Trần Đăng Khoa: Cải cách giáo dục qua con mắt một công dân
Hình như các nhà biên soạn SGK, ai cũng nghĩ học sinh chỉ học mỗi môn của mình, nên nhét vào đó đủ thứ cao siêu rối rắm
TĐK: Vị “công dân” ấy là anh bạn thân thời chăn trâu cắt cỏ của tôi. Tên anh là Việt An. Chúng tôi cùng quê, cùng học rồi cùng trong đội tuyển học sinh giỏi văn. Lớn lên, mỗi đứa một ngả. Nhưng rồi chính những câu chuyện phiếm bàn về giáo dục lại dẫn chúng tôi đến với nhau. Việt An gửi đến tôi một bài viết khá dài. Câu chuyện anh bàn cũng chỉ xoay quanh việc cải cách giáo dục. Ý kiến Việt An khá sắc sảo. Nhiều vấn đề anh đưa ra rất đáng để chúng ta suy nghĩ.
Vì vậy, trong cuộc hầu chuyện bạn đọc lần này, tôi muốn chuyển đến các nhà quản lý giáo dục, các nhà soạn sách Giáo khoa và đông đảo bạn đọc những quan niệm về cải cách giáo dục của ông bạn tôi. Đây là một bài viết thú vị, rất đáng được tham khảo. Xin cám ơn Việt An và xin trân trọng giới thiệu với đông đảo bạn đọc.
Hãy để các em nhỏ cảm thấy được đến lớp là một niềm vui |
Việt An: Vài dòng về cải cách giáo dục
Nhiều triệu USD từ ngân sách đã được chi cho công cuộc “Cải cách giáo dục”, nhưng càng cải cách, lại càng rối. Cái “được” nhất của công cuộc cải cách này là bán sách giáo khoa!? Sách giáo khoa được sửa đổi liên tục từ nhiều năm qua, đồng nghĩa với việc thay đổi chương trình dạy và học. Sách giáo khoa của năm trước không dùng được cho năm sau, gây ra sự lãng phí khổng lồ cho xã hội. Người hưởng lợi từ sự lãng phí đó chính là các nhà xuất bản được độc quyền in và bán sách giáo khoa (SGK).
Sau nhiều lần biên soạn, hiệu chỉnh… nội dung sách giáo khoa vẫn rối rắm, nặng nề và sai sót khá nhiều về kiến thức. Nếu phải đính chính SGK có lẽ phải xuất bản một cuốn sách khác chỉ để… đính chính. Hàng trăm tỉ, hàng ngàn tỉ đồng và hơn nữa được chi cho việc biên soạn SGK đã bị lãng phí. Hình như biên soạn SGK chỉ là cái cớ để lấy tiền ngân sách, thu lợi cho một nhóm người, còn việc biên soạn chỉ làm qua quýt ? Sự yếu kém của một nền giáo dục, trước hết xuất phát từ sự yếu kém trong biên soạn SGK và xây dựng chương trình dạy học.
Ở nước ta thầy cô giáo phải liên tục chạy theo chương trình sửa đổi. Mỗi lần sửa đổi là mỗi lần tập huấn. Tiền bạc, thời gian, sức lao động bị lãng phí không nhỏ. Việc xào xáo kiến thức đã ảnh hưởng xấu đến chất lượng giảng dạy, gây ức chế cho thầy, trò và cả xã hội. Vậy có cần cải cách giáo dục không? Rất cần! Quan trọng là cải cách như thế nào?
Trước hết cần có tiêu chí, mục tiêu rõ ràng cho từng bậc học. Cải cách phải bắt đầu từ bậc phổ thông, mà trước nhất là từ bậc tiểu học. Cụ thể là phải từ lớp 1 của bậc tiểu học. Bậc tiểu học là bậc quan trọng nhất của việc giáo dục. Tôi sẽ trở lại vấn đề này ở phần dưới của bài viết.
Trước khi bàn sâu hơn, chúng ta hãy đặt câu hỏi: Thế nào là giáo dục phổ thông? Theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng giáo dục phổ thông là giáo dục cho học sinh những kiến thức phổ thông cần thiết nhất, để làm một công dân trong một đất nước cụ thể. Tùy theo sự phát triển của đất nước mà yêu cầu của giáo dục phổ thông có thay đổi, nhưng nó luôn phải mang đúng ý nghĩa của hai từ “phổ thông”. Nghĩa là chương trình không nặng nề về học thuật. Ngoài các kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên, cần chú trọng giáo dục kiến thức nhân văn, lịch sử, hiểu biết cơ bản về pháp luật, về quyền và nghĩa vụ của một công dân trước xã hội.
Chương trình học bậc phổ thông của chúng ta vừa thừa nặng nề, lại vừa thiếu. Cái thừa chính là cái lãng phí. Hình như các nhà biên soạn SGK, ai cũng nghĩ học sinh chỉ học mỗi môn của mình, nên nhét vào đó đủ thứ cao siêu rối rắm. Có nhiều kiến thức, học sinh chỉ biết học thuộc cho qua, mà không cần hiểu. Học xong là không cần nhớ. Vậy mà cả thầy lẫn trò phải vật lộn với cái không cần nhớ ấy. Quả là một sự hoang phí. Chương trình học quá nặng cũng là sự lãng phí, vì nó không hữu ích. Mặt khác, các kiến thức không gắn với thực tế cuộc sống, cũng chỉ là kiến thức chết. Học sinh học mà không biết học kiến thức đó để làm gì?
Hiện nay chương trình toán cao cấp được đưa vào giảng dạy ở bậc phổ thông trung học. Khi thi đại học chỉ khoảng 5% số học sinh thi đậu và theo học một ngành kỹ thuật. Đó là số học sinh thực sự cần kiến thức toán cao cấp khi học ở bậc đại học. Số còn lại theo học ngành khác, hoặc không vào được đại học, không cần kiến thức toán cao cấp.
Như vậy chúng ta đã lãng phí khi bắt 95% còn lại mất thời gian vô ích để học toán cao cấp. Đi theo đó là bao nhiêu thầy cô phải đứng lớp dạy môn toán này. Việc đưa toán cao cấp vào chương trình phổ thông làm học sinh quá tải. Đó chính là sự phi lý.
Nên chăng để toán cao cấp dạy ở các trường đại học kỹ thuật. Khi chương trình đã quá tải, thầy cô có cố nhồi nhét, học sinh cũng không thể hiểu bài tại lớp, nói gì đến chuyện tự học mà hiểu được. Vậy là phải học thêm, hệ lụy tất yếu của một chương trình học quá nặng. Ở đây chưa nói đến một số thầy cô lấy việc dạy thêm để cải thiện thu nhập, làm cho giờ dạy chính khóa càng kém chất lượng.
Chương trình vừa sức, học đâu hiểu đấy, sẽ tốt hơn rất nhiều một chương trình nặng nề, có nhiều kiến thức chỉ nhớ máy móc, rồi quên ngay sau khi thi xong. Ở một số nước, bậc phổ thông có dạy môn toán cao cấp, nhưng tách ra một học phần riêng. Ai có nhu cầu thì học, và tín chỉ toán cao cấp sẽ được chuyển lên tính cho bậc đại học. Như vậy phần toán cao cấp không phải là phần học bắt buộc đối với đa số học sinh trung học.
Nhiều thầy cô giáo cho rằng, học sinh thụ động trong học tập. Tôi cho rằng, điều đó chưa thật chính xác. Trước hết phải giảm tải chương trình và cải tiến phương pháp dạy, tạo cho học sinh có niềm say mê, có thời gian để tự học, tự khám phá với sự trợ giúp của thầy cô giáo. Đặc biệt chú ý giáo dục kỹ năng thuyết trình trước đông người và kỹ năng hoạt động nhóm. Với chương trình hiện nay, cả thầy và trò luôn phải chạy theo cho kịp, còn đâu thời gian để làm việc khác như vừa nói.
Ở Việt Nam, học sinh có tâm lý sợ thầy cô giáo. Trong khi đó ở các nước phát triển, học sinh không ngại tranh luận với thầy cô giáo và bày tỏ suy nghĩ cá nhân của mình. Chương trình và phương pháp dạy của chúng ta áp đặt, hay máy móc quá chăng ? Ngay từ nhỏ các em đã được nghe câu: “Cô giáo như mẹ hiền” hay “Thầy cô giáo như cha mẹ”. Ở trong cách nhìn nào đó, những câu nói ấy là đúng; nhưng trong môi trường sư phạm hiện nay, ý nghĩa của nó có phần nhạt phai và biến nghĩa. Học sinh phục tùng thầy cô nhiều hơn là sự kính trọng.
Nên chăng xóa bỏ trường chuyên, lớp chọn? Tất cả các trường bình đẳng trong môi trường giáo dục chung. Điều này giảm thiểu việc chạy trường, chạy lớp mỗi khi đến năm học mới. Ngoài các môn bắt buộc theo chuẩn chung, nên có một số môn tự chọn. Các môn tự chọn có giá trị ngang nhau, giúp học sinh phát huy năng khiếu và sở thích cá nhân.
Nói tóm lại, đã là giáo dục phổ thông, thì kiến thức phải đúng nghĩa phổ thông. Với chương trình nhẹ, hợp lý, học sinh có nhiều thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa mang tính cộng đồng. Điều đó rất có ý nghĩa trong việc hình thành nhân cách, hòa nhập xã hội một cách tự tin khi bước vào đời.
Giáo dục bậc đại học ở Việt Nam hiện nay không khác mấy với giáo dục phổ thông. Có thể coi các năm học ở đại học là lớp 13, 14, 15.v.v… Việc mở trường đại học và tuyển sinh tràn lan hiện nay, cũng làm cho bộ mặt đào tạo đại học thêm lem nhem, nhuốm màu kinh tế thị trường. Tạm thời ta chưa đề cập đến việc đào tạo đại học ở đây, nhưng tôi muốn đưa vài suy nghĩ cá nhân về việc thi và xét tuyển vào đại học. Việc này sẽ tác động trở ngược lại quá trình giáo dục phổ thông. Đây là ý kiến mang tính cá nhân, tôi đưa ra với ý nghĩa gợi mở vấn đề:
Nên chăng khi thi tuyển vào đại học, cao đẳng ở tất cả các ngành học phải thi hai môn bắt buộc là Văn và Toán. Các trường, hoặc ngành có đặc thù riêng, đòi hỏi năng khiếu sẽ thi thêm môn thứ 3. Ví dụ: Muốn học ngành kiến trúc cần thi thêm môn Vẽ. Muốn học ngành Y thi thêm môn Sinh.... Đa số các ngành học không cần phải thi thêm. Ví dụ: Các ngành tài chính, ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Cơ khí chế tạo máy, ô tô, tàu thủy, tin học, điện… đều không cần phải thi thêm môn thứ 3.
Khi xét tuyển, ngoài điểm thi, có thể dùng điểm quá trình của 3 năm học cấp 3 làm yếu tố tham khảo. Tuy chỉ thi 2 môn, nhưng khi xét tuyển sẽ có sự chọn lọc ngay từ đầu. Ví dụ: Bách khoa lấy điểm chuẩn xét tuyển là 15 điểm (tổng điểm của 2 môn Văn, Toán), với điều kiện: điểm toán từ 8 điểm trở lên, và môn văn không dưới 5 điểm. Đại học KHXHNV có thể cũng có điểm chuẩn là 15 điểm, nhưng ưu tiên cho thí sinh có điểm văn cao hơn. Với cách thi và xét tuyển như vậy các trường hoàn toàn có khả năng tuyển được sinh viên phù hợp với ngành học.
Việc thi đại học với 2 môn bắt buộc Văn và Toán sẽ tạo nên sự thay đổi ở bậc giáo dục phổ thông. Chúng ta sẽ có một xã hội với những con người giàu nhân văn hơn, chứ không phải là những con người với kiến thức khoa học khô cứng. Cách làm này không có gì mới, vì nó gần giống với cách tuyển sinh đại học tại Mỹ. Ở Mỹ, khi vào đại học học sinh cần có điểm thi SAT 1. Bài thi SAT 1 gồm 2 phần Toán và Tiếng Anh (Mỹ). Chỉ một số ngành học cần điểm SAT 2, giống như việc thi thêm môn thứ 3. Tôi cho rằng đó là cách làm hay mà chúng ta cần tham khảo.
Trở lại vấn đề giáo dục tiểu học, như trên đã nói: đây là bậc học quan trọng nhất, nên cần quan tâm kỹ lưỡng khi thực hiện cải cách giáo dục. Có rất nhiều học sinh không có điều kiện theo học mẫu giáo, nên rất bỡ ngỡ với môi trường mới. Lứa tuổi tiểu học là lứa tuổi non nớt về thể chất và trí tuệ. Việc đưa khối lượng kiến thức khó vào bậc tiểu học là phản khoa học, không phù hợp với tâm sinh lý của học sinh ở lứa tuổi này.
Nhiều học sinh có cảm giác sợ đến lớp, mà lẽ ra được đến lớp phải là một niềm vui. Ngay từ bậc tiểu học, học sinh đã phải học thêm. Các em dường như bớt đi vẻ hồn nhiên khi phải mang chữ “học” quá nặng trên vai. Những cuốn SGK tiểu học dày cộp như sách bác học, trong đó có nhiều thứ mà phụ huynh cũng còn thấy khó. Cặp sách học sinh tiểu học nặng đến oằn vai. Tuổi thơ của các em bị đánh cắp, chỉ còn lại việc học như một cực hình.
Với bậc tiểu học, chỉ cần đọc thông, viết thạo cơ bản tiếng Việt, biết cộng trừ nhân chia thành thạo và biết 1 số phép tính đơn giản về tỉ lệ thuận, tỉ lệ nghịch... Bên cạnh đó là 1 vài môn học nhẹ nhàng giáo dục tình yêu kính cha mẹ, thầy cô, yêu quí bạn bè, yêu quê hương đất nước là đủ rồi. Thời gian còn lại dành cho hoạt động ngoại khóa, vui chơi… sao cho mỗi ngày các em đến lớp là một ngày hạnh phúc. Dấu ấn về một thời thơ ấu đẹp đẽ còn theo các em suốt cuộc đời, giúp ích rất nhiều cho các em trưởng thành về nhân cách sau này.
Việc biên soạn sách giáo khoa tiểu học cần đặc biệt chú ý về nội dung, hình thức, khối lượng kiến thức phù hợp… sao cho tất cả các cuốn sách đều mỏng, co chữ đủ lớn, chứ không dày “vĩ đại” và đặc chữ như hiện nay. Khi nhìn học sinh tiểu học già dặn trước tuổi, nhẫn nại cõng cặp sách đến trường với cặp kính cận lấp lóa mà thấy mủi lòng. Những kiến thức đưa vào quá sớm so với lứa tuổi là những kiến thức thừa. Làm như vậy là lãng phí không chỉ thời gian, tiền bạc mà lãng phí cả quãng đời thơ ấu đẹp nhất của con người, làm cằn cỗi tâm hồn bao thế hệ.
Một học sinh phổ thông khi học ở nước ngoài về đã nói với tôi: “chương trình lớp 12 của họ, còn nhẹ hơn chương trình lớp 11 ở Việt Nam. Học sinh của họ không phải đi học thêm hàng ngày. Vậy tại sao, đất nước họ lại phát triển hàng đầu thế giới ?”. Câu hỏi không dễ trả lời. Còn nữa: “Tại sao ta không nhập khẩu chương trình giáo dục tiên tiến của họ, rồi điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa, lịch sử, hoàn cảnh xã hội Việt Nam… mà lại cứ mò mẫm cải cách, rối như canh hẹ?” Câu hỏi đó xin dành cho những người nắm trọng trách của ngành giáo dục.
Cải cách giáo dục, cần tiến hành cải cách toàn diện nền giáo dục, chứ không phải chỉ cải cách chương trình dạy học, hay sửa đổi SGK. Một việc cần làm song song là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cả về chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp. Muốn vậy, cần tăng thu nhập, cải thiện đời sống giáo viên, giúp cho các thầy cô giáo có thể sống và gắn bó với nghề. Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho nhà trường, cải thiện điều kiện làm việc, giúp cho giáo viên có điều kiện giảng dạy tốt và tự nâng cao trình độ.
Bạn nghĩ gì khi ở Việt Nam có trường tiểu học cơ sở vật chất thiếu thốn, lại có tới hơn 100 lớp; Mỗi lớp từ 50 đến gần 60 học sinh ? (Đó là trường tiểu học An Hội, quận Gò Vấp, TPHCM với 5.365 học sinh). Bạn nghĩ gì khi có học sinh cấp 2 vẫn chưa biết đọc biết viết một cách bình thường? Bạn nghĩ gì khi một học sinh giỏi cấp thành phố, không được thi tốt nghiệp cấp 2, chỉ vì đi học sớm, thiếu 01 tuổi so với qui định? Bạn nghĩ gì khi hàng ngàn ý kiến, bài báo viết về giáo dục bị lãng quên? Bạn nghĩ gì khi nạn tham nhũng, bệnh thành tích, quan liêu, cửa quyền, thói giả dối, lối sống vô cảm… trở nên bình thường ở tất cả các ngành? Giáo dục luôn tương tác với xã hội. Việc cải cách giáo dục không còn là chuyện riêng của ngành giáo dục, mà cần có sự quan tâm của toàn xã hội, mà trước hết, trách nhiệm thuộc về các nhà lãnh đạo và hoạch định giáo dục cấp cao.
Ngân sách dành cho giáo dục là không nhỏ, nhưng chúng ta đã lãng phí và thất thoát nhiều vào những dự án kém hiệu quả. Sự thiếu minh bạch trong các dự án cải cách giáo dục cũng là một trở ngại tiêu cực cho công cuộc chung. Khi hình ảnh của ngành giáo dục xấu đi, đời sống giáo viên thấp kém, chúng ta không có cơ hội thu hút những học sinh giỏi vào ngành sư phạm. Người đang trong ngành cũng không tha thiết với ngành. Thầy đã không giỏi lại tiêu cực, thì việc tụt hậu của nền giáo dục nước nhà là đương nhiên, kéo theo sự tụt hậu của cả xã hội trong tương lai không xa.
Đầu tư cho con người vẫn là đầu tư tốn kém và xứng đáng nhất. Nhân tài là nguyên khí quốc gia. Con người là tài sản quí nhất của bất kỳ doanh nghiệp nào. Nên chăng cần có đãi ngộ xứng đáng với những thầy cô giáo đã và đang trực tiếp đứng trên bục giảng, đưa ngành giáo dục về đúng vị trí mang tính chiến lược của nó trong việc đào tạo con người, phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Thiết nghĩ, đó là ý nghĩa quan trọng nhất của việc cải cách giáo dục.
Chấn hưng giáo dục, không còn là chuyện riêng của ngành giáo dục, mà cần coi đó là Quốc sách. Có như vậy, chúng ta mới dần có được một nền giáo dục tiến tiến, trong một đất nước phát triển, dân chủ và văn minh./.