Trần Đăng Khoa nói tiếp chuyện nông dân

Ai ở làng quê cũng biết khúc đồng dao này: Lạy giời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/ Lấy bát cơm đầy/ Lấy khúc cá to...

Tôi đã bàn về nỗi khổ của nông dân. Điều ấy thực ra chả có gì mới. Nhưng nếu nói nông dân chỉ có khổ thì cũng không phải. Bởi thế đã có bạn phản ứng. Phản ứng là đúng. Nếu đời người mà chỉ có khổ thì sống sao nổi. Người nông dân cũng có niềm sung sướng chứ. Nói đúng ra là tự sướng. Người nông dân ta dường như không có thói quen so sánh mình với người dân ở các nước tiên tiến, cũng không so với dân đô thị. Họ chỉ so mình với chính mình thôi. Và thế là thấy sướng quá.

Trần Đăng Khoa: Người nông dân làm ra hạt gạo mà quanh năm đói

Ai ở làng quê cũng biết khúc đồng dao này. Nó như lời thần chú truyền hết từ đời này đến đời khác: Lạy giời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/ Lấy bát cơm đầy/ Lấy khúc cá to... Đấy, mơ ước muôn đời của người nông dân đơn giản có thế. Họ chỉ cần nước uống, ruộng cày, bát cơm và khúc cá. Vậy mà cái khao khát tối thiểu ấy, trước đây đâu cũng đã có được.

Người nông dân làm ra hạt gạo mà quanh năm đói. Đói ngày giỗ cha, no ba hôm Tết. Chỉ ngày Tết mới có bát cơm trắng, còn thì quanh năm ăn độn. Một hạt cơm cõng đến mấy hạt ngô. Nhiều nhà còn lấy gốc rau muống già băm nhỏ, rồi phơi khô, nấu trộn với cơm. Xới bát cơm trông cứ đen như bát... phân trâu. Nhai miếng cơm như nhai chão rách. Bây giờ thì chẳng cần phải lạy ông giời cũng có bát cơm đầy và khúc cá to rồi. Thế là sướng. Vua cũng chẳng bằng mình. Ông Giời ông Phật gì thì cũng cứ thua mình tất.

“Đấy, cháu thấy lạ không? Đồng đất vẫn đồng đất ấy. Con người vẫn con người ấy, chỉ thay đổi cách quản lý, lãnh đạo là đời sống biến đổi như có phép lạ.  Có kỳ lũ lụt liên miên ở miền Trung, rồi miền Nam, rồi cả vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long cũng coi như là mất trắng. Người dân mình phải nhường cơm sẻ áo cho bà con mình ở trong kia, vậy mà bữa cơm cũng có vơi đi đâu. Vậy cháu thử cắt nghĩa xem sự thể nó là thế nào?” Ông chú ruột tôi cứ nhìn tôi lom lom.

Ông già có thú vui, hầu như cứ lần nào tôi về quê, ông cụ cũng kéo tôi sang nhà rồi lại rỉ rả bàn chuyện chính trị. Mà toàn chuyện quốc gia, chuyện thế giới. Tôi ngồi im lặng, vì chưa đoán được ý ông cụ muốn câu chuyện đi theo hướng nào.

“Phải công nhận con cháu Cụ Hồ rất tài, cháu ạ. Bí bách kiểu gì rồi các bố ấy cũng tìm cách thoát ra được. Trong khi nhiều nước đổ liểng xiểng. Thế mà mình thì có sao đâu nào. Vẫn cứ vững như bàn thạch nhá. Vấn đề lại không phải cứ trẻ mà được đâu, cháu ạ. Trẻ như Góc bu chóp đấy, loạng quạng thế nào để vỡ bố nó cái Liên Xô và Đông Âu. Rõ thật đau hơn hoạn”.

Nói rồi, ông già quát đứa con út, xem có cái gì ngon thì đãi thằng anh mày. Cứ như lời ông già thì thằng anh ở mãi trên Trung ương. Mà trên Trung ương thì khổ rồi, đến cả cái tăm tre xỉa răng cũng không có, cũng phải bỏ cả đống tiền ra mua. Lát sau, một mâm dưa đầy ngật được đặt lên phản. Dưa đỏ mà trông cứ trắng nhợt. Ông già hể hả: “ Ở quê bây giờ sướng lắm, cháu ạ. Mùa nào thức ấy. Tao nói thật, mâm dưa thế này thì đến cả mấy lão Góc bu chóp với Bin tơn với Bama cũng chẳng có mà ăn đâu...”

Ông già nói với vẻ mặt rất phấn chấn. Còn tôi thì không sao nuốt nổi mấy miếng dưa sậm sật như khoai sống. Tôi lựa lời bảo ông già: “Vâng, quả thực ông Gorbachev có nhiều tội lắm. Ông ấy trẻ người non dạ nên loạng quạng làm vỡ mất cái Liên Xô và Đông Âu của cụ. Nhưng dưa của ông ấy thì ngon lắm...”. “Anh bảo sao cơ”. “ Là cháu nói dưa của nước ngoài ấy. Ngon lắm. Họ chỉ thua ta cái họ không có, như chuối, mít, na. Chứ hoa quả gì ta có mà họ cũng có thì ta không thể so được với họ đâu...”.

Tôi mới nói một chút sự thật về hoa quả, nghĩa là chỉ thuần chuyện thực phẩm thôi, mà ông già đã gườm gườm nhìn tôi như nhìn một thằng Bạch vệ. Rồi ông tìm bà mẹ tôi. Hai người rì rầm bàn bạc với nhau. Tưởng chuyện gì, hoá ra vẫn chuyện của tôi, mà chuyện rất nghiêm trọng. “Đấy, thì tôi đã nói ngay với bá rồi. Thằng này cứ để nó ở nhà đi cày thì nó lại tốt, lại vững lập trường quan điểm. Cho nó đi học Tây là hỏng rồi. Bây giờ nó đích thị là một thằng Tờ dốt kít...”.

Bà mẹ tôi run rẩy: “Tờ dốt kít là gì, hả chú?”. “Tờ là i - tờ. I tờ còn không biết thì là dốt chứ còn gì nữa. Mà dốt đến độ kít. Nghĩa là rất dốt. Rất nguy hiểm. Tờ dốt kít chính là một tên chống Đảng ở bên Liên Xô!”. “Chết chết! - Bà mẹ tôi rên rẩm. - Con tôi sao lại sang đến tận Liên Xô để chống Đảng. Làm sao lại đến nông nỗi này, hở giời. Chú cứ để đó cho tôi dạy cháu!”.

Thế rồi suốt đêm ấy, mẹ tôi nói với tôi bao chuyện. Toàn những chuyện cơm nặng áo dày của Đảng và Chính phủ. Một người như tôi mà còn bị chính bà mẹ mình nghi ngờ thì buồn cười quá. Tôi cứ cười thầm một mình. Nhưng đến khi thấy bà cụ khóc thì tôi phát hoảng. Hoá ra sự việc rất nghiêm trọng, chứ không đơn giản như tôi nghĩ.

Và từ đấy, bà mẹ tôi bắt đầu “theo dõi” tôi. Đến khi thấy tôi phát biểu ở trên Đài, cụ mới thấy yên tâm. Hóa ra con mình mới chỉ “dao động” thôi, chứ nó không phải là thằng “dốt kít”. Các cụ ở làng tôi rất tin đài. Cứ nghe thấy điều gì lạ tai, các cụ lại hỏi: “Thế Đài có nói thế không?”.

Nếu thấy đó không phải là chuyện xuất phát từ Đài, bà mẹ tôi lại cảnh báo: “Không khéo anh lại tuyên truyền không công cho địch rồi!”. Nông dân là thế đấy. Họ luôn có tinh thần cảnh giác cao độ. Vì thế, không có sự phản trắc nào có thể tồn tại được ở xứ sở trong vắt một bầu khí quyển nông dân…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên