Trần Đăng Khoa: Lại chuyện quốc phục, quốc hoa

(VOV) - Có đến 78% ý kiến người dân được hỏi đều khẳng định cần phải có quốc hoa. 

Dư luận xã hội mấy ngày nay, đặc biệt là trên Internet, trên các trang mạng xã hội, lại bắt đầu bàn về quốc hoa. Điều này không còn mới nữa. Cách đây ba năm, công luận cũng đã rôm rả bàn tán về quốc hoa và cả quốc phục nữa. Lần này quy củ hơn. Bởi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đồng ý với đề nghị của Bộ Văn hóa  - Thể thao và Du lịch về việc lựa chọn quốc hoa.

Bộ được giao chủ trì phối hợp với các tổ chức có liên quan nghiên cứu đề xuất việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân và cách lựa chọn suy tôn quốc hoa. Bộ tiến hành công việc khá bài bản. Có khảo sát của các nhà nghiên cứu. Có thăm dò nguyện vọng của nhân dân ở cả ba miền qua chính trang mạng Cinet của Bộ.

Sen cũng gắn bó sâu nặng với văn hóa, tâm hồn tình cảm, tâm linh của người Việt



Không ít người tỏ ra băn khoăn. Trong lúc đời sống đang rất khó khăn, phức tạp. Bàn đến chuyện quốc hoa lúc này, liệu có phù hợp không? Điều rất thú vị là có đến 78% ý kiến người dân được hỏi đều khẳng định cần phải có quốc hoa. Điều này cũng kỳ lạ, như trong những năm chiến tranh khốc liệt, giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau chừng nửa sợi tóc, nhưng chúng ta vẫn lo hoàn thành bộ thông sử đầu tiên. Một việc của muôn đời, tưởng như chẳng ăn nhập gì với tình hình chiến sự nóng bỏng. Việc nào ra việc nấy.

Cách đây ba năm, người ta cũng đã bàn đến chuyện chọn quốc hoa. Rồi rôm rả hơn nữa, người ta còn bàn đến cả việc chọn quốc phục. Nhiều người còn đề cử khăn xếp, áo the thành quốc phục cho nam giới. Tôi ngờ lắm. Trang phục của người Việt rất đẹp. Nhưng có lẽ hoàn hảo nhất vẫn chỉ là chiếc áo dài dành cho phụ nữ. Hình như chính cơ thể chị em đã tôn chiếc áo lên. Và rồi chính chiếc áo cũng tôn vẻ đẹp tuyệt vời của chị em. Đó là sự cộng hưởng đã đạt đến độ nhuần nhuyễn. Người ta cứ bảo người đẹp vì lụa. Nhưng lụa cũng đẹp vì người chứ.

Mới hay cha ông mình tài quá, tài và lẳng nữa. Chẳng có gì tôn vinh cái "tòa thiên nhiên" của chị em bằng chiếc áo dài. Chiếc áo ôm lấy người, bó sát như dính bết vào người. Mọi đường cong, nét uốn, cả cái vẻ rừng rực của cơ thể đều phơi ra hết. Phơi ra mà vẫn kín đáo. Kín mà lại hở. Thế mới "giết" người ta. Không chỉ đàn ông mê. Đàn bà cũng say đắm. Bà Blaga Đimitrova, nữ thi hào Bun-ga-ri nổi tiếng thế giới, ngắm chị em ta trong những bộ trang phục, phải thốt lên: "Bây giờ thì tôi tin, các nàng tiên là có thực".

Cũng vì yêu những bộ trang phục ấy, bà Blaga đã vào một hiệu may nổi tiếng của Hà Nội và may đến mấy bộ làm dự trữ. Nhưng khi mặc thì bà hãi quá. Bà thấy thống thếnh như mình không mặc gì cả, mà chỉ quấn bằng tơ nhện. Mới hay, những bộ trang phục tuyệt vời mang màu sắc truyền thống ấy là "đặc quyền" riêng của Việt Nam. Chỉ phụ nữ Việt mặc mới đẹp. Cũng những bộ trang phục ấy, dù có được may đo cho vừa khít với cơ thể, nhưng phụ nữ Tây Âu mặc vẫn cứng nhắc và thô kệch. Trông chả khác gì những con bọ ngựa khổng lồ.

Trở lại chuyện quốc hoa. Xem ra còn rôm rả hơn nhiều. Hầu như xứ Việt có bao nhiêu loài hoa ở khắp mọi hang cùng, núi thẳm đều được tụ hội đua chen hương sắc. Mà “hội đồng” thẩm định, đề cử cũng rất vui tính, lại rất nhiệt thành. Người yêu hoa xoan. Người thích hoa bưởi. Có người còn đề cử cả hoa xấu hổ, hoa mào gà rồi hoa … tre. Tưởng như đùa. Nhưng rất nghiêm túc. Những người đề cử đều là những học giả có danh tiếng, với bao nhiêu viện dẫn kiến thức uyên thâm bảo đảm cho hoa.

Hoa xấu hổ còn có tên là hoa trinh nữ, được minh chứng vẻ đẹp bằng một chuyện cổ tích lâm li rất dài. “Loài hoa này là biểu tượng cho sức sống bền bỉ, khả năng thích nghi mãnh liệt, có thể tồn tại và phát triển ở khắp các vùng trong cả nước”. Chưa bàn đến sức sống và vẻ đẹp của loại hoa này. Chỉ riêng cái tên cũng đã không ổn. Chả lẽ Quốc Hoa, một danh hiệu linh thiêng, biểu tượng cho cả một dân tộc mà lại có tên là “xấu hổ” ư?

Còn hoa mào gà được lý giải là “trồng nhiều ở nông thôn, gần gũi với người dân. Hoa tượng trưng cho con gà trống. “Xưa nay gà trống vẫn anh hùng - Cất tiếng chào đời thế giới rung”. Sáng sớm gà trống cất tiếng gáy, gọi mọi người thức dậy và làm rung động cả thế giới”. Nghe cũng hay đấy. Nhưng tôi trộm nghĩ, loài hoa có tên là mào gà, vì nó xun xoăn, tím tái như mào của con gà trống, chứ nó đâu có phải là gà trống, nên chẳng có liên quan gì đến tiếng gáy “rung động cả thế giới”. Vả lại, nếu nó có là biểu tượng của con gà thật, thì lại có một câu nói nghe rất gở, đã là lũ gà qué thì chỉ có “ăn quẩn cối xay”.

Còn hoa tre thì hiếm hoi lắm. Cây tre đúng là biểu tượng của con người Việt, dân tộc Việt, cũng như cây bạch dương của nước Nga. Nhưng hoa tre rất hiếm gặp. Tôi sinh ra ở nông thôn, lớn lên ở nông thôn, nhưng đã quá nửa thế kỷ rồi, tôi chưa bao giờ nhìn thấy hoa tre. Tôi hỏi mẹ tôi, năm nay đã 95 tuổi, nhưng bà  cũng chưa bao giờ nhìn thấy hoa tre. Cụ chỉ được truyền lại rằng loài hoa ấy không có hương sắc, trông lay lắt như rảnh tầm gửi, và khi trổ hoa thì cây tre bắt đầu còi cọc và tàn lụi.

Có rất nhiều người chọn hoa mai và cũng rất nhiều người chọn hoa đào. Cả hai loại hoa đẹp này đều nở vào mùa xuân và có tính khu biệt. Hoa đào ở miền Bắc. Hoa mai ở miền Nam. Cũng có loài hoa nở ở mọi miền trên cả nước. Đó là hoa sen. Đây cũng là loại hoa được mọi người yêu nhất, lựa chọn nhiều nhất. Tại Hà Nội, 20.000 ý kiến công chúng cho thấy 62% chọn hoa sen, 16% chọn hoa đào, 5% chọn hoa ban và 2% chọn hoa tre. Tại Đà Nẵng, 10.000 ý kiến có 97% chọn sen hồng, số còn lại chọn hoa mai, sen vàng và các loại hoa khác. Tại TPHCM, trong 40.000 ý kiến có 71% chọn sen hồng. Kết quả thăm dò dư luận của trang mạng quochoavietnam.com.vn cũng cho kết quả áp đảo là hoa sen.

Phải công nhận rằng, đông đảo dân chúng chọn hoa sen là rất có lý. Theo nhiều học giả, sen xuất hiện ở Việt Nam  đã trên 2.000 năm, thích nghi với mọi miền đất nước. Sen cũng gắn bó sâu nặng với văn hóa, tâm hồn tình cảm, tâm linh của người Việt. Phật ngồi trên tòa sen. Chùa Một Cột cũng mang hình đóa sen. Ngôi chùa này đã từng bị giặc Pháp tàn phá, rồi xây dựng trùng tu lại. Thi sĩ Bằng Việt viết: “Chùa Một Cột đổ xuống đầu giặc Pháp - Lại nở xòe trọn vẹn đóa hoa sen”. Quê Bác là Làng Sen. Tên của Bác cũng gắn với hoa sen: Tháp Mười đẹp nhất hoa sen – Việt Nam đẹp nhất là tên Bác Hồ. Không phải ngẫu nhiên mà Lăng Bác cũng có mái mang hình của cánh hoa sen đang nở.

Trong đời sống người Việt, sen rất gần gũi. Từ hoa sen, lá sen, nhị sen, đài sen là linh vật, chất liệu dùng để thờ cúng, làm thuốc, chế biến các món ăn. Sen cũng là một loài cây duy nhất mà không có bộ phận nào bị loại bỏ. Chúng ta có chè sen, mứt sen, và đặc biệt là trà sen. Đây là đặc sản chỉ có ở Việt Nam. Và trong Hiên trà nổi tiếng Trường Xuân, trà sen cũng là đặc sản đẳng cấp nhất.

Bởi thế, công chúng tôn vinh hoa sen cũng là điều dễ hiểu. Có người bảo, nhược điểm của sen là sống dưới nước và ưa nóng nên ở miền Bắc không trồng được quanh năm. Có người còn đề nghị các nhà khoa học lai tạo làm sao để sen có thể nở hoa suốt cả bốn mùa. Tôi nghĩ cũng chả cần thiết phải thế. Hoa anh đào của Nhật chỉ nở mùa xuân. Hoa chămpa của Lào cũng chỉ nở vào khoảng tháng 4. Mẫu đơn của Trung Quốc cũng chỉ nở một mùa, một giai đoạn trong năm. Tất cả quốc hoa của các nước cũng chỉ nở trong một mùa nhất định.

Hoa là lịch thiên nhiên. Chỉ nhìn sắc hoa, ta biết trời đất đã đổi mùa. Nếu sen lại được các nhà khoa học làm biến đổi gen, để nó có thể nở hoa suốt bốn mùa thì liệu nó có còn là sen nữa không? Không lẽ ta lại bỏ hoa thật, thờ hoa giả. Sản phẩm của con người làm sao linh diệu hơn, thiêng liêng hơn báu vật của Tạo hóa?

Và bây giờ, cũng như đông đảo người dân Việt Nam, tôi cũng xin bỏ phiếu cho hoa sen. Và cũng như nhà Sử học Dương Trung Quốc, tôi chọn sen hồng là quốc hoa, để khác biệt với đất nước Phật Giáo Ấn Độ đã chọn quốc hoa là sen trắng…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên