Trần Đăng Khoa: Chuyện phiếm về thời trang mũ bảo hiểm

Chả lẽ bảo vệ được mái tóc thì lại phải “hy sinh” cả khuôn mặt ư? Thôi thì đành “hy sinh” cái mũ vậy. Nhiều chị em đã khoét mũ cho lọn tóc chồi lên...

Đã mấy chục năm nay không còn mưa bom bão đạn. Việt Nam đã trở thành một xứ sở hòa bình, một vùng đất an toàn nhất trong khu vực và hành tinh.

Trong Hội nghị APEC được tổ chức rất thành công tại Hà Nội, có một hình ảnh rất ấn tượng, lại diễn ra trên đường phố, ở bên lề Hội nghị. Đó là Ngài Thủ tướng Australia chạy bộ tập thể dục quanh Hồ Gươm cùng với các cụ hưu trí, các bà con dân phố mà không cần bất kì một sắc phục bảo vệ nào. Một xứ sở êm đềm như thế mà ngày nào cũng có người chết và bị thương bởi tai nạn giao thông thảm khốc. Để bảo vệ tính mạng cho dân, chúng ta cũng đã loay hoay tìm bao nhiêu giải pháp đề khắc phục. Thủ tướng Chính Phủ cũng đã từng có chỉ thị cho mọi người dân trong lúc đi đường phải đội mũ bảo hiểm. Đó là một quyết định rất kịp thời giúp tránh được hiểm họa trong lúc đi đường.

Trên thị trường mũ bảo hiểm, chưa bao giờ lại tưng bừng náo nhiệt như bây giờ. Mũ treo, bày la liệt trong các siêu thị và trên cả vỉa hè. Mũ thật có. Mũ giả có. Nhiều cái trông rất “hoành tráng” nhưng lại là hàng mã. Các cơ quan chức năng cần kịp thời có biện pháp giúp người dân trong việc chọn lựa. Ở quầy hàng thực phẩm, những sạp thịt lợn còn có dấu của cơ quan kiểm định. Mũ bảo hiểm cũng cần phải có sự kiểm định như thế. Tại sao không?

Nhưng thôi, đồ hàng mã, ta chả bận tâm làm gì. Bởi đó là công việc của các cơ quan chức năng và những nhà kiểm định. Chúng ta chỉ bàn về những chiếc mũ chính hãng.

Gần đây, cô bạn thân của tôi vừa đi công tác Đài Loan, có mang về một chiếc mũ bảo hiểm. Giá mũ rất rẻ. Chỉ có 3 dollas thôi. Thế mà về xứ Việt, chiếc mũ phình lên đến 900.000 đồng tiền Việt. Có cô gái sãn sàng bỏ ra cả mấy triệu bạc để tậu một chiếc mũ như thế.

Vì sao chiếc mũ ấy lại được yêu chuộng đến vậy? Bởi đó là mũ thời trang. Ngoài việc bảo đảm sự an toàn tính mạng cho người đội, nó còn bảo đảm được cả tính thẩm mỹ. Nhiều cô gái rất ngại chụp cái “nồi cơm điện” lên đầu. “Mái tóc em mới làm, đẹp đến thế, vậy mà úp “nồi cơm điện” lên có vài phút, đã thành ngay cái tổ quạ rồi. Em nghĩ rằng, đàn bà con gái chúng em cứ phải đẹp. Đến chết cũng vẫn đẹp. Ngay cả gương mặt trong quan tài cũng phải là gương mặt của thiên thần!”.

Khiếp chưa!

Các nhà thiết kế sản xuất mũ bảo hiểm hình như cũng đã rất tinh nhạy, nắm bắt được như cầu không thể thiếu được của chị em phụ nữ, hàng loạt mũ bảo hiểm thời trang phụ nữ có mặt trên thị trường. Trông rất sinh động và bắt mắt. Những chiếc mũ đạt được thẩm mỹ thời trang, nhưng lại mất tính “bảo hiểm”. Có cách nào vừa bảo đảm được sự an toàn cho người đội mũ, lại vừa bảo vệ được mái tóc của chị em không?

Hình ảnh này sẽ khiến những nhà sản xuất MBH phải nghĩ nhiều

Nhân bàn về việc bảo vệ mái tóc của chị em phụ nữ, anh bạn tôi vừa ở Sơn La về, đã được thấy một sáng kiến khá lạ mắt. Đối với người Thái, khi phụ nữ có chồng, mái tóc được cuộn lên trên đỉnh đầu như một ngọn tháp. Đây là một phong tục đã có từ lâu đời. Và khi đã thành phong tục thì không thể xóa bỏ được. Cũng không thể thay đổi được. Với những người đội tháp tóc trên đỉnh đầu ấy, việc mang mũ bảo hiểm sẽ ra sao? Thế là diễn ra cuộc “giao tranh” quyết liệt giữa khuôn mặt và mái tóc. Tóc chiếm được mũ và “đẩy” luôn gương mặt ra ngoài. Chả lẽ bảo vệ được mái tóc thì lại phải “hy sinh” cả khuôn mặt ư? Thôi thì đành “hy sinh” cái mũ vậy. Nhiều chị em đã khoét mũ cho lọn tóc chồi lên. Chị em đi trên đường, trông như những quả ớt đi động. Mũ bảo hiểm mà thủng cả một khoảng chóp thì có còn là mũ bảo hiểm nữa không? Liệu có thể thiết kế riêng, sản xuất riêng những chiếc mũ bảo hiểm giành cho chị em dân tộc Thái không?

Đội mũ bảo hiểm, nhiều khi cũng khoái ra trò. Vùi đầu vào mũ bảo hiểm, cứ như chui trong chăn. Hoàn toàn ấm áp và yên tĩnh. Âm thanh bên ngoài cũng trở nên xa lắc. Nhiều anh chàng nhầm tưởng mình đang chui trong chăn thật. Thế là “đánh” luôn một giấc khi chiếc xe máy vẫn đang guồng trên đường cao tốc. Nhiều tai nạn kinh hoàng diễn ra cũng vì những giấc mơ tiên ấy đấy. Có cách nào đánh thức người lái xe ấy và nhắc cho anh ta biết rằng: “Không phải trong phòng ngủ ấm áp đâu. Anh đang phóng xe máy với tốc độ lớn đấy!”.

Trả lời tất cả những câu hỏi ấy không phải là khó, nếu chúng ta đầu tư trí tuệ vào mũ bảo hiểm, biến những chiếc “nồi cơm điện” thành mũ thời trang, vừa bảo đảm sự an toàn lại vừa mang lại vẻ đẹp mới cho người đội mũ. Và như thế, người ta không chỉ đội mũ khi đi đường mà còn có thể đội mũ cả khi dự tiệc cưới, nếu chiếc mũ ấy cũng như những bộ quần áo “Mốt” nhất, biết giấu đi những khiếm khuyết và phô ra vẻ đẹp của gương mặt con người. Trong sự phát triển của kinh tế thị trường cùng với công cuộc đổi mới đất nước, với sự nắm bắt rất tinh nhạy thị hiếu người tiêu dùng của những nhà sản xuất, tại sao chúng ta lại không tin, trên mọi nẻo đường ta đi, không lâu nữa, sẽ xuất hiện những chiếc mũ thông minh như thế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên