Từ căn bệnh ung thư của Trần Lập: Đừng là con số Không!
VOV.VN-Khi nghe tin Trần Lập lâm bệnh, tôi chỉ còn biết tự than mình đã chậm quá mất rồi. Tôi còn quá đơn độc và không thể kịp cứu giúp cho tất cả bạn bè mình.
Đó là một ngày xuân năm 1995, mấy đứa chúng tôi hồ hởi quay lại hội trường G3 thân thuộc trong trường Đại học Xây dựng khi được báo một nhóm nhạc mới toanh của “trường mình” sẽ lần đầu ra mắt. Mặc dù đã ra trường được 3 năm nhưng nỗi thèm khát được tiếp tục hội hè sinh viên vẫn còn nguyên như cũ. Xông thẳng luôn vào cánh gà với sự dạn dĩ của những “ma cũ”, thật phấn khích khi nhìn thấy mấy em sinh viên đang chuẩn bị ra sân khấu với những khăn, những tóc, những cây guitar điện với sự bồn chồn hiện rõ. Và một buổi chơi nhạc cả Tây cả ta đầy thoả mãn đã diễn ra với vô vàn những hú hét, vỗ tay rầm rập rất quá khích kiểu sinh viên Xây dựng, nhờ sự tổ chức của Đoàn trường nhân ngày 26/3. Đó chính là lần đầu tiên ra mắt “cây nhà lá vườn” của nhóm nhạc “The Wall” - “ Bức Tường” nổi tiếng sau này.
Tác giả bài viết - thứ 2 từ trái sang. |
Bản thân việc chọn cái tên “The Wall” của ban nhạc mới đã chiếm trọn sự yêu quý của chúng tôi, bởi vì còn có gì biểu tượng rõ nét hơn cho nghề xây dựng ngoài những bức tường. Lại thêm album “The Wall” của Pink Floyd và băng video “The Wall - Live in Berlin” năm 1990 của Roger Water lúc ấy đang gây ấn tượng rất mạnh trong giới yêu nhạc Hà Nội, nên cái tên tiếng Anh của ban nhạc “The Wall” lại càng gây thêm ấn tượng thật “ngầu” cho mọi người.
Tất nhiên đối với chúng tôi, âm nhạc của “Bức Tường” ở thời kỳ ban đầu ấy có giai điệu hay, dễ nghe nhưng hơi nhẹ nhàng giống như những bản ballad hơn, bởi chúng tôi đang quen tai với những âm thanh heavy metal của Metalica, của Led Zeppelin, của Black Sabbath... Nhưng ở đây lại xuất hiện một điều đặc biệt khác, đã có quá nhiều âm nhạc cover của nước ngoài trong những buổi dạ hội sinh viên suốt từ những năm 1988 đến 1995 với những ban nhạc “Hoa sữa”, “Cỏ dại”, rồi “Những bậc thang”, “Đại bàng trắng” và “Desire”... nên khi được nghe những cú riffs của guitar điện, được nghe và hát theo lời hát bằng tiếng Việt bằng những nhịp điệu rock, đó lại là một sự khác lạ hoàn toàn mới mẻ mà giới trẻ lần đầu được trải nghiệm.
Còn chúng tôi thì đã yêu và trở thành fan của ban nhạc một cách vô điều kiện ngay từ đầu, bởi vì đối với sinh viên Đại học Xây dựng, màu cờ sắc áo đã trở thành một kết dính gắn bó một cách vô hình nhưng vô cùng thân thiết. Đã từng chịu cảnh nghèo đói, tàu xe từ Hương Canh về Hà Nội, từng đổ máu trong những trận bóng đá nảy lửa trong giải sinh viên các trường Đại học, các khoá sinh viên trong trường Xây dựng đều biết và chơi thân với nhau như trong một gia đình lớn. Rồi thế là những năm tháng bất tận lê la khắp nơi cùng ban nhạc với quần bò, áo phông, xoã những mớ tóc dài thậm thượt, để cùng hát, cùng lớn lên, cùng già đi với ban nhạc “trường mình”.
Trong suốt năm tháng tuổi trẻ của lứa chúng tôi, những CD của “Bức Tường” luôn được lựa chọn đầu tiên mỗi khi nói về nhạc rock Việt. Thật rõ ràng, bên cạnh những lớp đàn anh trước đây như ban nhạc “Atomega”, “Da vàng” trong miền Nam, “Bức Tường” và “The Light” của Hà Nội đã cùng ghi dấu ấn tiên phong cho dòng nhạc rock còn non trẻ của Việt Nam.
“Sẽ luôn giữ ngọn lửa mang tên Trần Lập“
Tôi gặp lại Trần Lập trong hội đồng bình luận trẻ tuổi ở những số đầu tiên của chương trình “Giai điệu Tự hào” năm 2014. Hai mươi năm cùng những đam mê của thời tuổi trẻ đã ở lại phía sau lưng. Lúc này đây chúng tôi lại có cơ hội cùng ngồi nghe và được nói lên những suy nghĩ trăn trở thực sự của mình về những bất cập xã hội đang tồn tại hàng ngày và sứ mệnh của âm nhạc với tư cách phản biện xã hội.
Trong giờ nghỉ giải lao của chương trình, chúng tôi đã ôn lại nhiều kỷ niệm của “Bức Tường” và khi Lập hỏi anh thích nhất bài nào của “Bức Tường” trong suốt bao năm qua, tôi đã chọn bài “Con số không” trong album “Vô hình”. Trong con mắt cá nhân tôi, đó mới thực sự là rock, cả nhạc lẫn lời, khi Lập đã nói thẳng, nói chính xác về thói xấu ngạo mạn của thanh niên Việt Nam. Chúng tôi đã cùng phá lên cười khi nhắc lại kỷ niệm các fan hâm mộ vẫn thường quá khích đối đầu vào nhau và gào lớn “Không. Con số không” trong những đêm liveshow của “Bức Tường” bao nhiêu năm qua.
Lập cũng đã bất ngờ khi biết tôi đã rẽ ngang sự nghiệp kiến trúc sư sau 22 năm từ khi tốt nghiệp khoa Kiến trúc trường Đại học Xây dựng để khởi đầu xây dựng một cộng đồng trồng rau sạch và bán rau sạch, thức ăn sạch đến từng nhà dân ở Hà Nội. Tôi đã nói với Lập là đó mới là vấn đề nhức nhối nhất của xã hội lúc này mà mỗi người đang phải đối mặt, và các nghệ sỹ như Lập cần phải tìm cách chuyển tải vào âm nhạc của mình. Âm nhạc lúc này, hơn lúc nào hết, phải thực sự vị nhân sinh, và rock một lần nữa cần phải tiên phong trong mặt trận này. Rồi tôi cũng không thể ngờ được chương trình “Chuyện ngày hôm qua” của VTVCab cuối năm 2014 là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau và cùng đứng trên một sân khấu để ôn lại 20 năm đã cùng nhau nghe nhạc và tìm lại nhiệt huyết của những rocker ngày nào.
Tôi đã quyết định để dài lại mái tóc của mình như 20 năm trước. Tôi cần phải đun lại dòng máu trong mình, bởi vì tôi biết chỉ có nhiệt huyết của một rocker mới có thể giúp tôi vượt qua những khó khăn trong sự nghiệp chống lại thực phẩm độc hại này. Thế hệ 7x chúng tôi được sinh ra ở thời kỳ hậu chiến và bao cấp, dù chỉ có bobo, mì sợi để ăn nhưng chúng tôi vẫn vượt lên để học hành, để lao động nhưng éo le thay, chúng tôi lại không hề được trang bị bất cứ điều gì để chống lại những thực phẩm độc hại đang tràn lan khắp nơi như những viên đạn bọc đường - tiêu diệt âm thầm sức khoẻ của những bạn bè, những đồng đội của tôi ở tuổi trung niên.
Khi nghe tin Lập lâm bệnh, tôi chỉ còn biết tự than mình đã chậm quá, chậm quá mất rồi. Tôi còn quá đơn độc và không thể kịp cứu giúp cho tất cả bạn bè của mình. Hình ảnh những rocker hét to vào mặt nhau “Không! Con số không” luôn hiện lên ám ảnh tôi mỗi khi nghĩ về Lập những ngày này, như một lời trách móc câm lặng!
Tay phải làm kiến trúc, tay trái bán rau sạch
Các bạn của thế hệ tôi, những rocker ơi, giờ đây chúng ta có thể nói được gì với nhau? Có thể đã quá muộn với Trần Lập của chúng ta, nhưng nếu các bạn đồng ý thay đổi thì có thể vẫn còn kịp, với những người còn lại, trong đó có chính cả các bạn. Xin đừng đổ lỗi cho bất cứ ai nữa, bởi vì mọi sự thay đổi chỉ có thể bắt đầu chính từ bản thân mình. Xin các rocker của ngày xưa hãy lại cùng nhau bên nhau trong trận chiến mới này.
Hãy đừng chỉ nói “Không”.
Hãy đừng là con số Không nữa!./.