Tránh sao cho trẻ khỏi chết đuối

(VOV) - Những kỹ năng xử lý khi gặp sự cố sông nước rất cần được nhanh chóng đưa vào giảng dậy trên ghế nhà trường.

Mới đây, sáu học sinh lớp 7 trường THCS Huỳnh Phước, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận thiệt mạng do đuối nước.  Trước đó một ngày, hai học sinh lớp 4 trường tiểu học Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh cũng bị chết đuối.

Còn nhớ, cuối năm ngoái, các gia đình của 5 nam học sinh lớp 9 ở xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định đau xót khi cùng một lúc mất đi người con trong gia đình khi các em tìm cách tranh giành mạng sống với thủy thần.

Đây đó, hàng ngày, hàng giờ những vụ tai nạn sông nước đã cướp đi sinh mạng của các em học sinh đang tuổi ăn, tuổi lớn. Những câu chuyện đau lòng xảy ra khiến dư luận xã hội, các bậc phụ huynh, những người lớn chúng ta phải tự vấn lại bản thân mình xem đã đảm bảo một môi trường an toàn cho các em hay chưa?

Những tai nạn do đuối nước vừa qua chợt khiến tôi liên tưởng tới câu chuyện ngụ ngôn về người lái đò khi chèo thuyền chở một vị học giả qua sông. Trên chuyến đò đó, vị học giả này đã hỏi người lái đò rằng: “ông có biết về văn học không?”.  Khi người lái đò trả lời không biết thì nhận được cái lắc đầu e ngại của vị học giả: “Vậy là ông đã mất 1/3 cuộc đời”. Đi được một đoạn, vị học giả này lại hỏi: “Thế ông có biết về triết học không?”  Câu trả lời của người lái đò tiếp tục là không. Vị học giả ngán ngẩm: “Vậy là ông đã mất 1/2 cuộc đời!” . Khi đó, giông bão nổi lên, con đò tròng trành, ông lái đò vội hỏi vị học giả: “ Ngài có biết bơi không?”  Vị học giả hốt hoảng: tôi không biết! Người lái đò thủng thẳng: “vậy thì ngài sẽ mất cả cuộc đời!”

Câu chuyện hài hước mang chút triết lý ấy nghiệm ra lại thấy rất phù hợp trong bối cảnh này. Có lẽ cái người lớn cần truyền tải cho con em mình không phải là bộn bề kiến thức, với những chiếc cặp sách “khổng lồ” mà chính là những kiến thức, kỹ năng rất thông thường, giản dị để ứng phó những tình huống thường ngày của cuộc sống.

Vẫn biết, tuổi trẻ là ham chơi, là hiếu động, không thể cấm các em điều này, điều kia, cái mà chúng ta cần làm là trang bị cho các em kiến thức và kỹ năng phù hợp để giữ an toàn cho chính mình và cho bạn bè mình. Những kiến thức thông thường dậy cho trẻ khi bị lạc đường, khi bị đe dọa, tấn công, biết bơi, hay giản đơn hơn là biết nói lời xin lỗi, cảm ơn đúng lúc, đúng chỗ thật cần thiết biết bao!

Tôi còn nhớ câu chuyện đau lòng cách đây không lâu khi một nam sinh cũng mất mạng chỉ vì một lời xin lỗi. Trái bóng cậu đá vô tình đúng vào người bạn cùng khóa. Thay vì xin lỗi, cậu bé chỉ đứng ngây ra nhìn. Và thế là những đứa trẻ có máu “iêng hùng” này đã hẹn nhau “phân xử” theo kiểu anh, chị. Suy nghĩ nông nổi ấy đã phải đánh đổi bằng cả một mạng sống!

Quay trở lại với chuyện đuối nước. Sẽ không đau lòng đến vậy nếu những học sinh trong những câu chuyện vừa nêu biết bơi, biết ứng đối khi bạn bị chết đuối, chuột rút, hay gặp sự cố sông nước. Những đứa trẻ cùng lúc thiệt mạng cũng vì lao vào cứu bạn mà thiếu kỹ năng và kiến thức cần thiết để giữ an toàn cho bạn, cho mình, để rồi tất thảy bị thần thủy cướp đi tính mạng.

Tìm môi trường an toàn cho trẻ không thể dừng lại ở nói suông! Những kỹ năng xử lý khi gặp sự cố sông nước như chuột rút, nước xoáy, cứu người chết đuối …vv…rất cần được nhanh chóng đưa vào giảng dậy trên ghế nhà trường.

Lời khuyên khoa học của các chuyên gia cứu hộ cho thấy không nên cứu trực tiếp người sắp chết đuối mà phải cứu gián tiếp. Có nghĩa, khi thấy người chết đuối cần nhanh chóng tìm vật dụng  như phao, khúc cây... để người đó chụp lấy rồi từ từ kéo lên. Trong trường hợp khẩn cấp, cũng tránh hết sức tiếp cận nạn nhận trong thế đối mặt bởi người chết đuối có phản xạ bám víu mọi thứ theo bản năng, vì vậy dù người bơi rất tốt vẫn rất dễ thiệt mạng, chết chung.  Cách tiếp cận thứ nhất là từ sau lưng nạn nhân với khoảng cách từ 1-3m rồi dùng chân hoặc tay đẩy nạn nhân từ từ vào khu vực an toàn. Cách thứ hai là đợi nạn nhân chìm hẳn rồi mới tiếp cận từ phía sau, ngửa mặt nạn nhân lên khỏi mặt nước rồi từ từ đưa vào bờ.

Những kiến thức cơ bản, thông thường như vậy nếu được trang bị, được truyền tải một cách giản dị, dễ hiểu thì có lẽ những tai nạn đau lòng như vừa qua sẽ được hạn chế phần nào./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trần Đăng Khoa: Hình như chúng ta không hiểu trẻ em…
Trần Đăng Khoa: Hình như chúng ta không hiểu trẻ em…

Nhà văn Nguyên Ngọc đã từng nói: Chúng ta viết cho thiếu nhi, nhưng lại không hiểu thiếu nhi…

Trần Đăng Khoa: Hình như chúng ta không hiểu trẻ em…

Trần Đăng Khoa: Hình như chúng ta không hiểu trẻ em…

Nhà văn Nguyên Ngọc đã từng nói: Chúng ta viết cho thiếu nhi, nhưng lại không hiểu thiếu nhi…

Phú Yên: Báo động tai nạn đuối nước trẻ em
Phú Yên: Báo động tai nạn đuối nước trẻ em

Từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Phú Yên có hàng chục trẻ em thiệt mạng do chết đuối, hầu hết các em ở độ tuổi từ 13 đến 15.  

Phú Yên: Báo động tai nạn đuối nước trẻ em

Phú Yên: Báo động tai nạn đuối nước trẻ em

Từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Phú Yên có hàng chục trẻ em thiệt mạng do chết đuối, hầu hết các em ở độ tuổi từ 13 đến 15.