Từ chuyện cổ tích đến những cái chết thương tâm của con trẻ
VOV.VN - Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói về những câu chuyện cổ tích tưởng chừng rất vu vơ nhưng nếu thiếu nó thì lại gây nguy hại cho con trẻ.
PV: Thời gian gần đây, trên diễn đàn xã hội có một xu hướng loại chuyện cổ tích ra khỏi thế giới tuổi thơ. Tôi muốn bàn với nhà thơ Trần Đăng Khoa về vấn đề tưởng chừng vu vơ, không mang tính thời sự này. Ông đánh giá thế nào về giá trị của kho tàng truyện cổ tích?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Cổ tích là chuyện thần tiên dành cho con trẻ, thường tồn tại qua truyền miệng. Mẹ kể cho con. Con kể cho cháu. Cháu kể cho chắt… Cứ thế truyền hết từ đời này sang đời khác. Sau đó, các nhà sưu tầm mới gom nhặt lại, cho xuất bản thành sách. Hầu hết đó là chuyện dân gian.
Tôi nói “hầu hết”, vì còn có những nhà văn, trong đó có cả những tên tuổi rất lớn cũng đã nương theo hơi dân gian mà sáng tác truyện cổ tích như nhà văn Andersen ở Đan Mạch, anh em Grimm ở Đức. Việt Nam có nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với truyện “Tìm mẹ”, nhà thơ Phạm Hổ với tập “Chuyện hoa chuyện quả”. Rồi còn rất nhiều các nhà văn khác nữa.
Chuyện cổ tích là một mảng văn chương rất đặc sắc, đã được bổ sung tinh lọc qua nhiều đời. Ở ta, mảng văn chương này khá đồ sộ. Chúng ta có 54 dân tộc anh em, dân tộc nào cũng có chuyện cổ tích. Mà chuyện cổ tích thì hầu như chuyện nào cũng hay. Chúng ta còn có cả mảng cổ tích của các nước trên thế giới như bộ “Ngàn lẻ một đêm” là một viên ngọc chói ngời và độc đáo mà chẳng có kỳ quan văn chương nào sánh được.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa |
Chuyện cổ tích có giá trị đặc biệt, nó mở trí tưởng tượng cho các em, xây đắp tâm hồn các em, hướng các em tới cái thiện. Nó cũng là những bài học đầu đời, những bài học vô cùng sâu sắc cho con trẻ. Ông bà dạy cháu, bố mẹ dạy con là dạy qua những câu chuyện cổ tích. Các cháu tiếp thu được những bài học vô cùng tuyệt vời. Tiếp thu một cách hồn nhiên mà không thấy mình bị “lên lớp”. Nếu cứ “lên lớp”, trẻ sẽ có những phản ứng ngược lại. Muốn vào được tâm hồn các em, những bài học về Đạo đức, Luân lý lại phải biến thành những câu chuyện cổ tích hay những trò chơi mang phong vị dân gian. Cổ tích luôn gắn liền với tuổi thơ. Sẽ thật bất hạnh nếu tuổi thơ không có chuyện cổ tích.
PV: Nhà thơ thử hình dung nếu một thế giới thiếu truyện cổ tích, trẻ em sẽ lớn lên và phát triển ra sao? Tâm hồn của các em sẽ khác biệt như thế nào? Liệu có tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn khi giờ đây không ít diễn đàn đang cổ xuý cho các bậc phụ huynh không cho con đọc truyện cổ tích?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Đấy là việc làm không bình thường, nếu không nói là rồ dại. Trẻ con không thể thiếu được những chuyện cổ tích. Nếu không còn cổ tích, các em cũng sẽ không có tuổi thơ. Và sẽ bất hạnh biết bao khi con người ta không còn tuổi thơ nữa.
Nhà thơ Nguyễn Duy có hai câu thơ rất hay: “Mẹ ru cái lẽ ở đời - Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”. Bên cạnh bầu sữa của mẹ, con trẻ còn được nuôi bằng bầu sữa tinh thần. Đó là tiếng hát, bài thơ, những câu chuyện cổ tích của bà, của mẹ. Chúng trở thành đôi cánh để các em bay, đôi chân cho các em bước. Nhờ thế, các em có được sự cân bằng để phát triển.
Bởi vậy, nếu thiếu một trong hai vế đều không ổn. Thiếu vật chất, đứa trẻ ốm đau, còi cọc… Nhưng đứa trẻ què quặt, bệnh hoạn ở trong tâm hồn thì làm sao mà nhìn thấy được bằng mắt thường? Đến khi nó hiện nguyên hình để ta nhìn thấy được thì nó đã thành những Lê Văn Luyện, thành hàng loạt những kẻ tội đồ đã mất hết nhân tính ở lứa tuổi vị thành niên.
Cháu giết bà. Con giết mẹ, học trò tống tình cô giáo, đâm chết cô giáo ngay trên bục giảng, rồi còn hàng trăm, hàng nghìn những chuyện đau lòng khác đã xảy ra ở lứa tuổi các em. Hãy thử khảo sát những kẻ đã mất hết nhân tính ấy xem tuổi thơ chúng đã sống ra sao? Chúng đã được nuôi dưỡng, giáo dục như thế nào?
Một đứa trẻ biết say mê những chuyện cổ tích, biết thương những người bất hạnh, nghèo khổ, biết yêu con chim, yêu cây lá cỏ hoa thì không thể làm được điều ác. Bây giờ, trong đời sống thực dụng, người ta quá coi trọng vật chất mà lại quên đi những vẻ đẹp của đời sống tinh thần. Đấy là điều rất nguy hiểm. Từ đó sẽ xuất hiện những trái tim nguội lạnh, vô cảm. Và rồi cái gì đến đã đến. Chúng ta đã phải trả những cái giá đắt đến như thế nào. Đau lắm. Nhất là đối với những ai còn có lương tri…
PV: Nhân việc ông bàn đến trẻ con. Vừa qua, người dân ở thị trấn Tân Biên, Tây Ninh đau lòng đưa tiễn anh Nguyễn Hoài Tâm, 33 tuổi, cùng ba người con về nơi an nghỉ cuối cùng. Cháu lớn nhất 12 tuổi, cháu bé nhất 7 tuổi. Do cuộc sống quá khó khăn, vất vả, anh Tâm đã dùng xăng tưới khắp nhà tự tử cùng 3 con đang say ngủ, để lại một mình người vợ - người mẹ là chị Phạm Hiền Triết ở lại với nỗi đau xé lòng. Trong bức thư tuyệt mệnh, anh Tâm viết cho vợ:“Anh không nuôi con nổi nữa nên sẽ đưa chúng đến một nơi tốt hơn. Em cứ tìm một cuộc sống sung sướng hơn đi…”. Ông nghĩ thế nào về câu chuyện này?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Đây lại là chuyện khác với những gì chúng ta đang bàn. Tin vắn ấy đã làm rúng động xã hội. Nhà thơ Vũ Quần Phương bảo, chưa bao giờ một cái tin vắn mà khiến ông phải cắt ra rồi lưu lại. Ông khóc và tự hỏi, chả lẽ xã hội mình đến nỗi như thế ư? Nhiều người cũng không cầm được nước mắt. Họ trách chính quyền địa phương sao lại để thảm cảnh như vậy.
Song, tôi nghĩ, sự nghèo đói, bần hàn không phải chỉ có ở gia đình anh Tâm. Nhiều hoàn cảnh còn khốc liệt hơn nhiều. Họ không chỉ đói khổ mà còn mang tật bệnh hiểm nghèo. Nhưng không ai chọn cái kết cục như anh Tâm cả. Đây còn là chuyện tình ái, chuyện vợ chồng. Chính bi kịch gia đình này đã dẫn đến cái chết thảm khốc của những đứa trẻ vô tội.
Chính ông bà các cháu cũng đã than thở: “Nếu nó không muốn sống nữa thì cứ việc chết chứ sao lại bắt các cháu tôi phải chết theo”. Tự thiêu cùng những đứa con mới là ngón đòn khủng khiếp đánh vào người vợ. Chỉ có thể trách chính quyền địa phương khi đặt vấn đề hoặc kêu cứu mà họ quay lưng, không giúp đỡ. Nhưng bi kịch riêng tư là chuyện riêng của mỗi gia đình.
Nếu anh Tâm không nuôi được con thì đưa con đến các trung tâm từ thiện xã hội, hoặc đưa các cháu vào chùa. Ấy là chưa kể lòng hảo tâm của mọi người dân trong xã hội. Không phải lá lành đùm lá rách mà lá rách đùm lá rách hơn. Thêm nữa, qua giới truyền thông, ta biết các cháu lại rất ngoan, rất chịu khó, lễ phép. Ở lứa tuổi ấy, các cháu cũng có thể tự lập được. Đã từng có nhiều cháu ở lứa tuổi lên 7, lên 9 mà còn biết kiếm sống, nuôi em, nuôi ông bà ốm.
Người đáng trách trong thảm cảnh này vẫn là anh Tâm, chị Triết. Đây cũng là bài học thấm thía cho các cặp vợ chồng, các bậc cha mẹ. Đừng vì bi kịch của riêng mình mà lại trút nỗi thảm khốc kinh hoàng nên đầu các con…
PV: Cảm ơn nhà thơ Trần Đăng Khoa./.