2,3 triệu đồng bào có đạo ở Tây Nguyên được đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
VOV.VN - Vùng Tây Nguyên có nhiều tổ chức tôn giáo, trong đó chủ yếu là Công giáo, Phật giáo, Tin Lành và Cao Đài, với tổng số khoảng 2,3 triệu tín đồ, gần 4.000 chức sắc, 10.000 chức việc và trên 1.300 cơ sở thờ tự.
Tây Nguyên được biết đến như là một vùng đất huyền thoại, là nơi cùng sinh sống của gần 6 triệu người thuộc tất cả 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, với gần 2,2 triệu người, chiếm hơn 37,5% dân số toàn vùng; lâu đời và đông nhất là đồng bào Ê Đê, M’Nông, GiaRai, Ba Na...
Khu vực Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng; phía Bắc và phía Đông giáp 6 tỉnh duyên hải miền Trung; phía Nam giáp các tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận; phía Tây giáp tỉnh Bình Phước và hai nước bạn Lào, Campuchia; với diện tích tự nhiên là 54.548 km2, chiếm 1/6 diện tích tự nhiên của cả nước; với khí hậu, thổ nhưỡng và nhiều tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.
Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có truyền thống đoàn kết, đấu tranh cách mạng kiên cường; có nền văn hóa dân tộc vừa đa dạng, phong phú, vừa có nhiều nét đặc sắc riêng. Tây Nguyên cũng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
Tôn giáo làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần ở Tây Nguyên
Tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc ở Tây Nguyên là tín ngưỡng đa thần, tiêu biểu là các loại hình tín ngưỡng thờ thần (Yang), tín ngưỡng liên quan đến sản xuất, tín ngưỡng vòng đời người...
Vùng Tây Nguyên là địa bàn hoạt động của nhiều tổ chức tôn giáo, trong đó chủ yếu là Công giáo, Phật giáo, Tin Lành và Cao Đài, với tổng số khoảng 2,3 triệu tín đồ, gần 4.000 chức sắc, 10.000 chức việc và trên 1.300 cơ sở thờ tự.
Công giáo là tôn giáo có mặt sớm nhất ở khu vực Tây Nguyên, là một bộ phận hợp thành của Công giáo ở Việt Nam, gồm 3 giáo phận: giáo phận Kon Tum, giáo phận Ban Mê Thuột và giáo phận Đà Lạt nằm trong 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên và 1 phần tỉnh Bình Phước.
Quá trình truyền giáo vào khu vực Tây Nguyên, Công giáo đã hình thành các giáo xứ, giáo họ người Ba Na, Xê Đăng, Gia Rai, Ê Đê, Cơ Ho, Chu Ru, Lạch và M’Nông. Tây Nguyên là nơi tập trung đông tín đồ dân tộc thiểu số (DTTS) nhất của Công giáo ở Việt Nam, chiếm 81% tín đồ người dân tộc trong Giáo hội. Bên cạnh đó, Công giáo ở vùng Tây Nguyên có 01 dòng tu nữ người DTTS thuộc giáo phận Kon Tum.
Hiện nay, Công giáo ở khu vực Tây Nguyên có trên 1,1 triệu tín đồ, khoảng 1.000 chức sắc, trên 2.500 chức việc, khoảng 500 cơ sở thờ tự. Chức sắc, tín đồ Công giáo ở Tây Nguyên luôn nâng cao tinh thần đoàn kết, góp phần phát triển kinh tế, xã hội trong vùng đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên.
Phật giáo là tôn giáo lớn thứ hai ở Tây Nguyên với tín đồ đa số là người Kinh, tỷ lệ người DTTS theo Phật giáo rất ít, tập trung đông nhất ở tỉnh Lâm Đồng. Một trong những nguyên nhân của việc phân bố này liên quan đến các chương trình di dân đến các tỉnh Tây Nguyên theo các chương trình đi vùng kinh tế mới của Nhà nước và các cuộc di dân tự phát sau đó. Phật giáo dường như là một tôn giáo chủ lưu của người Kinh, nên ở đâu người Kinh di cư đến thì cũng hình thành các cơ sở tôn giáo của Phật giáo. Hiện nay, Phật giáo ở khu vực Tây Nguyên có trên 670.000 tín đồ, khoảng 1.900 chức sắc, trên 2.800 chức việc, khoảng 570 cơ sở thờ tự.
Đạo Tin Lành ở Tây Nguyên ngay từ đầu những năm 30 của thế kỷ XX, Hội Truyền giáo CMA, Hội thánh Tin Lành Việt Nam và sau này là Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) đã triển khai công cuộc truyền giáo lên Tây Nguyên, đặc biệt, chú trọng phát triển tín đồ trong vùng đồng bào DTTS.
Năm 1975, ở các tỉnh Tây Nguyên có 61.500 tín đồ, 216 chi hội, 42 mục sư. Đặc biệt, từ đầu những năm 1990 trở đi, đạo Tin Lành phục hồi và phát triển mới với tốc độ rất nhanh trong nhiều vùng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên. Hiện nay, đạo Tin Lành ở khu vực Tây Nguyên có trên 530.000 tín đồ, 800 chức sắc, 3.000 chức việc và khoảng 200 cơ sở thờ tự. Đạo Tin Lành có vị trí quan trọng trong đời sống tôn giáo và đáp ứng được nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên, góp phần xóa bỏ các hủ tục, đưa đến những tiến bộ về đạo đức, lối sống… nhưng cũng tạo ra một số tình hình phức tạp, như: tình trạng thiếu nơi sinh hoạt tôn giáo, hoạt động lợi dụng đạo Tin Lành của những thế lực xấu…
Bên cạnh các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, khu vực Tây Nguyên cũng có sự xuất hiện và hoạt động của khá nhiều hiện tượng tôn giáo mới, đạo lạ, tà đạo, như: Hà Mòn, Canh Tân đặc sủng, Amí Sara, Pơ Khắp Brâu, Giáo hội Tin Lành Đấng Christ Việt Nam, Giáo hội Liên hữu Lutheran Việt Nam và Hoa Kỳ, Cây Thập giá Chúa Jesu Krits, Thanh Hải Vô Thượng sư, Pháp môn Diệu âm…
Khi có mặt ở vùng đồng bào DTTS Tây Nguyên, các tổ chức tôn giáo như Tin Lành, Công giáo, Phật giáo với những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của mình đã có những tác động tích cực, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần ở Tây Nguyên. Các tổ chức tôn giáo cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội như: y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo, bảo vệ môi trường…; khôi phục không gian văn hóa truyền thống, bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào DTTS ở Tây Nguyên…
Giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của các tôn giáo
Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, các địa phương vùng Tây Nguyên luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; tập trung đẩy mạnh công tác vận động quần chúng ở vùng có đông đồng bào tôn giáo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; kịp thời thông tin, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho chức sắc, chức việc để thông qua đó tuyên truyền trong quần chúng tín đồ. Nhiều địa phương chủ động biên soạn tài liệu tuyên truyền bằng hai thứ tiếng, để phù hợp với trình độ nhận thức của đồng bào.
Chính quyền các địa phương vùng Tây Nguyên bảo đảm sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo đúng pháp luật, đúng Hiến chương và điều lệ của các tổ chức tôn giáo; giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tôn giáo. Các lễ hội tôn giáo được diễn ra bình thường; hoạt động phong chức, phong phẩm, thuyên chuyển chức sắc, tín đồ tôn giáo được giải quyết nhanh chóng; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành trong các tôn giáo được duy trì và mở rộng; việc in ấn kinh sách và xuất bản các ấn phẩm khác liên quan đến tôn giáo được thực hiện thường xuyên, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các tổ chức tôn giáo; việc xây dựng, tu bổ, sửa chữa cơ sở thờ tự tôn giáo được quan tâm giải quyết thỏa đáng theo quy định của pháp luật.
Hằng năm, các cấp chính quyền đều tổ chức các cuộc thăm, gặp mặt, đối thoại với các tổ chức, chức sắc tôn giáo để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào tôn giáo và tham mưu giải quyết những vấn đề tôn giáo phát sinh, không để xảy ra “điểm nóng” về tôn giáo.
Các cơ quan chức năng cũng chủ động ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả những hành vi vi phạm pháp luật hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo nhằm gây rối, kích động chia rẽ tôn giáo, dân tộc làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia; góp phần đảm bảo ổn định xã hội, giữ vững an ninh chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn khu vực Tây Nguyên.
Thực hiện nhất quán chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo, chống việc lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật
Tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng thời, thực hiện tốt cả hai chính sách tôn giáo và dân tộc- đó là mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như Chương trình hành động của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân vùng Tây Nguyên, chống mọi hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời chống việc lợi dụng các hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo mê tín, trục lợi, làm lệch chuẩn văn hóa, đạo đức xã hội gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng Tây Nguyên.
Nhà nước cũng sẽ quan tâm công tác bảo tồn, khôi phục, phát huy các giá trị và hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống ở vùng Tây Nguyên. Gắn kết chặt chẽ những hoạt động xây dựng đời sống văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới phù hợp với từng khu vực, từng vùng, từng dân tộc, tôn giáo.
Nhà nước cũng tiếp tục quan tâm, giải quyết nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp, chính đáng của đồng bào có đạo, tập trung giải quyết dứt điểm các tranh chấp, khiếu nại về đất đai, cơ sở thờ tự có liên quan đến tôn giáo, nhất là những vụ việc tồn đọng kéo dài; rà soát, thống kê tổng thể về tình hình quản lý, sử dụng nhà đất có liên quan đến tôn giáo; hướng dẫn kê khai, đăng ký sử dụng đất và sớm hoàn thành công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo; tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo xây dựng, cải tạo, sửa chữa cơ sở thờ tự theo đúng quy định của pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng và tạo điều kiện để các tín đồcó địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Khuyến khích, tạo điều kiện cho tôn giáo tham gia phát triển kinh tế - xã hội
Giải pháp tiếp theo là phát huy vai trò, thế mạnh, các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo ở Tây Nguyên tham gia phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; khuyến khích và tạo điều kiện cho tôn giáo tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các lĩnh vực an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; khuyến khích và tạo điều kiện cho tôn giáo hội nhập văn hóa dân tộc, khôi phục không gian văn hóa truyền thống, bảo tồn, giữ gìn giá trị văn hóa gắn với sinh hoạt tôn giáo.
Các tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác tôn giáo, dân tộc sẽ được quan tâm, củng cố, thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, trang bị, cập nhật kiến thức mới về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các vấn đề phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, dân tộc, tôn giáo,... cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo; có chế độ cho cán bộ cơ sở nhất là ở buôn làng, đồng thời phải có chính sách ưu đãi đối với cán bộ công tác ở miền núi, vùng xa xôi, hẻo lánh.
Là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng của đất nước, sự ổn định và phát triển bền vững của vùng Tây Nguyên đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước. Thực hiện tốt công tác tín ngưỡng, tôn giáo tại khu vực Tây Nguyên phải đạt được mục tiêu bảo đảm và phát huy tốt quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; thực hiện tốt đồng thời cả hai chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa sự phát triển của tôn giáo và việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các tộc người ở Tây Nguyên, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.