Trần Đăng Khoa: Sáng kiến hay “tối kiến”?

(VOV) - Tại sao các cơ quan chức năng, những người làm công tác tham mưu lại cứ đưa ra những đề xuất trái khoáy như vậy?

- Này, vừa rồi, anh có để ý theo dõi báo chí không?

- Có chứ! Tôi là nhà báo mà. Có chuyện gì thế cụ?

- Tôi thấy có người lại đề xuất xin được nhập khẩu xe tuk tuk…

- Chuyện đó cũ rồi. Qua báo chí, tôi biết, ngày 13/9 vừa rồi, Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải nhận được công văn của Hiệp hội Vận tải Thành phố Hà Nội, đề nghị xin được nhập khẩu và lưu hành xe tuk tuk ở địa bàn Thủ đô. Nhưng Bộ Giao thông cũng đã bác bỏ đề nghị này rồi mà. Thế thì ta còn bàn làm gì nữa cụ?

- “Tối kiến” dở hơi đó đã bị bác bỏ. Nhưng vẫn còn nhiều điều cần bàn. Tại sao các cơ quan chức năng, những người làm công tác tham mưu cho cấp trên, lẽ ra cần phải rất tỉnh táo, sáng suốt, mà tôi chắc họ không phải là những kẻ ngốc nghếch, nhưng rồi lại cứ đưa ra những đề xuất trái khoáy như vậy. Nếu bây giờ ta có bàn thì cũng chỉ bàn ở cái nỗi trái khoáy ấy.

Cái đó vẫn luôn diễn ra. Hoặc ở dạng này, hoặc ở dạng khác. Đấy vẫn là một vấn đề có tính thời sự. Ai mà chẳng biết những chiếc xe lam, xe tự chế 3-4 bánh, đến nay vẫn là nỗi kinh hoàng của người tham gia giao thông trên khắp cả nước này. Chở nặng, cồng kềnh, lạng lách, vượt đèn đỏ, đúng là những “hung thần đường phố”. Ấy là chưa kể hình thức những chiếc xe đó lại rất nhếch nhác, xấu xí, động cơ thì ồn, lại xả khói mù mịt, ảnh hưởng môi trường, rất không hợp với những thành phố văn minh hiện đại.

Ngay từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã có Nghị định về niên hạn sử dụng đối với ô tô tải và ô tô chở người. Theo đó, sẽ loại bỏ dần xe Lamboro ra khỏi đời sống. Nhưng rồi cũng phải qua nhiều năm sau, bằng rất nhiều văn bản, quy định. mới dần loại bỏ được xe lam. Nghị quyết 32 năm 2008 của Chính phủ quy định các loại xe ba gác, công nông, xe lam, xe lôi 3 bánh, xe tự chế phải chấm dứt hoạt động, trường hợp vi phạm sẽ bị tịch thu, bán phế liệu, sung công quỹ. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng còn tiếp tục có Nghị định về vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay, các địa phương cũng mới loại bỏ được xe lam, còn xe tự chế 3-4 bánh vẫn chưa dẹp được.

Tôi biết hiện nay, Hà Nội cũng muốn xóa sổ loại xe ô nhiễm này, nhưng vẫn chưa làm được, bởi đấy là công cụ mưu sinh của khá nhiều thương binh. Trước thực tế đó, nhiều người đã lạm dụng lòng trắc ẩn của chính quyền, đặt chế xe ba bánh rồi đóng mác thương binh giả, tung hoàng trên khắp các đường phố. Xe không bảo đảm kỹ thuật, lại không biển, không còi, không gương chiếu hậu, bất chấp mọi luật lệ quy định về An toàn Giao thông.

Hiện nay, theo thống kê của Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội, thành phố vẫn còn gần 500 xe 3 bánh tự chế, trong đó, chỉ có 182 xe được cấp phép, còn lại là xe “chui”, gắn logo thương binh giả. Nói như một phóng viên nhà báo, ở bất cứ con phố nào xuất hiện loại xe ấy cũng đều chở hàng quá khổ, quá tải, gây ùn tắc cục bộ, người đi đường thường phải tránh xa cho đỡ phiền toái. Thực trạng này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người đi đường, mà còn là nỗi bức xúc của người dân Thủ đô trong bối cảnh giao thông ngày càng tắc, càng rối.

Thế mà có người lại còn đề nghị nhập khẩu thêm xe tuk tuk. Chú bảo thế có “điên” không? Rõ ràng một tư duy hoàn toàn không bình thường. Hay mấy lão này “ăn” phải “cái bả” của địch…

- Chết chết! Sao cụ lại vu cho người ta thế. Anh em tử tế cả. Chả có địch nào đâu. Họ chỉ muốn góp phần giải quyết tình trạng ách tắc giao thông. Nhưng muốn hạn chế xe máy thì lại thay bằng… tuk tuk…

- Điên! Chú nói cứ như nói với trẻ con ấy…

- Khiếp, hôm nay bực bội điều gì mà đồng chí “cựu chiến binh” nóng giận thế? Để có cái mới thì cũng phải… thử nghiệm chứ cụ. Có phải thử nghiệm nào cũng thành công ngay đâu…

- Chú lại đánh tráo “hiện trường” rồi. Đây đâu phải phòng thí nghiệm phát minh khoa học. Đây chỉ là chuyện của những người làm công tác tham mưu. Các cụ bảo: “Thần thiêng nhờ bộ hạ”. Bộ hạ “tối” thì Thần làm sao mà “sáng” được. Nhìn lại những “sáng kiến” của ngành Giao thông mà tôi thấy khiếp đảm. Điều này, báo chí cũng đã nói nhiều rồi. Ngay bản thân chú cũng nhiều lần bàn đến, nhưng chú đã nói thế thì tôi tôi cũng lại phải nhắc lại.

Chú còn nhớ những “sáng kiến” của các cơ quan tham mưu trước đây không? Toàn là những “tối kiến” rùng rợn. Ví như: Cấm xe địa phương vào Hà Nội. Xe số chẵn đi ngày chẵn. Xe số lẻ đi ngày lẻ. Xe tắc xi phải bốn người mới được khởi hành… Thật kỳ quái. Nếu cấm xe các tỉnh vào Hà Nội, thì vô tình biến Thủ đô thành ốc đảo. Và rồi các tỉnh họ cũng có quyền cấm xe Thủ đô đi qua “lãnh thổ” của họ để… “giải quyết ách tắc giao thông” thì sao?

Nếu vận hành xe theo số chẵn lẻ, mà cán bộ công nhân viên chức ngày nào cũng phải đến cơ quan, chả lẽ tầng lớp viên chức nghèo kiết ấy lại còn phải nhịn ăn, nhịn mặc mua thêm xe nữa, rồi lại phải tìm cách “xoay xỏa” sao cho có số biển lệch với số đã có. Nếu xe taxi chỉ được khởi hành khi có bốn người, thì trường hợp đưa người đi cấp cứu sẽ ra sao? Tìm được đủ bốn người thì không khéo bệnh nhân đã tắt thở trước khi tới được cổng bệnh viện rồi.

Ngay cả để có sự thông thoáng, một số đoạn đường cấm xe taxi tôi thấy cũng không ổn. Bởi như thế, vô tình chúng ta lại đánh vào người nghèo. Các vị quan chức cao có xe công nhà nước. Nhà giàu có xe riêng. Người nghèo chỉ còn biết trông vào các phương tiện công cộng. Nếu ở đúng  khu vực cấm xe taxi, nếu không may gia đình có người ốm phải đưa đi cấp cứu thì còn biết xoay sở ra sao?  Chả lẽ lại phải đưa người ốm lên xe máy, chở ra những cung đường không cấm xe taxi rồi gọi xe đưa đi cấp cứu ư? Chỉ nghĩ thế đã thấy rùng mình.

Nhìn lại những “đề xuất sáng kiến” của giới “tham mưu” trong lĩnh vực an toàn giao thông, tôi thấy buồn lắm chú ạ. Rồi chúng ta cũng đã xoay đủ trò. Nào đổi giờ làm, giờ học, gây không ít xáo trộn trong đời sống thường nhật, hay việc đánh vào lệ phí xe, cũng khiến khối anh xiêu điêu, mà cũng toàn là công chức nghèo, nhờ bán đất hương hỏa, có được chút tiền, tậu con xe bụi. Giờ bỏ thì thương, vương thì tội. Xoay sở kiểu nào cũng phiền toái.

Mà thử rà soát lại xem, sau khi chúng ta thực hiện những đề xuất “sáng kiến” ấy, nạn tắc đường có giảm không? Rồi tai nạn giao thông giảm đi hay vẫn tăng vùn vụt. Và bây giờ để khắc phục vấn nạn đó, giới “tham mưu” lại nghĩ đến việc phải nương nhờ “tử thần” tuk tuk. Đúng là một cái vòng luẩn quẩn. Một trí tuệ “đèn cù”. May mà Bộ Giao thông đã bác bỏ đề xuất điên khùng ấy. Nếu không thì không biết chúng ta sẽ đi về đâu…

- Giải quyết những vấn nạn giao thông là một bài toán rất khó cụ ạ. Chỉ ngồi mà chê thì rất dễ. Vì ai cũng có thể chê được. Trong năm qua, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã làm được rất nhiều việc đấy. Ví như mở rộng nhiều cung đường nội thị. Đặc biệt là việc xây dựng những cây cầu vượt theo phương thức lắp ghép khá nhanh tại các nút giao thông, cũng ít nhiều tạo nên sự thông thoáng trong các giờ cao điểm.

Còn tai nạn giao thông tăng hay giảm phần lớn lại phụ thuộc vào người tham gia giao thông chứ đâu phải các cơ quan chức năng. Nếu ai cũng hiểu luật giao thông, cũng có ý thức trong việc tham gia giao thông thì tình thế cũng đã khác. Có lẽ không ở đâu như ở nước mình. Ngày nào cũng có hàng chục người chết vì tai nạn. Mạng người như cỏ rác. Ta đã quá quen với những mất mát rủi ro, trái tim cũng dần vô cảm với nỗi đau của đồng loại. Điều ấy mới thật sự là kinh hoàng…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên