APF thống nhất thông qua Tuyên bố Cần Thơ
VOV.VN - Ngày 24/1, tại Cần Thơ, Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) đã bế mạc sau 2 ngày làm việc.
Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Liên minh Nghị viện Pháp ngữ, Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Cameroun Hilarion ETONG, Hội nghị đã hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự, trong đó tập trung thảo luận về “Cộng đồng Pháp ngữ trước những biến động trật tự toàn cầu”, nghe báo cáo của Tổng Giám đốc Tổ chức quốc tế Pháp ngữ Caroline St-Hilaire và trao đổi về sự hợp tác của OIF và APF để phối hợp xây dựng hợp tác đa phương đoàn kết.
Các đại biểu thành viên Ban Chấp hành cũng xem xét báo cáo về tình hình khủng khoảng chính trị tại một số quốc gia thành viên, báo cáo hoạt động của các Ủy ban, các khu vực, việc kết nạp các thành viên mới, các chương trình hợp tác liên nghị viện và thông qua ngân sách, chương trình hoạt động trong năm 2025…
Tại Hội nghị, Ban Chấp hành APF đã thống nhất thông qua Tuyên bố Cần Thơ về hợp tác Pháp ngữ về Nông nghiệp bền vững, An ninh lương thực và Ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuyên bố này là một trong những kết quả quan trọng đã đạt được sau Diễn đàn nghị viện với chủ đề Hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu, do Quốc hội Việt Nam đề xuất sáng kiến và tổ chức ngày 21/1/2025 tại Cần Thơ nhân dịp Hội nghị Ban Chấp hành APF. Tuyên bố này sẽ tiếp tục được APF xem xét, đưa vào chương trình nghị sự phù hợp của Đại hội đồng và các cơ chế liên quan.
Theo đó, Tuyến bố Cần Thơ có nội dung khuyến khích các nghị sĩ và nghị viện thành viên Pháp ngữ tiếp tục hành động mạnh mẽ và hợp tác chặt chẽ hơn nữa nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững nhằm đảm bảo an ninh lương thực, đặc biệt trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, khuôn khổ chính sách, định hướng chiến lược bảo đảm mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm tạo động lực và đồng hành cùng các Chính phủ thành viên trong hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với mục tiêu và các nguyên tắc liên quan của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, Thỏa thuận Paris, các hiệp định liên quan và điều kiện thực tế của các nước và vùng lãnh thổ thành viên Pháp ngữ;
Khuyến khích tăng cường hợp tác giữa các nghị viện, các chính phủ trong thực hiện các sáng kiến chung, chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt, hỗ trợ nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ, tăng cường nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các giải pháp nhằm thúc đẩy nông nghiệp bền vững và tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng của hệ thống lương thực và nông nghiệp toàn cầu trước biến đổi khí hậu;
Khuyến khích các nước và vùng lãnh thổ thành viên cộng đồng Pháp ngữ tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy giáo dục, đổi mới sáng tạo và ứng dụng các tiến bộ về khoa học công nghệ trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực thích ứng với biến đổi khí hậu;
Tuyên bố Cần Thơ nhấn mạnh, phấn đấu vì một nền nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu thông qua việc áp dụng các công nghệ canh tác phù hợp và các thực hành quản lý nguồn tài nguyên bền vững, bao gồm hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và trao quyền cho người nông dân với kiến thức và công cụ.
Trên tinh thần đó, Tuyên bố Cần Thơ kêu gọi các nước và vùng lãnh thổ thành viên tiếp tục hoàn thiện chính sách, chương trình, chiến lược và sáng kiến nhằm thúc đẩy việc ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực thông qua việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, khuyến khích việc thiết lập các cơ chế tài chính xanh, các sáng kiến ứng dụng cũng như tiếp cận và chuyển giao công nghệ mới, bền vững trong phát triển nông nghiệp;
Kêu gọi các nghị viện, thông qua hoạt động lập pháp và giám sát của mình về khí hậu ở cấp khu vực, quốc gia và địa phương, chú trọng đến việc hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương trước hậu quả của biến đổi khí hậu, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, cũng như phát huy vai trò của thanh niên trong thực hiện các sáng kiến của từng nước và trong nỗ lực chung của cộng đồng Pháp ngữ;
Hỗ trợ các thực hành canh tác nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao khả năng thích ứng và giảm thiểu phát thải khí nhà kính; và khuyến khích các nước và vùng lãnh thổ thành viên Pháp ngữ sử dụng công công nghệ tiên tiến phát thải thấp và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để cải thiện khả năng chống chịu trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Tuyên bố Cần Thơ cũng hoan nghênh sáng kiến của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc tổ chức Diễn đàn hợp tác nghị viện Pháp ngữ nhằm thảo luận về các biện pháp góp phần thúc đẩy và tăng cường hợp tác trong không gian Pháp ngữ nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu và khuyến khích việc các sáng kiến tương tự liên quan của các nghị viện thành viên cộng đồng Pháp ngữ.