Người vẽ bản đồ đường Trường Sơn

Người cựu chiến binh Trường Sơn năm xưa nay trở thành chủ doanh nghiệp giỏi, tạo việc làm cho hàng trăm con em cựu chiến binh Việt Nam và nước bạn Lào

Đường Trường Sơn năm xưa- đường Hồ Chí Minh hôm nay, còn lưu giữ muôn vàn dấu ấn một thời oanh liệt, hào hùng của dân tộc. Chính trên con đường huyền thoại này, có một người 10 năm âm thầm vẽ bản đồ hệ thống đường Trường Sơn, góp phần vào chiến thắng mùa xuân năm 1975 của dân tộc. Hiện nay, ông cũng là người làm kinh tế giỏi, tạo việc làm cho hàng trăm con em cựu chiến binh Việt Nam và nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào. Ông là Nguyễn Lương Cảnh, cựu chiến binh Trường Sơn, nay sống tại tiểu khu 9, phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Từ một chiến sĩ vẽ bản đồ Trường Sơn

Năm 1965, cũng như bao chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi của đất lửa Quảng Bình, chàng thanh niên Nguyễn Lương Cảnh xung phong vào bộ đội, tham gia vận tải hàng hóa, sửa đường Trường Sơn, đoạn qua làng Ho, huyện Lệ Thuỷ, từ Phong Nha lên giới Việt - Lào. Chiến tranh khốc liệt, bom đạn rải như mưa. Thương cảm bao đồng đội ngã xuống, ông xin cấp trên cho mình được đảm nhận thêm nhiệm vụ khắc bia mộ cho đồng đội đã hi sinh. Ngày ngày, sau khi hoàn thành nhiệm vụ thông đường, Nguyễn Lương Cảnh lại lặn lội vào rừng, đến từng khe suối tìm những phiến đá đẹp để khắc bia.

Ông kể: "Tấm bia đầu tiên là đồng chí Lê Văn Dị, Đội trưởng Đội cầu 4 Quảng Bình. Tấm bia thứ 200 là của một nữ chiến sĩ văn công, hi sinh khi biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội và thanh niên xung phong". Trong câu chuyện của mình, ông Cảnh luôn nhắc đến những địa danh như Cua chữ A, Đèo Pu – La – Nhích, ngầm Ta – Lê, hay 7 khu mộ liệt sĩ mà ông khắc bia trên tuyến đường 20 Quyết Thắng.

Cuối năm 1966, Nguyễn Lương Cảnh được điều về nhận nhiệm vụ mới, vẽ bản đồ hệ thống đường Trường Sơn tại Phòng tác chiến Bộ tham mưu Đoàn 559. Nhiệm vụ mới đòi hỏi sự tuyệt mật, chính xác, tỉ mẫn và thủ trưởng trực tiếp là Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên.

Ông Nguyễn Lương Cảnh kể: “Trong những ngày tham gia vẽ bản đồ, nhiệm vụ của tôi chủ yếu là bám sát chỉ huy sở, phục vụ những bản đồ treo tại Sở chỉ huy về bố trí tất cả lực lượng của 559, các mũi tiến quân, các kế hoạch đánh, giữ và phòng thủ của 559. Nhiệm vụ thứ hai là khi có những chiến dịch mở ra như chiến dịch đường 9 Nam Lào, chiến dịch của Tây Nguyên – Ban Mê Thuộc, thì chúng tôi có nhiệm vụ cung cấp các bản đồ cho các đơn vị chiến đấu tại chỗ, phóng to những địa điểm cần thiết. Ngoài nhiệm vụ phục vụ bản đồ cho 559 thì chúng tôi còn cấp phát bản đồ cho những đơn vị chủ lực. Những bản đồ đó chúng tôi đã vẽ sẵn đường cho họ hành quân”.

Hồi ấy, ông Cảnh không được tiếp xúc với ai ngoài chỉ huy trực tiếp, ngay cả gia đình, người thân cũng không được phép biết về nhiệm vụ tối mật đó. Một mình, lặng lẽ, kiên trì và chính xác trong vòng 10 năm ông Nguyễn Lương Cảnh vẽ toàn hệ thống đường Trường Sơn với 216 tuyến, tổng chiều dài trên 20.000 km, đi qua 3 nước Việt Nam- Lào – Campuchia.

Ông Nguyễn Lương Cảnh nhớ lại: “Sau khi chiến dịch Mậu Thân 1968 khoảng tháng 10 tôi nhận được nhiệm vụ vẽ toàn bộ lực lượng 559 trên bản đồ để thủ trưởng đi báo cáo. Tôi thu thập tài liệu trong vòng 2 tháng về các sư đoàn, trung đoàn trực thuộc, hệ thống kho tàng, cao xạ, thông tin, công binh, đường ống và đường sông và các bãi đỗ hàng của máy bay khi khẩn cấp, tôi vẽ lên bản đồ, mang lên để Tư lệnh xem. Thủ trưởng nhìn bản đồ khoảng 30 phút, và ông nói: “Chú cố gắng về làm lại. Trong chiến tranh, không ai học được chữ “ngờ” đâu. Nếu như, bản đồ này mà rơi vào tay kẻ thù, kẻ địch và biệt kích thì sự nghiệp giải phóng miền Nam sẽ không còn ý nghĩa gì nữa!”

Khi nhắc về người chiến sĩ vẽ bản hệ thống đường Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh đoàn 559 bộ đội Trường Sơn nói: “Ngày xưa chủ yếu làm việc trên bản đồ. Đi đâu cũng có một chú phụ trách đồ bản. Người đó là cậu Lương Cảnh. Cậu là một người dũngcảm, ngoan cường, cần cù, chăm chỉ, trung thực. Cậu rất hiểu ý đồ và làm việc rất chu đáo”.

Đến chủ doanh nghiệp giàu tình nghĩa

Sau này, đất nước thống nhất, Nguyễn Lương Cảnh được điều về phụ trách kinh tế của Đoàn 559. Đến năm 1984, ông ra quân và trở về quê hương. Hai vợ chồng xuôi ngược làm đủ nghề để kiếm sống, nuôi 2 con nhỏ cùng cha mẹ già. Có ít vốn tích góp được vợ chồng ông quyết định đầu tư vào nghề mới, mở cửa hàng nhôm kính đầu tiên ở tỉnh Quảng Bình. Đến năm 2001, với số vốn 700 triệu đồng, cựu chiến binh Nguyễn Lương Cảnh thành lập Công ty TNHH nhôm kính Hải Quân, tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương. Năm sau, ông quyết định mở rộng sản xuất và ưu tiên nhận con em của cựu chiến binh vào làm việc.

Đến nay, doanh nghiệp của ông đã có số vốn lên trên 6 tỷ đồng, mở thêm nhiều ngành nghề như vận tải, du lịch. Ông trở thành tấm gương cựu chiến binh làm kinh tế giỏi khen tặng nhiều lần tại các Đại hội cựu chiến binh làm kinh tế giỏi toàn quốc. Ngoài ra, ông còn trực tiếp đào tạo nghề miễn phí cho gần 200 con em của cựu chiến binh.

Em Đinh Minh Giang, ở xã Minh Hoá, huyện miền núi Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình kể: “Sau thời gian học nghề một năm thì bác Cảnh nhận em vào làm. Em cảm ơn Bác Cảnh và công ty Hải Quân đã đào tạo em thành thợ lành nghề. Em sẽ cố gắng làm giỏi để giúp đỡ cho gia đình, bố mẹ”.

Không chỉ tạo việc làm cho con em cựu chiến binh trong nước, cựu chiến binh Nguyễn Lương Cảnh còn đào tạo nghề miễn phí cho 15 em là con của các cựu chiến binh tỉnh Khăm Muộn, Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. Ông Cảnh cho biết, mình đã có kế hoạch từ nay đến năm 2010 sẽ đầu tư khoảng 700 triệu đồng để đào tạo nghề nhôm kính miễn phí cho 100 con em là cựu chiến binh Lào.

Ông Lương Tiến Đại, Chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình nói: “Trước đây, trong chiến tranh, chúng tôi cùng đồng cam cộng khổ, quân đội của 2 nước đã cùng kề vai, sát cánh, cùng một chiến hào, cùng chia ngọt, sẻ bùi… Bây giờ trong hoà bình thì chúng tôi cùng nhau phát triển để xoá hết nghèo của cựu chiến binh 2 tỉnh”.

Cả nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn lịch sử, nhiều nhà báo, nhiều cựu chiến binh, cùng nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đã tìm đến với cựu chiến binh Nguyễn Lương Cảnh, để biết thêm về người lính vẽ bản đồ đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh lịch sử trong chiến tranh, biết thêm về một doanh nhân thành đạt làm nhiều việc có nghĩa cho con em cựu chiến binh. Và tất thảy đều tìm thấy ở ông, một con người quả cảm, hết lòng vì nhiệm vụ đất nước giao cho, tận tụy với công việc đời thường, tri ân với quá khứ bằng những việc làm giàu tình nhân ái, giàu ý nghĩa trong cuộc sống ngày hôm nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên