Viết tiếp câu chuyện cổ tích Nhiêu Lộc - Thị Nghè
VOV.VN - Câu chuyện cổ tích này đã đến hồi kết chưa, và số phận của những “cô Tấm, cô Cám, mụ dì ghẻ” của dòng kênh nước đen này ra sao?
Nay thì đã thêm 9 năm nữa rồi, câu chuyện cổ tích này đã đến hồi kết chưa, và số phận của những “cô Tấm, cô Cám, mụ dì ghẻ” của dòng kênh nước đen này ra sao?
Một góc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Ảnh: Hiếu Hiền) |
Mãi đến tháng 8 năm 2012, tức là sau 18 năm thực hiện, giai đoạn 1 của dự án mới hoàn thành. Công trình chạy dài qua 7 quận nội thành gồm các quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp và Bình Thạnh. Tổng vốn đầu tư là 8.600 tỷ đồng, trong đó vốn vay là 5.252 tỷ đồng, vốn của thành phố Hồ Chí Minh là 3.348 tỷ đồng.
Giai đoạn 1 sơ sơ có khoảng trên 30 hạng mục công trình đã hoàn thành như: lắp đặt một tuyến cống bao đường kính từ 2,5 đến 3 mét dài 9 km để thu hết nuớc thải của 1,2 triệu dân sinh sống ven kênh không cho chảy vào kênh kết nối với 54km cống hộp khác đến nơi xử lý sạch, trước khi đổ ra sông Sài Gòn.
Hàng triệu tấn bùn, rác rến được nạo vét. Đóng 16 km bê tông kè hai bên bờ kênh. Chỉnh trang, làm mới 16 cây cầu, láng nhựa hai tuyến đường ven kênh dài trên 20km…
Nên nhớ, tất cả các hạng mục công trình này đều thi công trong điều kiện dân sinh đang diễn ra tấp nập. Nhưng, gian nan nhất vẫn là giải toả hàng ngàn căn nhà lụp sụp của 7.000 hô ven kênh, trong đó có trên một nửa sống trên kênh. Họ ăn, ngủ, sinh hoạt và kể cả xả rác vào kênh…khiến cho dòng kênh trở thành dòng nước đen, đặc quánh, hôi thối kinh niên.
Mặc dù hằng ngày có hai lần thuỷ triều lên xuống, mùa mưa kéo dài nửa năm cũng chẳng thau nổi những dơ bẩn đó. Đời sống của những nhà ổ chuột trên kênh giống như câu chuyện cam chịu của số phận đã an bài…
Bây giờ tháng Tư năm 2014, những ai đã lâu không về thành phố Hồ Chí Minh, có dịp đi lại trên đường Trường Sa và đường Hoàng Sa, hai con đường chạy dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hẳn sẽ cảm thấy khung cảnh ở đây không khác nhiều một công viên sinh thái. Một dòng kênh uốn lượn, những hàng cây rợp bóng, những bãi cỏ ven sông, cạnh một con đường láng nhựa…Bên kia đường những chiếc dù xanh đỏ của các ki-ốt, những căn nhà trước đây quay lưng lại dòng nước đen nay mở hết cửa, lấp loáng những đèn màu về đêm.
Đường Hoàng Sa chạy dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Ảnh: Hiếu Hiền) |
Ngồi uống một ly bia lạnh tại “quán Ven Sông” (ở đất Nam bộ sông rạch này “quán ven sông” có cả tạ) trên đường Hoàng Sa, tức là từ phía Bình Thạnh, ngó về phía trung tâm quận 1, người bạn tôi mới ở Pháp về quả quyết:
- Không kém gì sông Seine chảy qua Paris đâu ông ạ.
- Ông vì thương mà cứ nói quá lên vậy chứ! Có dịp tôi thu xếp qua Paris một chuyến để kiểm chứng xem sao?
Thật ra câu chuyện cổ tích Nhiêu Lộc – Thị Nghè không phải tất cả đều xuôi chèo mát mái. Ý tưởng cải tạo dòng kênh này có từ năm 1988, tức là cùng dịp với công cuộc đổi mới. Nhưng trần ai là chuyên tiền đâu? Mãi đến khi có Nghị định 61 về bán nhà sở hữu Nhà nước, giải pháp tài chính mới được tháo gỡ, lúc này là năm 1993. Cho nên đến năm 2005, tức 30 năm sau ngày giải phóng khi hầu hết 7.000 hộ di rời giải toả kia đã an cư, câu chuyên cổ tích mới ra đời.
Đó còn là chuyện Cơ quan thường trú Đài TNVN tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận được một lá thư của một vị thính giả vừa an cư lại tại một chung cư mới nhìn xuống kênh Thị Nghè - Bình Thạnh. Vị thính giả này nhờ Đài cảm ơn Đảng và Chính phủ giúp cho nơi ở mới mà chưa bao giờ nghĩ tới, kể cả lúc nằm mơ. Rằng ông là nguời từng tham gia trong chính quyền cũ, từng nghe nhiều lần bàn chuyện “chỉnh trang đô thị” nhưng không bao giờ tới. Ông kết luận trong thư: Chỉ có chính quyền của ta mới làm nổi công chuyện to lớn này mà thôi!
Lại nữa, hơn năm trước, 1 ngày sau khánh thành giai đoạn 1, 19/8/2012, phóng viên một tờ báo lớn thị sát tại chỗ đã viết: “Với dự án cải tạo, mở rộng và chỉnh trang đường Hoàng Sa, Trường Sa dọc ven kênh đã phủ lên một màu xanh với những thảm cỏ, cây xanh hoa kiểng xanh tuơi dọc kênh, được coi như một sự “thay da”, còn phần thịt nằm ở dự án vệ sinh môi trường môi trường, xử lý nuớc kênh trong xanh - sạch trở lại thì vẫn chưa có gì thay đổi, nước vẫn đen đặc, hôi thối…”. Quả thật lúc đó có một sự hội hộp, hồ nghi. Dù đã được cảnh báo rằng công trình phải vận hành cả năm mới có chuyển biến thật sự về chất lượng nuớc trên kênh…
Và câu chuyện cổ tích về Nhiêu Lộc - Thị Nghè được viết tiếp. Cuối năm 2013, dòng nuớc đã trong xanh trở lại, mùi hôi đã hết hẳn. “Mụ dì ghẻ” của dòng nước đen đã hết đời. “Cô Tấm” xinh tươi thấp thoáng trên đường Hoàng Sa, Trường Sa…Tết ông Công, ông Táo người ta nô nức phóng sinh cá chép xuống kênh…
Đoàn viên, thanh niên và người dân thả cá xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào ngày 29/5/2013 (Ảnh: Tuổi Trẻ) |
Hai bờ kênh đã đẹp rồi. Nước đang trong xanh, lại xuất hiện nhiều nỗi lo. Trên trang cá nhân của một vị lãnh đạo quận 1 chia sẻ: Hãy cùng nhau tìm một câu nói ngắn gọn, như một khẩu hiệu để cùng nhắc nhau đừng xả rác, đừng câu cá, vun đắp cho dòng kênh xanh, sạch. Cư dân mạng hưởng ứng rần rần… nhưng vẫn chưa tìm được câu nào đắc địa. Một anh chàng tán: Hay ta nói “đừng câu theo cách của bạn”…Báo chí thì vẫn đăng đầy lo lắng: “Một đầu thả cá - một đầu câu”. Thế thì nguy quá!
Rồi một sớm mai, cư dân cà phê sớm ven sông xao xác khi nhật trình chạy: Cá một số nơi trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chết nổi trắng. Chưa phải nỗi lo tâm linh như sức khoẻ của “Cụ Rùa” ở Hồ Gươm của Thủ đô Hà Nội, nhưng vẫn không an tâm. Nhà chức trách trả lời: Đã kiểm tra chất lượng nuớc, không có gì bất thường… Bữa sau chuyện êm. Thở phào!
Tháng Tư, mùa này mong sao có thêm nhiều nỗi lo dễ thương như vậy…/.