Bước tiếp con đường huyền thoại
Một trong những chiến công lớn nhất của bộ đội Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là xẻ dọc Trường Sơn thành con đường chi viện chiến lược, với 16.700km đường cho xe cơ giới, hơn 3.000km đường bộ giao liên, gần 1.500km đường ống dẫn xăng dầu…
Kế tục truyền thống vẻ vang đó, Binh đoàn 12 – Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đã mở tiếp hàng nghìn km đường mới, xây dựng hàng trăm cây cầu, trở thành nhà thầu xây dựng cầu đường lớn của Việt Nam. Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung, Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết:
Sau 30/4/1975, bộ đội đường Trường Sơn - Đoàn 559 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của tuyến chi viện chiến lược và được giải thể. Đối với bộ đội đường Trường Sơn - Đoàn 559, Bộ Quốc phòng có chủ trương thành lập các đơn vị xây dựng kinh tế và tháng 6/1975, Binh đoàn 12 đã được thành lập trên cơ sở lực lượng này. Từ đó, Binh đoàn 12 gắn liền với truyền thống bộ đội Trường Sơn - Đoàn 559. Nhiệm vụ đầu tiên của Binh đoàn 12 lúc đó là xây dựng lại đường Trường Sơn - con đường chiến lược phục vụ chiến tranh, thành con đường xóa đói giảm nghèo phát triển kinh tế đất nước. Sau 14 năm hoạt động với tên gọi Binh đoàn 12, đầu năm 1989, theo quyết định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn được thành lập trên cơ sở tổ chức biên chế và các lực lượng của Binh đoàn 12, là doanh nghiệp kinh tế - quốc phòng, tự hạch toán, tự trang trải. Từ đây, đơn vị có 2 phiên hiệu: Binh đoàn 12 (sử dụng trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng); Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (sử dụng trong giao dịch kinh tế). Hiện nay, trong thời bình, Bộ Quốc phòng giao cho Binh đoàn 12 là đơn vị dự bị về mặt chiến lược còn chủ yếu là hoạt động về mặt doanh nghiệp.
* Được biết, ông chính là người trực tiếp chỉ đạo thi công đoạn đường lớn nhất của tuyến đường Hồ Chí Minh, tức là phía nhánh Tây Quảng Bình, dài 137km, qua địa hình hiểm trở mà trong đó có đèo U Bò nổi tiếng. Đó có là nhiệm vụ khó đối với ông?
- Đúng vậy. Đoạn đường này lúc bấy giờ là công trình trọng điểm Nhà nước, địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, khó khăn. Trong khi đó, công nghệ làm đường bây giờ không phải công nghệ như trước nữa mà đòi hỏi phải ứng dụng khoa học công nghệ, đạt hiệu quả, chất lượng và tiến độ phải nhanh. Song, chúng tôi nghĩ đó chính là trách nhiệm của những thế hệ sau đối với những người đã khuất. Làm tốt đường Hồ Chí Minh chính là sự tri ân của chúng ta đối với những anh hùng liệt sỹ đã nằm lại trên tuyến đường này những năm đánh Mỹ, sự tri ân trước hết đối với đồng bào vùng sâu vùng xa, mà đặc biệt là ở dãy núi miền Tây của tỉnh Quảng Bình. Có đường là có điện, rồi thì có tivi, có sóng phát thanh truyền hình… Nói tóm lại, đó là con đường tri ân nhưng cũng là con đường xóa đói giảm nghèo. Do nhận thức được điều đó nên những người lính Trường Sơn đã quyết tâm làm bằng được và làm vượt tiến độ. Vì vậy, sau nghiệm thu, tuyến Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đoạn Tây Quảng Bình do Tổng Công ty đảm nhiệm được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.
* Hiện nay, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đang triển khai những dự án trọng điểm lớn nào?
- Tổng Công ty đang thực hiện một số công trình trọng điểm của Nhà nước. Trước đây, ngành nghề truyền thống của chúng tôi chủ yếu mảng sâu nhất là giao thông, cầu đường, thủy lợi. Nhưng từ 2004 trở lại đây, Binh đoàn 12 – Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn mở rộng và tham gia lĩnh vực thủy điện. Hiện nay, chúng tôi đang tham gia xây dựng 5 nhà máy thủy điện: Phía Bắc có nhà máy thủy điện Sơn La và thủy điện bản Chát ở Lai Châu; Còn ở Tây Nguyên có 3 nhà máy thủy điện: Buôn Cốp (vừa rồi bắt đầu đóng máy tổ máy số 1), Buôn Tua Shar (dự kiến cuối năm nay sẽ phát tổ máy số 1) và Sekrongpa. Trong 5 công trình này có thủy điện Sekrongpa được Chính phủ và Nhà nước giao cho chúng tôi làm tổng thầu xây lắp. Đây là công trình trọng điểm có khối lượng lớn nhất, yêu cầu kĩ thuật khắt khe. Bước sang lĩnh vực thủy điện, chúng tôi cũng đã khẳng định được thương hiệu của Trường Sơn. Thực tế cho thấy, các công trình trọng điểm mà chúng tôi làm được các chủ đầu tư đánh giá rất cao.
* Được biết, 5 tập thể của Tổng Công ty Trường Sơn đã được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 3 tập thể và 3 cá nhân được nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kì đổi mới. Binh đoàn được tặng thưởng nhiều Huân, huy chương cao quý. Cá nhân người lãnh đạo của Tổng Công ty cũng đạt được nhiều danh hiệu, giải thưởng. Hành trình để đạt được những danh hiệu đó có đòi hỏi bản lĩnh của những người lính Trường Sơn năm xưa, thưa thiếu tướng?
Có đấy. Chúng tôi luôn trăn trở làm thế nào để bộ đội Trường Sơn tiếp tục phát huy và khẳng định được mình trong thời đại này. Thời đại này là thời đại xây dựng kinh tế, phải chấp nhận cạnh tranh. Mà muốn chiến thắng trong cạnh tranh phải đạt được 3 yếu tố: vốn, trình độ về khoa học công nghệ, quản lý, thì mới thắng được. Tôi vẫn nói với anh em rằng, phải liên tục đổi mới và đừng có nghĩ đổi mới như thế là đủ rồi. Phải tiếp tục đổi mới những cái cũ, đổi mới cái cần đổi mới trước.
* Là đơn vị kế tục truyền thống của Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn năm xưa, hiện công tác giải quyết các vấn đề tồn đọng về chính sách của các cựu chiến binh có được Binh đoàn tiếp tục thực hiện?
- Lâu nay, bộ đội Trường Sơn chúng tôi phải tự hạch toán, tự trang trải, tự lo tất cả cuộc sống cho mình. Nhưng tôi vẫn động viên anh em: Đây là mặt trận thầm lặng mà chúng ta vẫn phải làm. Đó là việc thực hiện chính sách cho những cựu chiến binh, bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong và cả dân công hỏa tuyến nữa. Họ đã tham gia chiến đấu bảo vệ đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, bây giờ họ về quê hương. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, họ phải được hưởng chế độ thương binh, liệt sĩ, chất độc da cam, nhưng để có các giấy tờ chứng nhận thì họ biết tìm về đâu? Đã là bộ đội Trường Sơn thì người ta chỉ về Binh đoàn 12 thôi. Và Binh đoàn 12 là người thay mặt cho quân đội để giải quyết. Cho đến nay, chúng tôi đã giải quyết hàng chục ngàn trường hợp.
* Xin cảm ơn Thiếu tướng!./.