2 năm liên tiếp tín nhiệm thấp sẽ bị bãi nhiệm?

VOV- Đề nghị chuyển thẳng từ lấy phiếu tín nhiệm sang tín nhiệm, bãi nhiệm, cách chức, từ chức mà không cần qua bước bỏ phiếu tín nhiệm.

Ngày 14/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp thứ 11. Nội dung trọng tâm là cho ý kiến về Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng- Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng đề án chủ trì phiên họp.

Thảo luận tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết xây dựng đề án nhằm tạo điều kiện để Quốc hội, Hội đồng nhân dân thay mặt cử tri và nhân dân giám sát chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa đối với những người giữ các chức vụ do mình bầu hoặc phê chuẩn, đặc biệt là những người giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nêu ý kiến: “Không phải bây giờ chúng ta mới lấy phiếu tín nhiệm mà trong quá trình làm công tác cán bộ, chúng ta đã lấy phiếu tín nhiệm. Trong chính sách cán bộ của Đảng, việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ là một trong những nguồn để tham gia đánh giá cán bộ. Bởi vậy để đảm bảo cho việc lấy phiếu tín nhiệm, phải cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội”.

Đa số ý kiến đề nghị cần giới hạn phạm vi người được lấy phiếu tín nhiệm. Theo đó, đối tượng được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm chỉ tập trung vào một số người giữ chức vụ chủ chốt, ở Trung ương là từ Bộ trưởng trở lên, ở địa phương gồm thường trực Hội đồng nhân dân, các thành viên của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Tuy nhiên, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội đề nghị, trong trường hợp cần thiết, nếu Quốc hội yêu cầu, sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với tất cả những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành với quy định việc lấy phiếu tín nhiệm cần được tiến hành định kỳ hàng năm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố công khai, thông báo cụ thể mức độ tín nhiệm và tỷ lệ phiếu của từng chức danh. Đồng thời, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị xác định mức độ đánh giá thể hiện sự tín nhiệm gồm tín nhiệm và không tín nhiệm.

Theo đó, người được tín nhiệm là người có tổng số phiếu đánh giá tín nhiệm đạt trên 50% tổng số đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân.

Góp ý kiến vào nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Quyền bỏ phiếu, đánh giá là của người đại biểu. Cho nên ở đây chỉ để hai mức là tín nhiệm và không tín nhiệm. Việc tín nhiệm hay không tín nhiệm phải làm chặt chẽ, cả về quy trình, chuẩn bị và thảo luận đoàn, phải làm thận trọng để đảm bảo chắc chắn, khách quan, trung thực và tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội nắm đúng thông tin.

Liên quan đến việc xử lý kết quả lấy phiếu tín nhiệm, đa số ý kiến tán thành quy định người có 2 năm liên tiếp đạt tín nhiệm thấp sẽ bị đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân.

Một số ý kiến khác băn khoăn vì quy định như vậy sẽ khiến công tác thay thế cán bộ kéo dài, không bảo đảm yêu cầu kịp thời trong xử lý đối với cán bộ có phiếu tín nhiệm thấp, nhiều sai phạm. Do vậy đề nghị chuyển thẳng từ lấy phiếu tín nhiệm sang tín nhiệm, bãi nhiệm, cách chức, từ chức mà không cần qua bước bỏ phiếu tín nhiệm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên