AMM 53: ASEAN tiếp tục triển khai các sáng kiến hợp tác ứng phó với Covid-19.
VOV.VN - Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53, vai trò và nỗ lực của Chủ tịch ASEAN, Việt Nam tiếp tục được các nước đánh giá cao.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 và các hội nghị liên quan chính thức khai mạc hôm nay 9/9 theo hình thức trực tuyến.
Diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 7-12/9, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 53 (AMM-53) và các Hội nghị liên quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các sáng kiến, đề xuất hợp tác ứng phó với dịch Covid-19 cũng như các thách thức an ninh phi truyền thống, chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 diễn ra vào tháng 11 năm nay. Trong đó, vai trò và nỗ lực của Chủ tịch ASEAN, Việt Nam tiếp tục được các nước đánh giá cao.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 và các hội nghị liên quan là một trong những sự kiện quan trọng hàng đầu trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Các Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng trở nên gay gắt, tình hình Biển Đông, vấn đề người tị nạn Rohingya ở bang Rakhine, Myanmar… tiếp tục là điểm nóng. Dịch Covid-19 bùng phát và các đợt dịch mới, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế khu vực và thế giới, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị AMM-53 và các Hội nghị liên quan có ý nghĩa quan trọng, là dịp để các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các đối tác trao đổi, kiểm điểm, điều phối về quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN ở cả 3 trụ cột và triển khai các ưu tiên trong năm ASEAN 2020, thảo luận về định hướng hợp tác tương lai của ASEAN, thống nhất quan điểm và tiếng nói chung của ASEAN đối với các vấn đề quốc tế và khu vực; tăng cường hợp tác bền vững, hiệu quả giữa ASEAN với các đối tác, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN; nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN, chuẩn bị góp phần chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11/2020.
Trong 4 ngày diễn ra Hội nghị sẽ diễn ra nhiều sự kiện quan trọng: Hội đồng Điều phối ASEAN lần thứ 27, Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+1 (PMC) với 10 Đối tác đối thoại, Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 (APT) lần thứ 21, Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 10, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 27, Phiên họp đặc biệt Hội đồng Điều phối ASEAN về phát triển tiểu vùng, Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về tăng cường vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh bền vững....
Qua đó, ASEAN tiếp tục đẩy mạnh triển khai các sáng kiến, đề xuất hợp tác ứng phó dịch Covid-19... Cùng đó là tập trung rà soát tiến độ và đảm bảo chất lượng triển khai các ưu tiên, sáng kiến lớn đã thoả thuận cho năm 2020, như đánh giá giữa kỳ các Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trình hội nghị cấp cao lần thứ 37, xây dựng tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025...
Dự kiến sẽ có khoảng 40 văn kiện được xem xét, ghi nhận và thông qua tại các Hội nghị lần này. Trong đó, đáng chú ý là Thông cáo chung của Hội nghị AMM-53, Kế hoạch hành động Hà Nội 2 của Diễn đàn khu vực (ARF) nhằm định hướng cho hoạt động và hợp tác của ARF giai đoạn 2020-2025…
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy đoàn kết, duy trì đà hợp tác và xây dựng Cộng đồng ASEAN vì lọi ích chung của cả Cộng đồng. Các ưu tiên sáng kiến của Chủ tịch ASEAN 2020 Việt Nam như đánh giá giữa kỳ triển khai các Kế hoạch tổng thể Cộng đồng ASEAN 2025, kiểm điểm thực hiện Hiến chương ASEAN, thảo luận định hướng xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, gắn kết phát triển tiểu vùng với xây dựng Cộng đồng ASEAN của Việt Nam… được các nước thành viên và đối tác ủng hộ, phối hợp triển khai theo đúng kế hoạch đề ra.
Đáng chú ý, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Việt Nam, Chủ tịch ASEAN 2020, cũng cho thấy sự linh hoạt và chủ động, dẫn dắt hiệu quả các nước thành viên ASEAN ứng phó với dịch bệnh. Nhiều hội nghị trực tuyến như Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh Covid-19, các Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác (Trung Quốc, Mỹ, Nga, EU…) đã được tổ chức thành công, nhiều sáng kiến cụ thể, thực chất về ứng phó Covid-19 như thành lập Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, Kho dự trữ vật tư y tế khu vực, xây dựng Kế hoạch phục hồi toàn diện ASEAN… được đề xuất, nhận được nhiều đánh giá tích cực của dư luận trong nước, khu vực và quốc tế.
Những sáng kiến và sự chủ động tích cực ấy tiếp tục khẳng định hình ảnh và vị thế của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Qua đó, tạo dựng sự đồng thuận, củng cố sự đoàn kết, thống nhất, tăng cường gắn kết, tương trợ lẫn nhau; nâng cao năng lực hợp tác, chủ động của ASEAN ứng phó hiệu quả trước các thách thức khu vực và quốc tế trong đó có đại dịch Covid-19 trên tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng” như khẩu hiệu mà Chủ tịch ASEAN 2020 đề ra./.