10 sự kiện nổi bật của ngành Tư pháp năm 2024
VOV.VN - Chiều nay 31/12, Bộ trưởng Bộ tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã ký quyết định phê duyệt và công bố 10 sự kiện nổi bật năm 2024 của ngành Tư pháp.
Thứ nhất: Bộ Tư pháp vinh dự đón Tổng Bí thư Tô Lâm đến làm việc về công tác tư pháp và pháp luật. Tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra những định hướng và nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể mà bộ, ngành Tư pháp phải tập trung thực hiện trong thời gian tới nhằm xây dựng hệ thống pháp luật vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển, góp phần đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thứ hai: Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục đổi mới, khơi thông nguồn lực phát triển. Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng ban.
Trên cơ sở kết quả rà soát, Ban Chỉ đạo đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, ban hành văn bản phù hợp, hiệu quả để xử lý ngay các bất cập, vướng mắc pháp lý nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua 3 dự án luật sửa đổi, bổ sung 13 luật thuộc lĩnh vực tài chính, kế hoạch và đầu tư.
Cùng với đó, Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ đề xuất đưa vào Chương trình, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trình Quốc hội thông qua 30 dự án luật, dự thảo nghị quyết tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8, nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Thứ ba: Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong công tác pháp luật trong giai đoạn mới, đội ngũ cán bộ của Bộ, ngành Tư pháp được tin tưởng, tín nhiệm và có nhiều bước phát triển.
Thứ tư: Trong công tác cải cách hành chính, Bộ tư pháp đứng đầu chỉ số cải cách hành chính cấp Bộ (Par – Index).
Thứ năm: công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, tăng 11,23% về việc và 48,51% về tiền
Thứ sáu: Bộ tư pháp đã tổ chức thành công Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024. Ngay sau Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, xử lý các vấn đề vướng mắc pháp lý thực tiễn mà cộng đồng doanh nghiệp đã phản ánh; tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trong thời gian tới
Thứ bảy: Ngày 05/11/2024, Bộ Tư pháp đã tổ chức công bố Bộ pháp điển Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Nhà nước ta có Bộ pháp điển. Bộ pháp điển Việt Nam là sản phẩm chính thức của Nhà nước, do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý và được khai thác, sử dụng miễn phí trên Cổng thông tin điện tử pháp điển dưới dạng điện tử (phapdien.moj.gov.vn). Việc công bố và đưa Bộ Pháp điển vào cuộc sống là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh truyền thông chính sách pháp luật, tăng cường ý thức thượng tôn pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng các quy định pháp luật và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn phát triển hiện mới của đất nước.
Thứ tám: năm 2024, Bộ tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an rà soát, hoàn thiện, đến nay, 63/63 Sở Tư pháp đã triển khai thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và được người dân tích cực đón nhận
Thứ chín: công tác xây dựng văn bản trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được đặt làm nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp, theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội khóa 15 thông qua tại kỳ họp thứ 7, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 và Luật Công chứng được Quốc hội khóa 15 thông qua tại kỳ họp thứ 8, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
Thứ mười: Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Bộ Tư pháp là cơ quan chuyển đổi số xuất sắc. Trong đó, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực này đã đạt mức toàn trình; tỷ lệ số hóa hồ sơ và áp dụng chữ ký số đối với kết quả giải quyết thủ tục hành chính là 100%; tỷ lệ yêu cầu và giải quyết đăng ký trực tuyến đạt 87%; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn 100%; dữ liệu số về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản đã được đồng bộ, kết nối, chia sẻ với Cổng dịch vụ công quốc gia, với Hệ thống EMC, với Hệ thống đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông) và đang từng bước được nghiên cứu để mở rộng việc kết nối, chia sẻ với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thuộc các lĩnh vực khác.