Trần Đăng Khoa: Ngoại cảm lừa đảo, không thể không phẫn nộ
VOV.VN - Liệu có lợi ích nhóm hay có gì khuất tất ở đây không?
Dư luận xã hội trên các kênh truyền thông đại chúng trong suốt hơn tuần qua không phải chỉ “rúng động”, mà còn phẫn nộ, giận dữ khi những kẻ lừa đảo giả danh nhà ngoại cảm, lợi dụng lòng trắc ẩn của nhân dân trong công tác “đền ơn đáp nghĩa” để trục lợi. Một trong những kẻ lừa đảo ghê rợn ấy là “nhà ngoại cảm” giả danh Nguyễn Thanh Thúy, mà người đời trong cõi hỗn mang âm âm u u vẫn quen gọi một cách ngắn gọn là “Cậu Thủy”.
Trò lừa đảo kiếm tiền của “Cậu Thủy” rất trắng trợn.
Cơ quan chức năng đọc lệnh khởi tố, bắt giam “cậu Thủy” |
Gần hai chục năm nay, tôi cũng đã tiếp xúc với nhiều người làm công việc tâm linh, cũng đã theo chân các nhà ngoại cảm đi quy tập hài cốt liệt sĩ. Tôi chẳng thấy có ai như “Cậu Thủy” cả. Thông thường, đối với các nhà ngoại cảm, việc lặn lội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ như một nhu cầu tự thân. Có người nếu không làm việc ấy, họ không thể nào sống được yên ổn. Với họ, làm việc tâm đức là một cách “giải thoát”. Vì thế, họ làm rất tận tâm mà không bao giờ nghĩ đến vật chất. Họ bảo: “Ai muốn làm việc âm thì đừng bao giờ nghĩ đến lộc dương. Nếu làm chỉ để hưởng lộc thì khả năng sẽ không bền. Nếu quá thực dụng còn gặp họa!”.
Vì thế, chả có nhà ngoại cảm nào, khi đi tìm mộ liệt sĩ, lại đặt điều kiện, phải trả công họ bao nhiêu? Tất nhiên, khi công việc hoàn tất tốt đẹp, chủ nhà tùy tâm bày tỏ lòng biết ơn đối với họ lại là việc khác. Lúc ấy, tiền bạc không phải là vật chất phàm tục nữa. Nó đã hóa vẻ đẹp tinh thần rồi. Nó là cụ thể hóa của tấm lòng đối với tấm lòng. Đến cả thế rồi, có nhà ngoại cảm còn ngần ngại. Để tránh hệ lụy ấy, có người còn không gặp đối tác, không để lại bất kỳ một dấu tích nào để thân nhân gia đình liệt sĩ có thể tìm đến, trả ơn.
Một trong những nhà ngoại cảm như thế là anh Nguyễn Văn Nhã. Theo nhà báo, nhà nghiên cứu tâm linh Hoàng Anh Sướng: “Gặp anh Nhã khó lắm. Chẳng ai biết anh ấy ở đâu, ngoài số điện thoại di động. Ai cần tìm mộ liệt sĩ thì gọi anh Nhã. Anh sẽ cho biết ngay liệt sĩ nằm ở đâu? Rồi anh chỉ dẫn tìm kiếm, quy tập. Tất cả đều qua điện thoại di động. Rất chuẩn xác. Vậy mà cho đến nay, nhiều thân nhân liệt sĩ chẳng biết vị ân nhân của mình, của dòng tộc mình ở đâu và hình dáng thế nào? Chịu!
Vậy mà “Cậu Thủy” thì ngược lại. “Cậu” đã hiện nguyên hình một con buôn. Rất trắng trợn. Ai muốn tìm mộ liệt sĩ thì nộp ngay 15 triệu đồng để “gọi hồn”. Gọi được “hồn” rồi, thân chủ còn phải mòn mỏi chờ thêm từ 10 đến 20 ngày nữa, “Cậu” mới dẫn đi tìm mộ. Xong việc nộp tiếp cho “Cậu” 100 triệu nữa. Như vậy, một hài cốt liệt sĩ tìm được, phải trả công cho “Cậu” 115 triệu đồng. Đấy là số tiền không thể gọi là nhỏ. Đối với những gia đình nghèo, 115 triệu đồng là cả một gia tài lớn. Nhưng rồi vì thương người đã khuất, nhiều gia đình cũng đã phải vay mượn để lo cho người thân được trọn vẹn.
Nếu tốn kém vậy mà tìm được hài cốt thật thì cũng đã đi một nhẽ. Đằng này, bỏ ra cả một tài sản lớn như thế để rồi lại rước về đồ giả, thậm chí không phải hài cốt người, mà là xương súc vật. Đem xương súc vật vào cõi linh thiêng là Nghĩa trang liệt sĩ. Rồi kính viếng. Rồi hương khói thờ phụng. Đau đớn biết chừng nào!
Thực ra, chỉ cần có một chút tỉnh táo thôi, chúng ta cũng đã có thể phát hiện ra việc làm rất không bình thường của kẻ lừa đảo giả danh nhà ngoại cảm này. Tại sao khi “gọi hồn”, xác định được mộ rồi, lại phải chờ từ 10 đến 20 ngày sau mới đi quy tập hài cốt? Có phải đó là quãng thời gian để kẻ lừa đảo tạo hiện trường giả hay không?
Bởi thế, có bao nhiêu sự phi lý. Liệt sỹ Đoàn Thị Nghĩa, hy sinh năm 1970 tại nước bạn Lào. Đồng đội từng chứng kiến sự hy sinh của chị, đã từng an táng cho chị, vẫn nhớ chị bị bom tọa độ, chết lúc nhập nhoạng tối, khi an táng chỉ có mỗi chiếc võng bọc bên ngoài. Không có di vật gì cả. Nhưng “Cậu Thủy” lại khẳng định hài cốt chị được chôn cùng một túi xách, có di vật kèm theo chứng thực tên tuổi. Đường đến mộ chị có thể đi được bằng ô tô rất tiện lợi. Chị hy sinh bên Lào nhưng “Cậu Thủy” lại tìm thấy hài cốt chị ở …Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị.
Đúng là phép tà thuật của Quỷ!
Sở Lao động Thương binh Xã hội Bình Phước cũng nghi ngờ một số hài cốt liệt sĩ “Cậu Thủy” khai quật ở Bình Long. Các mẫu xương ấy không phải xương người. Bi đông di vật cùng với những dòng chữ ghi tên các liệt sĩ cũng mới được khắc. Điều này, chưa cần đến giới chuyên môn hay các nhà khoa học, ngay cả người bình thường cũng có thể nhận ra. Điều kỳ dị hơn, có ngôi mộ “Cậu Thủy” chỉ dẫn, còn đôi dép cao su chôn gần nửa thế kỷ dưới lòng đất mà vẫn bóng loáng. Mẫu mã lại rất hiện đại. Đó là loại dép đúc liền khối mà ta thường thấy bán ở cuối đường Lê Duẩn, Hà Nội. Dép thời chiến tranh không phải như thế. Điều lạ hơn, dưới đế dép, còn khắc cả tên liệt sĩ.
Liệu có chiến sĩ nào khắc tên mình dưới đế dép không? Việc làm ngớ ngẩn này đã phơi nguyên hình trò man trá. Thông thường, người ta chỉ khắc tên vào những vật có thể dùng chung khi sinh hoạt liên hoan ở tiểu đội, trung đội, để tránh nhầm lẫn, như bình tông, hăng gô, bát sắt. Còn dép thì luôn dính dưới chân. Ai khắc tên mình vào đế dép làm gì?
Trước khi bị báo chí lên án, kẻ lừa đảo rất vụng về này đã bị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị phát hiện. Những ngôi mộ “Cậu Thủy” chỉ dẫn đều là mộ giả, nên đất tơi xốp, có thể bới bằng tay được. Cùng với cái gọi là di vật và xương cốt, còn có cả lá cây. Lá chôn dưới lòng đất mấy chục năm rồi mà vẫn xanh nguyên. Dựng đến cả một hiện trường giả mà còn cẩu thả. Khinh bỉ ta đến thế là cùng!
Biết trước sự có sự bất thường, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị đã tự khảo sát, không cho người ngoài khai quật để nhập nhẹm. Trước sự cương quyết của Bộ Chỉ huy quân sự Quảng Trị, “Cậu Thủy” nổi cáu: “Hỗ trợ thì Tỉnh đội thoải mái, nhưng khi bốc thì không được. Dù có quy tập chăng nữa “Cậu” cũng không cho bốc. Chỉ có quân của “Cậu” mới được trực tiếp “mang cái tâm” xuống bốc” thôi!.
Một kẻ lừa đảo trắng trợn đến như thế mà cũng có tâm ư?
Thật hài hước!
Xưa nay, kẻ lừa đảo ở đâu cũng có, ngành nào cũng có. Ta chả còn lạ. Chỉ lạ là tại sao một kẻ làm tiền trắng trợn trên xương máu các anh hùng liệt sĩ như thế lại có một cơ quan nhà nước đứng hỗ trợ phía sau là Ngân hàng Chính sách xã hội? Mỗi bộ hài cốt “Cậu Thủy” được ngân hàng hỗ trợ 75 triệu đồng. Và tổng số tiền cậu “vét” được đã lên đến gần chục tỷ. Đấy là con số không thể gọi là nhỏ. Dù không phải tiền ngân sách nhà nước, tiền đóng góp của anh chị em trong ngành Ngân hàng và tiền hảo tâm của các cơ quan, đoàn thể khác thì cũng vẫn là tiền của Dân thôi. Không ai có quyền được ném tiền của Dân ra gió.
Bây giờ kẻ lừa đảo đã bị bắt. Rồi mọi việc khuất tất gian trá sẽ được phơi dưới ánh sáng công lý. Rồi những kẻ bao che cho kẻ lừa đảo hay nằm trong đường dây của kẻ lừa đảo rồi cũng sẽ hiện nguyên hình.
Chúng ta không vội kết tội Ngân hàng Chính sách xã hội khi mọi việc vẫn đang trong quá trình điều tra. Cũng không thể phủ nhận thiện tâm và sáng kiến của Ngân hàng trong việc xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa, huy động một lượng tiền thiện nguyện không nhỏ của dân để làm việc nghĩa. Tuy thế, vẫn có những dấu hiệu rất không bình thường, khiến những người bình thường, những người có lương tri không thể không đặt ra những câu hỏi nghi vấn. Tại sao trong rất nhiều nhà ngoại cảm, trong đó có những người từng tìm được hàng vạn hài cốt liệt sĩ, trong đó có hàng trăm, hàng ngàn hài cốt đã xác dịnh ADN, là bằng cớ khoa học nhất bảo đảm sự chính xác, sao Ngân hàng không hỗ trợ, hợp tác trong việc tìm mộ mà lại chọn “Cậu Thủy”, một kẻ làm tiền rất trắng trợn, lại chưa được sự thẩm định của giới khoa học và các cơ quan chức năng?
Tại sao khi các cơ quan chính sách và giới chuyên môn tỏ ra nghi ngờ tính xác thực của cái gọi là “hài cốt liệt sĩ” thì Ngân hàng Chính sách xã hội lại vận động, yêu cầu các cơ quan chức năng công nhận kết quả tìm kiếm hài cốt liệt sĩ mà giới chuyên môn thấy có nhiều khuất tất. Như vậy, Ngân hàng có can thiệp quá sâu vào lĩnh vực không thuộc thẩm quyền chuyên môn của mình không? Liệu có lợi ích nhóm hay có gì khuất tất ở đây không? Đấy là những vấn đề rất không bình thường, mà người dân mong được làm sáng tỏ!./.