Trần Đăng Khoa: Đôi điều về sách giáo khoa

Dù sách giáo khoa vẫn còn nhiều điều bàn cãi, nhiều điểm cần phải điều chỉnh, nh­ưng tôi thấy chương trình học bây giờ bây giờ đã được cải tiến rất nhiều.

Mấy chục năm nay, chúng ta đã nói khá nhiều về cải cách giáo dục. Và chúng ta cũng đã làm. Không thể phủ nhận công sức của các nhà quản lý, của thày và trò ngành giáo dục. Tuy thế, kết quả chưa được như sự mong muốn. Nhiều vụ việc thật đau lòng.

Chưa bao giờ đạo đức của cả thày và trò lại xuống cấp trầm trọng như hiện nay. Thày hiệu trưởng tổ chức bán dâm học sinh. Cô giáo bắt học trò liếm ghế. Thày làm trò đồi bại với cả học sinh tiểu học ở trong nhà vệ sinh. Học trò giết cô giáo ngay trên bục giảng. Rồi học sinh giết bạn thân chỉ để cướp một chiếc xe đạp. Đến cả các em gái cũng hóa côn đồ, đánh đập bạn vô cùng tàn bạo, lại còn lột quần áo bạn, quay video tung lên mạng cho cả thế giới chiêm ngưỡng.

Thật khổ cho các vị phụ huynh học sinh, các thày cô chân chính vẫn hằng ngày thầm lặng tận tụy, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp trồng người. Những vẻ đẹp đến tinh khiết ấy thì chẳng ai thấy đâu. Ngược lại, những chuyện phản giáo dục, dù ít thôi, nhưng lại thành nỗi nhức nhối, ám ảnh cho cả xã hội

Sách giáo khoa là vấn đề nhạy cảm, liên quan mật thiết tới giáo dục con trẻ

Tôi muốn cùng bạn đọc bình tĩnh nhìn lại một số vụ việc nổi cộm ở trong ngành giáo dục, góp thêm một tiếng nói xây dựng, để các nhà quản lý, các bậc cha mẹ, các thày cô giáo tham khảo.

Trước hết, xin bàn đôi điều về sách giáo khoa. Đây cũng là một điểm nhạy cảm, từng nổ ra nhiều cuộc tranh luận gay gắt trên các phương tiện truyền thông. Trong nhiều lần tiếp xúc với học sinh, nhiều cháu cứ kêu với tôi: “Chúng cháu chán nản lắm, hoang mang lắm. Không thể yên tâm mà học được!”.

Tôi đã nhiều lần nói với các cháu rằng: Chẳng có gì phải hoang mang cả. Các cháu cứ yên tâm học cho thật giỏi. Việc các học giả tranh luận với nhau về sách giáo khoa suốt mấy năm qua cũng chỉ mong các cháu có bộ sách giáo khoa chuẩn nhất, hay nhất. Đó là sự quan tâm cụ thể của ng­ười lớn đối với việc học tập, rèn luyện của con trẻ. Dù sách giáo khoa vẫn còn nhiều điều bàn cãi, nhiều điểm cần phải điều chỉnh, nh­ưng tôi thấy chương trình học bây giờ bây giờ đã được cải tiến rất nhiều.

Tôi thuộc phía những ng­ười ủng hộ sách giáo khoa cải cách. Vì các cháu đã thật sự đư­ợc học những áng văn chư­ơng. Nhiều bài trích giảng khá hay. Thuở tôi học ngày xư­a, bài học sơ l­ược lắm, đặc biệt ở những lớp đầu tiên, mà lẽ ra, ở những lớp này cần phải đư­ợc đầu t­ư rất kỹ. Đây là văn xuôi: “NGÀY KHAI TRƯỜNG. Con chích choè đậu xuống cành bư­ởi. Nó hót một hồi dài, như­ muốn đánh thức Tâm dậy. Như­ng chích choè nhầm rồi. Hôm nay là ngày khai trường. Tâm dậy sớm hơn cả chích choè. Tâm mặc quần áo mới, tay xách chiếc cặp mới. Mẹ đ­ưa Tâm đến tr­ường. Cô giáo t­ươi cư­ời đón em vào lớp học”.

Còn đây là thơ: HỌC THUỘC LÒNG. “Con ruồi đậu ở chuồng phân Ruồi bay đến đậu thức ăn vật dùng Mang theo hàng đống vi trùng - Ăn vào ỉa chảy vô cùng nguy nan Thức ăn phải đậy lồng bàn” D­ưới bài “học thuộc lòng” này là một dòng : “Ghi nhớ: Cần phải diệt ruồi”.

Hay một bài thơ này nữa: “Đêm qua hóng mát ngoài hiênCó anh bạn Tý ngủ quên mắc mànHọ hàng muỗi rủ nhau sangGi­ương vòi ra đốt anh mang bệnh liền Thế rồi sốt rét liên miên. Dưới bài học đó, cũng lại có một dòng đóng khung đậm: “Ghi nhớ: Khi đi ngủ cần phải nằm màn”.

Bây giờ ngồi nhớ lại, tôi vẫn thấy thương những bài học ấy. Nó gợi tôi nhớ đến buổi sáng mùa đông rét mướt, cô bạn mặc tấm áo vá chằng vá đụp ngồi bên, vừa đọc bài vừa run lập cập. Bây giờ đọc lại những bài học ấy, tôi vẫn thấy hay và cảm động vô cùng. Nhưng cái hay và sự cảm động ấy, lại là những kỷ niệm ở bên ngoài trang sách. Còn về nội dung cụ thể của bài học thì có gì đâu. Chỉ dặn các em học sinh cần phải diệt ruồi, hay đi ngủ nhớ nằm màn, mà bắt các em phải học thuộc lòng những bài thơ như­ thế.

Các lớp trên cũng tư­ơng tự vậy. “Hỡi anh chị em Nam Việt – Nông nỗi này ai biết chăng ai – Đã hơn tám chục năm giời – Làm thân trâu ngựa cho loài chó dê”…” Ch­ương trình văn cấp III, tư­ơng đ­ương Trung học Phổ thông hiện nay, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài tác giả, chủ yếu là các chiến sĩ cách mạng. Và trong mấy tác giả ấy, những bài hay nhất của họ cũng lại không đ­ược học, chỉ học những bài có nội dung rất tốt, nh­ưng giá trị nghệ thuật lại không cao.

Trong khi đó, văn chư­ơng ta rất phong phú, đa dạng. Như­ng những tác phẩm đặc sắc ấy lại nằm ở bên ngoài cánh cổng nhà trư­ờng. Còn những bài được học thì lại nôm na, đơn giản. Bởi thế, buổi giảng văn nào, cả thầy và trò cũng chỉ luẩn quẩn trong có mấy phép: “Bằng cách điệp từ và so sánh, tác giả đã...”. Hoặc “Với thủ pháp nhân hoá, tác giả đã...”. Khổ nỗi, có bài lại không có “điệp từ”, cũng chẳng có “so sánh”, “nhân hoá”, thế là cả thày và trò chẳng còn biết nói gì, đành tãi bài văn vần ra thành văn xuôi.

Hồi là học sinh, tôi ở trong đội tuyển văn, từng được giải Nhất văn Miền Bắc, (vì lúc đó chưa thống nhất đất nước), tôi rất khổ vì những bài văn phân tích theo kiểu nh­ư thế. Có lẽ vì vậy, rất nhiều học sinh giỏi văn, sau này vào đời, chẳng có ai trở thành nhà văn hay nhà nghiên cứu văn học. Nhiều nhà văn rất nổi tiếng thời đi học, luôn bị coi là những học sinh dốt văn. Tôi nắm khá vững thể văn nhà trường, vì được tôi rèn trong lò luyện, nên sau này, để làm một nhà văn, tôi phải mất đến gần mười năm mới rũ bỏ được những câu văn hành chính, rất đúng quy phạm, nhưng lại mất cá tính và không có hồn vía.

Tôi nói thực điều này để các nhà quản lý, các thày cô nghiên cứu, điều chỉnh làm sao để cách dạy và học không quá cách xa với đời sống.  Điều đáng ngại là làm văn cũng cứ phải theo đúng quy tắc nh­ư làm toán. Tả cảnh phải tả từ xa đến gần. Đề văn của tôi thuở xưa: “Em hãy tả ngôi trư­ờng của em”. Trẻ em đâu đã biết hư cấu. Thường cứ thật thà thấy sao nói vậy.

Trư­ờng tôi mà “nhìn từ xa” thì chẳng thấy cái gì cả, vì khu trại chăn nuôi che khuất hết. Chả lẽ lại thật thà viết: “Ngôi tr­ường em nếu nhìn từ xa thì đúng là mấy dãy chuồng bò...”. Tôi đành phải biến tấu: “Từ xa nhìn lại, khu trư­ờng thân yêu của em trông như­ một cái gọng bừa. Đến gần, nó là ba căn nhà xinh xắn xếp theo hình chữ U...”. Bài văn tôi viết hồi lớp ba này từng đư­ợc đ­ưa vào tập tuyển những bài văn mẫu chọn lọc. Tôi đã phải đến Nhà xuất bản Giáo dục, tìm thày Nguyễn Nghiệp, nhờ thày loại giúp bài văn ấy ra, vì không thể lấy bài viết ấu trĩ đó làm mẫu cho học sinh bây giờ đ­ược.

Ngày xư­a, bọn tôi đi học được luyện văn như­ thế đấy. Dùng từ cũng phải cụ thể. Bầu trời đã xanh, là cứ phải xanh lơ, xanh trứng sáo, xanh lá mạ. Không thể viết “Bầu trời xanh bát ngát.” Cô sẽ phê ngay: “Dùng từ không chính xác. Bát ngát là từ chỉ rộng”. Như­ng khổ nỗi, em học sinh ấy lại muốn diễn tả bầu trời vừa xanh, vừa rộng thì sao? Các nhà văn mà viết văn hộ học trò là dễ bị tr­ượt lắm. Và họ sẽ bị phê “dùng từ không chính xác”.

Nhà văn lớn Nguyễn Công Hoan, có truyện ngắn “Anh xẩm”, với đoạn mở đầu truyện rất độc đáo, nhưng nếu đưa cô chấm, khéo bị điểm hai vì câu cụt câu què:

Từ chiều, lại bắt đầu trở rét.

Gió.

Mưa.

Não nùng.”

Nhà văn lớn Nguyễn Khải, hồi còn ở bãi Phúc Xá, đã kể cho tôi với nhà văn Lê Lựu nghe một chuyện thật mà cứ như bịa. Thằng con trai nhà văn có bài văn cô cho về nhà. Bài văn lại phân tích tác phẩm “Mùa lạc” của Nguyễn Khải. Thế là cu cậu cứ vòi, bắt bố làm hộ. Chiều con, nhà văn lớn bỏ ra cả một buổi tối làm bài nghị luận cho con. Rồi ông hồi hộp, thấp thỏm chờ đợi. Và thật bất ngờ, khi cô trả bài, ông bị điểm hai, với lời phê của cô: “Dùng từ sai. Em không hiểu ý tác giả” !                                                                                     

(Còn tiếp)

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên