Bài ca huyền thoại "Vạn lý Trường Sơn" không thể nào quên
Mỗi câu chuyện của các chiến sĩ Trường Sơn năm xưa đều lung linh ánh sáng của huyền thoại "Vạn lý Trường Sơn".
Nửa thế kỷ qua, Trường Sơn đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đã đi vào lịch sử như một "kỳ tích của thế kỷ XX". Đây là con đường thể hiện khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, là biểu tượng của ý chí quyết chiến, quyết thắng, của lòng dũng cảm và khí phách anh hùng và sức mạnh sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Con đường dệt từ tình yêu Tổ quốc của vạn tấm lòng
Bằng sự thôi thúc từ chính trái tim yêu Tổ quốc, yêu hoà bình, lớp lớp những người con gái, con trai đã đến với Trường Sơn, sẵn sàng dâng hiến cả tuổi xuân để "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai"…
"Được vào chiến trường để chiến đấu là khát vọng của tất cả tuổi trẻ lúc bấy giờ, mà được cầm tay lái để đưa hàng, đưa quân vào miền Nam thì lại càng phấn khởi. Địch đánh phá các trọng điểm rất ác liệt. Đầu tiên là bổ nhào, tiếp đó là rải B52, rồi thả bom từ trường, mìn vướng, thường xuyên toạ độ. Mỗi tiếng hoặc vài tiếng nó lại đến một lần, không biết lúc nào. Bom từ trường thì không một loại mà địch chỉ thường xuyên cải tiến để ta không phá được. Nhưng chúng ta vẫn phá được. Và không chỉ công binh, dân công phá, mà chính các chiến sĩ lái xe cũng phải phá bom từ trường để mà đi… Có lần xe thì chở gạo với muối, đi mấy chục cây số về đến binh trạm, bốc hàng xuống thì thấy mấy quả bom bi, bom nổ chậm vẫn ở trên xe mình. Anh em phải cẩn thận chuyển bom xuống một gốc cây ở tít đằng xa rồi ném lựu đạn cho nổ. Nhiều lái xe bị mảnh bom xiên vỡ ngực khi tay còn nắm chặt vô-lăng". Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn- nguyên Bí thư Đảng ủy Tổng cục kỹ thuật- một trong những chiến sĩ lái xe đầu tiên của bộ đội Trường Sơn xúc động kể.
Bộ đội hành quân |
Cũng chưa ở đâu, mà con người lại có sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai như ở Trường Sơn. Đại tá Nguyễn Văn Lạn, nguyên Sư đoàn trưởng sư đoàn xe 471 kể rằng ở Trường Sơn không ngày nào không có người hy sinh. Nhưng vượt lên nỗi đau nỗi mất mát, con đường dài thêm mãi, các đoàn xe cứ đi, vì một niềm tin thống nhất non sông: "Giờ nào, ngày nào, tháng nào cũng có người hy sinh, nhưng chúng tôi không hề nao núng. Cũng không ai nề hà chuyện đói, khát. Mặc dù trong khai còn gạo, không ai tơ hào một hạt của chiến trường. Tư lệnh cũng phải ăn cháo măng hàng tuần liền. Đó là ý thức của tất cả mọi người vì chiến thắng chung của chiến trường. Sư trưởng phải nhịn ăn để làm gương cho chiến sĩ".
Kỳ tích "Vạn lý Trường Sơn"
Ở Trường Sơn, hàng ngày, hàng giờ đối mặt với hiểm nguy, với sự hy sinh, nhưng tinh thần của bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và những người dân địa phương không hề nao núng. Là một thanh niên Hà Nội, nhà văn Nguyễn Việt Phương có nhiều năm sống và chiến đấu ở các binh trạm thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình. Nhiều chục năm trôi qua, người Chính uỷ Binh trạm 14, trên đường 20 Quyết thắng không thể quên kỷ niệm về một chuyến vần xăng dưới trên trọng điểm Chà Ang: "Lúc đó trên các trạm xăng không còn. Nhưng đường không thể đi được, địch đánh tắc cả đường, phải chuyển tải bằng cách vần xăng ngay dưới chân trọng điểm Chà Ang. Vần xăng từ cây số 12 vận chuyển đến cây số 16. Trong lúc vận chuyển đó thì máy bay ném bom xuống vỡ toác thùng xăng, cháy bùng, thành ra anh em đi trong suối lửa vần xăng. Họ ngay lập tức bẻ cành cây, rồi cởi cả quần áo đập túi bụi, có người ôm lấy thùng xăng. Vần được 30 phi xăng lên phía trước thì 29 anh em không bao giờ dậy nữa..."
Hơn 20.000 bộ đội, thanh niên xung phong đã ngã xuống để giữ cho con đường Trường Sơn huyết mạch thông suốt. 32.000 người bị thương, hàng ngàn người khác phải chịu ảnh hưởng lâu dài của chất độc da cam/dioxin. Chính ở nơi gian khổ, hiểm nguy, cận kề với cái chết, con người lại luôn luôn lạc quan và sống những phút giây đẹp nhất. Ở Trường Sơn, con người dành cho nhau tình thương vô bờ: yêu thương nhau, nhường cơm, xẻ áo, điếu thuốc bẻ đôi…
Đó là tình cảm đùm bọc của đồng bào địa phương với bộ đội, dân công, thanh niên xung phong. Đồng bào sẵn sàng ăn cơm cõng sắn, cõng rau, bớt cả khẩu phần ăn của người già, trẻ em, bớt từng củ khoai, củ sắn, miếng đường cho bộ đội; sẵn sàng dỡ nhà, phá cửa kê đường cho xe đi qua. Chính vì thế, theo nhà văn Nguyễn Việt Phương, trên thế giới đã từng có 500 nghìn cuộc chiến tranh. Mỗi một cuộc chiến tranh có một con đường. Mỗi con đường có tầm vóc riêng của nó, nhưng đường Trường Sơn là đường của chiến lược tiến công. Chúng ta có thể tự hào về "Vạn lý Trường Sơn" - con đường trở thành một huyền thoại, một kỳ tích.
Đại tá Trần Tiến Hoạt ở Viện Lịch sử quân sự Việt Nam khẳng định: "Đường Trường Sơn là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng các mạng Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là con đường khát vọng độc lập, thống nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam và toàn dân tộc chúng ta từ mấy nghìn năm hun đúc lại. Trí tuệ của con người Việt Nam, khát vọng của con người Việt Nam là khát vọng độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, cho nên chúng ta đã tập trung rất lớn sức người, sức của để mở con đường vào các chiến trường, đưa các các lực chủ lực vào kháng chiến, thực hiện khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc của toàn dân ta".
Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày mở đường Trường Sơn và đã 34 năm kể từ ngày đất nước thống nhất. Con đường huyền thoại Trường Sơn với những chiến công chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đi vào lịch sử và ghi những dấu ấn không thể phai mờ trong ký ức các thế hệ người Việt Nam. Trường Sơn- bài ca huyền thoại không thể nào quên…/.