Trần Đăng Khoa: Sợ chết đuối giữa phố phường!

Tôi sợ là sợ sặc nước chết đuối nước theo đúng nghĩa đen ấy. Mà chết đuối giữa đường phố mới khiếp!

Nói “sợ chết đuối giữa phố phường”, chắc bạn đọc khả kính lại cười mủm mỉm: “Cái lão này õng ẹo quá. Ý lão muốn nói về chuyện chết đuối cạn vì mấy em chân dài đây? Khỉ ! Chỉ nghĩ thế cũng đã hư đốn! Cái lão này càng già càng hư đốn!”

Khổ! Tôi đâu có vòng vo một cách “sâu sắc” như thế! Thợ cày thường chỉ biết vuốt bụng nghĩ thật, nói thẳng. Tôi sợ là sợ sặc nước chết đuối nước theo đúng nghĩa đen ấy. Mà chết đuối giữa đường phố mới khiếp!

Sở dĩ có cái chuyện ớn lạnh này, cũng bởi Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua trận mưa sớm đầu mùa. Mới qua một trận mưa mà đã có bao nhiêu con phố úng ngập. Trông ảnh trên các trang báo mạng mà hãi. Mấy bác phóng xe máy dưới các ao hồ phố xá, cứ như nhà ảo thuật lừng danh thế giới David Copperfield!

Thành phố Hồ Chí Minh luôn có những đợt triều cường, lại cũng úng ngập liên miên vì những trận mưa lớn trái khoáy. Tuy thế vẫn chưa có chuyện chết đuối trên đường phố. Còn Hà Nội thì đã có đến mấy người chết trôi rồi. Thế mới kinh!

Cứ theo nhà văn Tô Hoài, một người rất am tường Hà Nội xưa, được thành phố vinh danh là công dân tiêu biểu của Thủ Đô, thì toàn bộ cống ngầm dưới lòng Hà Nội về cơ bản vẫn là hệ thống thoát nước cũ của Pháp. Người Pháp khi xây dựng thành phố thì lúc ấy, Hà Nội mới chỉ có chừng 15, 20 vạn dân. Hệ thống cống ngầm của Pháp đủ bảo đảm thoát nước cho một thành phố nhỏ gọn như thế. Bây giờ Hà Nội đã phình ra với bao nhiêu khu đô thị mới, số dân cũng tăng lên gấp mấy chục lần. Hệ thống cống ngầm xưa đã trở nên quá tải. Một thằng bé ba tuổi, cõng trên lưng nó cả một ông đô vật khổng lồ. Thế thì làm sao mà tránh khỏi được tai nạn.

Hà Nội đã từng qua bao trận đại hồng thuỷ rồi. Không ai ngờ ở một đô thị văn minh, nổi tiếng là yên bình mà người dân lại chết đuối ngay trên đường phố của mình. Tôi là anh nông dân cày cuốc, nên khi gặp những trận mưa gây úng lụt, thì cũng coi như mình lại trở về cái thời lội ao, lội ruộng ở quê thôi. Còn trí thức như ông bạn tôi, một nhà khoa học ứng dụng công nghệ mới khổ. Nước ngập gần ngang bụng, bác ấy phải dắt de. Mấy con ma cà rồng có cái tên rất hiện đại là xe buyt ào qua, sóng vỗ lên tận mặt, đẩy cả cái xe và bác ấy ngã dụi xuống biển nước đen ngòm, chảy cuồn cuộn. Là một người bơi giỏi, từng được Huy chương Vàng giải bơi lội thời trẻ trai mà ai ngờ lại bị sặc nước, uống đẫy cả một bụng nước cống. Cháu Vân Anh học lớp 7, trường Bế Văn Đàn, đến lớp bị chết đuôí. Chị Hà quê Phú Thọ, lên thành phố bán rau, kiếm sống và nuôi con học Đại học, cũng bị nước cuốn xác ra tận cánh đồng Mai Dịch. Đến cả anh Đại úy, bác sĩ quân y mà cũng còn bị chết đuối ngay giữa đường phố. Mà chết cứ như đùa. Anh bước tụt xuống cái hố ga mất nắp, rồi bị nước hút, không thể thoát ra mà ngoi lên được. Người đi trên phố chẳng ai lại hình dung có người chết đuối giữa đường phố, nên rồi chả mấy ai để ý mà cứu anh.

Qua những trận úng lụt ấy, mới biết khả năng quản lý đô thị của chúng ta rất kém. Khắc phục hậu quả thì lại chắp vá. Hàng trăm tỷ đồng chính phủ chi cho việc giải quyết thoát nước ở Thủ Đô, mà rồi sau nhiều trận đào đường, cái tạo hệ thống cống ngầm, rồi vét sông, đặt lại hệ thống bơm nước, những tưởng sẽ thoát nạn úng ngập, nào ngờ đường phố tắc ngập vẫn cứ tắc ngập. Đến cả phố Lý Nam Đế, một khu phố cao, chưa bao giờ bị úng lụt, vậy mà sau công cuộc cải tạo cống ngầm, lại chìm sũng trong nước chỉ qua một trận mưa đêm. Việc cải tạo thiết tưởng cũng cần đồng bộ. Ta khơi thông được chỗ này thì lại lấp mất chỗ kia. Vậy thì nước thải chỉ còn có cách tràn vào nhà dân, tìm đường tẩu thoát. Ngay đến cả ga Hàng Cỏ cũng có lúc hoá thành sông hồ. Nhiều người còn lo xa, đã tính đến việc sắm thuyền để đi lại trên đường phố. Nghe hài hước cứ như chuyện cổ tích ngày xưa...

Ông bạn tôi bảo: “Cần phải xem lại mấy ông lo việc thoát nước này. Không thể ỷ cho thiên tai bất khả kháng được. Nhiều nước họ cũng có thiên tai chứ, nhưng có thủ đô nào úng lụt như ở nước ta không? Nhiều khi chỉ sau cơn mưa cũng không phải to lắm, nhiều tuyến phố Hà Nội đã hoá ao hồ. Thế thì làm sao mà không ngờ được. Ngay cả đường xá, lộ thiên trên mặt đất, đến mấy cái cọc tiêu đường, người ta còn lấy cọc tre thay cốt thép xi măng thì làm sao tin được những công trình ngầm chìm sâu dưới lòng đất mà mắt người lại không nhìn thấy được!”

Nói thế thì oan cho mấy “bác” môi trường lắm! Oan lắm! Làm sao một thằng bé ba tuổi lại có thể cõng được cả một ông đô vật khổng lồ!

Sẽ không bao giờ khắc phục được nạn lụt lội nếu chúng ta không giải quyết dứt điểm bằng cách làm lại, xây dựng lại toàn bộ hệ thống cống ngầm thoát nước. Chúng ta vẫn luẩn quẩn trong tư duy nhiệm kỳ, vụ lợi và manh mún, mà thiếu cái nhìn tổng thể đại cục ngay cả trong vụ việc cụ thể này. Bởi thế, đi trên phố, ta luôn gặp cảnh đào đường. Ông Bưu điện đặt dây điện thoại và cáp quang. Ít tháng sau lại đào đường. Ông Cấp nước đô thị đặt ống dẫn nước. Tưởng đến thế đã là yên. Ai ngờ lại đào đường. Lần này thì ông Điện lực chuyển dây tải điện xuống hệ thống ngầm. Cứ liên miên thế, ông nọ đào ông kia. Mà ông nào cũng chỉ biết mỗi việc của mình. Vậy thì làm sao tránh được hiểm họa.

Cách đây hơn chục năm, tôi bay cùng một vị Kiến trúc sư người Mỹ gốc Việt từ Boston về Hà Nội. Ông Kiến trức sư này từng xây dựng nhiều tuyến đường ngầm ở Mỹ và rất nhiều nước tiên tiến khác trên thế giới. Những năm cuối đời, ông muốn về Việt Nam xây dựng tuyến tầu điện ngầm để giúp chúng ta giải quyết nạn ách tắc giao thông ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là một việc làm rất cấp thiết. Tôi có nói vui với ông rằng, chúng ta chỉ cần 5 năm là xây dựng xong các công trình giao thông dưới đất bằng công nghệ ép đất hiện đại. Nhưng chúng ta còn thiếu đến 50 năm để đào tạo người tham gia giao thông. Chỉ một trận mưa đường phố đã ngập, những tầng hầm để xe trong các khu đô thị mới cũng đã thành ao hồ “ngâm” các siêu xe hiện đại. Một đống vàng phút chốc thành bùn nhão, lại thêm cái tệ nạn rút ruột công trình khiến những cung đường cao tốc lộ thiên ai cũng nhìn thấy mà thường chỉ sau mấy tháng khánh thành đã hư hỏng nghiêm trọng, vậy thì ai còn dám đi trong những con đường ngầm mù mịt xây dựng trong bóng tối? Chỉ một rủi ro đơn giản như ngập lụt, hay sụt đất là đã đủ chôn sống hàng trăm sinh linh. Mà rồi chẳng có ông nào, bà nào phải mất chức vì chịu trách nhiệm.

Dân mình vẫn không có thói quen sống trong đô thị văn minh, hiện đại. Họ chỉ chăm căn nhà của riêng mình, nhưng lại coi đường phố như bãi đất hoang, nên cứ việc xả rác ra đường, tống rác xuống cống. Nhiều hôm, nhất là vào những ngày rằm hay mồng một đầu tháng, đặc biệt là ngày Tết ông Táo, đến cả cầu Chương Dương cũng bị ngập trong rác và túi ni lông. Đó là đồ phế thải sau khi cúng mà người dân muốn “hóa” bằng cách thả hết xuống sông Hồng. Cơ chừng này, rồi không khéo đến cả sông Hồng cũng sẽ thành cái cống tắc chứ chẳng chơi.

Ở các nước văn minh, thường luật pháp rất nghiêm ngặt. Chỉ vứt mẩu thuốc lá xuống đường là bị phạt đến mấy trăm dollas rồi. Bù lại, để tạo điều kiện cho người dân thực hiện nghĩa vụ văn minh, trên đường phố, chỉ hơn trăm mét người ta đã để một thùng rác công cộng. Thùng rác rất đẹp, trông như vật trang trí.

Tại sao chúng ta không làm được như thế? Để tránh úng lụt, đâu phải chỉ có bỏ ra hàng trăm tỷ đồng khơi cống rãnh, điều quan trọng hơn là phải khơi dòng văn minh và  nếp sống quy củ ở trong mỗi con người./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên