Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và con đường huyền thoại

Trong câu chuyện của mình, ông nhấn mạnh quyết định của lãnh đạo Đảng xây dựng con đường chi viện từ miền Bắc vào miền Nam là bước chuyển đổi có tính chất sáng tạo và dũng cảm, quyết định thắng lợi của cả dân tộc

Sáng nay (7/5), Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị tư lệnh bộ đội Trường Sơn đã đến nói chuyện với phóng viên, biên tập viên của Đài TNVN về sự ra đời và ý nghĩa lịch sử của con đường huyền thoại mang tên Trường Sơn.

Trong câu chuyện của mình, ông nhấn mạnh quyết định của lãnh đạo Đảng chuyển từ phương châm lấy phòng tránh là chính, hay phòng ngừa thụ động sang phương châm phòng tránh chủ động, lấy tấn công là chính, đồng thời tổ chức con đường chi viện từ miền Bắc vào miền Nam thành một chiến trường chiến đấu mạnh mẽ bao gồm cả công binh, bộ binh, phòng không, giao liên, thông tin và đặc biệt là vận tải được xem là bước chuyển đổi có tính chất sáng tạo nhất, mới nhất và dũng cảm nhất quyết định thắng lợi của cả dân tộc. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên dẫn chứng bằng câu nói thừa nhận thất bại của người Mỹ rằng họ không thể đánh thắng được chiến thắng miền Nam vì một lý do quan trọng nhất - đó là không chặn được con đường chi viện của miền Bắc cho miền Nam.

Một yếu tố làm cho câu chuyện của Trung tướng trở nên hấp dẫn và thú vị đối với các phóng viên, biên tập viên của Đài TNVN đó là sự thẳng thắn, dám làm dám nhận trách nhiệm của một vị tư lệnh quân đội. Trong một chuyến thị sát để tìm hiểu về kết quả của công tác vận tải chi viện khi con đường cơ giới đã được mở, tình cờ nghe được câu chuyện của một người lái xe về công việc san đường của bộ đội ta sau mỗi lần địch bắn phá và khẩu hiệu “Địch cứ đánh, ta cứ sửa” không biết xuất hiện từ đâu, ông giật mình nhận ra khuyết điểm của những người chỉ huy không thể chủ quan coi thường tính mạng người chiến sĩ. Sau chuyến đi này, ông đề nghị bỏ khẩu hiệu “Địch cứ đánh, ta cứ sửa” mà theo cách nói của ông là thiếu kiến thức để chuyển sang khẩu hiệu “Địch cứ đánh, ta cứ đi”, mở một con đường nghi binh nhử địch bắn phá, đồng thời mở một con đường khác cho bộ đội ta đi.

Để có được con đường Trường Sơn, trước đó có tên gọi là đường dây 559, ngoài phương châm đúng đắn của lãnh đạo Đảng còn phải kể đến sự ủng hộ, đoàn kết của các nước bạn Lào, Campuchia. Sự đồng thuận ấy đã cho phép bộ đội ta mở con đường vận tải cơ giới trên đất hạ Lào. Sự hỗ trợ của các nước bạn được xem như một sự giúp đỡ vô cùng quý giá. Sau này, khi phân tích về ý nghĩa của Chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh - tên gọi chính xác nhất của đường Trường Sơn, nhiều ý kiến cho rằng cần làm sáng tỏ thêm sự đoàn kết, hợp đồng chiến đấu giữa 3 nước Đông Dương: Việt Nam, Lào, Campuchia, cũng như làm rõ vai trò của tuyến đường này đối với thành công của cách mạng 3 nước Đông Dương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên