn đi chu du khắp thế giới. Được làm Dế như nó cũng sướng. Bây giờ, con chán lắm. Con không làm Mèo Lười nữa đâu. Làm Mèo Lười chán lắm. Con muốn bố cho con làm Dế Mèn...

Dế mèn: Ơ, cái anh này buồn cười thật. lười thối thây lại còn muốn làm dũng sĩ Dế Mèn. Này, làm Dế Mèn không phải dễ đâu nhé. Mệt lắm đấy. Tôi đang bải hoải cả chân tay đây. (Với "nhà văn" Tô Hoài") Bây giờ bọn trẻ con lạ lắm bố ạ. Chúng chỉ thích Đôrêmôn. Nhiều lúc chúng quên cả Dế Mèn. Bố cho con tí phép thần thông như Tôn Ngộ Không đi bố. Con sẽ đánh nhau với Đôrêmôn. Con sẽ bắt cái thằng mèo máy ấy về hang làm Dế Trũi, để nó suốt ngày gãi lưng và ngoáy tai cho con. Hay nếu không làm Tôn Ngộ Không được thì bố cho con làm Đôrêmôn...

"Nhà văn" Tô Hoài: Đorêmôn có chỗ của Đôrêmôn. Dế Mèn có ao hồ đầm phá của Dế Mèn.
Dế mèn: Nhưng bố cứ cho con "đổi chỗ" một tý cho nó mới mẻ!
"Nhà văn" Tô Hoài: Không được đâu. Nguy hiểm lắm!
Dế mèn: Không sao! Con không sợ nguy hiểm!

"Nhà văn" Tô Hoài: Anh có biết cái cậu Ễnh Ương không?
Dế mèn: Con còn lạ gì bọn Ễnh Ương Ếch Nhái ở ao đầm. Toàn là một lũ lười thối thây. Suốt ngày chẳng thấy chúng làm gì, chỉ đi hát Karaoke. Mà hát cũng sai nhạc (Bắt chước nhái giọng Ễnh ương) Oác oác oạc. Oác oạc oạc (cười phá lên) Trên thế giới này làm gì có cái thứ nhạc nào là nhạc Oác oạc oạc. Oác oác oác. Oạc oạc oạc! Đúng là giai điệu của dàn đồng ca Ễnh Ương!

"Nhà văn" Tô Hoài: Không! Không phải cái lũ Ẽnh Ương ở ao đầm. Ta hỏi Ễnh ương của ông La -Phông -ten cơ...
Dế mèn: Cái lũ Ễnh Tây ấy thì con chịu.

"Nhà văn” Tô Hoài: Có cậu Ễnh ương một hôm trông thấy chú Bò to lớn vật vã đang thảnh thơi gặm cỏ ở bờ đầm. Cu cậu sướng quá. Cu cậu lại không muốn làm Ễnh ương nữa. Muốn làm chú Bò cho oai kia. Thế là cu cậu lấy hết sức lực hít cho đầy hơi vào bụng. Bụng cậu phình như một quả bóng, nhưng vẫn chưa bằng được Lão Bò, thế là cậu lại hít hết sức lực. Thế rồi bùm một cái. Bụng vỡ tung như một quả bóng bay...
Mèo lười: Thế thì chết hở bố?

"Nhà văn” Tô Hoài: Chết sặc gạch chứ còn gì nữa. Ễnh Ương mà lại đòi làm Bò...!
Mèo lười: Nổ như một quả bóng bay... Thế thì con hãi lắm. Thôi, con chỉ làm Mèo mũi đỏ thôi!

Dế mèn: Con cũng sẽ chỉ làm Dế Mèn thôi. (ngừng ngắn) Ừ, mà ngẫm ra, làm Dế Mèn cũng sướng bố ạ! Con cưỡi bố đi chu du khắp thế giới. Đến đâu, con cũng được đón rước nồng nhiệt. Người ta vỗ tay rầm rầm. Trẻ con vỗ tay. Người lớn cũng vỗ tay. Nhưng mà... Hình như người ta hoan hô bố, chứ có phải hoan hô con đâu... Con lại thấy chán rồi đấy!

"Nhà văn” Tô Hoài: Không phải đâu. Người ta đón rước anh đấy. Có khi người ta chỉ nhớ đến anh mà lại quên cả tôi. Gặp tôi, có cháu bé rất lễ phép: Cháu chào ông Dế Mèn ạ!. Ơ hơ. Tôi mà lại là Dế Mèn à? Tôi là bố Dế Mèn chứ!
Dế mèn: Con cám ơn bố! Cám ơn bố lắm. Con cầu chúc bố sống đến... một trăm chín mươi ba tuổi. Nhân dịp Tết Thiếu nhi, con có chút quà dâng bố đây!

Mèo lười: Đút lót nhé! A ha! Bắt được quả tang Dế Mèn hối lộ nhé!
Dế mèn: Hối lộ gì? Tặng quà cho bố mình thì không phải là đút lót hay hối lộ. Đây là quà mừng sinh nhật bố Tô Hoài!
(Dế Mèn loay hoay mở túi thổ cẩm. Mèo Lười nhòm hồi hộp, bảo Tô Hoài): "Bố cho con ăn bố nhé. Ông Ké hay cho con ăn lắm". Túi thổ cẩm mở ra. Hoá ra là cỏ. Toàn một loại cỏ non.

Mèo lười: Cỏ! Ối giời ơi! Bố Tô Hoài có phải là Dế cụ đâu mà ăn cỏ hả giời! Này, cái thứ cỏ nác ấy đến Mèo Lười như ta đây cũng không thèm nhé.
“Nhà văn” Tô Hoài: Ta muốn có một cốc rượu thơm!

Mèo lười: Thế thì bố lên nhà ông Ké với con. Nhà ông Ké lúc nào cũng có rượu. Ông Ké bảo, lâu lắm rồi, không thấy bác Tô Hoài lên chơi. Chẳng biết sức khoẻ ông lão dạo này thế nào? Thế thì hôm nay, bố lên nương với con, bố nhé. Con sẽ cõng bố lên nhà ông Ké. Con sẽ là mèo máy Đôrêmôn, chứ không phải Mèo Lười!
Dế mèn: Việc gì phải cõng. Ta có sẵn xe đây. Xin mời bố lên xe. Con với anh Mèo Lưòi dinh bố lên nhà ông Ké

(“Nhà văn” Tô Hoài ngồi lên xe mo cau. Mèo Lười và Dế Mèn kéo xe mo cau vòng qua sân khấu. Cả đoàn vừa đi vừa hát Bài ca lên nương trong vở kịch của Tô Hoài và Nguyễn Văn Tý).
Nào chúng ta cùng lên nương
Cùng lên nhà ông Ké
Xin chào nhé
Những đồi nương
Bông hoa rừng rập rình trong sương
Và dòng suối uốn quanh bản mường
Nào cùng ta
Đi lên nương
Tới thăm nhà ông Ké

Màn hạ

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên