Phong Nha - Xuân Sơn: Nơi chiến tranh đã đi qua
Ngoài Phong Nha, Quảng Bình còn có Đường Trường Sơn – tuyến đường đi vào huyền thoại của lịch sử dân tộc trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng.
Bến phà Xuân Sơn nằm ở Sông Son thuộc địa phận xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch là một trong những di tích quan trọng và tiêu biểu thuộc hệ thống di tích đường Trường Sơn trên đất Quảng Bình.
Trước đây, bến Xuân Sơn chỉ là một bến đò ngang phục vụ nhân dân qua lại trên sông. Cùng với sự ra đời của đường 20 Quyết Thắng là việc khai sinh ra bến phà. Bến phà Xuân Sơn có nhiệm vụ đưa người, xe sang sông, bảo đảm cho các hướng chi viện từ đường 12 và đường 15 cùng vượt khẩu với đường 20 Quyết Thắng.
Trong thời kỳ đầu đơn vị sử dụng phà 18 tấn của Công ty giao thông Quảng Bình chuyển sang với nhiệm vụ chủ yếu là kéo phà bằng tay thông hai bến Xuân Sơn – Phong Nha. Lực lượng tham gia xây dựng và bảo vệ bến phà lúc này do Công ty giao thông vận tải Quảng Bình quản lý. Đến ngày 10/7/1966, Đại đội cầu phà Xuân Sơn được thành lập lúc đầu chỉ có 30 người nhưng về sau tăng lên 150 người lấy phiên hiệu C16 Cầu phà, thuộc Binh trạm 14 phụ trách. Để phục vụ kịp thời cho chiến trường miền Nam, bến phà B ra đời (còn gọi là bến phà Nguyễn Văn Trỗi – cách bến phà A – phà Xuân Sơn về phía thượng nguồn sông Son 4 km và cách cửa động Phong Nha khoảng 800m) phối hợp cùng bến phà A đưa người đưa xe sang sông. Đồng thời, lúc này phương tiện vận chuyển cũng được tăng cường như phà, canô và đặc biệt là phao để gắn cầu.
Trong thời kỳ này, địch đã đánh hơi được nơi vận chuyển phương tiện, khí tài của ta nên chúng cho máy bay đánh phá ác liệt hai bờ Nam Bắc Xuân Sơn. Dưới làn bom đạn của kẻ thù, các chiến sĩ của Đại đội cầu phà không hề run sợ mà lại càng thêm nung nấu quyết tâm đánh Mỹ. Nhằm hạn chế thiệt hại do sự oanh tạc của kẻ thù, bộ đội ta đã mưu trí chọn động Phong Nha làm nơi cất giấu cầu phà, canô cũng như các khí tài khác. Nghị quyết đơn vị lúc này đưa ra là: “Động là nhà, bến phà là trận địa”. Mỗi ngày vào khoảng 17 giờ, những chiếc phà, ca nô từ động Phong Nha trở lại hai bến phà làm nhiệm vụ vận chuyển tiếp tế đôi bờ. Rạng sáng những chiếc phà, ca nô, cầu phao lại được tháo ra để kéo vào giấu tại động Phong Nha. Như vậy, động Phong Nha đệ nhất kỳ quan đã một thời được bộ đội Trường Sơn xem như tấm lòng của người Mẹ bao la, che chở bảo vệ cho họ; họ đã coi khinh cả những “thần sấm”, “con ma” của kẻ thù từ bầu trời phun ra những chất đầy hủy diệt.
Chiến tranh ngày càng ác liệt, khả năng chi viện cho chiến trường ngày càng lớn. Cùng với sự hoạt động của hai bến phà A và B, Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết định bắc cầu phao trên bến Xuân Sơn (năm 1966). Ngay đêm đầu tiên bắc xong cầu đã có đến 1.200 lượt xe vượt sông và đêm thứ hai lượng xe lên đến 2.000 chiếc. Những chuyến xe vào miền Nam chủ yếu là chở gạo, xăng và nhiều quân trạng, quân dụng khác.
Càng thua đau ở chiến trường miền Nam, địch lại càng đánh phá ác liệt với mức độ oanh tạc ráo riết hơn trước. Ban ngày, các loại máy bay L19 trinh thám, chụp ảnh quan sát dọc bờ sông. Ban đêm, máy bay C130 thả đèn dù, pháo sáng suốt đêm nhằm tìm mục tiêu đánh phá. Phong Nha – Xuân Sơn được coi là túi đựng bom của không lực Hoa Kỳ. Tất cả các loại máy bay với các loại bom mà Mỹ bắn phá miền Bắc đều được oanh tạc ở đây. Các loại thủy lôi, bom từ trường… thả kín trên dòng sông Son bé nhỏ và thơ mộng.
Từ những năm 1968, mức độ đánh phá của Mỹ càng dữ dội và khốc liệt hơn. Người ta tính mỗi ngày có từ 12 đến 16 tốp máy bay đến bắn phá liên tục từ ngày này sang ngày khác, tuần này sang tuần khác. Trên đoạn sông Son từ bến Xuân Sơn vào Cửa động Phong Nha chưa đầy 5 km nhưng có lúc địch thả 60 đến 80 quả bom, dày đặc trên sông. Hai bên bến phà bị bắn phá tan hoang, cỏ cây xơ xác. Tuyến đường 15 và 20 thì dày kín hố bom. Địch dùng rocket bắn vào Phong Nha hòng đánh sập hang động, phá hủy và làm hỏng nhiều phà, bắn cháy nhiều ca nô, hang hoá khi qua song, ở bãi hàng phía Nam và đặc biệt là nhiều cán bộ, chiến sĩ, nhân viên điều khiển của ta đã anh dũng hy sinh.
Với khí phách của một dân tộc anh hùng, các chiến sĩ bộ đội Trường Sơn càng nêu cao quyết tâm đánh giặc. Với khẩu hiệu: “Tất cả vì miền Nam”, “Địch thả - ta phá đi”, “Xăng vào miền Nam như máu”… Cán bộ chiến sĩ đơn vị phà Xuân Sơn đã chiến đấu anh dũng, quyết tâm đưa xe thông bến. Các chiến sĩ, nhân viên bến phà đã biết kết hợp với dân quân địa phương, thanh niên xung phong và các lực lượng bộ đội chiến đấu ngoan cường để giao thông thông suốt.
Trên mặt trận sông nước đầy ác liệt, ban chỉ huy bến phà đã chủ động sáng tạo phân chia chiến sĩ thành nhiều tổ: tổ rà pháo, mở bom mìn, tổ vận chuyển phà và tổ quan sát chiến đấu. Lúc này, để hạn chế sự đánh phá của địch, bộ đội chiến sĩ ta có nhiều sáng kiến như dùng nam châm buộc dưới đáy những thùng phuy để cho ca nô, phà kéo đi rà phá bom từ trường. Có chiến sĩ đã dũng cảm ôm mìn lặn xuống sông buộc vào những quả bom chưa nổ để phá. Giữa năm 1968, khi cầu phao đã đánh chìm ở giữa thì tất cả đơn vị, không ai bảo đều lao mình xuống phà, kéo phà làm điểm cầu phao dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù để cho xe thông chuyến.
Các anh Trần Vân, Đại đội phó bến phà đã hy sinh anh dũng khi đang chỉ huy vượt sông, anh Trần Văn Tưởng bị thương ở bụng vẫn lái ca nô cập bến phà an toàn. Anh Phan Thanh Chạy khi phá bom từ trường đã anh dũng hy sinh. Không một hình ảnh nào đẹp hơn khi các anh Hồ Đăng Rích, Lê Đức Tín, Võ Thế Chơn… đã tình nguyện đi phá bom từ trường, trước khi đi đơn vị làm lễ truy điệu sống. Bao nhiêu mồ hôi và máu của chiến sĩ, nhân viên bến phà, thanh niên xung phong đã đổ xuống nơi đây đã lập nên những chiến công thầm lặng cho đoàn xe được nối tiếp đôi bờ, đảm bảo cho sự chi viện miền Nam với một ước mơ – một hoài vọng thiêng liêng: Thống nhất Tổ Quốc.
Hôm nay, đất nước đã thanh bình, trong nhiều du khách đến thăm động Phong Nha – có những người đã từng sống và chiến đấu ở bến phà Xuân Sơn. Bên Tượng Đài Chiến Thắng, những người lính năm xưa nay tóc đã bạc màu, nghiêng mình kỷ niệm về một thời kỳ chiến đấu hào hùng, vẻ vang của các chiến sĩ Trường Sơn đầy gian khổ hiểm nguy nhưng cũng đầy hiên ngang bất khuất./.