Trần Đăng Khoa: Lại chuyện ngân hàng

(VOV) -Điều quan trọng của người làm công tác điều hành, quản lý là phải biết lắng nghe ý kiến người dân

Nhà thơ Trần Đăng Khoa thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè về nhiều lĩnh vực đời sống



Câu chuyện bên bàn trà của Trần Đăng Khoa với người bạn cựu chiến binh:

- Vào đây! Vào đây! Gớm, hôm nay động giời thế nào mà rồng lại đến nhà tôm thế này?

- Chết, sao cụ lại nói thế? Tôi không phải rồng. Mà cụ cũng đâu có phải là tôm. Một đại tá lừng danh trong chiến tranh. Một cựu chiến binh được cả bà con khu phố yêu mến…

- Nhưng hết thời rồi. Về vườn, suốt ngay lục lọi báo chí, lại lọ mọ vào mạng. Bây giờ mới là thời của các chú. Sao bảo chú suốt ngày hát “trường ca bận”. Này tôi hỏi thật nhá. Bận thế chú có thời gian theo dõi báo chí không?

- Có chuyện gì thế cụ?

- Chuyện Quốc đảo Síp ấy…

- Trời đất ơi, cụ quan tâm làm gì đến cái nước xa tít mù tắp đó…

- Cái nước ấy nó xa. Nhưng chuyện của nó thì lại không xa. Thì cũng là chuyện của mình. Chuyện đánh thuế lãi suất tiết kiệm…

- Nhưng mình có thực hiện đâu. Đấy mới chỉ là chuyện đề xuất của một ông trong Hiệp hội Bất động sản…

- Cũng  may mà dân chúng phản đối rầm rĩ. Trong đó có báo điện tử VOV. Tờ báo lên tiếng rất sớm. Rồi rất nhiều báo khác cũng vào cuộc. Cả báo giấy báo mạng. Rồi những trang Blog cá nhân. Hình như chú cũng có bài…

- Vâng, nhưng bài viết của tôi cũng chẳng mới mẻ gì. Tôi chỉ trích dẫn ý kiến của nhân dân…

- Thế mới cần chứ. Làm sao có được diễn đàn cho dân tham gia. Phải nói dân mình tài lắm chú ạ. Những trí tuệ uyên thâm nhất của đất nước này vẫn đang tiềm tàng ở trong dân. Qua cánh truyền thông các chú, tôi biết đúng là ở một số nước người ta có đánh thuế lợi tức từ lãi tiết kiệm. Tuy nhiên, đó là thuế đánh vào khoản gửi tiết kiệm của doanh nghiệp chứ không phải cá nhân.

Bởi nói như ông Phạm Chí Thành, xét về quy mô, tiền gửi tiết kiệm của doanh nghiệp mới lớn đến mức làm cho thuế thu trở nên có ý nghĩa, còn tiền gửi tiết kiệm của cá nhân không đáng kể. Mục đích đánh thuế nhằm buộc doanh nghiệp dùng tiền đó đi kinh doanh, không sử dụng làm việc khác. Trước đây, một quốc gia rất gần với Việt Nam là Trung Quốc cũng đã từng tích cực thu loại thuế này. Nhưng rồi họ đã phải loại bỏ vì bất lợi và không khả thi.

Một chính sách đã quá lỗi thời ở nước ngoài, người ta đã loại bỏ đến cả gần chục năm rồi, giờ lại có người đề nghị nhập “rác thải” về “kiến thiết” đất nước. Nếu giới truyền thông, báo chí và nhân dân không lên tiếng kịp thời mà ta cứ áp dụng theo sự “tham mưu” của cái ông “cò mồi” ấy thì sẽ ra sao? Quốc đảo Síp là bài học nhỡn tiền đó thôi.

- Vâng, đúng là mình cần lưu ý, rút kinh nghiệm...

-  Cũng theo cánh báo chí các chú thì sự lựa chọn của Cộng hòa Síp cũng là bất đắc dĩ. Bởi Quốc gia này nợ nần quá lớn, lại bị sức ép từ bên ngoài để có gói cứu trợ 10 tỷ Euro. Rốt cuộc, nói như một nhà bình luận Quốc tế, thì chính “những người gửi tiền tiết kiệm lại phải chi trả cho đống đổ nát ở châu Âu, bởi họ là những người duy nhất còn tiền”.

Thế là dù bằng cách này hay cách khác, thuế đã được áp vào lãi suất của người gửi tiền tiết kiệm với mục đích miễn làm sao thu về được 5,8 tỷ Euro để có được gói cứu trợ từ bên ngoài. Và như thế, người dân đảo Síp sẽ bị “cuỗm” đi một phần lớn tài sản giữa bối cảnh lãi suất huy động ở quốc gia này đã rất thấp. Biện pháp phòng vệ đầu tiên mà những người gửi tiền tiết kiệm có thể làm được là ngay lập tức đi rút tiền!

Đúng như một người dân của ta cũng đã nói, “nếu đánh thuế lãi suất tiết kiệm được áp dụng thì việc đầu tiên của tôi là rút hết tiền gửi tiết kiệm, chuyển sang mua đô la hoặc mua vàng chôn xuống dưới gầm giường cho chắc chắn, chứ quyết không ném tiền vào bất động sản đang đóng băng vì ế sưng ế sỉa. Và tôi tin hàng vạn người dân, dù không bảo nhau cũng sẽ làm đúng như tôi. Giữ vàng là yên tâm nhất. Nếu cần tiền là ta có thể đổi ngay ra được.

Đấy, chú thấy không, lòng vả cũng như lòng sung, ngay ở Quốc đảo Síp, chỉ sau vài giờ lệnh đánh thuế lãi suất tiết kiệm được ban bố trên các kênh truyền thông, người dân Síp đã ồ ạt tới các ngân hàng để rút tiền tiết kiệm. Và hậu quả là chỉ trong vài giờ, các ngân hàng Síp đã bị cạn tiền, một số buộc phải đóng cửa và phải tạm ngừng giao dịch. Hai ngân hàng lớn nhất quốc gia này đứng trên bờ vực phá sản. Theo ước tính ban đầu, nếu thực hiện chính sách này, 2/3 số tiền gửi tại các ngân hàng Síp sẽ “bay” ra nước ngoài. Và rồi, cũng theo giới truyền thông, “các nhà đầu tư bị giáng một đòn rất mạnh.

Người ta có quyền đặt câu hỏi, rằng với một quốc gia nhỏ bé như Cộng hòa Síp mà châu Âu còn không chi nổi tiền, phải lạm vào quyền lợi của người dân thì những “con nợ” khác trong khu vực khó lòng phục hồi nổi”. Thế rồi thành phản ứng dây truyền, đồng Euro trượt giá thê thảm, chứng khoán toàn cầu lao dốc. Nối tiếp đó là những diễn biến tiêu cực ở các thị trường châu Á, đến cả thị trường Mỹ cũng bị chao động.

Thế đấy chú ạ. Cộng hòa Síp là Quốc đảo bé tí, dân số và lãnh thổ của họ chỉ “xêm xêm” như tỉnh Đà Nẵng của chúng ta thôi. Thế mà sự chao đảo của nó vì một việc rất cụ thể là đánh thuế vào lãi suất tiết kiệm của dân cũng đã thành dư chấn, ảnh hưởng đến toàn cầu. Bây giờ, hầu như chả có quốc gia nào cô lẻ, có thể đứng biệt lập, tách ra khỏi bầu khí quyển chung của nhân loại. Cũng may Quốc hội Cộng hòa Síp đã kịp thời bỏ phiếu loại ngay việc làm dại dột đó. Nếu không làm thế thì nguy to rồi. Nhiều khi cả một chính thể có thể sụp đổ chỉ vì một quyết định lú lẫn của một người điều hành…

- Vâng, đấy là chuyện Quốc đảo Síp, nhiều người cũng đã bàn luận rôm rả trên báo chí rồi…

- Thì tôi trao đổi với chú cũng vì những lời bàn luận đó. Nước Cộng hòa Síp ở cách ta rất xa. Nhưng chuyện của họ cũng là chuyện của mình. Nếu không có cái ông ở Hiệp hội bất động sản say rượu nào đó xui dại đánh thuế lãi suất tiết kiệm của dân thì tôi cũng chẳng bàn đến cái chuyện đảo Síp làm gì.

- Không ngờ cụ có bao nhiêu thông tin…

- Thì tôi suốt ngày lọ mọ trên mạng mà. Cánh hưu trí nào chả thế. Họ chẳng mù đâu. Như tôi cũng đã nói với chú. Dân mình rất tỉnh táo và thông minh. Nếu thực sự chính quyền là của dân, mọi chủ trương, quyết sách của chính quyền đều đưa ra cho dân bàn thì mọi việc sẽ rất tốt đẹp. Những người điều hành cũng nên tranh thủ lắng nghe tiếng nói của dân, đặc biệt là những ý kiến có tính phản biện. Đừng vội nghi ngờ quy kết. Tất nhiên, cũng không ngoại trừ có kẻ lạm dụng dân chủ để làm những việc không mấy thiện chí. Nhưng ngay cả những ý kiến không thiện chí, nếu biết “gạn đục khơi trong”, ta vẫn rút ra được những bài học có ích.

Điều quan trọng của người làm công tác điều hành, quản lý là phải biết lắng nghe. Đấy, như ông Bộ trưởng Đinh La Thăng, người tham gia vào việc đề xuất phạt xe không chính chủ, nhưng rồi nghe tiếng nói của dân, chính ông cũng đã điều chỉnh, đề nghị tạm thời dừng việc phạt xe không chính chủ, “vì không có tính khả thi”. Nhưng ông vẫn mong nhân dân tiến hành nhanh việc chuyển đổi thành xe chính chủ.

Tất nhiên, nếu chúng ta cải tiến các thủ tục, loại bỏ những quy định rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho dân thì chủ trương của Bộ trưởng Đinh La Thăng sẽ sớm được hoàn tất. Chẳng người dân nào muốn đi chiếc xe của chính mình lại mang tên người khác. Hay như chuyện mũ bảo hiểm cũng vậy. Cần loại bỏ ngay những chiếc mũ rởm, không đạt chất lượng đang lưu hành trên đường. Nhưng muốn dẹp bỏ, muốn trừng phạt thì phải trừng phạt người bán mũ chứ sao lại trừng phạt người mua mũ.

Chúng la có cả một đội ngũ quản lý thị trường. Những người đó ở đâu mà để thị trường nhiễu loạn mũ rởm. Những người bán mũ rởm cho dân phải chịu phạt, thậm chí phạt rất nặng vì tội trục lợi và lừa đảo, chứ không thể phạt những người dân lành mà lại còn bị lừa. Không phải người dân nào cũng có thể biết được đâu là mũ thật, đâu là mũ rởm. Chỉ có những người bán và những người kiểm định là biết thôi.

Đã đến lúc cần phải rà soát lại tất cả những cửa hàng và đại lý bán mũ bảo hiểm. Nếu phát hiện những cửa hàng nào bán mũ rởm thì chủ cửa hàng và những cán bội quản lý thị trường trên địa bàn có của hàng đó phải chịu phạt, thậm chí phạt thật nặng. Lấy tiền phạt đó mua mũ thứ thiệt đổi cho những người dân bị lừa. Tất nhiên, cũng có những người dân không phải bị lừa. Họ biết mũ rởm, nhưng vẫn mua vì giá rẻ. Nhưng nếu trên thị trường không có mũ rởm thì người dân có muốn dùng mũ rởm cũng chẳng có mũ rởm mà mua.

Vấn đề là phải triệt tận gốc. Điều đó hoàn toàn có thể làm được nếu chúng ta thật sự muốn làm. Chỉ sợ chúng ta nói mà không làm. Và điều còn đáng sợ hơn là cứ nói một đằng nhưng lại làm một nẻo. Điều ấy sẽ làm băng hoại niềm tin. Mà mất niềm tin là mất hết. Cái đó mới đáng sợ nhất chú ạ!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên