Trần Đăng Khoa: Trẻ em chết, không thể không lo về vaccine
VOV.VN -Chỉ có minh bạch, nghiêm khắc trong xử lý sự việc, chúng ta mới khôi phục được niềm tin của dân.
Cái hiện trạng cần phải “báo động” này, cũng không còn mới nữa. Các kênh truyền thông cũng đã “báo động” rền rĩ suốt bấy lâu nay. Nhưng rồi điều đáng tiếc vẫn cứ xảy ra. Thế nên nếu chúng tôi có gióng thêm một hồi chuông “báo động” nữa thì cũng không phải là điều nhàm tẻ, vô ích.
Đó là việc liên tiếp xảy ra các vụ tử vong của các cháu sơ sinh sau khi tiêm vaccine phòng chống viêm gan B. Gần đây là ba cháu tử vong ở cùng một bệnh viện tuyến huyện tỉnh Quảng Trị. Mới nhất là trường hợp bé gái ở tỉnh Bình Thuận tử vong tại Bệnh viện huyện Tuy Phong khi chào đời chỉ mới chưa được một ngày. Mặc dù khi sinh ra, cháu rất khỏe mạnh.
Chỉ tính trong vòng hai năm, đã có trên 20 cháu tử vong vì tiêm vaccine phòng viêm gan B. Đấy là một con số lớn. Đừng nghĩ con số trên 20 cháu tử vong không phải vì bệnh tật trong hai năm chỉ là chuyện vặt vãnh, rủi ro. Chỉ một cháu tử vong cũng là vấn đề lớn. Bởi đó là cái chết oan ức, rất vô lý mà những người có lương tri không thể cầm lòng.
Xung quanh cái chuyện vaccine này còn nhiều chuyện lình sình, cũng không thể coi như những chuyện vặt vãnh. Ấy là chuyện người ta còn ăn bớt vaccine khi tiêm cho trẻ sơ sinh. Cần phải xem đó như một tội ác. Nói như ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và các chuyên gia y tế, thì tiêm chủng vaccine là biện pháp phòng bệnh tốt nhất và chỉ tốt khi tiêm đủ liều. Có thế mới đảm bảo lượng kháng nguyên để kích thích cơ thể sinh ra kháng thể.
Thật nhẫn tâm khi người ta ăn bớt vaccine của trẻ, vậy mà chẳng ai hay biết. Cha mẹ các cháu vẫn đinh ninh con mình được bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất, trong khi các cháu không có sức đề kháng vì tiêm không đủ liều. Và ai dám chắc rằng, với một lượng thuốc “không có tác dụng phòng bệnh” như vậy khi tiêm vào cơ thể, liệu có gây ra tác dụng ngược đối với sức khỏe của trẻ em không?
Một phóng viên rất có lý khi đưa ra câu hỏi, “liệu đây chỉ là hành động mang tính cá biệt hay việc ăn bớt thuốc ở Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã có tính hệ thống?” Và chuyện đau lòng tương tự như thế, liệu có chỉ xảy ra ở khu vực Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, hay còn diễn ra ở nhiều địa phương khác? Ai kiểm soát được? Và liệu có kiểm soát được không?
Đã đến lúc cần phải rà lại hiện trạng này trên phạm vi toàn quốc. Người dân cũng rất quan tâm đến sự vào cuộc của Bộ Y tế và Bộ trưởng Y tế. Cũng cần ghi nhận ngành Y tế, đặc biệt là bà Bộ trưởng Bộ Y tế đang ráo riết dẹp bỏ những tiêu cực trong ngành, nhưng tình trạng nhũng nhiễu bệnh nhân ở nhiều bệnh viện vẫn chưa suy giảm.
Trở lại với hiện trạng đau lòng khi hàng loạt trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine phòng chống viêm gan B. Điều ấy khiến nhiều bậc cha mẹ lo sợ. Vì thế, ngay khi vào bệnh viện làm thủ tục sinh, xem kết quả xét nghiệm HbsAg âm tính, có sản phụ đã quyết định không vội tiêm vắc xin viêm gan B cho con.
Một sản phụ đã tâm sự với phóng viên báo: “Mình không phải là chuyên gia y tế, nhưng đọc kỹ đường lây truyền của vi rút viêm gan B mà các nhà chuyên gia phân tích, mình tự tin, con mình không có khả năng bị lây nhiễm viêm gan B qua tiếp xúc, chăm sóc, bởi bà nội, bà ngoại và người thân thiết cả hai gia đình không ai bị viêm gan B. Vì thế, mình sẽ chờ để con được tiêm mũi vắc xin tổng hợp, trong đó có vắc xin viêm gan B. Hiện cháu còn nhỏ quá, tiêm nhỡ có vấn đề gì thì ân hận cả đời”.
Cũng theo giới truyền thông, một sản phụ khác cũng cho biết, sau khi sinh con, chị nhờ một bác sĩ ở khoa sơ sinh tư vấn, có nên cho con tiêm vaccine viêm gan B ngay hay không, bác sĩ này cũng khuyên chị đợi vài ngày sau cho cơ thể cháu quen dần với môi trường sống đã, vì mẹ có HbsAg âm tính thì không đáng ngại. Tại bệnh viện, thường các bà mẹ mang HbsAg dương tính mới được khuyên tiêm ngay vaccine cho con trong vòng 24 giờ sau sinh.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV, Giáo sư Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện quốc gia kiểm định vaccine và sinh phẩm y tế cho rằng, tiêm vaccine, chỉ xảy ra các phản ứng nhẹ như đau đầu, nổi mẩn da, sốt nhẹ… Còn tử vong là vì những lý do khác.
Nguyên nhân gây tử vong có khi còn liên quan nhiều đến việc khám sàng lọc chưa được kỹ càng. Việc khám bệnh sàng lọc cho trẻ em trước khi tiêm phải rất thận trọng. Cần giám sát người mẹ và chỉ nên tiêm sớm cho các cháu có mẹ bị nhiễm viêm gan B, thay vì tiêm vaccine viêm gan B đại trà cho các cháu ngay sau khi sinh như hiện nay.
Thậm chí, phát biểu trên báo Vietnamplus, ông Bảng còn nhấn mạnh: “Trong tiêm chủng, việc tiêm nhanh quá cũng không được, phải tiêm đúng quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng. Một cháu bé vừa lọt lòng ra, chưa thích ứng được với môi trường, mà lại tiêm vaccine là chất lạ vào cơ thể, nhất là vaccine vừa lấy trong tủ lạnh ra, cơ thể đứa bé phản ứng lại là đúng.
Trong trường hợp vaccine vừa lấy từ tủ lạnh ra, người tiêm nên để ngoài một chút, chờ cho nhiệt độ của vaccine tăng lên gần tương đương với nhiệt độ cơ thể của trẻ. Không tiêm ngay cho bé. Việc tiêm chủng với trẻ sơ sinh, cũng không được vội vàng, bởi trẻ sau khi sinh 1, 2 tháng, 3 tháng, thậm chí đến 10 tháng sau vẫn có thể tiêm phòng được. Đối với những trẻ mà người mẹ bị viêm gan B, một mũi tiêm ở nhà hộ sinh cũng không thể tác động để âm tính được ngay những kháng nguyên có virus viêm gan B”.
Đó là những kinh nghiệm của người có chuyên môn cao, rất cần được lưu ý.
Cũng theo giới truyền thông, dẫn lời Phó Giáo sư Đỗ Sỹ Hiển, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn sức khỏe cộng đồng, thì một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ phản ứng nặng và tử vong sau tiêm chủng ngày càng nhiều là do sự đầu tư cho tiêm chủng mở rộng ở nước ta chưa tương xứng.
Hiện có 26 loại bệnh có thể dự phòng bằng vaccine. Nhưng mới chỉ có 9 loại bệnh được tiêm vaccine miễn phí. Ngân sách dành cho tiêm chủng mở rộng mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu, nên phải trông chờ vào nguồn vaccine viện trợ của quốc tế. Vì vậy, chúng ta chủ yếu vẫn phải sử dụng vaccine thế hệ cũ, độ an toàn thấp.
Cũng có ý kiến đặt câu hỏi rằng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tử vong sau tiêm chủng, nhưng vì sao chỉ xảy ra đối với trẻ tiêm vaccine miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà chưa thấy xảy ra đối với trẻ tiêm vaccine dịch vụ?
Điều này cũng mong Bộ Y tế làm rõ để cho dân yên tâm. Nếu sự thật đúng như các phóng viên báo chí đã nêu thì cần phải khắc phục ngay. Không thể chậm hơn được nữa. Chúng ta còn rất nghèo. Nhưng cũng không nghèo đến nỗi không thể lo được việc tiêm chủng cho dân. Chỉ cần tăng cường kiểm tra chặt chẽ, thu hồi những thất thoát từ những vụ tham nhũng khủng khiếp mà báo chí đã nêu, cũng đã đủ xóa đói giảm nghèo và chữa bệnh miễn phí cho dân rồi.
Mặt khác, cũng cần xem lại việc chi tiêu ngân sách, tránh đầu tư tràn lan, loại bỏ những công trình không có hiệu quả mà lại gây tai tiếng. Đặc biệt là tiết kiệm. Đi ra thế giới mới thấy, chả có nước nào nghèo mà lại buông tuồng, hoang phí như chúng ta. Hoang phí chất xám. Hoang phí tài năng. Hoang phí thời gian và tiền bạc… Chỉ bớt đi những trò vô bổ, mang tính ngoại hình, mua vui, chả để làm gì, vì không có thực chất, dùng tiền đó dành cho giáo dục, y tế ở các tỉnh vùng sâu vùng xa, thì đời sống nhân dân ở những nơi khó khăn cũng đã được cải thiện một bước đáng kể.
Mặt khác cũng cần nghiêm khắc, xử lý nghiêm minh những kẻ sai phạm. Không phải chỉ cách chức, tạm đình chỉ công tác hay đuổi việc kẻ vô tình hay cố ý để xảy ra sai phạm, mà còn phải bồi thường thiệt hại, xử phạt đích đáng tùy theo mức độ nghiêm trọng của sự việc xảy ra. Chỉ có minh bạch, nghiêm khắc như thế, chúng ta mới khôi phục được niềm tin của dân. “Mất niềm tin là mất hết!”. Câu nói ấy lúc nào cũng có tính thời sự!/.