Từ vụ 3 SV Ngoại thương tử nạn: Nghĩ cho kỹ khi tham gia tình nguyện
VOV.VN - Cơ bản mục tiêu của việc làm tình nguyện luôn luôn tốt đẹp và những giá trị ấy xứng đáng được lan toả, nhưng hãy hành động một cách có suy nghĩ.
Sự việc 3 sinh viên tình nguyện của một trường Đại học thiệt mạng do lũ cuốn trôi vừa qua không khỏi khiến chúng ta suy nghĩ lại một cách nghiêm túc về những hoạt động tình nguyện từ trước tới nay.
Thứ nhất, nói về hoạt động tình nguyện, nhiều bạn trẻ đang hiểu sai trầm trọng khái niệm này. Không cứ phải khoác lên mình một chiếc áo xanh đồng phục, rồi tham gia một hội nhóm, đi thật xa tới những vùng hẻo lánh, đi tới những nơi chưa từng tới, lao động hùng hục đổ mồ hôi rơi,... mới được gọi là tình nguyện. Hay nói cách khác đó có thể được coi là một cách để làm tình nguyện, nhưng không phải là tất cả.
Tất cả chúng ta đều có thể cống hiến tuổi trẻ của mình cho xã hội theo cách mà chúng ta muốn, không bao giờ có sự câu nệ hay áp đặt ở đây. Bạn chọn đi tới những miền xa, tới nơi hoang vu để giúp đỡ người bản địa nơi đó, thì tôi cũng có thể chọn làm tình nguyện tại ngay khu phố nhà mình. Huy động trẻ con trong khu phố đi quét rác trong phố cũng là tình nguyện. Lập một nhóm đi nhổ tóc sâu cho những người già tổ hưu cũng là tình nguyện. Đi đẩy xe rác phụ bác lao công, lập đội nhóm nhỏ đi sơn lại những bức tường chung loang lổ khoan cắt bê tông, đi bóc hết mấy tờ giấy dán chằng chịt trên cột điện để làm đẹp khu phố,... Hễ cứ làm những việc mà giúp ích cho xã hội và làm đẹp cho đời, cống hiến mà không đòi hỏi nhận lại, tức là đã có tinh thần và đã làm tình nguyện rồi. Hình ảnh áo xanh sinh viên có thể mang những thông điệp tình nguyện, nhưng làm tình nguyện giúp ích cho đời chắc chắn không chỉ có những màu áo xanh.
Thứ hai, nói về việc suy nghĩ khi làm tình nguyện, thì tôi luôn tin tưởng rằng nếu bạn đã từng đã vắt tay lên trán, động não và trăn trở rằng tình nguyện là gì, thì bạn có thể sẽ làm những việc tình nguyện thiết thực hơn rất nhiều. Bởi tình nguyện không chỉ đơn giản là cống hiến, mà là cống hiến những gì có ích phù hợp với khả năng của bản thân. Chúng ta chỉ có thể cho đi những gì mình có, và đó là tư duy nền tảng rất quan trọng. Tôi lấy ví dụ, đến một tỉnh miền xa, hẻo lánh, rừng thiêng nước độc. Bạn chỉ nên nghĩ đến việc cống hiến cho xã hội khi bạn tự có những phương pháp đảm bảo an toàn cho bản thân. Ví dụ như bạn phải chuẩn bị cho mình kỹ năng sinh tồn, bơi lội, kỹ năng sơ cứu, kỹ năng giải quyết vấn đề, hiểu biết về môi trường, hỏi người dân bản địa để nhận diện hiểm nguy, bảo hiểm du lịch,...
Có thể tôi kể như vậy vẫn còn thiếu, nhưng sẽ không có tổ chức tình nguyện nào có thể tập huấn cho bạn tất cả những thứ trên, mà bạn chỉ có thể tự chuẩn bị cho bản thân. Một khi không dám chắc sẽ tự đảm bảo an toàn được ở nơi mình sắp đi, tốt nhất hãy ở trong khu phố nhà bạn và cống hiến, hoặc ở nơi nào bạn cảm thấy an toàn, và người ta có thể dễ dàng cứu bạn. Hãy cống hiến những gì mình có, đừng làm tình nguyện theo phong trào.
Thanh niên tình nguyện cần được trang bị kỹ năng thoát nạn
Thứ ba, nếu bạn tự thấy mình không có đủ khả năng, mà vẫn muốn tham gia tình nguyện, thì lúc này là lúc bắt đầu nghĩ đến người khác. Làm những gì mình không có khả năng hoàn toàn có thể mang lại phiền toái cho người xung quanh. Một khi bạn còn chưa thể nào đảm bảo an toàn cho mình, thì tốt nhất đừng nghĩ đến việc cống hiến. Hãy tự lo liệu thật tốt cho bản thân trước. Với những người không phù hợp, thì đôi khi không làm gì cũng đã là giúp ích những người khác rồi. Từ thiện không phải một cuộc vui chơi, làm từ thiện là làm việc, và cần phải nghiêm túc với công việc đó. Bạn đang cống hiến không có nghĩa là thích làm gì thì làm và không cần trật tự kỷ luật. Có tâm với xã hội là tốt, nhưng chỉ thế thôi thì chưa đủ. Những tình nguyện viên trong hiện tại và tương lai cần phải hiểu bản thân, tự học và tự chuẩn bị cho mình những kỹ năng cần thiết, và hơn hết phải tuân thủ những nguyên tắc đảm bảo an toàn cho mình, nơi làm việc và những người xung quanh.
Từ trước tới nay người ta đã nói quá nhiều về việc làm tình nguyện, về tinh thần cống hiến cho xã hội của tuổi trẻ Việt Nam. Nhưng một điều quan trọng hơn không kém đó là khi đi làm tình nguyện cũng cần phải suy nghĩ. Tại sao lại cần phải làm tình nguyện? Làm tình nguyện như thế nào? Làm tình nguyện là làm những gì? Cơ bản mục tiêu của việc làm tình nguyện luôn luôn tốt đẹp và những giá trị ấy xứng đáng được lan toả, nhưng hãy hành động một cách có suy nghĩ. Làm mà không suy nghĩ không những không đem lại hiệu quả tốt, mà còn có thể ảnh hưởng tới người khác và môi trường xung quanh./.