Đường Trường Sơn trong văn học-nghệ thuật

Nửa thế kỷ qua, Trường Sơn đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và cũng là nguồn đề tài vô tận cho văn học- nghệ thuật.  

Đường Trường Sơn - như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng viết trong sổ vàng Bộ đội Trường Sơn là "một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm và khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liên Nam-Bắc, là con đường đoàn kết các dân tộc của 3 nước Đông Dương".

Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cũng nhiều lần khẳng định: Đường Trường Sơn là "Kỳ công, kỳ tích, kỳ quan của ý chí nghị lực và tinh thần sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam".

Với xúc cảm thẩm mỹ và tài năng sáng tạo, các văn nghệ sĩ thông qua những tác phẩm "sống mãi với thời gian" đã góp phần làm tôn vinh sự vĩ đại của con đường Trường Sơn huyền thoại.

Chiến công chói lọi trong lịch sử dân tộc

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một nhân tố chiến lược có vai trò quyết định đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Đường Trường Sơn- con đường huyền thoại

Bộ đội hành quân trên đường Trường Sơn phải vượt qua chặng đường dài trên 1.500 km. Đế quốc Mỹ đã làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn con đường mòn "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" mang tên Hồ Chí Minh của dân tộc Việt Nam. Trong 15 năm (1959-1975), Trường Sơn đã phải chịu hơn 4 triệu tấn bom đạn, nhiều hơn cả số bom đạn dùng trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Chính vì thế, đường Trường Sơn còn được những người lính gọi là “tuyến lửa”. Nhưng kẻ thù đã phải chịu bất lực trước ý chí của dân tộc Việt Nam. Con đường hướng về phía Nam để thống nhất đất nước cứ rộng dài thêm mãi, không thế lực nào có thể ngăn nổi. Đến ngày 30/4/1975, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã tồn tại gần 6.000 ngày đêm.

Các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn gồm khoảng 120.000 người đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường, với tổng chiều dài đường bộ gần 17.000 km, đường giao liên dài 3.000 km; 1.400 km đường ống dẫn xǎng dầu và hàng ngàn cầu, cống, ngầm. Đây thực sự là một hệ thống vĩ đại. Con đường này đã chi viện cho các chiến trường 1,5 triệu hàng hoá, 5,5 triệu tấn xăng dầu và là đường hành quân của hơn 2 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ.

Đường Trường Sơn cũng là biểu hiện cao đẹp của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt cùng chống kẻ thù chung và đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân 3 nước Việt Nam – Lào - Campuchia và bạn bè quốc tế.

Hơn 20 nghìn bộ đội, thanh niên xung phong đã ngã xuống để giữ cho con đường huyết mạch này thông suốt. 32.000 người bị thương, hàng chục ngàn người khác phải chịu ảnh hưởng lâu dài của chất độc da cam/dioxin. Nhưng chính ở nơi gian khổ, hiểm nguy nhưng cũng đầy lãng mạn, đầy chất thơ như Trường Sơn, con người sống những phút giây đẹp nhất, như nhà thơ Tố Hữu viết: "Trường Sơn Đông nắng Tây mưa, Ai chưa đến đó như chưa rõ mình".

Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình

Đó là     một câu trong bài hát "Bước chân trên dải Trường Sơn", nhạc Vũ Trọng Hối, lời Đăng Thục. Đến với Trường Sơn, đó là sự thôi thúc từ chính trái tim của mỗi cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong và của đông đảo các thế hệ văn nghệ sĩ. Họ sẵn sàng dâng hiến cả tuổi xuân để "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai"…

Đội ngũ văn nghệ sĩ đã vượt qua gian khổ, hy sinh, lấy nguồn cảm hứng sáng tạo từ trong khói lửa chiến tranh, từ cuộc sống chiến đấu và lao động quên mình của bộ đội và thanh niên xung phong ở Trường Sơn, tạo nên những tác phẩm lay động tâm hồn nhiều thế hệ Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ đã ngã xuống khi trên tay đang cầm chặt máy ảnh, máy quay phim, trong sổ tay còn nhiều bài thơ, truyện ngắn đang viết dở…

Bộ đội hành quân trên đường Trường Sơn

Trong binh chủng hùng hậu của các loại hình văn học-nghệ thuật, các ca khúc như những người lính xung kích đi đầu và có tác động nhanh, mạnh, tạo nên sức mạnh to lớn, át tiếng bom thù, khích lệ, động viên tinh thần của toàn quân, toàn dân, vững lòng hướng tới ngày thống nhất. Với các giai điệu lúc rạo rực, hào hùng, lúc sâu lắng, trữ tình, những bài hát về Trường Sơn được thể hiện với nhiều sắc độ vô cùng phong phú. Rất nhiều tác phẩm đã trở thành những bài ca "sống mãi với thời gian".

Và còn đó, cả một khối lượng đồ sộ các tác phẩm văn học - nghệ thuật viết về Trường Sơn, với đủ loại: văn, thơ, nhạc, hoạ, sân khấu, điện ảnh. Những tác phẩm này đóng góp vào thành tựu rực rỡ của văn học - nghệ thuật thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Vượt năm tháng, sau 34 năm thống nhất đất nước, Trường Sơn vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ và chắc chắn vẫn sẽ là đề tài để các thế hệ mai sau tìm tòi, sáng tạo.

Các tác phẩm văn học - nghệ thuật xuất sắc về đề tài đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là tài sản văn hóa quí giá của dân tộc, cần được gìn giữ và trao truyền cho các thế hệ mai sau./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên