Trần Đăng Khoa: Chuyện chọn trường
Theo quan niệm của ông Hồ Ngọc Đại, lớp một là lớp quan trọng nhất, là bước chân đầu tiên của một con người trên suốt chặng đường tìm kiếm tri thức.
Vào những ngày này, các em học sinh vẫn đang thi những môn cuối cùng, chuẩn bị kết thúc khóa học. Còn hơn ba tháng nữa mới bắt đầu bước vào năm học mới. Vậy mà các bậc cha mẹ đã phải tất tả chạy ngược chạy xuôi tìm trường chọn lớp cho con. Hàng trăm người thức suốt đêm xếp hàng mua hồ sơ cho con vào trường Thực nghiệm.
Thật hãi hùng trước cảnh các bậc phụ huynh tả tơi vì chen lấn nhau, xô đổ cả cổng trường Thực nghiệm chỉ để dành giật một bộ hồ sơ xin học cho con. Đó là nỗi bỏng rát trên các kênh truyền thông suốt nửa tháng qua. Con cái đi học đã khổ. Các bậc cha mẹ còn khổ gấp bội. Nhiều Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ, Kiến trúc sư, nhiều nhà báo nhà văn, rồi các công chức bảnh bao trong các cơ quan, các công ty, tập đoàn kinh tế sang trọng, giờ đều nhếch nhác, phờ phạc như nhau trong nỗi lo toan tìm kiếm tri thức cho con.
"Tôi chỉ mong các cháu có chỗ thoáng đãng để nô đùa chạy nhảy" (Ảnh minh hoạ) |
Điều gì khiến các bậc cha mẹ nhao đến trường Thực nghiệm để rồi chịu cảnh địa ngục trần gian như vậy? Ta hãy nghe chính người trong cuộc, nhà báo Lê Anh Dũng, người đã từng “chôn chân, nghẹt thở”, xả thân xin học cho con lý giải. Cứ như khảo sát của anh thì đó chỉ là “tâm lý đám đông”. Nhiều người không hiểu lại “đổ lỗi” cho Giáo sư Ngô Bảo Châu vì ông đã học trường này thời niên thiếu, nên các phụ huynh ảo tưởng con họ sẽ thành những Ngô Bảo Châu trong tương lai.
Thực chất không phải vậy. Ai cũng biết Ngô Bảo Châu chỉ học vài năm đầu ở trường Thực nghiệm, sau đó ông chuyển sang trường khác, rồi du học nước ngoài. Nói như thầy Hiệu trưởng Trường Thực Nghiệm Nguyễn Kim Xuân thì GS Ngô Bảo Châu là “sản phẩm”của nhiều thầy cô và nhiều nền giáo dục khác nhau - mà trên hết – vẫn là nỗ lực tự thân của chính Ngô Bảo Châu, chứ không phải "Ngô Bảo Châu thành công vì học trường Thực nghiệm".
Nhìn nhận như vậy là khách quan và khoa học. Và như thế, có thể nói, các bậc cha mẹ không hề ảo tưởng. Cũng theo khảo sát của phụ huynh học sinh kiêm ký giả Lê Anh Dũng, thì nhiều người xin cho con vào trường Thực nghiệm chỉ đơn giản làm theo số đông: “Nhiều người xin cho con vào học thì trường phải tốt lắm”.
Nhưng cũng có người ngôi trường chỉ vì trường có khuôn viên khá đẹp, lại có cả một cái sân rộng, có chỗ cho các cháu vui chơi. Đây quả là niềm mơ ước. Bởi ngay trên phố Triệu Việt Vương, hàng năm, công an phải chặn hai đầu phố để các em học sinh trường tiểu học Bà Triệu tổ chức Lễ Khai giảng và Bế giảng. Các em học sinh ngồi dưới lòng đường còn thầy cô giáo đứng trên vỉa hè. Buổi lễ thiêng liêng của các em luôn phải diễn ra chớp nhoáng, còn phải trả lại con phố cho người đi đường.
“Cả tuổi thơ tôi bó trong mấy bức tường ngột ngạt không một bóng cây xanh. Con tôi cũng thế. Bây giờ đến đời cháu tôi cũng lại phải chịu cảnh ngột ngạt như vậy nữa sao? Trẻ con luôn hiếu động. Tôi chỉ mong các cháu có chỗ thoáng đãng để nô đùa chạy nhảy”. Một vị phụ huynh khác chọn Trường Thực nghiệm cũng chỉ vì ở đây không có chuyện học thêm. Chương trình học khá mới mẻ, lại luôn được cập nhật.
Tôi chợt nhớ cách đây trên 30 năm, khi ngôi trường này vừa mới được thành lập. Lúc ấy, Giáo sư Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại mới về nước. Ông vốn là Tiến sĩ Triết học. Triết học đâu phải đồ chơi dành cho trẻ con. Thêm nữa, Hồ Ngọc Đại lại rất nổi tiếng trong giới Khoa học Nga. Sau này, có dịp học ở Matxcơva, khi biết tôi là người Việt, có học giả hỏi: “Anh là người Việt, vậy anh có biết Hồ Ngọc Đại không?”. “Tôi cũng có mang máng nghe tên!”. “Đấy là người rất giỏi. Một ông khổng lồ đấy!”.
Lời nhận định như một câu đùa. Nhưng vị học giả không đùa. Ông còn tò mò hỏi tôi một câu rất nghiêm túc: “Ở Việt Nam có còn ai như ông Đại không?”. Tất nhiên là không. Chẳng có ai như Hồ Ngọc Đại. Có người còn gọi ông là lão “Đại gàn”.
Mà ông gàn thật. Vốn là người có tiếng rất giỏi, lại con rể Tổng Bí thư Lê Duẩn, người ta mời ông làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Một con đường nhung lụa đã được trải sẵn. Rồi ông có thể vươn tới những vị trí cao hơn. Nhưng ông đã từ chối. Kiên quyết từ chối. Ông chỉ xin được làm một ông giáo dạy lớp một. Một Giáo sư Tiến sĩ lại đi dạy lớp một? Đúng là ông Đại gàn. Theo quan niệm của ông, lớp một mới là lớp quan trọng nhất. Đó là bước chân đầu tiên của một con người trên suốt chặng đường tìm kiếm tri thức. Đó cũng là nền móng quan trọng nhất. Móng có vững mới vươn được lên cao.
Ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước, khi chúng ta vẫn đang ngây ngất trước ánh hào quang của của nền giáo dục Xã hội chủ nghĩa thì ông đã nhìn ra những lỗ hổng không thể lấp được của nền giáo dục đang có nguy cơ bị băng hoại. Để thoát khỏi nó, ông xin mở trường Thực nghiệm. Một nửa chương trình học vẫn theo nội dung đại trà của Bộ Giáo dục. Còn một nửa chương trình theo phương pháp dạy và học hoàn toàn mới của ông. Việc làm ấy, lúc đầu, đâu phải ai cũng hiểu. Có người còn nổi giận: “Tại sao lại biến con em chúng ta thành những con chuột bạch để đem ra mà thí nghiệm?”.
Bây giờ sau hơn ba mươi năm, có bao lớp học sinh của trường đã thành những trí thức lớn, làm rạng danh đất nước. Giáo sư Ngô Bảo Châu là một trường hợp. Tất nhiên, như tôi đã nói ở trên, chúng ta không ngây thơ nghĩ rằng GS Ngô Bảo Châu thành nhà toán học nổi tiếng thế giới là vì học ở trường Thực nghiệm. Nhưng cho đến nay, dù đã là học trò của rất nhiều ông thày giỏi trên thế giới, nhưng Ngô Bảo Châu vẫn luôn kính trọng và luôn bị ám ảnh khi nhớ về người thày đầu tiên, ông Giáo sư Tiến sĩ Triết học dạy lớp một Hồ Ngọc Đại.
Nhiều học sinh của trường khi đã trưởng thành, là cán bộ chủ chốt ở nhiều cơ quan và những cục vụ viện có uy tín trong nước cũng như ở nước ngoài, nhưng họ đều trở lại trường, đều xin cho con em mình được học ở đây. Hàng trăm phụ huynh học sinh thức trắng đêm, chen lấn xô đẩy, để xin cho con được vào học trường Thực nghiệm thì cũng dễ hiểu. Chỉ có điều, một mô hình hay, được các bậc cha mẹ học sinh tin cậy, tại sao không nhân rộng ra cả nước. Sau ba mươi năm, trường Thực nghiệm vẫn là trường Thực nghiệm. Chỉ riêng điều đó cũng đủ thấy chúng ta trì trệ đến mức độ nào!
Có điều, nếu chỉ muốn thoát khỏi cách dạy và học thụ động đã trở thành lối mòn, làm băng hoại mọi sự sáng tạo, nếu chỉ muốn có một khuôn viên rộng rãi cho các con chơi, hay cao hơn là theo học một nền giáo dục hiện đại như nguyện vọng của nhiều phụ huynh học sinh thì đâu cứ phải đến học ở trường Thực nghiệm. Nhiều trường khác cũng rất hay, nếu không nói còn hay hơn, vì chí ít, các chương trình học rất hiện đại theo tiêu chuẩn đào tạo của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Đó là sự xuất hiện ngay trên đất nước ta hàng loạt những ngôi trường Quốc tế theo tiêu chuẩn Quốc tế.
Ngay bên cạnh khu phố tôi ở là Trường Quốc tế WellSpring. Trường xây dựng hiện đại trên một khuôn viên rất đẹp. Nói như cô giáo Lê Tuệ Minh, hiệu trưởng của trường: “Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định phải xây dựng một chương trình chi tiết thực sự của riêng trường, dành riêng cho các đối tượng của trường một cách bài bản và có hệ thống, thực sự đáp ứng được các mục tiêu giáo dục toàn diện, đặc biệt là Trí thức, Trí tuệ, Nhân cách, Tâm hồn và năng lượng cảm xúc, tạo cho học sinh có động lực học tập tự thân từ bên trong. Khi các em có niềm đam mê khám phá thì tự các em sẽ có cách tiếp cận kiến thức. Đó mới là nền móng vững chắc nhất cho một nền giáo dục khích lệ, khơi nguồn chứ không áp đặt”.
Điều đáng nói nhất ở đây là nhà trường có một đội ngũ giáo viên rất giỏi lại được đào tạo theo mô hình Giáo dục Anh. Các chương trình học rất sinh động và phong phú. Các em tiếp cận kiến thức một cách tự nhiên, không áp đặt. Đối với các en học sinh, một ngày đến trường thực sự là một ngày vui.
Tôi đã dự một buổi ngoại khóa về văn học dành cho các em ở bậc tiểu học ở ngôi trường này. Thú thật thoạt đầu, tôi rất ngại ngần. Bởi các em bé quá, ở lứa tuổi ấy, chỉ có thể làm các trò vui, mới gây được sự chú ý của các em, chứ làm sao nói được điều gì sâu sắc. Nhưng rồi thật bất ngờ. Tôi đã rơi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Các em rất tự tin và hoàn toàn làm chủ diễn đàn. Cuộc ngoại khóa do các em tự điều hành. Thày cô là khán giả. Thi thoảng mới đóng vai trò hỗ trợ.
Buổi giao lưu như một cuộc Hội thảo thú vị, rất nghiêm túc, nhưng cũng rất hồn nhiên ngây thơ, đúng như sự ngây thơ của con trẻ. Mọi tiềm năng của các em được đánh thức và phát huy. Đặc biệt là khả năng tranh biện, thuyết trình trước đông người. Các em không còn nhút nhát, thụ động, cô đọc trò chép, rồi lặp lại những gì cô đã nói, rồi sau này ra trường, cả khi đã thành cán bộ rồi mà vẫn lúng túng, nhiều khi buông tờ giấy do người khác chuẩn bị sẵn là chẳng còn biết nói gì nữa. Đó chẳng phải là lỗi của nền giáo dục hay sao?/.