10 chuyến công du nổi bật của lãnh đạo Đảng, Nhà nước năm 2015

VOV.VN - Năm 2015, các hoạt động đối ngoại Nhà nước, đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân diễn ra chặt chẽ, nhịp nhàng, thúc đẩy mạnh mẽ các quan hệ song phương, đa phương.

1. Tổng Bí thư thăm chính thức Trung Quốc

Nhận lời mời của Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 7-10/4/2015.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Trong thời gian chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình; hội kiến với Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trương Đức Giang; Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc Du Chính Thanh.

Trong không khí hữu nghị, chân thành, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; đi sâu trao đổi ý kiến và đạt nhận thức chung rộng rãi về việc tăng cường quan hệ hai Đảng, hai nước trong tình hình mới và về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Ngoài Bắc Kinh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm tỉnh Vân Nam.

Trong Thông cáo chung Việt Nam – Trung Quốc, hai bên nhấn mạnh, Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên trì nỗ lực thực hiện tốt phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, luôn nắm vững phương hướng phát triển của quan hệ Việt - Trung, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung không ngừng phát triển lên phía trước.

2. Tổng Bí thư thăm chính thức Hoa Kỳ

Từ ngày 6-10/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm chính thức Hợp chúng quốc Hoa Kỳ theo lời mời của Chính quyền Tổng thống Barack Obama. Chuyến thăm có nhiều dấu ấn lịch sử, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama

Trong thời gian thăm chính thức Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có 23 hoạt động với nhiều nội dung phong phú, thiết thực. Tại Thủ đô Washington D.C, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng thống Barack Obama; tiếp Đại diện Thương mại Michael Froman; tiếp các lãnh đạo tôn giáo Hoa Kỳ và gặp gỡ đại diện các tầng lớp xã hội Việt Nam – Hoa Kỳ, các nghị sỹ Hoa Kỳ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu và trao đổi trực tiếp với các học giả, nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao Hoa Kỳ về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong giai đoạn phát triển mới, tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS); dự tọa đàm với các doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ; chứng kiến lễ ký kết nhiều văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới.

Tại thành phố New York, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội kiến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon; thăm gia đình cựu Tổng thống Bill Clinton; tiếp đại diện lãnh đạo Đảng Cộng sản Hoa Kỳ và gặp gỡ bạn bè cánh tả Hoa Kỳ; nói chuyện thân mật với đông đảo bà con Việt kiều và lưu học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ; gặp gỡ, trao đổi với Nhóm trí thức Đại học Havard...Nhân chuyến thăm, hai bên đã thông qua Tuyên bố Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

3. Tổng Bí thư thăm chính thức Nhật Bản

Từ ngày 15-18/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm chính thức Nhật Bản. Chuyến thăm là một sự kiện quan trọng đối với quan hệ Việt Nam và Nhật Bản, không chỉ trong năm 2015 và còn cho những năm tiếp theo. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Diễn ra trong 4 ngày, với 26 hoạt động, chuyến thăm là bước phát triển mới trong mối bang giao giữa hai nước, vốn có sự tương đồng về văn hóa, tương hợp về lợi ích và tương hỗ về kinh tế. Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư đã hội kiến với Nhà vua Nhật Bản, hội đàm với Thủ tướng Nội các Shinzo Abe, gặp gỡ lãnh đạo các giới chính trị, kinh tế, xã hội Nhật Bản...

Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Abe, hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới với các trọng tâm là tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế và đẩy mạnh hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Kết thúc hội đàm, hai bên đã ra Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam – Nhật Bản.

4. Chủ tịch nước dự Hội nghị thượng đỉnh LHQ và thăm Cuba

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững tại New York, Hoa Kỳ từ ngày 24-28/9 theo lời mời của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và thăm chính thức Cộng hòa Cuba theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Raul Castro từ ngày 28-30/9.

Chủ tịch nước và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon

Ngày 25/9, Hội nghị Thượng đỉnh thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York (Hoa Kỳ), với sự tham dự của 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc, trong đó có hơn 160 Người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ. Đoàn đại biểu Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị và có bài phát biểu quan trọng với chủ đề "Bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững".

Chuyến thăm của Chủ tịch nước có ý nghĩa quan trọng đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Liên Hợp Quốc và kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Cu Ba. Chủ tịch nước đã tham dự hàng loạt các sự kiện tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc, gặp gỡ song phương với một số nước thành viên nhằm triển khai có hiệu quả chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị, nâng cao hình ảnh, vị thế của nước ta; thể hiện cam kết, quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; đồng thời tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Liên Hợp Quốc, thắt chặt quan hệ hữu nghị thủy chung với Đảng, Nhà nước Cuba anh em.

5. Chủ tịch nước dự Hội nghị Cấp cao APEC 23 tại Philippines

Từ ngày 17 -19/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn cấp cao Việt Nam đã tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 23 (gọi tắt là APEC 23) tổ chức tại Manila, Philippines để bàn về mục tiêu liên kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực. 

Trong phát biểu tại phiên khai mạc ngày 19/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cục diện khu vực đang có những chuyển biến nhanh chóng, đề cao nỗ lực của APEC 2015 trong việc thúc đẩy tăng trưởng chất lượng. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh triển vọng tích cực của tiến trình liên kết khu vực. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Philippines Benigno Aquino gặp gỡ báo chí sau hội đàm

Trước đó, chiều 17/11, tại Phủ Tổng thống Philippines, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Philippines Benigno Aquino.

Đặc biệt sau cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Philippines đã chứng kiến Bộ trưởng Ngoại giao hai nước ký Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Sự kiện này mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ hai nước; tạo thêm những xung lực mới nhằm tăng cường lòng tin, thúc đẩy quan hệ song phương và góp phần mang lại hòa bình, thịnh vượng và ổn định cho khu vực.

6. Chủ tịch nước thăm cấp Nhà nước CHLB Đức

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng đoàn cấp cao nước ta đã thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Liên bang Đức theo lời mời của Tổng thống Joachim Gauck, từ ngày 24-26/11. Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước ta tới nước Đức thống nhất kể từ năm 1990 và đúng vào dịp hai nước đang kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1975-2015).

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Đức Joachim Gauck 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có các cuộc hội đàm với Tổng thống và Thủ tướng Đức. Các cuộc tiếp xúc của Chủ tịch nước diễn ra trong không khí cởi mở và tin cậy, tiếp tục củng cố thêm lòng tin chính trị, thể hiện nhiều điểm tương đồng và nhất trí cao về việc tăng cường quan hệ song phương cũng như thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Tổng thống Joachim Gauck và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều nhấn mạnh Đức coi trọng tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược trong tất cả các lĩnh vực với Việt Nam, thành viên tích cực và có trách nhiệm của ASEAN; ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với EU, trong đó có việc thúc đẩy sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN - EU.

Chuyến thăm cấp Nhà nước 3 ngày của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã củng cố và đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai bên, mở ra một giai đoạn hợp tác mới trên các lĩnh vực thế mạnh của hai nước.

7. Thủ tướng thăm chính thức Australia và New Zealand

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam thăm chính thức Australia (từ ngày 17-18/3) và thăm chính thức New Zealand (từ ngày 19-20/3) theo lời mời của Thủ tướng Australia Tony Abbott và Thủ tướng New Zealand John Key.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Australia Tony Abott

Chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện với Australia và New Zealand trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động; tranh thủ nguồn viện trợ phát triển, đầu tư trực tiếp của hai nước, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực Việt  Nam có nhu cầu như nông nghiệp, giáo dục, khai khoáng, xây dựng, công nghiệp chế biến, tài chính, ngân hàng, dịch vụ.

8. Thủ tướng thăm, làm việc tại châu Âu và Bắc Phi

Từ ngày 29/5-6/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu Việt Nam lên đường đi Kazakhstan tham dự Lễ ký chính thức Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, thăm chính thức Algeria, Bồ Đào Nha và Bulgaria.

Ảnh: Nhật Bắc

Tại Kazakhstan, ngày 29/5, Thủ tướng Việt Nam đã cùng các nhà lãnh đạo Chính phủ  Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu. Đây là hiệp định có ý nghĩa chiến lược mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu nói chung và với từng nước thành viên nói riêng.

Cũng tại Kazakhstan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khuyến khích các hoạt động hợp tác, thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí giữa Kazmunaigaz - Tập đoàn Dầu khí quốc gia của Kazakhstan và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam).

9. Thủ tướng dự Hội nghị COP21 và thăm Bỉ, Liên minh châu Âu


Từ ngày 29/11 đến 2/12, Thủ tướng  Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris, Pháp; thăm làm việc tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu.

Chiều 30/11, tại Trung tâm Hội nghị Bourget, Paris, Cộng hòa Pháp,Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể của Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị COP21 (Ảnh: Nhật Bắc)

Ngày 2/12, tại Brussels, Bỉ, với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom đã ký Tuyên bố về việc chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. 

Hai bên đã khẳng định: “Đây là thời khắc lịch sử trọng đại và là một dấu ấn đặc biệt kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và EU”.

10. Chủ tịch Quốc hội thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã thăm chính thức hữu nghị Trung Quốc từ ngày 23-27/12. Với hàng loạt các cuộc hội kiến, hội đàm và tiếp xúc, chuyến thăm góp phần tích cực củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt trong hoạt động lập pháp, trao đổi thương mại và nhất là thúc đẩy sự tin cậy chính trị.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc Trương Đức Giang ký thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội hai nước

Qua các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc và trao đổi thẳng thắn giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội Trung Quốc, hai bên đã đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về phương hướng, biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững trong thời gian tới.

Điểm nhấn của chuyến thăm này là lần đầu tiên hai Chủ tịch Quốc hội đã ký Thỏa thuận Hợp tác làm cơ sở pháp lý triển khai các hoạt động hợp tác song phương và đa phương giữa cơ quan lập pháp hai nước.

Đặc biệt trong chuyến thăm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thẳng thắn trao đổi với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội Trung Quốc về những bất đồng và quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề Biển Đông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên