Trần Đăng Khoa: Kể tiếp chuyện giáo dục ở Tây
(VOV) -Ở Bỉ, giáo dục trung học phổ thông là phổ cập bắt buộc, được nhà nước “nuôi” hoàn toàn
Cách đây ít lâu, trên Blog tòa soạn, tôi đã chuyển đến bạn đọc cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Trần Thanh Thu, một người đã nhiều năm công tác tại Viện Khoa học Việt Nam. Chị hiện làm việc tại Bỉ, lại có con đang theo học ở Bỉ. Trần Thanh Thu là người trong cuộc, lại có con mắt tỉnh táo, khoa học, nên cuộc trò chuyện của chị rất thú vị. Nhiều bạn đọc cứ chất vấn tôi: Câu chuyện đang hay thế, sao lão lại ngắt đi? Nền giáo dục tuyệt vời của Bỉ, chả lẽ chỉ dừng lại ở bậc Tiểu học? Còn Trung học, Đại học nữa thì sao?
Tuân theo lệnh Thượng đế, là các bậc bạn đọc khả kính, một lần nữa, tôi lại phải gõ cửa Tiến sĩ Trần Thanh Thu.
Chìa khóa là hướng nghiệp
Trần Đăng Khoa: Thưa bà Trần Thanh Thu, kết thúc ở phần nói về giáo dục tiểu học ở Bỉ, bà có nói rằng: “Mặc dù hệ tiểu học trẻ con chả học được gì cao siêu, chúng hạnh phúc khi đến trường để “chơi” nhưng lớn lên chúng vẫn trở thành những công dân tốt và biết làm việc một cách chuyên nghiệp”. Mọi phụ huynh trên thế giới đều có ước vọng như nhau là làm sao cho con mình có được cuộc sống hạnh phúc, nghề nghiệp ổn định và thành công. Không ai muốn con mình phải khổ cực ở trường học nhưng nếu như sự nhàn hạ, sung sướng ở thời đi học lại làm cho tương lai của trẻ em trở nên tồi tệ, mờ mịt thì chắc chắn không ai ủng hộ một hệ thống giáo dục như thế. Vậy làm thế nào để chuyển từ một hệ thống tiểu học nhẹ nhàng, “chơi” là chính sang việc đào tạo ra một tầng lớp công dân làm việc hiệu quả và có tính chuyên nghiệp rất cao?
Tiến sĩ Trần Thanh Thu: Theo ý tôi, chìa khóa nằm ở định hướng Hướng nghiệp trong chương trình giáo dục trung học phổ thông. Chương trình định hướng Hướng nghiệp này quan tâm đến không những sở thích mà cả khả năng thực tế của học sinh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, học sinh khoảng 12 tuổi bước vào Trung học Phổ thông gồm 6 năm và thường chia làm 3 cấp độ. Ngay từ cấp độ 1 (lớp 1 và 2 Trung học, tương đương lớp 6 -7) đã có sự phân ban.
Về cơ bản ở Bỉ hệ trung học chia ra làm 4 loại phân ban chính hay đúng hơn là 4 loại Hướng nghiệp chính dựa theo khả năng của học sinh và trong các loại phân ban này sẽ có các phân ban nhỏ theo chuyên môn. Loại thứ nhất là giáo dục Trung học đại cương. Chương trình này dành cho các học sinh có khả năng học lên cao hơn và theo định hướng đào tạo những người có khả năng nghiên cứu, học thuật. Ở chương trình này có rất nhiều phân ban nhỏ như sinh ngữ, khoa học, toán, khoa học xã hội và các kết hợp của các môn học này chẳng hạn phân ban Toán và Latinh hay Toán và Khoa học…
Trên thực tế chương trình này đòi hỏi học nhiều yêu cầu cao, nhưng nếu chỉ tốt nghiệp với chứng chỉ này thì lại không kiếm được việc làm ngay vì không được coi là đã có nghề, trong khi các chương trình khác được coi là đào tạo nghề, nên khi tốt nghiệp trung học, nếu học sinh không muốn học tiếp hoặc không đủ điều kiện để học tiếp, sẽ rất dễ kiếm việc.
Chương trình Trung hoc kỹ thuật chia làm hai nhóm nhỏ, một theo lý thuyết, một thiên về thực hành. Dù là chương trình Trung học kỹ thuật, nhưng cũng phải dạy đầy đủ các bộ môn như ở chương trình Đại cương, nhưng bài giảng ít lý thuyết hơn, thiên về thực hành. Nếu học sinh định hướng thiên về thực hành thì tốt nghiệp phổ thông xong là đã có thể đi làm được, còn nếu theo định hướng thiên về lý thuyết thì phải học thêm một năm nữa, hoặc học lên cao hơn như hệ Đại học. Hướng của chương trình này là đào tạo các nhân viên tin học thực hành, hướng dẫn du lịch, giáo viên, kinh doanh, kỹ sư thực hành…, trong khi hướng đại cương thường dành cho những người có định hướng làm nghiên cứu nhiều hơn.
Trung học Dạy nghề hướng chuyên về thực hành và đào tạo nghề. Đây cũng là hướng mà học sinh có thể có bằng tốt nghiệp trung học nhưng không đủ để được nhận vào hệ đại học. Nếu học sinh chọn hướng này, sau đó muốn học lên cao hơn sẽ phải học thêm 1 hoặc 2 năm nữa. Thường học sinh theo hướng này sau khi tốt nghiệp có thể đi làm ngay với các nghề như sửa chữa ô tô, làm thợ kim hoàn, làm tóc, …
Còn Trung học nghệ thuật là hướng dành cho học sinh có thiên hướng nghệ thuật, ở hướng này cũng phân ban theo nhiều hướng cụ thể, như thiên về lý thuyết hay thiên về biểu diễn, sáng tác. Thường học sinh theo hướng này sẽ tiếp tục vào học ở Nhạc viện, trường Mỹ thuật hay trường Múa…
Trền Đăng Khoa: Vậy các trường chọn hướng thế nào? Bà có thể nói cụ thể hơn được không?
Tiến sĩ Trần Thanh Thu: Trên thực tế trường phổ thông trung học nào cũng có đầy đủ các hướng này nhưng không phải hoàn toàn đủ mọi phân ban nhỏ trong các hướng đó. Một số trường thiên nhiều hơn về kỹ thuật, Đại cương hay Dạy nghề. Ví dụ có trường ở hướng Đại cương có phân ban Toán La tinh, nhưng trường khác lại chỉ có Toán Khoa học. Hoặc phần sinh ngữ có trường dạy tiếng Đức, có trường tiếng Tây ban nha…. Ở hướng Nghệ thuật có thể trường A dạy balê nhưng trường B lại thiên về thiết kế mỹ thuật công nghiệp…
Trần Đăng Khoa: Học sinh chọn hướng và phân ban thế nào?
Tiến sĩ Trần Thanh Thu: Trước hết phải nói rõ là học sinh vào trường được phân lớp không theo phân ban nào cả. Những giờ học chung, học sinh học theo lớp của mình, đến giờ học môn phân ban, chúng mới chạy đến lớp mà chúng chọn. Như đã nói ở trên Trung học có ba cấp độ.
Ở cấp độ 1 (lớp 1-2 Trung học), học sinh có thể chọn bất cứ cái gì chúng muốn trong toàn bộ các khả năng mà trường chúng theo học có (học sinh học theo quận chúng sinh sống hoặc có thể xin vào bất cứ trường nào mình chọn). Số giờ học theo phân ban ở hai năm này không nhiều. Ví dụ con tôi chọn phân ban Toán - Khoa học thuộc chương trình Đại cương. Ở hai năm đầu mỗi tuần chỉ học chừng 4-6 tiếng theo phân ban, trong đó nếu học sinh theo hướng khoa học thì chỉ học thêm 2 giờ môn toán còn 4 giờ vào làm quen với phòng thí nghiệm. Ngược lại nếu chúng theo hướng toán thì đi giải toán 4 tiếng còn 2 tiếng đi “nghịch chai lọ”.
Trên thực tế 2 năm đầu này là hai năm để giáo viên tìm hiểu khả năng của học sinh để định hướng cho chúng và giúp cho học sinh nhận thức là chúng có thực sự muốn và thực sự có khả năng theo đuổi cái chúng muốn hay không. Hết hai năm đầu này, học sinh được quyền chọn lại phân ban chúng muốn, đồng thời giáo viên cũng tư vấn với phụ huynh xem nên cho con mình theo hướng nào.
Đến Trung học mới tính chuyện khen thưởng
Trần Đăng Khoa: Trong câu chuyện của bà ở bậc Tiểu học, có một tình tiết rất lạ và ấn tượng: Đó là nhà trường không khen thưởng học sinh…
Tiến sĩ Trần Thanh Thu: Nhưng ở bậc Trung học thì khác. Có chế độ khen thưởng học sinh giỏi, gồm khen thưởng chung dựa trên kết quả tổng thể và khen từng môn học. Thường khen từng bộ môn là do thầy cô dạy bộ môn đó quyết định và tự bỏ tiền ra mua phần thưởng cho học sinh. Cũng nói thêm là phần thưởng không có giá trị nhiều về vật chất (chủ yếu là sách truyện) nhưng học sinh rất thích và trân trọng. Nhà trường cũng không in giấy khen mà tất cả được in vào một cuốn sách nhỏ danh sách tất cả học sinh được khen thưởng năm đó và danh sách học sinh tốt nghiệp theo phân ngành. Mỗi học sinh được khen thưởng sẽ được nhận một cuốn như vậy.
Cũng như ở cấp tiểu học, việc khen thưởng hay kỷ luật không đưa ra trước toàn trường mà những học sinh đựơc khen thưởng sẽ nhận được thư mời , mời cả gia đình đến lễ tổng kết năm học bao gồm lễ khen thưởng và lễ ra trường cho học sinh cuối cấp.
Cũng ở bậc Trung học, các thầy cô dạy bộ môn khuyến khích các học sinh có khả năng tham gia thi học sinh giỏi, thi olimpic nhưng không bắt buộc và không luyện “gà nòi” vì ở Bỉ không có thi đua khen thưởng gì cho các thầy, hay cho trường, nhưng kết quả đào tạo sẽ tạo nên “đẳng cấp” của trường cũng như góp phần hướng nghiệp cho học sinh. Ví dụ như con tôi vào năm học lớp 2 trung học (tương đưong với lớp 8) được thầy dạy toán khuyến khích tham gia thi olimpic Toán mặc dù cháu không học phân ban chuyên Toán và thầy cũng không luyện thi tí nào.
Một trong những nét rõ rệt của giáo dục hướng nghiệp là sự tham gia bắt buộc của các trường Đại học, Cao đẳng. Các giáo sư, nhất là các chuyên gia đầu ngành có nghĩa vụ hàng năm đến các trường trung học giới thiệu về nghề nghiệp, truyền cảm hứng cho học sinh. Ở các trường Đại học còn có ngày “mở cổng trường” để học sinh lớp cuối cấp đến nghe giảng cùng sinh viên năm thứ nhất để có “cảm giác” về Đại học.
Ở Bỉ, giáo dục trung học phổ thông là phổ cập bắt buộc, được nhà nước “nuôi” hoàn toàn, học sinh mỗi năm chỉ đóng chừng 70-80 euro cho việc thuê tủ để đồ cá nhân trong trường và sử dụng sách. Các trường có thể tự chọn sách để dạy, để tham khảo và nói chung là không có chuyện đổi mới sách giáo khoa, nhưng học sinh được cập nhật kiến thức mới hiện đại rất nhanh.
Việc tự học, tự tìm tòi được khuyến khích ở hệ Phổ thông, nhất là ở Trung học. Nếu như ở Tiểu học, cả xã hội tập trung tạo điều kiện cho trẻ thích đến trường, học được kiến thức cơ bản để sống trong xã hội như biết đọc biết viết, biết làm tính cơ bản, biết tuân thủ pháp luật, biết tôn trọng môi trường thì ở Trung học cả xã hội tập trung cho việc định hướng nghề nghiệp theo sự ham thích và khả năng thực tế của từng học sinh. Vì thế, chỉ tốt nghiệp Trung học Phổ thông, các em đã có thể kiếm được việc làm và vững vàng lập nghiệp…/.