ASEAN và Ấn Độ tương đồng về tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
VOV.VN - Cả ASEAN và Ấn Độ đều ưu tiên củng cố phát triển mối quan hệ này, coi đây là một trong những nền tảng để đẩy mạnh phục hồi, tranh thủ thêm nguồn lực và duy trì quan hệ cân bằng, để thực hiện các chiến lược của mình.
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaishankar, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ tham dự Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Ấn Độ (SAIFMM) và có các hoạt động song phương tại Ấn Độ từ ngày 15 - 17/6.
Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Ấn Độ là hoạt động trong khuôn khổ kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN - Ấn Độ, nhằm đẩy mạnh hợp tác, phối hợp lập trường giữa hai bên trong bối cảnh thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp. Cả ASEAN và Ấn Độ đều ưu tiên củng cố phát triển mối quan hệ này, coi đây là một trong những nền tảng để đẩy mạnh phục hồi, tranh thủ thêm nguồn lực và duy trì quan hệ cân bằng, để thực hiện các chiến lược của mình. Nhân dịp này, phóng viên thường trú Đài TNVN tại Ấn Độ phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu về nội dung của hội nghị cũng như quan hệ đối tác đối thoại ASEAN - Ấn Độ sau 30 năm hình thành, phát triển.
PV: Thưa Đại sứ Phạm Sanh Châu, trong tuần này, ASEAN và Ấn Độ sẽ tổ chức Hội nghị Đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao giữa hai bên lần đầu tiên tại New Delhi. Vậy xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của sự kiện này?
Đại sứ Phạm Sanh Châu: Trước tiên phải khẳng định rằng, quan hệ giữa Ấn Độ và 10 nước ASEAN là mối quan hệ rất tốt đẹp. Bởi vì Ấn Độ thực hiện chính sách, thứ nhất là "Hành động phía Đông", thứ hai là chính sách "láng giềng gần gũi". ASEAN đều thuộc vào những tiêu chí này của Ấn Độ. Vì thế, Ấn Độ đã dành những ưu tiên đặc biệt đối với ASEAN.
Năm nay kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN- Ấn Độ. Vì thế chính phủ Ấn Độ đề xuất và được các nước ASEAN đồng ý tổ chức Hội nghị đặc biệt giữa ASEAN và Ấn Độ. Việc 10 Ngoại trưởng các nước ASEAN đến Ấn Độ để dự Hội nghị này, qua đó kiểm điểm lại tình hình hợp tác giữa hai bên. Điều này thể hiện sự quan tâm, mong muốn thúc đẩy quan hệ của cả 2 bên Ấn Độ và ASEAN. Nếu chúng ta nhớ lại rằng, chỉ cách đây 4 năm, 10 Nguyên thủ các nước ASEAN đã dự Ngày Cộng hòa của Ấn Độ. Điều này thể hiện sự cam kết rất lớn của các nước ASEAN. Chúng ta có thể hình dung được lợi ích khi 10 nguyên thủ đến một nước để tổ chức Hội nghị. 4 năm sau lại có 10 Ngoại trưởng các nước ASEAN đến Ấn Độ. Điều này thể hiện các nước ASEAN rất coi trọng Ấn Độ.
Điều thứ hai ta có thể nhận thấy, đây là thời điểm bước ngoặt trong quan hệ giữa ASEAN và Ấn Độ. Vì vậy các nước quyết định, nhân dịp này ngoài việc kiểm điểm hợp tác để tìm kiếm những bước đột phá mới trong thời gian tới. Singapore, quốc gia điều phối trong quan hệ giữa ASEAN và Ấn Độ, sẽ đề xuất các kế hoạch hành động mới. Do đó, tôi tin tưởng rằng, Hội nghị sẽ chắc chắn sẽ thành công tốt đẹp.
PV: ASEAN và Ấn Độ đã trải qua 30 năm thiết lập quan hệ Đối tác Đối thoại. Vậy ông đánh giá thế nào về mối quan hệ này trong 3 thập kỷ qua?
Đại sứ Phạm Sanh Châu: ASEAN có quan hệ đối thoại với rất nhiều nước, trong đó có 8 nước chính. Ấn Độ là đối tác rất quan trọng. Nhìn lại lịch sử quan hệ trong 30 năm qua, chúng ta thấy có rất nhiều tiến bộ, mặc dù chưa được hoàn toàn như kì vọng của hai bên. Tuy nhiên, quan hệ hai bên đã phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Đầu tiên phải nói đến là quan hệ kinh tế thương mại giữa ASEAN và Ấn Độ đã tiến triển rất nhanh. Lấy ví dụ từ Việt Nam. Từ năm 2000, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với Ấn Độ nhưng chỉ khoảng 200 triệu USD. Hiện nay, con số này đã là khoảng 13 tỷ USD. Các quốc gia khác cũng như vậy, thương mại giữa hai bên đã tăng khá nhanh.
Điểm thứ hai là về an ninh chính trị. Hai bên có khá nhiều quan điểm tương đồng trong các vấn đề quốc tế, khu vực, đặc biệt là vấn đề Biển Đông khi mà hai bên đều có tầm nhìn đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. ASEAN có tầm nhìn của ASEAN, trong khi Ấn Độ có tầm nhìn của Ấn Độ.
Trong 2 tầm nhìn đó, ta thấy được nhiều điểm tương đồng. Thứ nhất, Ấn Độ rất coi trọng vai trò trung tâm, vai trò dẫn dắt của ASEAN. Thứ hai, Ấn Độ rất coi trọng sự thượng tôn của pháp luật. Thứ ba, hai bên đều mong muốn xây dựng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, hòa bình, ổn định, phát triển và tuân theo luật pháp quốc tế. Thứ tư, trên các vấn đề quốc tế, đại đa số các nước ASEAN và Ấn Độ có cùng quan điểm ủng hộ hòa bình và lẽ phải. Thứ năm, hợp tác lớn giữa ASEAN và Ấn Độ là hợp tác trên lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ. Đây là các bước phát triển rất là lớn giữa hai bên và hai bên đều có những dự án rất cụ thể và đáng chú ý. Thứ sáu, là hợp tác về kết nối.
Trong 30 năm qua, hai bên đã kết nối rất tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng không. Ngay cả đối với Việt Nam, nếu ngày mai chúng ta có chuyến bay thẳng của Vietnam Airlines thì đó là sự kết nối góp phần vào sự kết nối về mặt hàng không giữa các nước ASEAN và Ấn Độ. 30 năm qua chúng ta chưa có sự kết nối như vậy. Chúng ta có sự kết nối về đường bộ, mặc dù một số dự án còn chậm. Tuy nhiên, triển vọng phát triển vẫn rất tốt. Chúng ta hi vọng một ngày nào đó chúng ta có tuyến đường bộ đi thẳng từ New Delhi qua vùng Đông Bắc của Ấn Độ, qua Myanmar, Thái Lan, Lào đi thẳng tới Hà Nội.
Điểm cuối cùng là quan hệ giao lưu nhân dân giữa hai bên rất lớn. Chúng ta có thể thấy số lượng du lịch của hai bên ngày càng tăng. Lực lượng Ấn kiều sinh sống tại khu vực Đông Nam Á ngày càng lớn. Điều đó thể hiện quan hệ rất sâu sắc dưới góc độ nhân dân hai nước, đặc biệt là bắt nguồn từ lịch sử, cũng như bắt nguồn từ giao lưu về văn minh và văn hóa giữa hai bên.
PV: Trong 30 năm quan hệ Đối tác Đối thoại ASEAN - Ấn Độ, Việt Nam, với tư cách là một thành viên tích cực của ASEAN, đã có những đóng góp gì cho mối quan hệ này, thưa Đại sứ?
Đại sứ Phạm Sanh Châu: Trước tiên phải nói rằng trong ASEAN, Việt Nam có lợi thế rất thuận lợi khi có mối quan hệ rất tốt đẹp, mang tính truyền thống, hữu nghị đối với Ấn Độ. Mối quan hệ này không hề suy chuyển trong suốt thời gian qua. Nó chỉ ngày càng tốt lên. Chính vì lợi thế này, Việt Nam có vị trí tương đối thuận lợi trong việc kết nối Ấn Độ và các quốc gia thành viên còn lại của ASEAN. Chính trong nhiệm kỳ Việt Nam làm điều phối viên quan hệ giữa Ấn Độ và các nước ASEAN, chúng ta đã tổ chức được Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa lãnh đạo của Ấn Độ với lãnh đạo 10 nước ASEAN.
Cũng trong giai đoạn đó, chúng ta đã thúc đẩy được quan hệ giữa ASEAN và Ấn Độ lên tầm cao mới. Đồng thời, Việt Nam và Ấn Độ có nhiều quan điểm khá tương đồng trên nhiều lĩnh vực quốc tế. Hai nước đã thể hiện quan điểm này khi là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong năm 2021. Chính vì vậy, chúng ta có thể có tiếng nói tích cực hơn, thuận lợi hơn. Đấy là chưa kể, chúng ta khá gần gũi với Ấn Độ về mặt tôn giáo, văn hóa, lịch sử và nhiều khía cạnh khác. Hai bên có sự gắn kết rất chặt chẽ giữa lãnh đạo hai bên. Với vị thế như vậy của Việt Nam và với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và đa dạng hóa đa phương hóa, Việt Nam đã đóng vai trò rất tích cực để làm đậm nét hơn quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN.
PV: Năm 2022 cũng là năm Việt Nam - Ấn Độ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Xin Đại sứ cho biết những đánh giá về mối quan hệ hữu nghị truyền thống này, cũng như triển vọng của mối quan hệ hai nước?
Đại sứ Phạm Sanh Châu: Phải nói rằng năm 2022 là năm đặc biệt ở 3 góc độ. Thứ nhất, Việt Nam và Ấn Độ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là một mối quan hệ son sắt, thủy chung, tình nghĩa, hỗ trợ lẫn nhau. Đây cũng là năm chúng ta kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ giữa ASEAN và Ấn Độ. Và điều đặc biệt là năm nay Ấn Độ kỷ niệm 75 năm ngày độc lập. Chính vì trong bối cảnh như vậy, tất cả các điểm đều hội tụ về năm 2022.
Năm nay đã mở ra rất nhiều điểm nhấn trong quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ, cũng như trong quan hệ giữa ASEAN và Ấn Độ. Riêng quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ đã có một vài điểm nhấn đáng chú ý. Thứ hai là quan hệ hợp tác giữa hai bên tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt là quan hệ hợp tác quốc phòng khi gần đây là chuyển thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy các chuyến thăm cấp cao như chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Ấn Độ thăm Việt Nam, và chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới Ấn Độ cuối năm ngoái. Các chuyến thăm này tiếp tục giữ được đà quan hệ. Quan hệ thương mại hai nước tiếp tục phát triển, tiếp tục có những đỉnh cao mới. Chúng ta hi vọng rằng mục tiêu thương mại song phương đạt 15 tỷ USD sẽ sớm đạt nước.
Thứ ba, chúng ta nhìn thấy sự bùng nổ về du lịch, quan hệ giao lưu nhân dân giữa hai nước, đặc biệt là việc mở các đường bay mới. Hãng hàng không Vietjet sẽ tiếp tục mở đường bay mới New Delhi - Phú Quốc và New Delhi - Đà Nẵng, trước đó là đường bay Mumbai- Hà Nội, Mumbai - Tp. Hồ Chí Minh. Vietnam Airlines ngày 15/6 sẽ mở đường bay thẳng Hà Nội - New Delhi và Tp. Hồ Chí Minh - New Delhi. Điều này chứng tỏ rằng tiềm năng du lịch giữa hai nước là rất lớn. Bên cạnh đó, một loạt các dự án mới đang manh nha hình thành, tạo làn sóng mới của các nhà đầu tư Ấn Độ và Việt Nam. Nhìn lại, chúng ta thấy rằng năm 2022 là một năm rất tích cực từ nhiều góc độ khác nhau trong quan hệ song phương giữa Việt Nam - Ấn Độ và trong quan hệ đa phương giữa Việt Nam của ASEAN với Ấn Độ.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ!