60 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - CHDCND Triều Tiên

CHDCND Triều Tiên là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 31/1/1950).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Lao động Triều Tiên, với nỗ lực chung của nhân dân hai nước, quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành xây dựng đã vượt qua nhiều thử thách, không ngừng củng cố và phát triển. Chính phủ và nhân dân hai nước đã và đang dành cho nhau sự ủng hộ cả về vật chất và tinh thần trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Trên lĩnh vực chính trị, hai nước thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và các cấp. Chuyến thăm chính thức CHDCND Triều Tiên từ 08-12/7/1957 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chuyến thăm chính thức Việt Nam từ 27/11-3/12/1958 của Thủ tướng Kim Nhật Thành đã đặt những viên gạch đầu tiên cho sự phát triển của quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước.

Kế thừa nền tảng do hai vị lãnh đạo tiền bối xây dựng, lãnh đạo hai nước ở các cấp tiếp tục duy trì thăm viếng lẫn nhau. Sau chuyến thăm CHDCND Triều Tiên của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tháng 5/2002 và đặc biệt là chuyến thăm CHDCND Triều Tiên của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Tổng Bí thư Kim Châng In tháng 10/2007, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã được củng cố và có bước phát triển mới.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trong chuyến thăm
CHDCND Triều Tiên tháng 10/2007


Tháng 5/2008, Bộ Ngoại giao hai nước Việt Nam - CHDCND thỏa thuận thiết lập cơ chế tham khảo chính trị thường niên cấp Thứ trưởng để thường xuyên trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt và đã tổ chức được hai cuộc họp tại Bình Nhưỡng năm 2008 và Hà Nội năm 2009.

Quan hệ kinh tế hai nước gần đây có những bước tiến mới. Tháng 9/2000, hai nước thiết lập cơ chế Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam – CHDCND Triều Tiên để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước. Kỳ họp lần thứ 7 tổ chức vào tháng 4/2009 tại Hà Nội đã trao đổi nhiều biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế song phương.

Qua nhiều năm, hai nước đã ký nhiều hiệp định quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác song phương như Hiệp định hợp tác khoa học kỹ thuật (10/1958), Hiệp định thương mại và hàng hải (12/1962), Hiệp định hỗ tương y tế (12/1966), Hiệp định hợp tác vận tải hàng không dân dụng (1/1977), Hiệp định vận tải biển (3/5/2002); Hiệp định thương mại (3/5/2002); Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (3/5/2002); Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (3/5/2002).

Dưới sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo hai nước, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam – CHDCND Triều Tiên sẽ có bước phát triển mới xứng tầm quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai nước. Hai nước cũng duy trì tốt quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục và giao lưu hữu nghị.

CHDCND Triều Tiên đã giúp đào tạo hàng trăm sinh viên Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Nhiều người trong số họ đã và đang giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước, tích cực đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước cũng như tăng cường quan hệ hữu nghị Việt-Triều.

Hàng năm, Việt Nam đều cử đoàn nghệ thuật sang CHDCND Triều Tiên dự Liên hoan nghệ thuật mùa xuân tháng 4 tổ chức tại Bình Nhưỡng, các tiết mục biểu diễn được đánh giá và đạt giải cao. Các huấn luyện viên nước bạn đã và đang giúp huấn luyện cho đội tuyển quốc gia Việt Nam các môn Taekwondo, bóng đá nữ...

Hội hữu nghị Việt-Triều và Hội Hữu nghị Triều-Việt đã trở thành cầu nối quan trọng, góp phần thúc đẩy và phát triển quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Hai Hội đã thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị, các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của hai nước.

Trên cơ sở những thành tựu hợp tác trong 60 năm qua (31/1/1950-31/1/2010) và tiềm năng hợp tác trong thời gian tới, với sự quan tâm và nỗ lực chung của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và CHDCND Triều Tiên sẽ tiếp tục phát triển phù hợp với thời đại mới, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên