40 năm thống nhất đất nước với công cuộc đổi mới
VOV.VN - Đại thắng Mùa xuân 1975 đã mở ra bước ngoặt quan trọng, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới.
Sáng 27/4, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “40 năm thống nhất đất nước với công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế”.
Tại hội thảo, các học giả một lần nữa khẳng định, 40 năm đã trôi qua, nhưng những dư âm của chiến thắng vĩ đại 30/4/1975 vẫn còn vang vọng. Đại thắng Mùa xuân 1975 đã mở ra bước ngoặt quan trọng, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Có được thắng lợi đó là nhờ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là kết quả của quá trình chuẩn bị chu đáo, tích cực và chiến đấu anh dũng, sự hi sinh gian khổ của quân đội và nhân dân Việt Nam, vì mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Sau ngày giải phóng, Việt Nam đang nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh. Tuy nhiên, một trong những thách thức của vấn đề này, chính là việc khắc phục hậu của việc sử dụng chất độc màu da cam trong chiến tranh hoá học của Mỹ ở Việt Nam và vấn đề tồn đọng vật liệu bom mìn.
PGS.TS Vũ Quang Hiển, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Khối lượng lớn bom mìn chưa nổ vẫn đang đe dọa cuộc sống con người Việt Nam hàng ngày. Trên cả nước có khoảng 66.000 km2 còn tồn đọng vật liệu bom mìn. Ước tính có khoảng 600.000 tấn bom mìn đang nằm dưới mặt đất, tập trung phần lớn ở các tỉnh miền Trung. Với tiến độ như hiện nay cần 300 năm nữa mới giải quyết được vấn đề bom mìn ở Việt Nam. Vẫn còn đó những vùng đất sau 40 năm vẫn tồn dư chất độc dioxin ngoài mức cho phép đang gây tác hại đến sản xuất và đời sống của người dân”.
Theo các nhà khoa học, gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trên con đường Đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế. Từ một quốc gia nghèo, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã vượt qua để trở thành một nước thu nhập trung bình. Trong những năm thế giới lâm vào khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu thì mức tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn ổn định trên dưới 6%/năm. Đó là một con số đầy ấn tượng và Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ xóa đói giảm nghèo tốt nhất tế giới theo đánh giá của Liên Hợp Quốc.
Từ chủ trương “thêm bạn, bớt thù” đến “đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế” và tiếp đó là “mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”, Việt Nam đã từng bước phá vỡ thế bao vây cấm vận của lực lượng thù địch, hóa giải thành công những trở ngại, thách thức trên con đường phát triển để ngày càng tiến tới hội nhập sâu rộng, tích cực và toàn diện với thế giới. Bên cạnh đó, nhiều học giả cũng đề cập những khó khăn thách thức của Việt Nam trong thời kỳ xây dựng đất nước, phát triển kinh tế và tiến hành đổi mới toàn diện.
Ông Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Saint Petersburg nói: “Việt Nam đã thống nhất đất nước sau cuộc chiến tranh ác liệt và trở thành nước có chủ quyền thực sự, là thành viên của Liên Hợp Quốc có uy tín. Thực hiện cải cách kinh tế thành công, trở thành nước có thu nhập trung bình. Kết quả công cuộc đổi mới ở Việt Nam rất thành công. Tuy nhiên, có những nguy cơ, rủi ro, chính vì thế Việt Nam đang thực hiện chính sách đa dạng hóa và một trong những hướng chính là hòa nhập khu vực đó là điều rất quan trọng”.
Các học giả cũng cho rằng, đổi mới càng phát triển đòi hỏi sự tổng kết ở trình độ cao để phát triển tư duy lý luận và do đó không chấp nhận lối tư duy giản đơn, xuôi chiều và cả sự cực đoan, từ cực này sang cực khác, phức tạp hóa vấn đề, kìm hãm sự phát triển của nhận thức./.