Trần Đăng Khoa: Hầu chuyện các em học sinh

Sau mấy lời bàn về chuyện Giáo dục, dù mới chỉ xới lên, chưa đâu vào đâu, tôi cũng đã nhận được rất nhiều hồi âm của bạn đọc, phần lớn là các thầy cô và các em học sinh.

Trong kỳ này, tôi xin phép bạn đọc được dành riêng ít phút hầu chuyện các em học sinh, cũng toàn những chuyện cụ thể, coi như một buổi ngoại khóa. Cũng qua đó, chúng ta hiểu được phần nào tâm hồn tình cảm của các em.

Chuyện học hành

** Em đã được đọc nhiều văn xuôi cũng như thơ của anh, em thấy rất gần gũi với cuộc sống đời thường của mình. Em cũng rất muốn trở thành nhà văn nhà thơ như anh. Nhưng em không có năng khiếu văn, em chỉ yêu văn thôi.Vậy thì em phải làm gì hở anh Khoa? Em mong anh sớm trả lời và hướng dẫn em. Em xin cám ơn anh. (Rơ Măk Duc, Dân tộc Jơ rai. Trường phổ thông dân tộc Nội trú IA Grai- Gia Lai)

Trần Đăng Khoa: Em yêu văn, muốn trở thành nhà văn. Chỉ sự đam mê cũng đã đủ giúp chúng ta vượt qua mọi trở ngại rồi. Em cứ mạnh dạn viết đi. Nhiều người trở thành nhà văn nổi tiếng, thuở đi học phổ thông họ cũng có giỏi văn đâu, thậm chí còn bị điểm kém về văn nữa kia.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Ví như nhà văn Lê Lựu. Bác Lê Lựu là người rất nổi tiếng.Tác phẩm của bác ấy đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Ở Mỹ, người ta còn gọi bác ấy là Hemingway của Việt Nam. Như thế là họ đánh giá bác ấy cao lắm đấy. Vậy mà hồi là học sinh lớp 7 như em, bác ấy cũng chẳng giỏi văn chút nào.

Cụ Lê Huân, năm nay đã gần 90 tuổi, là thầy dậy nhà văn Lê Lựu, bảo anh: "Tôi không thể ngờ Lê Lựu thành nhà văn nổi tiếng. Thuở anh ấy là học sinh tôi, tôi chẳng thấy anh ấy có dấu hiệu gì cả. Có lần tôi còn cho anh ấy điểm 2 văn." ."Sao cụ khe khắt với anh ấy thế?" Khổ! Tôi nào có khe khắt! Đề văn tôi ra là bình giảng một đoạn thơ. Anh ấy lại toàn tả cảnh. Mà cảnh ở đâu đâu ấy. Rặt những núi non, những tuyết dày, rừng thẳm. Thế thì làm sao tôi không cho anh ấy 2 điểm vì lạc đề.

Sau đó tôi có hỏi, mới hay cu cậu vừa vớ được cuốn “Thượng Cam Lĩnh” và “Rừng thẳm tuyết dày”. Thế là cu cậu bệ luôn những đoạn tả cảnh thiên nhiên nước ngoài vào bài văn nghị luận!".

Nhưng Lê Lựu yêu văn, chỉ muốn thành nhà văn. Thế rồi khi vào bộ đội, bác ấy bắt đầu viết. Bác ấy viết nhiều lắm. Ngày nào cũng viết. Rồi bác ấy gửi lên khắp các báo. Chẳng có báo nào in. Vậy mà bác ấy vẫn không nản. Có lần nhà văn Xuân Thiều ở tạp chí Văn nghệ Quân đội xuống đơn vị bác Lựu  công tác, tìm hiểu thực tế để viết văn. Bác Lựu sướng lắm. Đúng là cơ hội ngàn năm có một.

Lúc ấy bác Lựu đang là chiến sĩ thông tin tuyên truyền của đại đội. Ngày nào vào 9h tối, bác ấy cũng đọc báo hoặc a lô các tin chiến thắng qua cái loa sắt tây cho toàn đại đội nghe. Tối ấy, bác Lựu chuẩn đã bị sẵn một bài văn rất lâm li do chính bác ấy viết về tiểu đoàn mình, rồi cứ chõ cái loa sắt tây vào cửa sổ phòng khách, nơi nhà văn Xuân Thiều đang ở và véo von đọc. Bác ấy đọc rất hùng hồn, rất diễn cảm, vừa đọc vừa rưng rưng xúc động.

Sáng sớm hôm sau, khi nhà văn Xuân Thiều đang rửa mặt ở giếng, Lê Lựu mon men đến. Rồi rất hồi hộp, bác Lựu hỏi: "Hôm qua thủ trưởng có nghe không ?". "Nghe gì?". "Nghe em đọc truyện trên loa!" Ồ! Thế thì mình ngủ béng mất rồi! Ờ mà câu đọc cái gì ấy nhỉ? "Đến thế, bác Lựu cũng vẫn không nhụt trí. Bác ấy vẫn viết. Rồi lại gửi báo. Tác phẩm “lượn” mất hút. Mãi sau này mới được in trên báo Quân Bạch Đằng, tờ tin nội bộ của Quân khu Ba.

Tác phẩm đầu tiên ấy của bác Lựu là một bài báo. Đúng ra là một cái tin. Cái tin này bác ấy viết rất dài, nhưng toà soạn cắt hết chỉ còn vỏn vẻn thế này: Thi đua lập thành tích chào mừmg ngày Quốc tế  Lao động 1/5, tiểu đoàn 3, trung đoàn 42  đã diệt được 35.425... con ruồi.

Tác phẩm đầu tiên ấy, bác Lựu cắt ra, cho vào túi ni lông. Rồi rỗi lúc nào  lại giở ra ngắm. Ngắm rồi sướng âm ỉ, sướng đến hàng tháng trời. Bác Lựu có lần bảo anh: "Đến như tớ mà còn thành được nhà văn thì ai cũng có thể thành nhà văn được!". Chúc  em trở thành nhà văn nổi tiếng hơn cả bác Lê Lựu.

**Chú Khoa ơi! Cháu thường nghe nói khi người ta bị sét đánh thì người bị sét đánh có nhiễm điện. Người ta có thể chặt bàn tay nhiễm điện ấy, cầm vào nhà nào, là nhà ấy cứ mê lịm đi, ngủ say đến chẳng còn biết  gì nữa, thế là tha hồ khuân đồ đạc, của cải, mà người nhà không ai biết. Vậy tại sao người cầm bàn tay của người bị sét đánh ấy lại không bị mê? (Hoài Bảo, học sinh lớp 9B - Xóm Bãi Gạo, Châu Khê, Con Cuông,  Nghệ An)

Trần Đăng Khoa: Nghe chuyện cháu mà chú rùng mình. Khiếp quá! Nhưng đó là chuyện mê tín, chuyện bịa đặt đấy, vì nó chẳng có cơ sở khoa học nào. Cũng có người nhẹ dạ tưởng thật. Kẻ mông muội có thể tin. Bởi thế, nhà nào có người bị chết vì sét đánh, người ta phải canh mộ, canh suốt ngày đêm, ròng rã 49 ngày, nghĩa là đợi  thi thể người chết ở dưới mộ phân huỷ mới thôi. Họ sợ kẻ mông muội đào trộm mộ.

Chú cứ tưởng chuyện đó chỉ có ở thời còn u tối, lạc hậu. Bây giờ chẳng ai tin  nữa. Thuở còn bé, chú cũng đã nghe những chuyện thế này. Ngay cả trâu bò bị sét đánh, nếu người nhà không ra kịp, con vật xấu số đó cũng có thể bị chặt trộm đầu. Người ta đồn rằng kẻ trộm  treo cái đầu trâu bị sét đánh ở góc buồng hay một xó tối nào đó. Cái đầu  quay về hướng nào thì cứ hướng đó mà đi ăn trộm. Kẻ trộm không bao giờ bị phát hiện, bởi người nhà ngủ say như...chết.

Tất nhiên đấy là chuyện bịa đặt. Bây giờ ở xã hội hiện đại, kẻ trộm cũng hiện đại lắm. Có tên dùng ete, thay thuốc mê, xịt vào nhà người ta, rồi cứ điềm nhiên khuân vác đồ đạc, của cải, còn người nhà thì cứ ngáy khò khò…

Điều ấy đã từng xảy ra ở quê chú đấy. Còn có một chuyện rất buồn cười thế này. Làng chú có một bác nông dân nuôi được một con lợn lai kinh tế. Con lợn béo lắm, trông to lù lù như một con bê. Tin ấy lọt vào tai một tên chuyên ăn trộm lợn ở làng bên. Tên này mừng lắm. Hắn quyết bắt trộm con lợn. Nửa đêm, hắn mang ete xịt vào chuồng lợn. Hắn xịt mạnh quá. Đến nỗi chính hắn cũng khoan khoái đê mê. Hắn lơ mơ thấy mình vác cả con lợn trên vai, phăm phăm chạy tắt qua cánh đồng. Con lợn hơn tạ mà cứ nhẹ bẫng như một quả bí. Hắn cho lợn vào rọ rồi ngả ra đống chăn đệm  ấm sực. Chao ôi là sướng !

Sáng hôm sau, bác chủ nhà mang cám ra chuồng lợn thì thấy có hai... con lợn đang thi nhau ngáy như sấm. Chúng nằm vắt lên nhau ở trong chuồng ngầu ngụa rác bẩn, chứ làm gì có chăn đệm. Một con lợn của bác, còn một... con lợn giả danh người. Tất nhiên, bác nông dân trói luôn con lợn giả người rồi dong nó về đồn công an. Ngồi trước các chú công an rồi, con lợn giả người  vẫn chưa tỉnh hẳn...

** Em là Nguyễn Thị Kim Hoàng, học lớp 10B1, trường PTTH Bình Sơn, Quảng Ngãi. Thế này, anh Khoa nè. Trường em sắp tới chuẩn bị có cuộc thi "Tìm hiểu Tác giả”, nhưng em còn bối rối về tác giả Nguyễn Đình Chiểu, đặc biệt là về cuộc đời và sự nghiệp của ông, hay về sự khác biệt giữa ông và Nguyễn Du. Rất mong anh hồi âm sớm. ( Nguyễn Thị Kim Hoàng, Nhà: Đối diện Trường cấp II Bình Chánh- Bình Sơn-  Quảng Ngãi)

Trần Đăng Khoa: Cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Đình Chiểu rất dễ tìm. Em cứ vào thư viện, tìm bất cứ cuốn sách nào của cụ Đồ Chiểu, ở phần đầu tập sách, bao giờ cũng có Lời giới thiệu, hoặc những bài viết về tác giả. Trong đó thường là có khá đầy đủ tiều sử, cuộc đời và sự nghiệp của cụ. Gần đây, Nhà Xuất bản giáo dục đã ra một loạt tập sách khổ lớn về những tác giả lớn, có trong chương trình học Phổ thông và Đại học như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Tố Hữu, Xuân Diệu.v.v… Em đến thư viện tìm đọc. Đấy là những công trình rất đáng quý, rất có ích cho việc học tập và nghiên cứu.

Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của dân tộc, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, như nhiều danh nhân lớn khác. Trong tác phẩm Lục Vân Tiên, và Truyện Kiều, có một tình tiết khá giống nhau và rất thú vị. Đó là việc nhảy xuống sông tự tử của hai cô Kiều. Lục Vân Tiên lưu lạc mấy năm. Kiều Nguyệt Nga bị bọn nịnh thần bắt đi cống Phiên. Muốn giữ trọn thuỷ chung, Kiều Nguyệt Nga quyết định tự tử. Kiều Nguyệt Nga có vẽ bức tượng Lục Vân Tiên, đi đâu nàng cũng mang theo. Trên đường đi cống Phiên, nàng than thở, và:

“Than rồi, lấy tượng vai mang

Nhắm dòng nước chảy vội vàng nhảy ngay”.

Bình về hành động này, nhà phê bình Hoài Thanh bảo: Việc gì mà phải vội vàng nhảy ngay? Kiều Nguyệt Nga nhảy xuống sông tự tử mà vô tâm như người ta nhảy trên sân vận động. Nhịp điệu câu thơ cũng gấp gáp, láu táu đến buồn cười! Con người ấy cần gì phải nhảy xuống sông. Nó đã chết từ khi còn chưa nhảy. Nó chưa hề sống bao giờ (Toàn tập Hoài Thanh, Tập hai, trang 47- 48).

Còn cô Kiều của cụ Nguyễn Du, sau khi bị Hồ Tôn Hiến lừa, vốn tin người, cô đã khuyên Từ Hải ra hàng, rồi Từ Hải bị giết, cô Kiều cũng quyết định nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử. Khi cũng đi trên thuyền, phát hiện ra sông Tiền Đường:

“Cửa bồng vội mở rèm châu

Trời cao, sông rộng một mầu bao la”

Cô Kiều quyết định nhảy xuống sông. Nhưng trước khi tự tử, cô còn nhiều vân vi lắm:

“Giết chồng mà lại lấy chồng

Mặt nào còn dám đứng trong cõi đời

Thôi thì, một thác cho rồi

Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông

Trông vời con nước mênh mông

Đem mình gieo xuống giữa dòng tràng giang...”

Cũng bình về hành động tự tử của hai cô Kiều này, nhà thơ Xuân Diệu có một phát hiện khá thú vị. Cô Nguyệt Nga của cụ Nguyễn Đình Chiểu là dân Nam bộ, còn cô Kiều của cụ Nguyễn Du là gái Bắc Kỳ, nên tính cách hai cô khác nhau. Người Nam Bộ thường rất mạnh ở tính quyết đoán, tính hành động, còn người Bắc thường lại hay cả nghĩ, vân vi. Bởi thế cô Kiều Nguyệt Nga Nam Bộ khi đã quyết tự tử rồi thì nhảy ngay, không cần nghĩ, còn cô Kiều Bắc Kỳ thì nghĩ mãi rồi mới nhảy. Ấy là tính cách của 2 cô.

Thực ra, đó cũng chỉ là cách lý giải của Xuân Diệu. Nguyễn Đình Chiểu là người Nam bộ. Còn Kiều Nguyệt Nga thì chẳng có tình tiết nào xác định cô là người Nam bộ. Còn cô Kiều của cụ Nguyễn Du cũng không phải là cô gái Bắc kỳ. Đúng ra, cô là dân... Bắc Kinh, vì Truyện Kiều khởi điểm từ Trung Quốc, là cuốn tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du dựa vào đó mà sáng tạo lại thành Truyện Kiều. Cùng một tình tiết tự tử trên sông, nhưng hai cô Kiều khác nhau biết bao. Đó cũng là sự khác biệt giữa hai bậc kỳ tài: Nguyễn Du và Nguyễn Đình Chiểu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên