10 nữ dân quân Châu Yên năm ấy và tấm lòng sắt son với Đảng
VOV.VN - Những cô gái thuộc tiểu đội 10 nữ dân quân Châu Yên ngày nào nay đã lên bà, lên cụ ngày ngày vẫn thường xuyên giáo dục con cháu trong gia đình, trong bản làng phải một lòng theo Đảng, cách mạng, không nghe lời kẻ xấu, trí thú làm ăn, đoàn kết xây dựng bản mường
Chỉ với 10 khẩu súng trường CKC, tiểu đội gồm 10 nữ dân quân dân tộc Thái ở Châu Yên -Sơn La năm xưa đã bắn rơi máy bay được mệnh danh là “thần sấm” của Mỹ, bắt sống phi công và câu chuyện của họ đã đi vào huyền thoại. Từ những cô gái mới lớn, giờ trở thành những đảng viên rường cột luôn một lòng sắt son với Đảng, cách mạng, anh dũng trong chiến đấu, hăng say lao động sản xuất trong cuộc sống đời thường. Các bà, các mẹ luôn là tấm gương mẫu mực cho con cháu hôm nay, xứng danh phụ nữ Việt Nam “Anh hùng-bất khuất-trung hậu-đảm đang”.
Cùng con cháu ra thăm lại cầu Tà Vài (thuộc xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) - nơi máy bay Mỹ đã ném bom đánh sập cầu, cắt đứt huyết mạch giao thông lên Tây Bắc năm xưa, những ký ức oanh liệt một thời lại ùa về với bà Hà Thị Ín và bà Quàng Thị Ế - 2 trong số 10 nữ dân quân Châu Yên bắn rơi máy bay Mỹ năm ấy, hiện là 2 nữ đảng viên cao tuổi đang sinh sống ở bản Nà Khái, xã Sập Vạt, huyện Yên Châu.
“Giặc Mỹ đến bắn phá miền Bắc nước ta. Đảng, Bác Hồ kêu gọi toàn Đảng, toàn dân chống Mỹ cứu nước. Chúng tôi đã viết đơn xin tham gia dân quân. Ngày thì lên trực chiến, canh gác kho tàng của Nhà nước, 4, 5h về đi sản xuất”, các bà nhớ lại.
"Trọng điểm của máy bay Mỹ là bắn sập cầu, không có đường đi, đường tiếp tế lương thực thực phẩm, đạn dược. Chị em rất cố gắng, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đảm bảo giao thông thông suốt”, bà Hà Thị Ín và bà Quàng Thị Ế bồi hồi nhớ lại.
Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cầu Tà Vài thuộc địa bàn xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của quân địch nhằm cắt đứt giao thông trên quốc lộ 6, chia cắt viện trợ giữa Trung ương với vùng Tây Bắc, chặt đứt nguồn chi viện cho chiến trường miền Nam của quân và dân ta. Theo tiếng gọi của Đảng, 10 cô gái Châu Yên năm ấy mới 16, 17 tuổi đã tham gia tiểu đội dân quân, với nhiệm vụ chính là bảo vệ cầu, đảm bảo giao thông cho xe qua. Họ được học võ, học bắn súng và được trang bị mỗi người một khẩu súng trường, do tiểu đội trưởng Quàng Thị Lả chỉ huy, vừa tham gia trực chiến cùng bộ đội, vừa lao động sản xuất đóng góp lương thực cho chiến trường.
Chiều 2/9/1965, máy bay Mỹ đã tới tấp ném bom hòng đánh sập cầu Tà Vài. Cả tiểu đội đã bám trụ cùng bộ đội ta bắn trả quyết liệt để bảo vệ cầu và con đường tránh cho xe qua. Thấy một chiếc máy bay của Mỹ tiếp tục bay quanh chuẩn bị thả bom đánh phá cầu và đường tránh, cả tiểu đội vào vị trí ẩn nấp sẵn sàng chờ thời cơ. Khi chiếc máy bay vào đúng tầm bắn, sau tiếng hô “bắn” của người tiểu đổi trưởng, cả tiểu đội đồng loạt nổ súng, chiếc máy bay của địch bị trúng đạn nổ tung, lao xuống mặt đất, một tên giặc lái bị các nữ dân quân bắt sống, huyết mạch chi viện cho tiền tuyến luôn được đảm bảo thông suốt. Chiến công đó đã nhanh chóng lan rộng đi khắp nơi. Và bài hát “Người Châu Yên em bắn máy bay” của nhạc sỹ Trọng Loan đã ra đời trong hoàn cảnh đó, khích lệ tinh thần đấu tranh đánh đuổi giặc của quân dân ta. “Ngày hôm đấy máy bay lao từ Chiềng Đông xuống, lao thấp lắm. Chỉ huy bắt đầu hô “Bắn!”, thế là tất cả bắn, nhả đạn rất khỏe. Thế là máy bay bắt đầu bốc cháy”, bà Quàng Thị Ế xúc động kể lại.
Hòa bình lập lại, theo Đảng, Bác Hồ, những nữ dân quân Châu Yên năm ấy lại tay cày, tay cuốc cùng con cháu tăng gia lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo cho gia đình, bản làng. Với sự quan tâm của chính quyền các cấp, các bà, các mẹ tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, không để đất trống, đồi trọc. Hiện nay gia đình các bà, các mẹ đều có mức sống trung bình khá trở lên. Với tinh thần gương mẫu đi đầu của đảng viên và phương trâm đảng viên không được đói nghèo, các hộ gia đình đảng viên là nữ dân quân Châu Yên năm xưa như hộ gia đình bà Quàng Thị Ế còn trở thành hộ khá giàu từ phát triển kinh tế theo mô hình tổng hợp chăn nuôi, trồng cây ăn quả và kinh doanh các mặt hàng thổ cẩm.
Theo ông Quàng Văn Chiến, Phó chủ tịch UBND xã Sập Vạt, giờ đây, dù tuổi đã cao nhưng các bà, các mẹ vẫn giữ nguyên khí phách của những nữ dân quân Châu Yên năm nào. Tích cực tham gia các hoạt động của hội phụ nữ, người cao tuổi ở bản, các bà, các mẹ thường xuyên giáo dục con cháu trong gia đình, trong bản làng phải một lòng theo Đảng, cách mạng, không nghe lời kẻ xấu, trí thú làm ăn, đoàn kết xây dựng bản mường. “10 cụ thì 2 cụ đã mất.
Hiện nay các bà còn lại vẫn sống khỏe, sống vui với bà con, với con cháu. Sức mình đến đâu các bà vẫn đóng góp cho các hội, đoàn thể. Các bà là đảng viên vẫn sinh hoạt chi bộ ở cơ sở, thường xuyên tham gia ý kiến để cùng chi bộ lãnh đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xóa đói giảm nghèo. Các bà là những người rất mẫu mực. Một số bà vẫn tiếp tục định hướng, giúp con cháu phát triển kinh tế gia đình”.- Ông Quàng Văn Chiến cho biết thêm.
Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương kháng chiến các hạng nhất, nhì, ba để ghi nhận công lao của 10 nữ dân quân Châu Yên với đất nước. Nhưng với các bà, các mẹ, phần thưởng lớn nhất là đã trọn đời theo Đảng, được góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương mình./.