10 năm đột phá về cải cách hành chính
Việc thực hiện cải cách các thủ tục hành chính ước tính có thể tiết kiệm 30.000 tỷ đồng; giúp nâng cao năng lực canh tranh, chất lượng tăng trưởng.
Ngày 5/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương tổng kết chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 và xây dựng chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.
Hội nghị đã đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất với mục tiêu đến năm 2020 xây dựng được nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Qua 10 năm triển khai chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010 đã nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và tác động tích cực, đảm bảo quyền lợi của người dân.
Trước hết, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước trong 10 năm qua đã khắc phục cơ bản sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan hành chính. Cả nước cũng đã có gần 97% các xã, hơn 98% các huyện và trên 88% các sở ban ngành cấp tỉnh triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Các bộ, ngành và các địa phương đã rà soát hơn 5.500 thủ tục hành chính, kiến nghị hủy bỏ hơn 450 thủ tục và sửa đổi trên 3.700 thủ tục theo hướng tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Ước thực hiện được cải cách các thủ tục hành chính này có thể tiết kiệm chi phí lên tới 30.000 tỷ đồng và là yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực canh tranh, chất lượng tăng trưởng của mỗi địa phương.
Các ý kiến phát biểu tại hội nghị cũng chia sẻ kinh nghiệm và thẳng thắn nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính nhà nước, nhất là thể chế còn thiếu đồng bộ, thống nhất; cơ chế quy định trách nhiệm của người đứng đầu chưa rõ ràng; năng lực cán bộ từ trung ương đến địa phương còn nhiều hạn chế; đẩy mạnh phân cấp đầu tư nảy sinh sự cạnh tranh giữa các địa phương cũng như những bất cập trong đầu tư bất động sản, khai thác khoáng sản…
Một số mục tiêu dự kiến đề ra đến năm 2020 đáng chú ý là 80% cá nhân, tổ chức hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính, 70% cá nhân hài lòng về dịch vụ giáo dục và y tế do đơn vị sự nghiệp công cung cấp và 90% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi dưới dạng điện tử.
Trên cơ sở lắng nghe các bộ, ngành và các địa phương phát biểu ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Công tác cải cách hành chính 10 năm qua đã đạt được những kết quả tích cực và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, từ cải cách thể chế và tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đến cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Tuy nhiên, so với mục tiêu tổng quát đề ra vẫn chưa đạt yêu cầu và vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Thủ tướng yêu cầu tập trung trước hết vào cải cách thể chế, nhất là các vướng mắc liên quan đến đất đai, quản lý doanh nghiệp nhà nước, xã hội hóa các lĩnh vực dịch vụ công như y tế, giáo dục và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương tập trung cải cách tổ chức bộ máy hành chính thông suốt, hiệu lực, hiệu quả và kỷ cương mà trước hết phải rà soát, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của tất cả các tổ chức trong hệ thống hành chính từ trung ương đến cơ sở không được để chung chung, gắn với xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể các lĩnh vực giáp ranh; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp rõ ràng đi liền với xây dựng quy hoạch, kế hoạch và hoàn thiện tiêu chí quản lý trên từng lĩnh vực; đẩy mạnh đào tạo, giáo dục, nâng cao năng lực, trình độ và đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và sớm hoàn thiện bộ tiêu chuẩn chức năng, nhiệm vụ của từng vị trí công tác trong từng ngành, từng lĩnh vực và cơ quan.
Đối với lĩnh vực tài chính công, Thủ tướng khẳng định sẽ dành ngân sách thỏa đáng đầu tư cho con người, đẩy mạnh cải cách tiền lương theo lộ trình đi liền với giảm biên chế, xây dựng rõ cơ chế tài chính đối với nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm trong phát triển giáo dục và y tế cũng như hoàn thiện cơ chế khoán chi hành chính.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành và các địa phương tập trung xây dựng chính phủ điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhân rộng cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại, hiệu quả, tăng cường quản lý theo tiêu chuẩn ISO và nơi nào có điều kiện khuyến khích hiện đại hóa công sở theo hướng trung tâm hành chính.
Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành và các địa phương coi cải cách hành chính là khâu đột phá để phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững, đưa vào nghị quyết của cấp ủy, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và triển khai thực hiện quyết liệt.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã quyết định trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho 11 tập thể, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 84 tập thể và 76 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010./.