2 năm tham gia HĐBA Liên Hợp Quốc: Việt Nam đã định vị được “bản sắc riêng”
VOV.VN - Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, chính “bản sắc riêng” là yếu tố định vị Việt Nam trong các cuộc thảo luận cũng như tạo dựng giá trị và uy tín lâu dài cho chúng ta tại một “sân chơi quốc tế quan trọng” như Liên Hợp Quốc.
Định vị và tìm ra bản sắc riêng
Trả lời báo chí tại buổi Họp báo về việc Việt Nam hoàn thành nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2020-2021 chiều 17/1 tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, nếu phải lựa chọn trong 10 dấu ấn nổi bật khi hoàn thành nhiệm vụ tại HĐBA thì có lẽ là Việt Nam đã thể hiện được bản sắc riêng của mình. Liên Hợp Quốc là một sân chơi quốc tế quan trọng và bản sắc đó chính là yếu tố định vị cho Việt Nam trong các cuộc thảo luận, đồng thời tạo giá trị và uy tín lâu dài trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, bản sắc đó gói gọn trong 1 thông điệp, đó là đối tác vì hòa bình bền vững. Về tổng thể, sự tham gia của Việt Nam tại HĐBA đã truyền tải thông điệp về một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, nhân ái, nhân văn, yêu chuộng hòa bình và sẵn sàng đóng góp cho hòa bình, an ninh thịnh vượng thế giới.
“Đây là thông điệp chính chúng tôi muốn truyền tải, cũng là thông điệp chúng tôi rất tâm đắc mang bản sắc riêng của Việt Nam”, Bộ trưởng Ngoại giao cho hay.
Về tầm nhìn, Việt Nam đề cao cách tiếp cận toàn diện, tổng thể trong giải quyết thách thức về hòa bình và an ninh để có được nền hòa bình bền vững lâu dài. Các giải pháp Việt Nam ủng hộ và thúc đẩy đều căn cứ dựa trên luật pháp quốc tế, đặt người dân và sinh kế của họ lên vị trí trung tâm. Việt Nam cũng chú trọng mọi giai đoạn của tiến trình hòa bình, từ ngăn ngừa xung đột đến giải quyết xung đột, tái thiết hậu xung đột và giải quyết gốc rễ của xung đột.
“Về cách làm, sắc thái riêng của Việt Nam thể hiện ở chỗ chúng tôi luôn hướng tới sự đồng thuận chung, thúc đẩy hợp tác đối thoại và giảm căng thẳng đối đầu”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận định.
Trong vai trò điều hành làm Chủ tịch HĐBA hay Chủ tịch các cơ chế trực thuộc, Việt Nam luôn lắng nghe và tìm điểm đồng thuận, giải quyết thỏa đáng quan tâm của các nước liên quan, tạo nên bản sắc riêng. Việt Nam đã định vị và tìm ra sắc thái riêng của mình trong quá trình hoạt động.
Thu hẹp khác biệt, hướng tới đồng thuận dù là nhỏ nhất
Khi Việt Nam tham gia vào HĐBA trong hai năm 2020 – 2021, đây thực sự là hai năm khó khăn khi tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Ngay cả trung tâm dự báo lớn nhất thế giới cũng không lường trước được về đại dịch Covid-19. Trong khi đó, nhiều xung đột kéo dài hàng chục năm chưa được xử lý, xung đột mới nảy sinh mang theo những bất ổn mới và căng thẳng mới.
Có thể kể đến một số vấn đề HĐBA dành nhiều thời gian để trao đổi trong 2 năm vừa qua là: tình hình ở Syria, Libya, Israel - Palestine, tranh chấp liên quan đến Đập thủy điện Đại Phục Hưng, tình hình Myanmar hay một số chủ đề như Covid-19, biến đổi khí hậu…
Sự khác biệt giữa các nước thành viên, đặc biệt là các nước thường trực của HĐBA đã gây ra thách thức không nhỏ trong việc tìm kiếm những đồng thuận chung.
Đối với những vấn đề như vậy, cách tiếp cận của Việt Nam là luôn nhất quán, xuất phát từ lợi ích chung, dựa trên nền tảng tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hiến chương LHQ. Nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa, không sử dụng vũ lực ... cũng được đề cao.
“Chúng tôi luôn đề cao yêu cầu bảo vệ người dân và bảo đảm tiếp cận nhân đạo. Bảo vệ thường dân ở đây cũng là lấy con người làm trung tâm. Chúng tôi coi trọng cách tiếp cận cân bằng, xây dựng và đặc biệt có sự tham vấn trao đổi với các thành viên trong HĐBA và đối tác liên quan. Chú ý lắng nghe quan điểm, lợi ích từ các nước thành viên HĐBA, cũng như các nước, bên có liên quan trực tiếp, trong đó có vai trò của các tổ chức khu vực”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay.
Bộ trưởng Ngoại giao cũng khẳng định, Việt Nam luôn tích cực thúc đẩy đối thoại giữa các bên nhằm thu hẹp khác biệt và hướng tới những điểm đồng thuận, dù là nhỏ nhất.
Chẳng hạn khi HĐBA thảo luận về tình hình Myanmar, Việt Nam luôn nhấn mạnh việc tôn trọng độc lập, chủ quyền của Myanmar, kêu gọi chấm dứt mọi hành động sử dụng vũ lực và bảo vệ người dân vì lợi ích chung của Myanmar. Việt Nam cũng nỗ lực làm cầu nối thúc đẩy trao đổi giữa HĐBA và ASEAN - tổ chức có vai trò trung tâm ở khu vực, đồng thời tạo điều kiện để HĐBA hiểu rõ hơn về tình hình, quan điểm, nỗ lực của các nước trong khu vực, tạo dựng đồng thuận.
Tích cực tham gia và đóng góp giải quyết an ninh phi truyền thống
HĐBA không chỉ thảo luận các vấn đề trực tiếp liên quan đến xung đột, đó là an ninh truyền thống mà còn cả các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững,...
Trong các vấn đề này, bản thân Việt Nam cũng là quốc gia chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu một cách mạnh mẽ. Vì thế, trong quá trình tham gia HĐBA cũng như trong khuôn khổ LHQ và COP 26, Việt Nam đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất và tham gia chủ động, tích cực.
Về an ninh biển, vào tháng 8/2021 – khi HĐBA thảo luận về an ninh biển do Ấn Độ chủ trì, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã tham dự và đưa ra những thông điệp cụ thể, theo đó, những vấn đề an ninh phi truyền thống toàn cầu thì phải giải quyết trên tinh thần toàn cầu, các quốc gia cùng chung tay giải quyết. Đó cũng là sắc thái riêng của Việt Nam. Bằng cách thúc đẩy những điểm chung nhất. Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ của bạn bè quốc tế. Phương châm của Việt Nam là chủ động, tích cực và có trách nhiệm tham gia vào vấn đề chung./.