Trần Đăng Khoa: Thơ trong sách giáo khoa

Nguyễn Đình Thi nói rằng, một tác phẩm được tuyển chọn đưa vào học trong nhà trường phải là tác phẩm hoàn thiện ở tất cả mọi phương diện, đặc biệt là nghệ thuật và tư tưởng.

Nhà thơ thiên tài Chế Lan Viên (Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật) có lần nhận xét: “Những áng văn hay nhất, sinh động nhất đều ở bên ngoài cánh cổng nhà trường. Chủ đề chính của văn chương trong hệ thống sách giáo khoa chỉ loanh quanh mấy chuyện: đánh nhau, đi tù, đi tu và ở ẩn”. Tất nhiên, đó là nội dung sách giáo khoa thời bao cấp, hồi thế hệ chúng tôi đi học. Đúng thế thật. Chỉ riêng mảng văn chương viết về nhà tù đã dày đặc.

Ngoài hai mảng Nhật ký trong tù của Bác và Xiềng xích của Tố Hữu cần phải có trong sách giáo khoa, các phần khác, nên mở ra nhiều hướng khác nữa, nhưng các nhà soạn sách vẫn “giam” thày và trò trong tù ngục: Đập đá ở Côn Lôn: Tù. Không giam được trí óc: Tù. Bất khuất: Tù. Sống như Anh: Tù. Rồi thơ Xuân Thủy, thơ Hoàng Văn Thụ: “Thân dẫu lao tù không hề nản”:

Rồi phần văn học đương đại, tiểu thuyết sử thi Vỡ bờ của nhà văn Nguyễn Đình Thi cũng lại chỉ trích đoạn anh Khắc Trong xà lim. Đến cả hai ông cụ khổng lồ, một ta, một Tây, là cụ Victor Hugo với kiệt tác Những người khốn khổ, và cụ Nguyễn Du với siêu phẩm Truyện Kiều cũng lại góp thêm hai mảng tù nữa: Hàn huyên chưa kịp dãi dề/ Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao/ Người nách thước, kẻ tay đao/ Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi/ Già giang một lão một trai/ Một dây vô lại buộc hai thâm tình/ Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh/ Rụng rời khung dệt, tan tành gói may/ Đồ tế nhuyễn, của riêng tây/ Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham/ Điều đâu bay buộc, ai làm/ Này ai dang dậm, giật giàm bỗng dưng/ Hỏi ra sau mới biết rằng/ Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ/ Một nhà hoảng hốt, ngẩn ngơ/ Tiếng oan dậy đất án ngờ lòa mây/ Hạ từ van lậy suốt ngày/ Điếc tai lân tuất phũ tay tồi tàn/ Rường cao rút ngược dây oan/ Dẫu là đá cũng nát gan, lọ người/ Mặt trông đau dớn rụng rời/ Oan này còn một kêu trời nhưng xa/ Một ngày lại thói sai nha/ Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”.

Truyện Kiều- kiệt tác thi ca được đưa lên sân khấu
Đây là nguyên văn đoạn trích ở sách giáo khoa, cũng là đoạn chán nhất trong kiệt tác Truyện Kiều. Giữa kho báu Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu của cụ Nguyễn Du, đoạn này chỉ như một bản lề, là cái nguyên cớ dẫn đến 15 năm lưu lạc của cô Kiều tài sắc. Để cứu bố và em thoát khỏi tù ngục, cô Kiều đã phải bán mình lấy mấy lạng bạc đút lót cho bọn quan lại bẩn thỉu.

Người soạn sách coi đó là đoạn văn tố cáo xã hội phong kiến rất mạnh mẽ. Vâng, lũ học trò chúng tôi thời đó cũng thấy đoạn trích có tính tố cáo xã hội phong kiến. Nhưng tố cáo một cách đơn giản. Nó như chút váng mỡ, nổi phèo phèo ở phía trên thôi. Còn phía sau con chữ không có gì cả. Tôi đồng ý với một nhà thơ nổi tiếng khi ông cho rằng, để thưởng thức những áng văn hay, ông thường luồn tay qua mấy con chữ, khua khoắng xem có chạm được vào gan ruột của tác giả hay không. Nếu không thấy gan ruột tác giả, cũng không thấy hơi hám đời sống, thì tác phẩm ấy chẳng có chút giá trị nào cả, nó sẽ tàn lụi ngay, không tồn tại nổi, dù có được bợ đỡ, bao phủ bằng ánh hào quang của các sắc phong.

Đấy chính là lý do vì sao, một loạt tác phẩm đoạt giải thưởng này, rồi giải thưởng khác mà vẫn không đến được với công chúng, cũng không để lại một tiếng vọng nào, dù rất nhỏ trong lòng bạn đọc yêu mến văn chương.

Đoạn thơ trích “Gia đình Thúy Kiều mắc oan” mà tôi dẫn trên kia, là tác phẩm đưa vào giảng dạy trong nhà trường suốt một thời gian khá dài, qua cả mấy thế hệ học sinh, trong đó có chúng tôi. Đấy là đoạn chán nhất trong Truyện Kiều. Chỉ tiếp theo mấy câu nữa thôi là phần kiệt tác mà thời đó, chúng tôi lại không được học. Đó là chuyện trao duyên của chị em Thúy Kiều, Thúy Vân… Cậy em, em có chịu lời/ Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa

Và khi Thúy Vân nhận lời tiếp nhận mối tình của chị thì tấn kịch đã được đẩy lên đến nấc cuối cùng: Ôi Kim Lang, hỡi Kim lang/ Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây… Theo chúng tôi, đó mới đúng là áng văn có tính tố cáo xã hội bất lương mạnh mẽ nhất, và đó cũng là áng văn chương thuộc hạng đẹp nhất, sâu sắc nhất trong tác phẩm Truyện Kiều. Rất may, áng văn tuyệt vời ấy, sau này đã được đưa vào học, thay cho đoạn văn quá đơn giản mà tôi đã kể ở trên.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi rất có lý khi ông cho rằng, một tác phẩm được tuyển chọn đưa vào học trong nhà trường phải là tác phẩm hoàn thiện ở tất cả mọi phương diện, đặc biệt là nghệ thuật và tư tưởng. Và như thế, tác phẩm phải rất sâu rộng để các em có thể tung hoành bơi lượn, rồi cứ lặn mãi, lặn mãi cũng không tới đáy. Có thế mới có đất cho thày cô giảng và các em mới có chỗ để chiêm ngưỡng, khám phá.

Nhiều tác phẩm rất tốt về nội dung, nhưng lại không có giá trị nghệ thuật, đã thế, tác giả lại sợ người đọc không hiểu nên nói toẹt hết ra ở ngoài vỏ chữ, nói đến trơ cả gốc cả rễ thì các thày cô còn có gì để nói nữa ở trên bục giảng. Các em chán môn văn, không còn muốn học văn nữa là điều cũng phải thôi.

Trong mảng thơ viết trong tù của Tố Hữu, phần chúng tôi được học ngày xưa cũng không phải là mảng hay nhất của ông. Đúng ra, đó chỉ là mảng thơ tốt, đại loại: “Dâng tất cả để tôn thờ chủ nghĩa”, hay cuộc đấu tranh quyết liệt giữa cái bụng với cái đầu trong những ngày tuyệt thực ở trong lao. Bụng đói thì muốn ăn, với lý lẽ: “Có hôi miệng hôi mồm/ Uống vô là sạch hết”. Những câu thơ như thế, không thể nói là hay được.

Đặc sắc nhất trong mảng thơ tù của Tố Hữu là ba bài: Tiếng hát đi đầy. Nhớ đồngKhi con tu hú. Trong đó Khi con tu hú thực sự là một kiệt tác. Bài thơ rất giản dị. Thơ viết về tù mà không có một chữ tù nào. Cũng may, sau này, bài thơ đã được tuyển  trong chương trình cải cách. Vì thế, tôi thuộc phía những người ủng hộ sách giáo khoa cải cách. Mặc dù, cuộc cải cách còn nhiều điều không ổn. Thậm chí rất không ổn. Tôi sẽ bàn sau.

Ngay trong bài thơ chọn rất chuẩn này, trong sách hướng dẫn giáo viên, người soạn sách cũng có sự nhầm lẫn đáng tiếc. Khi nhà thơ viết: Trời xanh càng rộng càng cao/ Đôi con diều sáo lộn nhào tầng không... Đôi con diều sáo là cái diều có gắn sáo, một trò chơi của con trẻ, thường thả vào mùa hè. Nhưng có lẽ vì tác giả gọi là Đôi con…, nên nhà soạn sách tưởng là… động vật, là chim diều, chim sáo.

Thày Trương Sầm Tham, một giáo viên ở một trường Trung học Phổ thông, Quy Nhơn, Bình Định, đã phải kêu lên vì sự nhầm lẫn ấy, trong một bài viết rất có tình, có lý, nhà soạn sách lại nói nước đôi: Có thể có hai cách hiểu. Một là cái diều có gắn sáo. Hai là con chim diều chim sáo. Đằng nào thì cũng là tự do.

Xin thưa với nhà biên soạn rằng: Có thể có rất nhiều cách hiểu, nhưng không thể hiểu như nhà soạn sách được. Đối với tâm thức người Việt, diều là loại chim ác. Diều đã lượn thì làm sao còn có tự do. Vả lại diều và sáo không bao giờ bay đôi với nhau. Thấy sáo là diều thịt liền. Thêm nữa, chỉ có sáo mới hót, chứ diều có hót bao giờ đâu. Vậy thì làm sao người tù biết được trên bầu trời đang có diều bay lượn. Người tù trong song sắt, chỉ nghe thấy được chứ không thể nhìn được.

Bởi thế, bài thơ mới bắt đầu từ âm thanh, từ tiếng chim tu hú. Khi con tu hú gọi bầy. Và cùng với tiếng chim là những cảnh sắc được hiện lên: Lúa chiêm đương chín trái cây ngọt dần/ Vườn râm dạy tiếng ve ngân/ Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào… Một cảnh sắc bàng bạc. Bởi đây không phải cảnh thật, mà là cảnh sắc trong trí nhớ. Trời xanh càng rộng càng cao/ Đôi con diều sáo lộn nhào tầng không… Cũng nhờ có tiếng sáo diều mà người nghe thấy được cả một bầu trời tự do, cao rộng.

Rồi: Ta nghe hè dậy bên lòng/ Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi/ Ngột làm sao chết uất thôi/ Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu… Đến đây ta mới thấy lồng lộng hiện lên một người tù. Đúng là một người tù. Một người tù nhiệt huyết và u uất, muốn phá tung xiềng xích, tù ngục để trở về với cuộc chiến đấu sôi sục của nhân dân. Đây là dấu ấn báo hiệu cuộc vượt ngục của Tố Hữu sau này. Thơ viết về nhà tù mà không có một chữ tù nào. Thơ thế mới là thơ siêu vậy!...

(Còn tiếp)

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên