Tranh luận tiếp về tiếng Việt “lệch chuẩn”
VOV.VN - Ám ảnh sợ ngọng và “ép tiếng theo chữ” có thực sự khoa học và hữu ích?
Trong bài viết thứ nhất về vấn đề “mất chuẩn”, tôi đã đề cập nhiều đến chuyện chính tả. Trong bài thứ 2 này tôi xin được nêu câu chuyện… khổ sở vì “cố theo chuẩn”.
Qua giới thiệu của nhà thơ Trần Đăng Khoa, thầy Thắng dạy tiếng Pháp tập trung nhiều vào vấn đề âm (1) “s” /ʂ/ - “x” /s/, (2) “tr” /tʂ/ - “ch” /c/, và (3) “d” /z/ - “gi”/ʐ/ - “r”/ɹ/, cũng như nói về sự xuống cấp của ngữ âm Việt.
Lập luận của thầy Thắng đồng nghĩa với việc nói rằng đa số phát thanh viên, biên tập viên đã phát âm không chuẩn, vì đa số họ đều phát âm “s” như “x”, “tr” như “ch”,...
Tôi đặc biệt ấn tượng khi nghe thầy kể về chuyến đi phiên dịch cho bên khí tượng thủy văn. Khi vị chuyên gia của ngành khí tượng thủy văn nói “20 xông” (ý là 20 con sông) thì thầy Thắng bảo không hiểu gì cả. Thật tình trong ngữ cảnh hẹp như vậy (thủy văn) dù tai nghe “20 xông” nhưng hình ảnh trong đầu tôi chỉ có thể là con sông (tất nhiên, việc bỏ đi từ “con” trước chữ “sông” quả có khiến việc hình dung khó khăn hơn một chút). Nếu rơi vào hoàn cảnh đó mà có băn khoăn thì đơn giản là tôi sẽ hỏi ngay bà tiến sĩ nọ rằng “chị nói “con sông” phải không ạ”.
Ngữ cảnh đóng vai trò rất quan trọng. Tiếng Hoa một âm tiết có hàng chục nghĩa (tương ứng với các Hán tự khác nhau) nhưng khi nghe trong giao tiếp hằng ngày (nghĩa là không được nhìn “văn bản” nhé), người Hoa vẫn phân biệt tốt, họa hoằn lắm mới phải hỏi lại âm họ nghe thấy là được thể hiện bằng chữ cụ thể nào.
Tiếng Việt do âm vị và âm tiết đa dạng hơn, lại vay từ vựng từ nhiều nguồn nên “độ khó đoán” càng không đến mức đó. Các trường hợp nhầm lẫn do không rõ s-x, tr-ch… mà thầy Thắng nêu có xác suất không cao, mà trên thực tế, ngữ cảnh thường dễ dàng loại bỏ những chỗ “mù mờ”.
Liệu có ép được tiếng theo chữ?
Cách tiếp cận nói trên, theo thiển ý của tôi, có phần nào đó thiếu biện chứng.
Có một thực tế dễ thấy là tiếng nói có trước, ký tự ghi lại ngôn ngữ có sau. Phát âm mang tính chất động, còn chính tả mang tính chất tĩnh hơn. Từ chữ tượng ý của người Ai Cập cổ đại, chữ tượng hình của Trung Hoa, chữ ghi âm tiết của người Nhật, đến chữ ghi âm vị và âm tiết của người Latin hay Slav cũng vậy thôi.
Về thực chất, chu trình ép tiếng theo chữ là chu trình ngược, tức là “chữ đẻ ra tiếng”, âm thanh phải bị uốn theo chữ.
Đọc quan điểm của thầy, tôi chợt nhớ lại cô bạn hồi học cùng phổ thông. Cô này học rất giỏi, luôn chuẩn mực, và mặc dù sống giữa vùng đô thị của Hà Nội nhưng luôn cố uốn lưỡi để phát âm thật “đúng” phụ âm đầu của “sống, giục, rá”… Nghe cô đọc hoặc nói khá vất vả, thiếu tự nhiên, nhiều khi mặt đỏ lên vì nỗ lực hoặc do vấp chữ (nếu không cố uốn lưỡi cho chuẩn thì cô sẽ trôi chảy hơn nhiều). Trong lớp khi ấy, nhiều bạn nhìn cô với ánh mắt khó hiểu, số khác thì phì cười.
Trong các phương ngữ, tiếng Hà Nội có nhiều ưu điểm hơn cả (âm tròn, trong, thanh điệu rõ ràng). Trong khi đó thổ ngữ miền Trung và Nam hay nhầm thanh ngã với hỏi, ngã với nặng. Ở Nam Bộ còn phát âm “v” như “d” (đã vậy “d” của họ thực chất không phải là /z/ như ở miền Bắc mà là bán âm /j/), âm /-t/ như /-k/, và “-n” thành “-ng”, khiến “Việt Nam” biến thành “Diệc Nam” (chính xác là “/j/iệc Nam”), và “tiền” thì thành “tiềng”. Nhược điểm “s-x”, “tr-ch”, và “d-r-gi” do vậy chỉ là phần nhỏ so với lợi thế của tiếng Hà Nội. Nên không phải ngẫu nhiên mà cả đài phát thanh quốc gia (VOV), đài truyền hình quốc gia (VTV) và thông tấn xã quốc gia (VNA) đều lấy tiếng Hà Nội làm chuẩn ngôn ngữ.
Tất nhiên nếu phát âm được như cô bạn của tôi thì sẽ là hoàn mỹ, sẽ rất rõ ràng cho người nghe. Và tôi cũng rất xúc động khi thấy nhiều người Nam Bộ “xịn” (kể cả các ca sĩ nữa) đã cố gắng phát âm rõ chữ “Việt Nam” theo chuẩn chung. Thật trùng hợp, thế giới cũng đọc Vietnam theo chuẩn Bắc, chứ không phải Yietnam hay Zietnam.
Có một thực tế là dù cách phát âm của người Hà Nội và người miền Bắc bị coi là “xuống cấp” theo như cách nói của thầy Thắng khi không chịu phân biệt “r-d-gi”, nhưng khi cần thiết (chả ai ép cả) họ vẫn đọc “rung” được âm “r” trong từ gốc nước ngoài như I-rắc (Iraq), Pa-ri (Paris), Rô-nan-đô (Ronaldo), ra-đi-ô (radio). Nếu ai đó đọc thành /pa zi/ (pa-di) hoặc “da-đi-ô” thì lập tức mọi người nhận ngay ra và cho rằng như thế là “không chuẩn”, là có vấn đề. Thậm chí người ta có thể xúm vào “trêu chọc” người nào phát âm như vậy… Ở đây người Hà Nội tôn trọng cách đọc của tiếng gốc.
Như vậy, vấn đề không phải là ngọng hay không có ý thức mà là thói quen phát âm của vùng Hà Nội và nhiều tỉnh miền bắc mang đặc thù như vậy. Mà tiếng Hà Nội và tiếng miền Bắc thì hình thành từ trước khi xuất hiện chữ Quốc ngữ trên cõi Việt Nam. Trong lịch sử, dân số Việt Nam ban đầu tập trung sống ở Bắc Bộ, về sau mới di cư nhiều xuống Trung Bộ rồi Nam Bộ.
Thiết nghĩ đạt được thống nhất toàn quốc về chính tả là tốt lắm rồi (dĩ nhiên tôi không có ý mọi người nên phát âm hoàn toàn ngẫu hứng). Các nước Anh, Mỹ, Úc hay “Tàu” cũng thế cả. Đối với những chữ viết giống nhau, nói chung họ cũng phát âm khác nhau. Chẳng hạn “Not bad” của người Anh là khác với của Mỹ; “can’t” của Anh và Mỹ là khác nhau. Ngay các từ “old”, “car” của hai “phương ngữ lớn Anh và Mỹ” cũng khác biệt. Trong nội bộ đảo quốc Anh, tiếng Anh ở Manchester khác “kinh dị” với ở London. Còn ở xứ Trung Hoa Đại lục, dị biệt giữa ngữ âm các vùng đôi khi lớn đến mức: Người vùng này nói, người vùng kia chẳng hiểu, nhưng nếu cả hai bên dùng bút đàm (viết chữ Hán ra giấy để nói chuyện với nhau) thì lại hiểu.
Nếu phải lấy chuẩn ngữ âm thì đối với các cơ quan truyền thông trung ương có thể lấy giọng Hà Nội, ở miền Nam thì có thể lấy giọng Sài Gòn làm chuẩn (Kênh VTV9 phát cho vùng phía nam đất nước cũng sử dụng giọng trong đó). Nhưng đấy là đối với giới truyền thông có tính chuẩn tắc thôi, còn trong cuộc sống đời thường sẽ phải chấp nhận “thống nhất (về chính tả) trong đa dạng (về ngữ âm)”.
Lúc nào “hữu chiêu” cũng là tốt?
Lý luận bao giờ cũng sâu sắc, nhưng nếu thoát ly thực tế, thì như nhà thơ Goethe của Đức từng viết, “sẽ mãi là màu xám xịt”, chỉ còn “cây đời mãi mãi xanh tươi”. Nhân câu chuyện ngữ âm nói trên, tôi xin bàn luận thêm mấy điểm sau:
1- Vấn đề “tuổi teen”
Đây là một trong những cách nói bị nhiều người dị ứng và phê phán gay gắt. Tuy nhiên, trên thực tế nó vẫn tồn tại, kể cả trên các báo chính thống… Vì khái niệm teen dùng chỉ độ tuổi từ 13-19 (ở Việt Nam độ tuổi “teen” này có thể đẩy lên một chút), tức là không có tương đương trong tiếng Việt. Vì vậy “tuổi xanh, tuổi hồng”, hay “tuổi mực tím”… không thể thay thế tuyệt đối cho từ teen (tạm thay thế thì được). Hơn nữa, nó tạo ra sắc thái “tây”, mới, “xì-tin”. Mà nếu cứ cho là từ đó giống nguyên nghĩa với các từ tiếng Việt có sẵn thì liệu nó có gây ra thảm họa nào không hay chỉ làm cho tiếng Việt thêm phong phú, duyên dáng và hiện đại hơn? Giống như bên cạnh máy bay thì ta có phi cơ, “tên lửa” thì “hỏa tiễn”, ngoài đánh dữ dội thì có kịch chiến, để vận dụng cho phù hợp và linh hoạt…
Từ “chat” nếu dịch là trò chuyện, tán gẫu thì không chính xác, còn nếu nói là “tán gẫu trên mạng” hay “bút đàm qua internet” thì lại quá dài. Trước mắt, vay mượn của Tây tỏ ra hiệu quả hơn; ngôn ngữ cùng xã hội sẽ vận động để tìm ra thuật ngữ khác phù hợp hơn hoặc để đồng hóa các từ như thế tới mức giống như xà phòng, ti-vi… Tình hình tương tự xảy ra với nhiều thuật ngữ trong công nghệ thông tin (internet, website, bit, online, hack, ADSL…).
Sở dĩ tiếng Anh phong phú là vì nó không sợ vay mượn một lô một lốc các từ ngữ của tiếng Latin, Hy Lạp và Pháp. Người Nhật có tinh thần dân tộc rất cao, ngữ âm của họ lại đơn điệu (không phong phú và giàu nhạc điệu như tiếng Việt) nhưng ngôn ngữ của họ cũng đầy rẫy từ gốc Anh, gốc Mỹ. Phải chăng đấy là do tinh thần học hỏi của họ, và của công cuộc Minh Trị duy tân nổi tiếng trong lịch sử?
Thực sự thì, bệnh sùng nội mù quáng nguy hiểm chẳng kém gì bệnh sính ngoại thái quá. Khư khư giữ lại những gì mình có và quay lưng với các từ ngoại lai (được đồng hóa) là bất lợi cho ngôn ngữ dân tộc và tư duy dân tộc. Biết “mở cửa” hợp lý sẽ tạo điều kiện cho tiếng Việt được “cọ xát” và phát triển.
Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy khi chữ “teen” gia nhập tiếng Việt thì nó đã bị Việt hóa rồi, phải “nhập gia tùy tục”, phải chịu các áp lực của hệ thống mới. Trước hết là về mặt âm. Viết teen nhưng đọc là /tin/ theo kiểu Việt Nam chứ không phải là [t’i:n] kiểu Anh (bác nào mà cố tình đọc kiểu Anh thì một là sẽ khó khăn vì nó không thuần Việt, hai là “lộ hàng” ngay, trông rất “hợm” và có thể bị ném đá vì tội “điệu”). Về nghĩa thì ở Việt Nam, trên cả 19 tuổi vẫn có thể được coi là teen! Tất nhiên dấu ấn “Ăng-lê” vẫn còn đậm. Là vì anh ta mới du nhập vào tiếng Việt. Cần thêm thời gian để anh ý thành công dân xịn trong tiếng Việt. Đây cũng là hành trình của nhiều từ Pháp đã được Việt hóa ở mức cao để đi tới sự ổn định, thân quen như xà phòng, cà vạt, xiếc, kem, tem, hay rađiô, rađa (đa số dân Việt mình vẫn đọc là “ra-đi-ô, ra-đa” chứ không /’reɪdiəʊ/, hay /’reɪda:(r)/, với các âm tiết khác và có cả trọng âm như kiểu tiếng Anh). Tương tự, các từ “hot boy, hot girl” Việt - nếu quý vị để ý, chả ai cố đọc đúng theo kiểu Tây đâu, dù đây là các từ tiếng Anh chính cống. Hay như laptop, notebook, Facebook dù được viết nguyên dạng trong văn bản Việt nhưng lại hoàn toàn thuần Việt về mặt ngữ âm trong hội thoại giữa người Việt với nhau: Láp-tóp, lép-tóp; nốt-búc, nâu-tờ-búc; Phết-búc, Phây-búc; chứ không phải /’læptɒp; ‘nəʊtbʊk; ‘feɪsbʊk/.
Về mặt ngữ pháp, chúng ta chỉ có thể nói "một cô gái tuổi teen" chứ không thể nói "một teen tuổi cô gái" như trong tiếng Anh được.
Vì vậy, lo ngại Âu hóa đến mức hỏng tiếng Việt dường như là hơi cả nghĩ?
Thực tế trong lịch sử, vì nhiều lý do tiếng Việt đã “giao lưu” với nhiều thứ tiếng không chỉ ở châu Á mà cả châu Âu và nhờ đó trở nên giàu có và phát triển hơn nhiều, có sức diễn đạt rất mạnh. Tiếp xúc với các ngôn ngữ phương Tây, tiếng Việt không chỉ từ vựng phong phú hơn mà ngữ pháp của nó cũng trở nên uyển chuyển hơn, đa dạng hơn, với nhiều hình thức mới (mô phỏng theo ngữ pháp Tây, đặc biệt là của tiếng Pháp). Nhờ quá trình tiếp xúc ấy, trong tiếng Việt hiện tượng danh hóa cùng cấu trúc bị động phổ biến hơn, giúp tiếng Việt diễn đạt các vấn đề khoa học tốt hơn, tinh vi hơn. Nghe đâu cụ Đào Duy Anh từng so sánh, thời xưa dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt khó lắm vì thời đó tiếng Việt còn nghèo nàn cả về từ vựng và ngữ pháp, chứ không được như ngày nay.
2- Câu chuyện chữ “y” của Bộ Giáo dục
Chuyện này nhỏ thôi nhưng cũng rất thú vị.
Bộ Giáo dục, và dường như cả Viện Ngôn ngữ học nữa, cổ xúy cho nguyên tắc ký âm thống nhất và sát ngữ âm nhất, nên đề xướng tất cả không viết “Tý, lý, kỹ, Mỹ…” mà thay vào đó phải viết “Tí, lí,kĩ, Mĩ…”. Thực tế sách giáo khoa của Bộ Giáo dục đã áp dụng khá triệt để cách dùng này.
Nhưng các văn bản pháp luật, hành chính nhà nước, và quảng đại sách báo vẫn có xu hướng viết “lý luận”, "kỹ thuật", “nước Mỹ”,… một cách áp đảo. Ngoài đường ta thấy cơ man các biển phố ghi “Lý Thường Kiệt, Lý Nhân Tông,...”.
Nhiều người vì điệu nên viết tên mình là Sỹ, Dy, Vy (nếu người khác viết thành Sĩ, Di, Vi là có thể dỗi ngay đấy). Nhưng có những trường hợp, dù có muốn điệu người ta vẫn tự động ghi (không cần các nhà giáo dục nhắc) là “Phương Chi, Minh Trí, Cẩm Thi, Hồng Phi” – vì tự nó là cân đối và đẹp (cũng như việc người ta chỉ viết “ghi, bị, thi cử, phi công, đi” chứ không thể “ghy, bỵ, thy cử, phy công, đy”!!). Đối với một số người, “năm Tý” mà ghi thành “năm Tí” hoặc “công ty” thành "công ti” thì nghe nó thô thô thế nào ý…
Hóa ra còn có quy tắc của thẩm mỹ, tâm lý và … thói quen nữa. Có lẽ giống trong kinh tế học, cái này gọi là “bàn tay vô hình” - nó chưa cần đến sự can thiệp hay điều tiết của các nhà giáo dục.
Tôi mạo muội nghĩ, triệt để ngữ âm hóa trong trường hợp này là thừa (ở đây tình hình không nghiêm trọng như trường hợp “giếng-jiếng, phủ-fủ, Dung-Zung…”). Nếu cách mạng hóa hoàn toàn chính tả Việt về mặt ngữ âm thì e rằng sẽ loạn. Chỉ có thể cải biên hợp lý thôi.
3- Bài học Nguyễn Đình Chiểu
Cụ Nguyễn Đình Chiểu nổi tiếng về tư tưởng yêu nước thương dân và “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Thế nhưng cụ lại rẻ rúng chữ Quốc ngữ hết mức vì cho rằng nó hiện thân cho văn hóa phương Tây và sự xâm lấn của phương Tây. Thế là cụ quay lưng hoàn toàn với hệ thống ký âm Latin rất khoa học này. Nhưng lịch sử đã chứng minh việc giới trí thức Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam lựa chọn chữ Quốc ngữ là hoàn toàn sáng suốt.
Vì, rõ ràng kho thư tịch cổ Hán-Nôm của ta không thể nhiều như ở Trung Quốc. Chữ Hán rốt cục cũng không phải ta nghĩ (còn chữ Nôm phát xuất từ chữ Hán). Đã thế hai hệ chữ này lại vô cùng cồng kềnh, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin và internet hiện nay.
Chữ Quốc ngữ tỏ rõ ưu thế nổi trội trong lĩnh vực công nghệ thông tin và internet (ảnh: tinnong.vn) |
Một số học giả Việt Nam có ý kiến quay lại dùng chữ Hán hoặc chữ Nôm (hoặc chí ít thì dạy trong trường phổ thông) để người Việt không bị nhầm lẫn giữa các từ Hán đồng âm khác nghĩa. Quan điểm này không thuyết phục lắm vì hiển nhiên khi nghe đài (và cả trong giao tiếp hằng ngày nữa), người Hán vẫn phải dựa vào văn cảnh chứ đâu có điều kiện để thấy chữ rồi phân biệt nghĩa nọ với nghĩa kia.
Tất nhiên khi lựa chọn chữ Latin, ta có vất vả một chút là phải lập thêm viện Hán-Nôm để nghiên cứu tài liệu cổ của cha ông.
Chữ Latin ký âm là ghi lại những nét cơ bản nhất của ngôn ngữ tự nhiên. Chữ Hán suy cho cùng cũng là chữ ký âm (nên mới ghi lại được lời bài hát – khi đọc chỉ có một phương án), chỉ có điều đây là chữ ký âm cồng kềnh và bất tiện nhất thế giới.
Bên Trung Quốc cũng từng có tranh cãi kịch liệt trong giới trí thức về việc dùng chữ Hán hay Latin, nhưng rốt cục họ chọn dùng cái thứ nhất, do (1) kho văn thư cổ của họ quá đồ sộ, (2) tiếng Hán các âm thường rất đa nghĩa, (3) Trung Quốc thành phần dân tộc đa dạng, địa lý rộng, dị biệt ngữ âm giữa các vùng quá lớn.
Tuy nhiên, dù đã lựa chọn Hán tự, ngày nay người Trung Quốc vẫn phải dùng song song chữ Latin để hỗ trợ tra từ điển, hỗ trợ việc dạy tiếng mẹ đẻ ở trường phổ thông, và hỗ trợ người nước ngoài học tiếng Hán. Khi gõ chữ Hán trên máy tính vẫn phải dùng hệ thống Latin ngầm.
4- Hết gò tiếng lại gò câu
Việc nhọc công “uốn lưỡi cho chuẩn” làm tôi nhớ tới câu chuyện gò câu tiếng Việt theo ngữ pháp Tây (Anh, Pháp…). Thầy Nguyễn Quốc Hùng (một thời chuyên dạy tiếng Anh trên VTV và VOV) từng nói, chả hiểu sao học sinh Việt nhiều khi hiểu quy tắc ngữ pháp tiếng Anh hơn cả tiếng mẹ đẻ.
Điều thầy Hùng thắc mắc là dễ hiểu. Thứ nhất, học sinh ta sử dụng tiếng Việt như ngôn ngữ mẹ đẻ rồi nên thường không đi sâu tìm hiểu các quy tắc tiếng Việt như người nước ngoài học tiếng Việt (ngược lại, người Anh có khi lại không nắm rõ kiến thức ngôn ngữ học về tiếng của họ bằng người Việt học tiếng Anh để đi thi chẳng hạn). Thứ hai, rất nhiều các khái niệm của ngữ pháp phương Tây đã được vận dụng khiên cưỡng vào tiếng Việt, vốn có đặc thù khác xa ngôn ngữ châu Âu.
Chẳng hạn sách tiếng Việt phổ thông sẽ cố phân tách câu “Cái cây này quả rất sai” thành chủ ngữ (cái cây này) và vị ngữ cũng là một mệnh đề (quả rất sai). Tình hình này cũng thấy trong sách nói về ngữ pháp tiếng Hán. Nhưng thực ra ngữ pháp phương Tây không có vị ngữ kiểu như thế này. Trong khi đó, tiếng Việt, Hán, và cả Nhật Bản có những kiểu câu riêng, không như phương Tây.
Sách giáo khoa phổ thông sẽ xếp những câu sau vào nhóm mắc lỗi: “Ở đây nóng quá”, hay “Để làm được điều đó không dễ chút nào”… (Theo họ, phải sửa thành “Chỗ này nóng quá, Không khí ở đây nóng quá, Làm được điều đó không dễ chút nào”, v.v.). Tuy nhiên có những sự khác biệt rất tinh tế giữa hai lớp câu tự nhiên và chuẩn tắc này. Trên thực tế, vô số câu thuộc lớp thứ nhất vẫn được sản sinh ra hàng ngày, bất chấp các khuôn mẫu.
Việc phân chia từ loại trong tiếng Việt cũng gây nhiều tranh cãi.
Đại để, ngữ pháp của các ngôn ngữ Đông Á thiên về “ngữ nghĩa” hơn là “hình thức” như phương Tây. Có những nhà nghiên cứu ngôn ngữ còn đi xa tới mức tuyên bố, tiếng Việt không có… ngữ pháp!
Ngữ pháp chuẩn tắc cũng có vai trò của nó, nhưng chỉ trong chừng mực nhất định và thường thấy ở giới giáo dục (khi cần tìm một chuẩn nhất định và để định hướng). Nếu lạm dụng khuôn mẫu đó vào cuộc sống thì sẽ dễ rơi vào bế tắc.
Theo trường phái ngữ pháp miêu tả, các quy tắc ngôn ngữ phải đi sau thực tiễn ngôn ngữ và phản ánh nó. Một cách dùng từ sai nếu diễn ra nhiều và trên diện rộng thì nhiều khi lại được xem xét để công nhận và đưa vào từ điển. Chẳng hạn, hiện nay phổ biến cách nói “vấn nạn” và “tồn tại” (với nghĩa yếu kém, tiêu cực) nhưng nhiều người không thừa nhận. Ở đây, nếu ta cứng nhắc thì e rằng sẽ cản trở sự mở rộng của từ vựng và ngữ nghĩa tiếng Việt. Thực tế cũng chỉ ra, có những từ bị thu hẹp nghĩa hoặc thậm chí bị đào thải khỏi kho từ của toàn dân. Tiếng Việt là sinh ngữ nên chuyện “kết nạp” và “khai trừ” đó là rất đỗi bình thường.
Trong bản thân ngữ pháp tiếng Anh cũng có hai “phe” chuẩn tắc và miêu tả. Người chuẩn tắc cực đoan thì khăng khăng rằng không thể chèn trạng từ vào giữa “to infinitive”. Nhưng “lạy Chúa”, các văn bản, sách báo, thư từ của người Anh cứ chèn thế nếu cần thiết, mặc kệ những người theo chủ nghĩa ngữ pháp khuôn mẫu.
Một ví dụ nữa là câu chuyện trật tự trong tiếng Việt. Các biển hiệu như “Lẩu dê quán” bị kết án là “mất nết”, phi chính thống. Nhưng nếu bình tĩnh suy ngẫm thì ta có thể thấy hiện tượng đó không quá đáng ngại. Vì tiếng Việt cũng có dùng trật tự phụ-chính (và kết hợp lẫn lộn yếu tố thuần Việt và gốc Hán vào cùng một từ). Hơn nữa, suy cho cùng thì đây chỉ là cách gây ấn tượng nhất thời, trong phạm vi hẹp (để quảng cáo...). Lớp váng ngôn ngữ như thế này có tuổi thọ không cao và mấy tay chủ quán đó chắc không đủ sức để áp đặt cách dùng này lên số đông.
Ngôn ngữ là tài sản của toàn dân. Anh có thích thì nhiều khi cũng chỉ áp dụng các “sáng tạo” trong địa hạt cá nhân thôi. Dù thích từ thuần Việt đến mấy, tôi cũng không thể nói “nhà báo gái” được, mà phải nói “nhà báo nữ” hoặc “nữ nhà báo”. Nếu ai đó cố nói “nhà báo gái” thì đó chỉ là cá biệt, hoặc mang tính lâm thời trong một hoàn cảnh nào đó (như để bông đùa chẳng hạn…). Quyền quyết định thuộc về quần chúng và thời gian.
Việc sử dụng ngôn ngữ phù hợp văn cảnh giống như mặc quần áo tùy hoàn cảnh. Bạn có thể dùng ngôn ngữ “xì-tin” hay @ trong các hoàn cảnh hẹp, để vui đùa tếu táo, nhưng trong hoàn cảnh nghiêm túc và phát ngôn cho số đông hiểu thì rất nên tránh. Sử dụng sai “phong cách ngôn ngữ” cũng giống như mặc com-lê đi picnic và diện pyjama tới dạ hội.
Thực tiễn đã và đang xuất hiện hai xu hướng cực đoan đối lập. Thái cực thứ nhất: Vì lo bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt mà đóng cửa tiếng Việt, không chịu mô phỏng ngữ pháp Tây khi cần thiết (thể hiện ở hiện tượng lên án gay gắt câu nói hoặc câu dịch nào đó là Tây quá). Thái cực thứ hai: Áp dụng máy móc các khái niệm ngôn ngữ của phương Tây vào hoàn cảnh của ngôn ngữ Việt.
Để phát triển tiếng Việt một cách thực chất và bền vững, chúng ta phải đấu tranh chống lại cả khuynh hướng bế quan tỏa cảng lẫn “thả cửa dễ dãi”. Một mặt phải chống bệnh tùy tiện, ngẫu hứng (rất dễ thấy trong văn hóa tiểu nông), mặt khác phải chống bệnh chủ quan duy ý chí, khuynh hướng giáo điều xơ cứng, xa rời hoàn cảnh Việt Nam. Thực tế nhiều nước chỉ ra: Chủ quan duy ý chí trong chính trị là rất tai hại (nó có thể kéo thụt lùi sự phát triển của cả một đất nước). Trong giáo dục hay chuyện ngôn ngữ cũng vậy thôi.
Dù thế nào thì tiếng Việt chúng ta vẫn là sinh ngữ chứ không phải tử ngữ. Đó là một ngôn ngữ đã được thử thách qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta, đã đối diện với các sức ép tàn bạo nhất của các thế lực ngoại bang./.
>> Đọc phần 1: Phản biện Trần Đăng Khoa về tiếng Việt "lệch chuẩn"