Trần Đăng Khoa: Giữa mùa bóng đá nhớ… bóng đá

Cách đây gần hai chục năm rồi, khi lần đầu, và cũng là lần duy nhất trong đời, tôi bị lôi ra sân cỏ ở... bên kia trái đất

Trái bóng đã lăn trên sân cỏ Châu Âu. Đây chỉ là cuộc tranh tài Thể thao của một châu lục. Nhưng trái bóng vẫn bay quanh trái đất, rải niềm vui hay nỗi buồn xuống khắp hành tinh. Căn phòng viết vốn lặng lẽ của tôi bỗng ngổn ngang, bừa bộn và náo loạn như sân cỏ. Suốt đêm vợ con tôi hò hét, rồi vui rồi buồn chộn rộn. Tôi lại nhớ đến kỷ niệm cũ. Cách đây gần hai chục năm rồi, khi lần đầu, và cũng là lần duy nhất trong đời, tôi bị lôi ra sân cỏ ở... bên kia trái đất. Chuyện đã lâu mà cứ như đang diễn ra.

Cổ động viên Euro 2012 phấn khích với diễn biến trận đấu trên sân cỏ. (Ảnh: Reuters)
Tôi không biết trên cao vòi vọi, cao đến u u minh minh kia có đấng quyền năng tối thượng hay không mà sao người đời lại nhìn Ngài bằng con mắt kính cẩn đến thế. Nguyễn Công Trứ gọi Ngài là Ông Xanh. Đoàn Thị Điểm cũng gọi Ngài là Ông Xanh. Còn Nguyễn Du thì gọi Ngài là đấng Hoá Công. Gặp nỗi buồn đau bi đát của cõi đời dâu bể mà không có cách nào thoát được, cụ Nguyễn lại bái vọng lên Ngài mà than thở: Phũ phàng chi bấy Hoá Công, tựa hồ như mọi chuyện ở cõi đời này đều do Ngài bày đặt, chi phối.

Vâng, nếu quả có đấng Hoá Công quyền uy như vậy thật, thì tôi nghĩ có lẽ Ngài là một lão say rượu, một gã bắng nhắng luôn châm chọc và đùa cợt. Bởi vậy, những tay sành bóng đá, am tường bóng đá và mê bóng đá đến phát điên, phát cuồng, ví như cơ quan tôi có hai thi sĩ lừng danh là Nguyễn Đức Mậu và Anh Ngọc, lại bị lão vô hình nhốt ở xó nhà, bắt gí mũi lên cái màn hình bé hin hin, biến họ thành những chú mèo bị thu hết móng vuốt, chỉ còn biết đắm đuối đến bất lực, ngắm những bóng cá vàng nhào lộn tung tẩy trong cái bể nuôi cá cảnh có cái tên rất hiện đại là vô tuyến truyền hình. Còn tôi, một gã lờ khờ, nghễnh ngãng, loạng quạng thế nào lại được lão “nhót” lên, lôi sang tận nước Mỹ, rồi thả xuống sân vận động Foxboro ở thành phố Boston vào đúng cái ngày bóng đá sôi động World Cup.

Phải, tôi cho đó là trò đùa quái quỷ của lão Hoá Công say rượu. Tôi là gã điếc đặc bóng đá. Trong đời, tôi chưa một lần bước chân vào sân vận động, cũng chưa bao giờ xem hết một buổi tường thuật bóng đá trên màn hình. Riêng về cái “khoản” này tôi ngang dân Mỹ. Người Mỹ, với bóng đá, họ cũng là những anh nghễnh ngãng. Họ không thích bóng đá, nhưng lại mê bóng rổ, bóng chày.

Vào giữa mùa World Cup, một sự kiện thể thao trọng đại, thu hút sự chú ý của hàng triệu người trên trái đất, và cái sự kiện sôi động ấy đang diễn ra ngay trên đất Mỹ, vậy mà ở những thành phố lớn như Washington, New York hay Boston mà tôi có dịp ghé qua, chỉ thấy sự lặng lẽ, bình thản, chẳng có ai bàn tán đến sự kiện này. Trên đường phố cuồn cuộn những con lũ xe, bên những cây cột đèn cao áp, thi thoảng cũng thấy loe nhoe, phơ phất mấy cái cờ đuôi nheo quảng cáo, vẽ một anh chàng da đen đang co chân sút bóng. Giữa thành phố náo nhiệt, sôi động, mấy cái mảnh vải này nom hiu hắt một cách lạc lõng. Để chứng tỏ sự hiện hữu của mình, đôi lúc nó cũng quẫy trong gió, nom vật vờ, uể oải như đuôi con mèo ốm, chẳng thu hút được sự chú ý của ai. Đến nỗi, khi những trận đấu chấn động thế giới sắp qua, cả mùa World Cup cũng đã bước vào giai đoạn cao trào để kết thúc, một nhà văn Mỹ nói với tôi: “Tiếc là các anh đến sớm quá! Giá như cuối năm nay các anh mới sang thì thế nào các anh cũng được xem Bóng đá Thế giới. Cuối năm nay, chúng tôi có World Cup!..”

Nhà thơ Anh Ngọc cứ tròn mắt nhìn tôi: “Cậu có mặt ở sân vận động thật à? Nghĩa là cậu xem trực tiếp bằng mắt, và nhìn thấy Maradona hiện hình bằng xương, bằng thịt ư? Ối giời! Cậu là người hạnh phúc nhất trên cõi đời này đấy! Cậu thấy Maradona như thế nào?...”

Tôi còn biết nói sao với ông thi sĩ bóng đá Anh Ngọc. Đối với một gã mù đặc bóng đá như tôi, sân Foxboro chỉ là cái nong tằm nhộn nhạo. Vâng, nó đúng là một cái nong tằm. Có điều tằm nhiều mà dâu ít. Lúc nhúc có đến hơn hai chục con tằm hung hãn mà chỉ có mỗi một lá dâu non, là cái quả bóng mỏng dinh dính và bé như cái mắt muỗi. Thế nên cứ nháo nhào nhào. Làm sao tôi biết được con tằm nào là Maradona kia chứ.

Xem ra, Liên đoàn bóng đá thật oái oăm và cái ông Pha pha gì ấy cũng là một gã keo kịêt. Trái bóng đâu có hiếm mà cũng đâu có đắt đến nỗi không mua nổi. Tại sao không tung ra vài chục quả cho anh em đá. Mỗi cầu thủ cứ chia cho vài quả. Tha hồ mà đá. Đá thoải mái, Chẳng việc gì phải chen chúc, xô đẩy và tranh cướp nhau như một lũ giặc ngày. Đấy, cái sự việc đơn giản như thế mà người ta cũng chẳng chịu làm. Hình như đây cũng là trò đùa cợt của lão Hoá Công say rượu.

Nhà thơ Anh Ngọc trố mắt nhìn tôi như nhìn một con quái vật vừa lăn từ đĩa bay xuống nên chẳng biết Maradona là cái gì: “Đó là một thiên tài bóng đá. - Anh Ngọc giải thích. - Thập kỷ này là thập kỷ Maradona. Cậu rõ chưa? Đó là một siêu sao, một vị thánh sống mà ta có thể nhìn thấy bằng mắt, sờ được bằng tay. Một ông vua không phải khai quật từ khu mộ cổ lên, mà đang hiện hữu, còn nguyên cả cân đai, áo mũ, cùng với những hơi thở thơm tho ngây ngất. Và như thế, vô tình, cậu là người đại diện cho nhân dân Việt Nam, xem trận đấu cuối cùng của ông Vua bóng đá Maradona, và chứng kiến cái giây phút huy hoàng và suy vong của cả triều đại đó”.

Thế thì thật là đau đớn và bất hạnh cho Ngài, hỡi Maradona tôn nghiêm! Người “đại diện” cho nhân dân Việt Nam, một nhân dân yêu chuộng bóng đá và hâm mộ Ngài lại là cái gã chẳng biết Ngài là ai cả. Hình như đây mới là trò đùa đểu cáng nhất của lão Hoá Công nát rượu.

Vào buổi trưa, vô tuyến truyền hình Mỹ báo tin chiều Boston có mưa lớn. Cũng lúc ấy, tôi bị lôi ra sân bóng. Bầu trời sậm sịt mây. Những ngọn gió ẩm nặng hơi nước, ngai ngái mùi thảo mộc của những miệt vườn và những khu rừng xanh om hai bên đường cao tốc ùa thốc vào cửa xe. Không khéo mưa to mất. Nhưng ngoài tôi ra, có lẽ chẳng có ai để ý đến chuyện mưa gió ấy. Chiếc xe lao vun vút như một viên đạn đại bác thoát nòng.

Ở sân vận động bao trùm một bầu không khí khác hẳn. Đó là một thế giới hừng hực, náo loạn. Một biển người phát điên phát cuồng. Họ trát bột màu xanh đỏ lên mặt mũi, đầu tóc, quần áo. Có cô gái cởi trần, sơn toàn thân màu cờ Argentina. Lại có anh lùn tịt, đội ngất nghểu trên đầu một cái mũ quái dị, cao đến ba bốn mét, xâu xếp bằng những quả bóng màu xanh đỏ, dáng đi lặc lè. Rồi hàng nghìn người tự làm cho mình dị dạng, méo mó, đã thế lại còn múa may quay cuồng rồ dại, thỉnh thoảng lại hét ré lên như bị chọc tiết. Rồi họ vỗ trống thùng thùng, rúc kèn toe toe. Rồi ống bơ, vỏ bia hộp, kèn sắt tây, ai có gì thì sử dụng cái đó, miễn là vỗ ra được âm thanh, rúc lên thành tiếng động. Sân bóng đúng là một thế giới ầm ĩ, huyên náo và kích động.

Nhà văn Tô Nhuận Vĩ lột phăng áo vét, khoác cái áo phông rộng thùng thình, có in hình quả bóng mà anh vừa mua được ở một ki-ốt bên đường với giá đắt khét lẹt. Chiếc áo dài lướt thướt khiến người anh rúm ró như một chú hề trong rạp xiếc. Còn nhà thơ Phạm Tiến Duật thì không ngừng quát vào cái máy ghi âm. Một thi sĩ lừng danh, giờ hoá anh tường thuật bóng đá kiêm quảng cáo thuốc hôi nách ở một ga xép tỉnh lẻ. Còn nhà văn Nguyễn Quang Thiều và tôi thì chạy lăng xăng như hai thằng trẻ con già khọm.

Còn hơn tiếng nữa mới bước vào trận đấu. Nhưng trên sân đã dát đặc người cùng với cờ quạt và thanh la não bạt. Phần lớn họ là khách xa, đến từ các lục địa khác nhau trên trái đất. Có đến non nửa sân vẫy cờ Argentina. Trên không trung có tiếng súng phá mưa nổ lụp bụp. Rồi ánh nắng xuyên qua những lỗ mây thủng, rọi loà loà xuống sân cỏ như một ngọn đèn pha hàng triệu oát. Sân cỏ bừng nắng. Lẻ tẻ xuất hiện vài chiếc máy bay, rồi hàng đàn máy bay đủ các loại, đeo kéo những tà phướn, những tấm biển quảng cáo xanh đỏ các hãng Coca-Cola, ô-tô, rồi Ngân hàng, rồi Viện Sử học, rồi các toà báo mới, rồi hàng trăm công ty, chịu không thể biết được những công ty gì cứ phấp phới quần lượn quanh sân cỏ. Nhưng rồi chẳng còn ai để ý đến những chiếc máy bay, những quả khinh khí cầu quảng cáo ấy nữa, khi cầu thủ hai đội xuất hiện. Sân cỏ ào lên như sôi. Những con rắn xanh, rắn trắng, những nắm giấy vụn không biết được chuẩn bị từ bao giờ tung mù mịt xuống sân cỏ. Các cầu thủ chìm trong màn hoa giấy quái dị. Bầu trời trắng xoá như mưa tuyết.

Trận đấu diễn ra trong tiếng hò reo, la hét điên loạn của cả một biển người. Bấy giờ, tôi mới biết rằng, không chỉ có 22 anh chàng đá bóng trên sân cỏ, mà nhễ nhại hơn những gã trung phong chạy như hoá dại ấy là hàng vạn cầu thủ đá bóng bằng... mồm.

Nhà thơ nổi tiếng Phạm Tiến Duật gí cái máy ghi âm tròn như cái nắm đấm sắt vào mồm tôi: “Xin phép được phỏng vấn chớp nhoáng nhà thơ u tì quốc Trần Đăng Khoa. Là một người đếch biết gì về bóng đá, xem trận đấu này, anh thấy sao?”. Thì còn thấy sao nữa? Một biển người điên khùng. Thiên hạ điên hồn nhiên. Còn mình thì phát rồ thực sự. Hóa ra cái bệnh điên bóng đá lây lan nhanh lắm. Hình như đây không phải sân vận động mà là một vạc dầu đang cháy. Đấng Hoá Công nát rượu đã ném con người vào vạc dầu. Mà không, lão quăng chúng ta vào thùng axit đang sôi, khiến cho cả những gã lờ đờ, nghễnh ngãng như tôi cũng cứ nhảy dựng lên như những thằng phải gió!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên