Trần Đăng Khoa: Chuyện buồn trong kỳ thi

Chương trình Trung học phổ thông chỉ là những kiến thức phổ cập, có tính xóa mù ở cấp sơ đẳng. Vậy thì có gì mà phải thi cử căng thẳng như thế?

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông đã kết thúc. Trước đó, Bộ Giáo dục Đào tạo và dư luận nói chung trong giới truyền thông đều cho rằng, kỳ thi năm nay khá tốt đẹp, đề thi không quá khó. Học sinh làm bài thoải mái, không bị ức chế như những năm trước. Cách ra đề cũng có những sáng tạo. Đã bắt đầu xuất hiện đề thi thoát ra khỏi lối mòn muôn thuở đã thành nỗi nhàm chán.

Thế rồi bất ngờ, lại xuất hiện trên mạng một đoạn phim dài đến chừng dăm phút “phơi” ra trước thiên hạ chuyện “quay cóp tưng bừng ở Bắc Giang”. Mới hay, sự thật kỳ thi lại không suôn sẻ, tốt lành như chúng ta nhầm tưởng.

Học sinh trao đổi bài sau kỳ thi (Ảnh minh họa)
Xưa nay, trò quay cóp trong giới học đường đã thành chuyện vặt vãnh. Nó vặt vãnh đến mức nhàm chán, và chán đến mức không muốn nói đến nữa. Và đâu phải chỉ trong giới học trò, mà cao hơn, trong các kỳ thi lớn cũng có chuyện quay cóp. Đã có những vị chức sắc, từng đứng đầu một ngành, một tỉnh mà vẫn đạo văn. Công luận cũng đã từng xôn xao về “chợ” luận văn, “chợ” luận án Tiến sĩ, Thạc sĩ, bán với giá… bèo. Thế thì chúng ta còn trách chi các em ở lứa tuổi “học trò học choẹt”!

Xin cám ơn một em học sinh nào đó đã quay những thước phim ở Hội đồng thi Bắc Giang. Nhờ thế, chúng ta mới biết một phần sự thật. Tất nhiên, những chuyện tiêu cực như vậy không phải chỉ có ở Bắc Giang. Nhiều địa phương khác cũng có chuyện tương tự. Chả thế, có ký giả ngao ngán “Kỳ thi đúng tầm. Đề thi không khó, nhưng phao vẫn phơi trắng sân trường”.

Thật đáng buồn. Buồn và cay đắng. Bây giờ, nhờ sự phát triển của truyền thông hiện đại, những chuyện khuất tất, tiêu cực đều bị phơi trước ánh sáng. Không gì bưng bít được. Hầu hết các vụ việc tiêu cực đều do báo chí phát hiện. Chúng ta có không ít nhà báo dũng cảm. Lại có rất nhiều các ký giả không chuyên. Bất cứ người dân nào cũng có thể thành nhà báo chống tiêu cực. Chỉ một điện thoại di động, một chiếc bút bi kiêm máy quay phim là đã có thể “tóm gọn” một hành động khuất tất với đầy đủ tang chứng, vật chứng. Chúng ta cấm cái xấu, cái ác, chứ không thể cấm người dũng cảm chống cái xấu cái ác.

Thật cảm động khi một nhà doanh nghiệp chuyên đào tạo về mạng máy tính, có trụ sở chính ở Bắc Ninh đã cảm thông với em học sinh dũng cảm chống gian trá. Anh bảo: "Nếu cháu quay Clip thi cử tiêu cực vừa rồi đưa lên mạng vẫn được học tiếp thì không sao. Nhưng nếu yêu thích công việc và cảm thấy hứng thú, chúng tôi luôn rộng mở chào đón cháu. Dù điều kiện còn hạn chế nhưng chúng tôi hoàn toàn có thể cung cấp cho cháu một việc làm với mức lương xứng đáng”.

Thầy Hiệu phó ở một trường Cao đẳng cũng chia sẻ: "Nếu để một tấm gương trung thực như vậy phải thất học, rồi đi phụ xe khách hay ở nhà làm ruộng với bố mẹ thì thật thiệt thòi cho em, và cũng thiệt cho cả chính chúng ta”. Rồi thầy còn cho biết thêm: Nếu em được tiếp tục học, rồi thi đỗ vào trường Cao đẳng của thầy thì “nhà trường sẽ miễn cho em toàn bộ học phí”. Nếu các vị lãnh đạo, các cơ quan chức năng nào cũng đồng hành với dân, ủng hộ và che chở những người chống tiêu cực như thế, thì cái xấu, cái ác sẽ không còn chốn nương náu.

Trở lại với chuyện thi cử. Có lẽ không đâu như ở nước ta, chỉ có thi hết Phổ thông mà năm nào cũng có những chuyện bùng nhùng. Em Minh Tú, hiện đang là sinh viên trường Đại học Quốc gia TP HCM, người đã qua hai kỳ thi Phổ thông và Đại học, giờ nhớ lại các kỳ thi ấy, em vẫn còn rùng mình. Và em đã gửi cho Bộ Giáo dục một bức thư ngỏ rất thú vị.

Trong thư, em kể về một người bạn thân của em được ba mẹ có điều kiện cho đi du học tại Úc khi mới vừa xong lớp 10. Cứ như lời em, vừa rồi, bạn ấy “chat”  về, kể những lần thi cử bên xứ kangaroo, nghe cứ như chuyện cổ tích. Bạn ấy bảo học sinh khi học lớp 11 đã có thể tham gia thi học sinh giỏi môn hóa của toàn nước Úc.

Ngày thi, học sinh ở trường nào thì cứ thi tại trường đó. Đến giờ quy định, thầy trong trường mở mail lấy đề in ra giao cho học sinh, rồi cứ thế, đúng 180 phút sau thu bài gửi về bộ phận chấm thi. Thầy cô trong trường nhưng chẳng bao giờ có chuyện gà bài cho học trò. Học sinh ngồi làm bài, không có giám thị săm soi, nhưng cũng chẳng có ai quay cóp, xài “phao”!

Thi Phổ thông là kỳ thi “2 trong 1”, vừa lấy điểm tốt nghiệp Trung học Phổ thông, vừa làm căn cứ để vào đại học. Đến cả các kỳ thi học sinh giỏi, học sinh trường nào cũng vẫn thi ở trường đó. Thầy cô trường nào coi thi tại trường đó luôn, chứ chẳng phải chạy nháo nhào sang các trường khác như các thầy cô trong các kỳ thi ở nước ta. Kết quả để tốt nghiệp và vào đại học không chỉ có bài thi toàn quốc, mà còn căn cứ vào điểm của suốt quá trình 12 năm học, nên không sợ chuyện quanh năm chơi, chỉ tập trung đối phó với với kỳ thi.

Khi em hỏi bạn rằng, xin đừng nói con người ở Úc là thánh, hoàn toàn không có chuyện châm chước nhằm cho học sinh mình, trường mình đạt kết quả tốt. Bạn bảo: “Dĩ nhiên. Ở mỗi trường, người của Bộ giáo dục sẽ nhặt lấy khoảng chục trường hợp bất kỳ, để xem xét toàn bộ bài kiểm tra ở các môn trong suốt năm học. Họ làm như thế để xem thử các bài kiểm tra trong trường có quá dễ không, có chấm đàng hoàng không. Nếu mọi chuyện bình thường, khi ấy Bộ Giáo dục mới công nhận kết quả của trường”.

Chúng ta thật sự xót xa khi nghe em Minh Tú bầy tỏ: “Thưa các cô các chú, nghe bạn kể chuyện du học mà thèm. Em không thèm chuyện bạn kể về những thư viện, phòng thí nghiệm hoành tráng của trường học bên ấy, vì người ta giàu. Em chỉ thèm về sự trung thực, chặt chẽ, hiệu quả và đơn giản trong thi cử bên ấy. Chuyện này em tin không phải do nghèo khiến giáo dục nước mình không làm được.

Nhìn lại quãng đường 12 năm học phổ thông, em thật sự buồn. Suốt ba cấp học, chúng em toàn học nhồi học nhét, học theo bài văn mẫu, giải toán kiểu chỉ cần kết quả đúng, không cần biết vì sao nó như thế. Suốt ba cấp học, lúc nào chúng em cũng căng thẳng chuyện thi và thi. Hết cấp I lo thi sao cho có điểm cao để vào được trường tốt ở cấp II. Hết cấp II là lo vào cấp III. Hết cấp III là lo sốt vó chuyện vào đại học

Thưa các cô chú lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo, em ước sao giáo dục nước mình sẽ được như những gì bạn em kể. Khi ấy mỗi năm có lẽ tiết kiệm được hàng trăm tỉ đồng, khi mà các thầy cô không phải chạy sang trường khác coi thi, chấm thi, cả triệu thí sinh cùng phụ huynh không phải gạo đùm cơm bới ra Hà Nội, về TP.HCM để thi tuyển sinh đại học. Số tiền tiết kiệm ấy ắt mỗi năm phải xây được vài ngôi trường khang trang”.

Tôi muốn dẫn lời em Minh Tú, dẫn hơi dài, vì đó là tiếng nói của người trong cuộc. Đó cũng là cách làm hay mà chúng ta rất nên tham khảo. Và nếu làm được như thế, hoặc tương tự thế thì mọi việc thi cử ở xứ ta sẽ trở nên đơn giản, nhẹ nhàng mà hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều.

Nhìn lại các kỳ thi của học sinh ta mà rùng mình. Chỉ thi hết Phổ thông mà cũng Hội đồng nọ, Hội đồng kia, rồi có cả Bảo vệ, Công an cùng phối hợp đi quanh hành lang, hoặc tuần tiễu ở vòng ngoài bảo vệ. Trong khi chương trình Trung học phổ thông chỉ là những kiến thức phổ cập, có tính xóa mù ở cấp sơ đẳng. Vậy thì có gì mà phải căng thẳng như thế? Chúng ta rất “chặt” ở bậc Phổ thông nhưng lại quá “lỏng” ở bậc Đại học. Ai vào Đại học thì rồi cũng được tốt nghiệp ra trường. Trong khi ở bậc Phổ thông mới cần sự thông thoáng như vậy.

Tôi đồng ý với nhà Sử học Dương Trung Quốc khi ông cho rằng, có thể bỏ kỳ thi Phổ thông, mà chỉ cần làm chặt ở kỳ thi tuyển Đại học. Chương trình Phổ thông chỉ cung cấp cho các em những kiến thức sơ đẳng, đại trà. Vì thế, khi tốt nghiệp Phổ thông chỉ nên tổ chức các cuộc kiểm tra đơn giản, như làm bài Kiểm tra học kỳ, bài Kiểm tra cuối năm, rồi cho tốt nghiệp, ra trường, để các em đi đào lò, khoan giếng, khuân vác, hay làm những việc đồng áng chân tay khác. Những em khá hơn thì đi học nghề. Hoặc giỏi hơn nữa thì vào Đại học.

Thi Đại học là tuyển chọn đào tạo cán bộ, đào tạo nhân tài. Vì vậy cần rất chặt chẽ. Và như thế, đề thi vào Đại học cũng phải khác, chí ít cũng thoát ra khỏi những dạng bài Kiểm tra Kiến thức phổ thông. Rồi trong quá trình học tập, còn tiếp tục chọn lựa. Nếu không đạt chuẩn, vẫn có thể bị thải loại. Không phải ai vào Trường Đại học cũng có thể tốt nghiệp ra trường và có bằng Đại học./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên